Chào Nptlawyer.com ; Tôi xin được tư vấn thủ tục ly hôn với trường hợp là phụ nữ khuyết tật, rất mong được giải đáp và giữ kín nội dung xin tư vấn.

Tôi và chồng có đăng ký kết hôn trước khi sinh con, tuy nhiên chúng tôi chưa từng sống chung, chưa tổ chức đám cưới, cũng không có tài sản chung hay nợ chung. Con chung của chúng tôi cũng không hề được bên nội cũng như bố thăm hỏi (kể cả qua điện thoại) và chu cấp. Về mặt pháp luật, chúng tôi là vợ chồng nhưng về mặt xã hội và gia đình, chúng tôi không phải. Tôi là người khuyết tật, được sở thương binh và xã hội chứng nhận là khuyết tật đặc biệt nặng. Tuy nhiên tôi có học vấn cao, có nghề nghiệp và thu nhập, kinh tế gia đình cũng nổi bật hơn gia đình chồng nhiều lần. Chồng tôi tuy khỏe mạnh bình thường, nhưng về mặt học thức, công việc, thu nhập, kinh tế gia đình đều thua kém tôi rất nhiều. Hơn nữa, gia đình tôi có nền tảng giáo dục tốt hơn, chưa từng xảy ra bất hòa trong gia đình và với hàng xóm, trong khi gia đình chồng có mẹ chồng buôn bán, bố chồng nghiện rượu, hay cãi chửi nhau với xóm làng, bố chồng cũng từng vác dao đuổi chị gái ruột vì tranh chấp tài sản. Nay tôi muốn ly hôn nhưng lo ngại tòa sẽ xử cho chồng tôi quyền nuôi con vì tình trạng khuyết tật của tôi (trường hợp có tranh chấp nuôi con). Vậy tôi xin hỏi, làm như thế nào để có thể được tòa xử cho quyền nuôi con? – Con tôi bây giờ mới sinh được 1 tuần. – Tôi có cần có hợp đồng lao động hay tài khoản ngân hàng để chứng minh thu nhập cao hơn chồng không? Nếu cần thì hợp đồng lao động phải như thế nào? – Tôi có cần nhân chứng chứng minh chồng tôi chưa từng thăm hỏi hay chu cấp cho con tôi từ thời gian mang thai đến khi chào đời không? Tôi cần chứng minh rằng gia đình tôi đủ khả năng nuôi dạy con tốt, không có bạo lực và đầy đủ hơn hẳn bên nội không? – Học vấn và nghề nghiệp tốt có giúp tôi có lợi thế chút nào không? – Nếu đơn xin ly hôn là chồng tôi viết, kèm theo từ chối chu cấp hay từ chối quyền nuôi con thì sau này, chồng tôi có thể khiếu nại giành lại quyền nuôi con không? Ngoài chồng tôi, ông bà nội có quyền khiếu nại giành quyền nuôi con với tôi không? – Nếu chưa ly hôn với tôi mà chồng tôi tổ chức đám cưới với người khác, tôi có thể kiện chồng tôi vi phạm luật hôn nhân gia đình để ly hôn không? Tôi thực sự rất muốn ly hôn nhưng rất sợ bị tòa xử không cho quyền nuôi con vì tình trạng khuyết tật, mặc dù mọi điều kiện của tôi đều tốt hơn hẳn chồng và con tôi dưới 36 tháng. Kính mong Nptlawyer.com ; sẽ giúp tôi tư vấn để có thể ly hôn mà vẫn được nuôi con.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục hỏi đáp pháp luật hôn nhân của Nptlawyer.com ;

 

Trả lời:

Kính gửi Quý khách hàng, Với câu hỏi của bạn, Nptlawyer.com ; xin được hỗ trợ và giải đáp như sau:

Căn cứ pháp lý:

– Luật Người khuyết tật 2010

– Luật Hôn nhân & Gia đình 2014

Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009.

– Nghị định số 110/2013/NĐ-CP  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

– Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/06/2000 của Quốc Hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình.

 

Nội dung tư vấn pháp luật:

1. Quyền nuôi con:

Theo trường hợp bạn đề cập, thì bạn là người khuyết tật, và được Bộ Lao động – Thương binh và xã hội chứng nhận là khuyết tật đặc biệt nặng. Và hiện bạn muốn tư vấn về việc ly hôn, đồng thời muốn được hưởng quyền nuôi con sau khi ly hôn. 

Thứ nhất, theo khoản 6 Điều 14 Luật Người khuyết tật 2010 về Những hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật quy định rằng:

"6. Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật." 

Bạn là người khuyết tật, nhưng nếu vì lí do này mà cá nhân hay tổ chức cản trở quyền nuôi con đối với bạn thì là hành vi trái pháp luật.

Thứ hai, căn cứ vào Điều 81 Luật Hôn nhân & Gia đình 2014 về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn quy định rằng:

"1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."

Căn cứ theo khoản 3 ở trên, với trường hợp của bạn, con của bạn mới được 1 tuần tuổi, tức là dưới 36 tháng tuổi, vậy thì con sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, tức là bạn có quyền được trực tiếp nuôi và chăm sóc con mình. 

Hơn nữa, như bạn đề cập bạn là người có học vấn cao, có nghề nghiệp và thu nhập, kinh tế gia đình cũng nổi bật hơn gia đình chồng nhiều lần. Chồng bạn tuy khỏe mạnh bình thường, nhưng về mặt học thức, công việc, thu nhập, kinh tế gia đình đều thua kém bạn. Hơn nữa, gia đình bạn có nền tảng giáo dục tốt hơn, chưa từng xảy ra bất hòa trong gia đình và với hàng xóm, trong khi gia đình chồng có mẹ chồng buôn bán, bố chồng nghiện rượu, hay cãi chửi nhau với xóm làng, bố chồng cũng từng vác dao đuổi chị gái ruột vì tranh chấp tài sản,…  Con chung của bạn và chồng bạn cũng không hề được bên nội cũng như chồng bạn thăm hỏi (kể cả qua điện thoại) và chu cấp. 

Như vậy xem xét đến quyền lợi về mọi mặt của con đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần của con;  thì bạn hoàn toàn có thể được hưởng quyền nuôi con mình nếu như có đủ các căn cứ để chứng minh được với Tòa án rằng bạn có đủ các điều kiện nêu trên. 

2. Nếu đơn ly hôn là chồng bạn viết, ở đây bạn cũng không có đề cập là ly hôn thuận tình hay ly hôn đơn phương, nên có một lưu ý như sau:

Theo khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định rằng: "Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi." 

Nếu như trong trường hợp của bạn, mà chồng bạn là người yêu cầu ly hôn, thì Tòa án sẽ giải quyết theo thủ tục chung và quyết định bác đơn yêu cầu xin ly hôn của chồng bạn. Và cho đến khi đứa con của vợ chồng bạn đủ 12 tháng tuổi thì chồng bạn mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. 
Còn trong trường hợp bạn cân nhắc và quyết định đồng ý ly hôn với chồng, đồng ý ký vào đơn xin ly hôn, Tòa án sẽ thụ lý đơn và giải quyết cho 2 bên ly hôn nếu có đủ căn theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân & Gia đình 2014: Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn. 

+ Tiếp theo, nếu như vợ chồng bạn ly hôn, mà chồng bạn lại từ chối chu cấp cho con thì bạn hoàn toàn có thể yêu cầu chồng bạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Điều 107 Luật Hôn nhân & gia đình 2014:

"1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này."

Căn cứ vào điều luật tôi viện dẫn ở trên, bạn và chồng bạn có thể tự thỏa thuận với nhau về mức cấp dưỡng cũng như phương thức cấp dương cho con sau khi 2 người ly hôn. Tuy nhiên, nếu không thỏa thuận được thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án buộc chồng bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con mình.

​3. Chưa ly hôn mà kết hôn với người khác:

Theo Điểm c) khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân & Gia đình 2014 quy định cấm hành vi:

"Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ"

Căn cứ theo điểm a) và b) Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP về Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn thì sẽ xử phạt như sau:

"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;"

Về xử lý trách nhiệm hình sự: Căn  cứ Điều 147 Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng quy định rằng:

"1. Người nào đang có vợ,có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Căn cứ vào điểm d khoản 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BTP ngày 03/01/2001 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/06/2000 của Quốc Hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về những trường hợp sau đây được coi nam và nữ chung sống với nhau như vợ, chồng:
"- Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;
– Việc họ chung sống với nhau được (một bên hay cả hai bên) gia đình chấp nhân;
– Việc họ chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;
– Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình."

Như vậy, nếu bạn và chồng bạn vẫn chưa tiến hành thủ tục ly hôn mà chồng bạn có tổ chức lễ cưới với người khác thì tùy theo mức độ, hậu quả gây ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định nêu trên.     

Trên đây là những giải đáp, hướng dẫn từ phía Nptlawyer.com ; cho thắc mắc của bạn. Nếu còn vướng mắc gì vui lòng liên hệ trực tiếp tới Công ty để chúng tôi tiếp tục hỗ trợ cho bạn.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hôn nhân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *