Xin chào Luật sư! Xin Luật sư tư vấn giúp tôi một vấn đề như sau:

Năm 1994 tôi có mua một mảnh đất của bà A với diện tích là (rộng 10m x dài 30m=300m2) trong tổng diện tích 900m2 của bà A.Nên bà A còn (rộng 20m x dài 30m). Nhưng năm 2005 nhà B có đất liền kề có xây hàng rào trên phạm vi đất của tôi.Tôi đã có đơn kiến nghị lên xã, huyện. Vấn đề ở đây là trong sổ đỏ nhà bà A rộng 30m, nhà ông B cũng rộng 30m nhưng thực trạng đất ngoài chỉ có 50m. Vậy Ai cũng nói là đất của mình cả. Tất cả sổ đỏ đều hợp pháp. Sổ đỏ mà tôi mua thửa đất của bà A cũng hợp pháp, đóng thuế đầy đủ cả. Tuần trước chúng tôi lên UBND xã hòa giải nhưng không thành. Vậy xin hỏi nếu hòa giải không thành thì mình giải quyết theo hướng nào? Nếu lên tòa thì tòa sẽ xử lý như thế nào? Xin cảm ơn Luật sư!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật đất đai Nptlawyer.com ;.

Luật sư tư vấn luật đất đai gọi : 

Trả lời:

Xin chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Nptlawyer.com ;. Chúng tôi xin được trả lời bạn như sau:

 

Cơ sở pháp lý

Luật đất đai 2013,

Nghị định 43/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đất đai

Nội dung trả lời:

Theo thông tin bạn cung cấp, thì thời gian hoà giải của các đương sự mới diễn ra trong 1 tuần. Khoản 1 Điều 202 Luật đất đai 2013 quy định: Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Việc hoà giải tại UBND xã (hoà giải cơ sở) cần tiến hành đúng các thủ tục theo quy định. Quy định về trình tự hoà giải tại UBND xã như sau:

Điều 88 Nghị định 43/2014:

1. Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

a) Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;

b) Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

c) Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

2. Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, gồm có các nội dung: Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải; thành phần tham dự hòa giải; tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu); ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai; những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.

Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời phải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

3. Sau thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.

4. Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định tại Khoản 5 Điều 202 của Luật Đất đai.

Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.

Như vậy, bạn cần chắc chắn rằng việc hoà giải được thực hiện đúng thủ tục như trên. Chỉ khi hoà giải không thành thì mới gửi đơn kiện lên Toà án. Toà án cũng chỉ thụ lý vụ việc khi hoà giải tại cơ sở được tiến hành đúng trình tự. Và khi lên Toà thì cũng sẽ tiếp tục hoà giải, vì đây là thủ tục bắt buộc. Do vậy, tốt hơn hết là bạn và các đương sự hãy hoà giải tại cơ sở để thuận tiện cho tất cả các bên cũng như hạn chế các thủ tục phiền phức.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật đất đai.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *