Luật Công chứng có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2007. Qua hơn 2 năm thực hiện Luật, đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, đặc biệt là trong việc công chứng các hợp đồng bảo đảm.

Thứ nhất là sự “lệch pha” giữa các quy định của pháp luật có liên quan. Thông thường, các hợp đồng, giao dịch bảo đảm liên quan đến các bên, đó là các tổ chức tín dụng và công dân, tổ chức có nhu cầu vay vốn. Theo quy định hiện hành về hợp đồng kinh tế thì hợp đồng bảo đảm được ký kết giữa các bên có liên quan không có quy định không bắt buộc phải xác định về giá trị tài sản mà bên bảo đảm đưa ra làm tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, theo quy định về công chứng thì việc xác định giá trị, tài sản trong giao dịch, hợp đồng bảo đảm là điều không thể thiếu. Từ đó đã gây khó khăn, bất cập cho chính các tổ chức tín dụng và bên muốn vay vốn, thông qua hình thức bảo đảm các tài sản. Bởi lẽ theo quy định, nếu hợp đồng bảo đảm tài sản không ghi giá trị của tài sản bảo đảm thì các công chứng viên sẽ không thể công chứng các hợp đồng đó. Nhiều ý kiến cho rằng, các giao dịch, hợp đồng bảo đảm tài sản giữa các tổ chức tín dụng và bên thứ hai không nhất thiết phải quy định về phần ghi giá trị tài sản; cần tôn trọng việc chấp thuận, chấp nhận giữa các bên (tổ chức tín dụng và bên thứ hai) về tài sản bảo đảm, giá trị tài sản. Trong trường hợp có xảy ra các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm giữa các bên thì các bên có thể tự giải quyết, tự chịu trách nhiệm về các thỏa thuận của mình theo các điều khoản được ghi trong hợp đồng và không trái với quy định của pháp luật, đạo đức xã hội. Mặt khác, pháp luật hiện hành cũng không quy định bắt buộc, không can thiệp các bên có liên quan (tổ chúc tín dụng và bên thứ hai) phải ghi rõ giá trị tài sản bảo đảm là cơ sở để được tính số tiền tối đa đối với tài sản bảo đảm trong quá trình tham gia giao dịch, hợp đồng.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  

Thứ hai là khó khăn trong quá trình bổ sung hợp đồng. Một thực tế hiện nay, đó là việc các tài sản của bên thứ hai đưa ra làm tài sản bảo đảm đối với các tổ chức tín dụng có thể thay đổi giá trị (tăng hoặc giảm) liên tục theo giá thị trường và xu hướng phát triển. Chẳng hạn như tài sản là quyền sử dụng đất thì có thể thay đổi liên tục nhiều lần trong một năm. Mặt khác, thông thường các hợp đồng giao dịch giữa các bên lại có thời hạn từ 3 đến 5 năm trở lên. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần phải có sự định giá đối với tài sản bảo đảm theo định kỳ để có thể nắm được giá trị của tài sản mà bên thứ hai đưa ra bảo đảm. Và như vậy, mỗi lần định giá sẽ dẫn đến phát sinh giá trị tài sản của hợp đồng. Theo quy định, khi trong hợp đồng, giao dịch có sự thay đổi thì các bên có liên quan cần phải liên hệ với tổ chức công chứng để tiến hành công chứng lại các giao dịch, hợp đồng đó. Như vậy rất khó khăn, tốn kém về thời gian, thủ tục và tiền của trong việc công chứng hợp đồng bảo đảm.

Thứ ba là khó khăn trong việc xác định tài sản để đưa ra bảo đảm. Theo quy định, bên thứ hai muốn đưa tài sản ra làm tài sản bảo đảm với các tổ chúc tín dụng để vay vốn thì phải chứng minh được nguồn gốc, chủ sở hữu của tài sản đó. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, cũng có những vướng mắc nhất định. Trong trường hợp một người độc thân đến Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng đề nghị công chứng hợp đồng bảo đảm với tổ chức tín dụng thì yêu cầu trước tiên là phải chứng minh tài sản đó có thuộc quyền ở hữu của người đó không, và điều quan trọng hơn cả là phải chứng minh là đang độc thân (nghĩa là không phải tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng). Đây là điều rất khó khăn đối với trường hợp người đó đã từng sinh sống, cư trú qua nhiều địa phương khác nhau. Theo quy định, nếu cá nhân đó cư trú qua nhiều địa phương khác nhau thì bắt buộc phải xin xác nhận của từng địa phương, tính từ thời điểm xác lập quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Như vậy sẽ rất phiền hà và mất thời gian, công sức của các bên có liên quan trong các quan hệ hợp đồng bảo đảm. Vì vậy, nên quy định việc cam kết, cam đoan của bên có liên quan về nguồn gốc, chủ sở hữu của tài sản đưa ra làm cơ sở để giao kết hợp đồng bảo đảm. Nói cách khác, cần có quy định “mở” về vấn đề này, tức là quy định việc bên thứ hai cam đoan, cam kết về nguồn gốc của tài sản khi đưa ra giao kết hợp đồng bảo đảm với các tổ chức tín dụng và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về những cam kết đó. Như vậy, mới tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công chứng các hợp đồng bảo đảm. Tạo điều kiện thuận lợi cho các công chứng viên, các tổ chức tín dụng, bên có nhu cầu vay vốn trong việc thực hiện công việc, nhiệm vụ của mình.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN – NGUYỄN XUÂN VIỄN

Trích dẫn từ:http://www.nguoidaibieu.com.vn/

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

————————————————-

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *