Hiểu nhầm luật nghĩa là trong điều kiện luật được diễn đạt rất rõ ràng và có thể được tất cả người bình thường hiểu theo cùng một cách, có một người nào đó, cũng bình thường, lại hiểu theo cách trái ngược

Tất nhiên, nếu dựa vào sự hiểu nhầm luật mà ứng xử, thì đó có nghĩa là làm trái luật, làm bậy. Chẳng hạn luật nói rằng xe mô tô phải chạy tối thiểu 60km/h, nhưng cảnh sát giao thông ở Bắc Ninh đọc luật lại nhầm tưởng rằng xe chỉ được phép chạy đến 60km/h là tối đa. Thế là công lực cứ thấy ai lái xe mô tô chạy xe trên 60km/h thì gọi đến phạt.

Trong xã hội được tổ chức tốt, tìm hiểu luật là một trong những quyền cơ bản, đồng thời là một trong những nghĩa vụ cơ bản của chủ thể. Nghĩa vụ, bởi không ai được phép, khi có hành vi phạm pháp, nói rằng mình đã làm sai luật chỉ vì không biết; quyền, được hiểu là mỗi chủ thể được tự do tiếp xúc, phân tích luật và hành động theo cách hiểu luật của riêng mình.

Do mỗi người đều có quyền tự mình tìm hiểu luật mà một khi có một người nào đó hiểu nhầm luật, thì xã hội thường sẽ nhận biết nhanh chóng. Đơn giản, trong điều kiện mọi người ứng xử giống nhau một cách có ý thức trong cùng một tình huống, thì việc một người làm khác đi tự nhiên trở thành một hiện tượng kỳ quặc.

.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  

Đặc biệt, người chịu sự tác động trực tiếp của hành vi ứng xử khác thường không chỉ nhận biết sự hiểu nhầm luật, mà sẽ phản ứng chống lại. Phản ứng này có nguồn gốc không chỉ từ bản năng sống, mà còn từ việc thực hiện quyền tự vệ chính đáng của chủ thể. Người bị phạt do nhân viên công lực hiểu nhầm luật sẽ từ chối nộp phạt, rồi chỉ ra sự vô lý trong quyết định của người phạt. Nhờ bị phản ứng, người ứng xử không đúng mực do hiểu nhẩm luật có điều kiện nhận ra sai lầm của mình và, nếu biết tự trọng, thì sẽ từ bỏ cách xử sự đó.

Trong xã hội thụ động, luật được hiểu qua lăng kính của nhà chức trách công. Thông qua các kênh thông tin được quản lý chặt chẽ, nhà chức trách giới thiệu nội dung, giải thích và hướng dẫn cách thực thi pháp luật cho toàn xã hội. Mọi chủ thể đều phải dựa vào sự giải thích, hướng dẫn ấy khi ứng xử trong giao tiếp pháp lý.

Không được phép sử dụng cách hiểu luật của riêng mình, chủ thể cũng chẳng có nhu cầu tự mình tiếp xúc để tìm hiểu luật: để xử sự, chỉ cần đọc các văn bản hoặc lắng nghe các lời giải thích, hướng dẫn thi hành luật của cấp có thẩm quyền là đủ. Tất nhiên, chừng nào chưa có giải thích, hướng dẫn, thì không ai được làm gì, ngay nếu như luật đã có quy định cho phép. Trong khung cảnh ấy, hiện tượng kỳ quặc không phải là hành động theo sự hiểu nhầm luật, mà là hành động (dù là theo đúng luật) khi nhà chức trách chưa phát hiệu lệnh.

Cơ chế thực thi pháp luật ấy chi phối cả thành viên trong bộ máy quản lý, cũng như người dân thường: cấp thuộc quyền phải chờ nghe, rồi nói và làm theo đúng sự chỉ đạo của cấp trên. Điều đó giải thích tại sao một luật, đã được cơ quan lập pháp thông qua hợp lệ và có hiệu lực, vẫn phải chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, thông tư chờ công văn,… để đi vào cuộc sống.

Trong khuôn khổ vận hành của cơ chế này, nếu một vị trí nào đó hiểu nhầm luật thì các vị thấp hơn đều làm sai do hệ quả dây chuyền. Trong vụ cảnh sát giao thông hiểu nhầm luật, hẳn có ai đó trong các cấp chỉ huy đã ra lệnh xử phạt người nào lái mô tô chạy trên 60km/h, cảnh sát giao thông trực tiếp xử phạt chỉ làm nhiệm vụ thừa hành.

Chuyên nhận và thi hành lệnh, một cách hoàn toàn thụ động như một cái máy, cấp thừa hành trong bộ máy có xu hướng trở nên lười nhác và dốt luật. Có thể hiểu tại sao một số quan chức có thẩm quyền của ngành giao thông vận tải, khi trả lời phỏng vấn báo chí về việc xử phạt người điều khiển xe chạy dưới tốc độ tối thiểu, lại khẳng định rằng luật hiện hành chưa có quy định về xử phạt trong trường hợp này.

Cũng vì quen sống thụ động trong cơ chế thông tin luật pháp một chiều mà hầu như tất cả những người bị cảnh sát xử phạt oan đã không hề nghĩ đến chuyện tìm hiểu xem việc xử phạt là đúng hay sai. Cứ như thế, quan hệ chế tài được xác lập từ sự lẫn lộn, ngộ nhận của các chủ thể về chuẩn mực. Mãi đến khi ai đó (báo chí) tình cờ phát hiện sự nhầm lẫn và lên tiếng đánh động dư luận, thì các bên mới giật mình tỉnh ngộ, như người vừa thoát khỏi cơn mộng du.

Mọi thứ diễn ra giống hệt trong câu chuyện cổ Đan Mạch Ông vua không mặc quần áo mẹ kể thuở nhỏ.

SOURCE: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ – TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Trích dẫn từ: http://www.saigontiepthi.vn/

 (MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

——————————————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *