Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Quốc Việt – Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp

Tổ chức biên soạn: ThS. Đặng Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính, Bộ Tư pháp

Các tác giả: Nhóm chuyên gia pháp luật hành chính, Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp

 

Phần thứ nhất

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

I. KHÁI NIỆM VI PHẠM HÀNH CHÍNH, XỬ LÝ VI PHẠM  HÀNH CHÍNH

1. Khái niệm, bản chất, các yếu tố cấu thành vi phạm hành chính

Khi đề cập đến pháp luật xử phạt vi phạm hành chính thì một trong những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu là cơ sở của việc xử phạt hành chính. Cơ sở của việc xử phạt vi phạm hành chính là có hành vi vi phạm hành chính được pháp luật quy định. Việc nghiên cứu về khái niệm hành vi vi phạm hành chính vừa có ý nghĩa lý luận quan trọng vừa mang tính thực tiễn sâu sắc, bởi lẽ, chỉ khi định nghĩa được đúng về hành vi vi phạm hành chính mới có thể xác định được các vi phạm hành chính cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Xác định được đúng hành vi vi phạm hành chính, tức là xác định đúng cơ sở xử phạt, thì việc thực hiện xử phạt hành chính mới bảo đảm chính xác, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân, phát huy được hiệu quả và mục đích của việc xử phạt hành chính là nhằm lập lại trật tự quản lý nhà nước bị xâm hại, góp phần giáo dục, người vi phạm và răn đe, phòng ngừa vi phạm trong tương lai, tránh được sự tuỳ tiện trong xử phạt hành chính.

2. Trong thực tiễn thi hành và áp dụng pháp luật hiện nay, vi phạm hành chính thường được hiểu một cách chung nhất là hành vi vi phạm các quy tắc quản lý của Nhà nước nhưng không phải là tội phạm và bị xử lý theo thủ tục hành chính do những người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước tiến hành mà không phải là cơ quan Tòa án với các thủ tục tư pháp. Trước khi Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính năm 1989 được Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành thì các văn bản pháp luật chỉ đề cập đến khái niệm “vi cảnh”. Khái niệm này chính thức được sử dụng trong “Điều lệ xử phạt vi cảnh” ban hành kèm theo Nghị định số 143/CP của Hội đồng Chính phủ ngày 27/5/1977. Theo quy định của Điều lệ xử phạt vi cảnh thì tất cả những hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội mà có tính chất đơn giản, rõ ràng và hậu quả không nghiêm trọng, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc áp dụng các biện pháp hành chính khác là phạm pháp vi cảnh. Cũng theo quy định của Điều lệ xử phạt vi cảnh thì có 04 hình thức xử phạt vi cảnh, đó là: cảnh cáo; phạt tiền từ 01 đến 10 đồng; phạt lao động công ích từ 01 đến 03 ngày; phạt giam từ 01 đến 03 ngày. Bên cạnh đó, Điều lệ xử phạt vi cảnh cũng quy định tịch thu phương tiện dùng vào việc vi phạm tuỳ theo tính chất, mức độ của vi phạm; quy định thẩm quyền xử phạt với hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền cho cán bộ có thẩm quyền của các ngành Kiểm lâm, Thuỷ sản, Thương nghiệp, Y tế, Giao thông vận tải… trong khi thừa hành công vụ ngoài lực lượng cán bộ, chiến sĩ Công an là lực lượng có thẩm quyền áp dụng tất cả các hình thức xử phạt mà Điều lệ xử phạt vi cảnh quy định. Về sau, trong các văn bản pháp luật do Nhà nước ta ban hành, khái niệm “vi cảnh” được hiểu rộng hơn, không chỉ là những vi phạm luật lệ sinh hoạt nơi công cộng mà được hiểu là những vi phạm nhỏ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 2 của Điều lệ về phạt vi cảnh nói trên định nghĩa: “những hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội mà có tính chất đơn giản, rõ ràng và hậu quả không nghiêm trọng, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức xử phạt bằng các biện pháp hành chính khác là phạm pháp vi cảnh”[1].

            3. Ở một số nước trên thế giới, vi phạm hành chính thường được hiểu chung là các hành vi vi phạm pháp luật mà không phải là tội phạm, bị xử phạt bằng các chế tài hành chính. Ví dụ Pháp lệnh của Hội đồng bang Milaca, Minnesota[2] định nghĩa VPHC là hành vi vi phạm quy định của Pháp lệnh này và phải chịu các hình thức xử phạt hành chính theo quy định…”. Luật về xử phạt hành chính của Cộng hòa nhân dân Trung hoa năm 1996 (Điều 3) định nghĩa vi phạm hành chính là “hành vi vi phạm trật tự hành chính của công dân và pháp nhân hoặc các tổ chức khác, bị áp dụng các hình thức phạt hành chính được quy định bởi pháp luật theo quy định của Luật này và các hình thức xử phạt này được giao cho các cơ quan hành chính áp dụng theo thủ tục do Luật này quy định”. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật xử phạt vi phạm hành chính của Cộng hòa liên bang Nga[3] thì vi phạm hành chính được định nghĩa là “hành động (không hành động) của thể nhân hoặc pháp nhân, trái pháp luật, có lỗi và bị Bộ luật này hoặc các luật của Cộng hòa liên bang Nga quy định phải chịu trách nhiệm hành chính”.

            4. Trong pháp luật Việt Nam, khái niệm “vi phạm hành chính” lần đầu tiên được định nghĩa một cách chính thức tại Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính ngày 30/11/1989, Điều 1 của Pháp lệnh này quy định “vi phạm hành chính là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm quy tắc quản lý Nhà nước mà không phải là tội phạm hình sự và theo quy  định của pháp luật  phải bị xử phạt hành chính”. Định nghĩa này sau đó đã được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn thi hành pháp luật và đưa vào các giáo trình giảng dạy về pháp luật. Theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995 và sau đó là Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 thì khái niệm vi phạm hành chính không được định nghĩa riêng biệt nữa mà được đưa “lẩn” vào trong khái niệm “xử lý vi phạm hành chính”, nếu trích dẫn từ định nghĩa về “xử lý vi phạm hành chính” được quy định tại khoản 2 Điều 1 xử lý vi phạm hành chính năm 2002[4] thì vi phạm hành chính được hiểu là hành vi cố ý hoặc vô ý của cá nhân, tổ chức, vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”. Về ngôn ngữ thể hiện, có thể thấy có đôi chút khác nhau giữa định nghĩa về vi phạm hành chính được quy định trong các Pháp lệnh về xử phạt/xử lý vi phạm hành chính 1989, 1995 và 2002, tuy nhiên về bản chất hành vi vi phạm hành chính thì các định nghĩa trong các văn bản pháp luật này, về cơ bản, không có gì khác nhau. Theo chúng tôi, định nghĩa “vi phạm hành chính” có 04 dấu hiệu cơ bản sau đây:

            Thứ nhất, vi phạm hành chính là hành vi trái pháp luật, vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước; tác hại (tính nguy hiểm) do hành vi gây ra ở mức độ thấp, chưa hoặc không cấu thành tội phạm hình sự và hành vi đó được quy định trong các văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Đây chính là dấu hiệu “pháp định” của vi phạm.

            Thứ hai, hành vi đó phải là một hành vi khách quan đã được thực hiện (hành động hoặc không hành động), phải là một việc thực, chứ không phải chỉ tồn tại trong ý thức hoặc mới chỉ là dự định, đây có thể coi là dấu hiệu “vật chất” (material) của vi phạm.

            Thứ ba, hành vi đó do một cá nhân hoặc pháp nhân (tổ chức) thực hiện, đây là dấu hiệu xác định“chủ thể” của vi phạm.

            Thứ tư, hành vi đó là một hành vi có lỗi, tức là người vi phạm nhận thức được vi phạm của mình, hình thức lỗi có thể là cố ý, nếu người vi phạm nhận thức được tính chất trái pháp luật trong hành vi của mình, thấy trước hậu quả của vi phạm và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc ý thức được hậu quả và để mặc cho hậu quả xảy ra; hình thức lỗi là vô ý trong trường hợp người vi phạm thấy trước được hậu quả của hành vi nhưng chủ quan cho rằng mình có thể ngăn chặn được hậu quả hoặc không thấy trước hậu quả sẽ xảy ra dù phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả của vi phạm. Đây có thể coi là dấu hiệu “tinh thần” của vi phạm.

.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  

2. Phân biệt hành vi vi phạm hành chính với tội phạm hình sự – sự chuyển hóa vi phạm hành chính thành tội phạm hình sự trong một số điều kiện cụ thể

Nhìn chung, vi phạm hành chính hay tội phạm hình sự đều là hành vi vi phạm, xâm hại trật tự pháp luật được đặt ra bởi Nhà nước. Vi phạm hay phạm pháp là những hành vi vi phạm pháp luật nói chung và phải bị xử lý theo quy định của hệ thống chế tài tương ứng. Vi phạm hành chính bị xử lý bằng các chế tài hành chính, còn tội phạm bị xử lý bằng các chế tài hình sự.

Căn cứ vào các dấu hiệu nhận biết vi phạm hành chính nêu trên, về mặt lý thuyết, chúng ta có thể phân biệt vi phạm hành chính với tội phạm hình sự. Trong khi khái niệm “vi phạm hành chính” thường gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là trong những trường hợp cụ thể thì khái niệm “tội phạm hình sự” dường như được hiểu và định nghĩa khá thống nhất. Nói một cách đơn giản, tội phạm là hành vi vi phạm pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện. Tuy nhiên, từ lý luận đến thực tiễn luôn luôn là một khoảng cách, và ở đây cũng vậy, trong thực tiễn có những trường hợp rất khó phân biệt hành vi vi phạm hành chính và tội phạm. Rất nhiều trường hợp cụ thể cần phải có sự phân tích rõ ràng, tỷ mỉ hành vi vi phạm đó một cách toàn diện, thận trọng và khách quan, phân tích cụ thể điều kiện xảy ra vi phạm, nhân thân người vi phạm, xác định hình thức và mức độ của lỗi để có thể tìm ra điểm khác biệt trong hành vi vi phạm hành chính và tội phạm. Chỉ khi đó, đối chiếu với các quy định tương ứng của pháp luật mới có thể giải quyết được vấn đề tính chất của vi phạm pháp luật và áp dụng hình thức trách nhiệm pháp lý phù hợp. Mặc dù vậy, căn cứ vào những dấu hiệu cơ bản nhận biết vi phạm hành chính và tội phạm, chúng ta có thể phân biệt được 2 loại hành vi này bởi các yếu tố sau đây:

Trước hết, cần thấy rằng, vi phạm hành chính và tội phạm có những điểm rất giống nhau thể hiện ở chỗ chúng đều là những vi phạm pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội; là biểu hiện tiêu cực cần phải loại trừ.

Điều đáng lưu ý hơn nữa là vi phạm hành chính và tội phạm rất gần nhau, trong nhiều trường hợp giữa vi phạm hành chính và tội phạm hình sự chỉ là một ranh giới mỏng manh mà vượt qua nó là vi phạm hành chính có thể chuyển hóa thành tội phạm hình sự trong những điều kiện nhất định. Những điều kiện đó có thể là: tái phạm, vi phạm nhiều lần hoặc có tính chất chuyên nghiệp, vi phạm với số lượng lớn, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng .v.v. Tuy nhiên, không phải tất cả các hành vi vi phạm hành chính đều có thể chuyển hoá thành tội phạm. Trên thực tế, có loại vi phạm hành chính không thể và không bao giờ có thể chuyển hoá thành tội phạm cho dù trong bất cứ điều kiện nào. Đây là những hành vi vi phạm nhỏ nhặt, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cao hoặc không đáng kể. ví dụ như hành vi đổ rác bừa bãi làm mất vệ sinh chung; khạc nhổ nơi công cộng; tiểu tiện, đại tiện trên đường phố, nơi công cộng…

Bên cạnh những điểm giống nhau, vi phạm hành chính và tội phạm có khá nhiều điểm khác biệt nhau thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, vi phạm hành chính có mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn so với tội phạm và do đó các hình thức xử phạt hành chính cũng ít nghiêm khắc hơn so với hình phạt áp dụng đối với tội phạm.

Như vậy, giữa tội phạm và vi phạm hành chính luôn có một ranh giới – đó chính là mức độ nguy hiểm cho xã hội. Đây có thể coi là điểm cơ bản để phân biệt giữa vi phạm hành chính và tội phạm. Thông thường, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được biểu hiện thông qua một loạt các chỉ số nhất định như: mức độ hậu quả, tái phạm, vi phạm nhiều lần hoặc có tính chất chuyên nghiệp, vi phạm với số lượng lớn… Nhiều hành vi ngay từ đầu đã là tội phạm hình sự bởi mức độ nguy hiểm của nó cho xã hội là cao. Nhưng trong nhiều trường hợp, hành vi vi phạm lần đầu là vi phạm hành chính nhưng nếu tái phạm hoặc có tính chất chuyên nghiệp thì là tội phạm hoặc một hành vi vi phạm hành chính nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể chuyển hoá thành tội phạm… Chính vì vậy mà khi xử lý các vi phạm hành chính, cơ quan, người có thẩm quyền không chỉ phải xác định các yếu tố cấu thành vi phạm hành chính mà còn phải xem xét xem có các yếu tố có thể làm chuyển hoá vi phạm hành chính thành tội phạm hay không.

Thứ hai, tội phạm chỉ được quy định trong Bộ luật hình sự do Quốc hội – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ban hành, còn đối với các hành vi vi phạm hành chính thì do tính đa dạng và đa lĩnh vực của vi phạm mà Điều 2 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã giao cho Chính phủ – cơ quan hành pháp cao nhất quyền quy định các hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Cần lưu ý là, điểm phân biệt này giữa vi phạm hành chính và tội phạm chỉ có ý nghĩa tương đối vì việc quy định tội phạm hay vi phạm hành chính trong loại văn bản quy phạm pháp luật nào (bộ luật, pháp lệnh hay nghị định…) hoàn toàn có thể thay đổi tùy thuộc vào quan điểm và trình độ lập pháp trong từng thời kỳ.

Thứ ba, theo quy định của pháp luật hiện hành thì đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt không chỉ là cá nhân mà cả tổ chức, bao gồm: cơ quan, tổ chức, đơn vị kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang,… còn đối tượng thực hiện tội phạm bị xử phạt về hình sự chỉ có thể là cá nhân.

Thứ tư, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và xử lý tội phạm cũng rất khác nhau thể hiện ở chỗ việc xử lý người phạm tội được giao cho một cơ quan duy nhất là Tòa án, còn việc xử lý đối tượng vi phạm hành chính, theo quy định của pháp luật hiện hành, được giao cho rất nhiều cơ quan và người có thẩm quyền, trong đó chủ yếu là các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Việc xử phạt vi phạm hành chính của Tòa án chỉ được áp dụng trong phạm vi rất hẹp.

Thứ năm, thủ tục xử lý đối tượng vi phạm hành chính và tội phạm là hoàn toàn khác nhau. Người phạm tội bị truy tố trước Tòa án theo thủ tục tố tụng tư pháp, có sự tham gia của luật sư nhằm bảo đảm đến mức cao nhất quyền của công dân chỉ bị kết tội bởi bản án hình sự khi có các chứng cứ đầy đủ, rõ ràng và sau những thủ tục tranh tụng công khai và bình đẳng. Còn thủ tục xử phạt vi phạm hành chính phần nhiều mang tính quyền lực đơn phương từ phía cơ quan hành chính nhà nước, dù pháp luật có quy định quyền khiếu nại, tố cáo của đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính. Điều này xuất phát từ chỗ các chế tài xử lý vi phạm hành chính có mức độ nhẹ hơn nhiều so với các chế tài hình sự, chế tài hành chính chủ yếu đánh vào yếu tố vật chất, tinh thần của người vi phạm (cảnh cáo, phạt tiền…), trong khi đó, chế tài hình sự phần nhiều bao gồm những hình phạt liên quan đến tước tự do của người phạm tội.

Như trên đã đề cập, vi phạm hành chính và tội phạm rất gần nhau. Trong những điều kiện nhất định thì vi phạm hành chính có thể chuyển hoá thành tội phạm. Vậy dựa trên cơ sở nào mà sự chuyển hoá đó có thể diễn ra?

Trước hết và chủ yếu, sự chuyển hoá vi phạm hành chính thành tội phạm được thực hiện dựa trên cơ sở có sự biến đổi tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm hành chính theo hướng cao hơn, nghiêm trọng hơn. Sự chuyển hoá vi phạm hành chính thành tội phạm cũng phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm và tầm quan trọng của nhóm quan hệ xã hội cũng như yêu cầu cần bảo vệ các quan hệ xã hội đó. Ví dụ như trước thời điểm ban hành Bộ luật hình sự 1999, nhóm quan hệ xã hội liên quan đến môi trường chủ yếu được bảo vệ bằng các biện pháp phi hình sự, trong đó có biện pháp xử phạt hành chính; đến năm 1999, khi vấn đề ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn nạn thì việc bảo vệ môi trường bằng biện pháp mạnh mẽ hơn, nghiêm khắc hơn đã trở nên rất cần thiết và vì vậy, Quốc hội đã quyết định hình sự hoá một số hành vi vi phạm về môi trường. Tại đây, chủ yếu phân tích các dạng thức thể hiện sự chuyển hoá vi phạm hành chính thành tội phạm đã được ghi nhận trong các quy định của Bộ luật hình sự hiện hành. 

Một trong những điểm sửa đổi, đổi mới cơ bản liên quan đến việc xác định các tội danh của Bộ luật hình sự năm 1999 so với Bộ luật hình sự năm 1985 là việc quy định tình tiết định tội “đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm” ở khá nhiều tội danh, hay nói cách khác, một hành vi vi phạm hành chính sẽ bị chuyển hóa thành tội phạm trong trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm hành chính đó đã bị xử lý theo quy định của pháp luật hành chính mà còn vi phạm. Qua nghiên cứu Bộ luật hình sự cho thấy có 64 tội danh mà trong cấu thành cơ bản có quy định việc “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” và 01 tội danh quy định việc “đã được giáo dục nhiều lần và đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh mà còn vi phạm” như một yếu tố cấu thành tội phạm thuộc 8 nhóm tội thuộc các lĩnh vực: bảo vệ quyền tự do, dân chủ của công dân; sở hữu; hôn nhân và gia đình; quản lý kinh tế; bảo vệ môi trường; trật tự an toàn công cộng; trật tự quản lý hành chính; phòng chống ma túy. Trong các trường hợp này, một hành vi vi phạm lần đầu được coi là vi phạm hành chính, nhưng nếu tái phạm (đã bị xử phạt về hành vi này mà còn vi phạm) thì trở thành tội phạm. Ví dụ, hành vi gây rối trật tự công cộng không gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm hành chính, nhưng nếu đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì chuyển thành tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự hiện hành.

Như vậy, hành vi vi phạm hành chính và tội phạm rất gần nhau trong một số trường hợp cụ thể, vì thế việc nghiên cứu để phân biệt hành vi vi phạm hành chính và tội phạm hình sự là một trong những yêu cầu rất cần thiết trong xây dựng và ban hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung và Bộ luật xử lý vi phạm hành chính nói riêng.

3. Khái niệm, bản chất, mục đích, ý nghĩa của xử lý vi phạm hành chính

Bên cạnh khái niệm “vi phạm hành chính”, cần thiết phải nghiên cứu một khái niệm khác cũng rất cơ bản và liên quan mật thiết đến vấn đề này, đó là khái niệm xử lý vi phạm hành chính để phân biệt với khái niệm xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác.

Bản chất của hoạt động xử lý vi phạm hành chính là áp dụng một số loại biện pháp cưỡng chế hành chính do pháp luật quy định. Cưỡng chế hành chính được xác định là biện  pháp cưỡng chế nhà nước do cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định áp dụng theo thủ tục hành chính đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính hoặc đối với một số cá nhân nhất định với mục đích ngăn chặn, phòng ngừa hoặc thực hiện công vụ vì lí do an ninh, quốc phòng và vì lợi ích quốc gia.

Nhìn chung, xử lý vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác đều thuộc phạm trù xử lý vi phạm hành chính, có thể hiểu chung là việc áp dụng các biện pháp/chế tài mang tính cưỡng chế hành chính của Nhà nước đối với chủ thể có hành vi vi phạm hành chính. Theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 thì xử lý vi phạm hành chính bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác. Như vậy, xử lý vi phạm hành chính là khái niệm rộng, bao trùm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp hành chính khác là hai “nhánh” chế tài cưỡng chế hành chính trong xử lý vi phạm hành chính có sự khác biệt nhất định.

Xử phạt vi phạm hành chính bao gồm các chế tài hành chính thông thường, áp dụng đối với chủ thể là cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính, bao gồm hình thức xử phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất), hình thức phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trục xuất khi không áp dụng là hình phạt chính) và các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính gây ra nhằm lập lại trật tự quản lý bị xâm hại.       

Các biện pháp xử lý hành chính khác là những biện pháp hành chính có tính đặc thù và tính cưỡng chế cao hơn các hình thức xử phạt hành chính thông thường, chỉ áp dụng đối với chủ thể vi phạm là cá nhân, căn cứ vào nhân thân và quá trình vi phạm pháp luật của đối tượng. Các biện pháp xử lý hành chính khác bao gồm giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính.

Cần lưu ý rằng, khái niệm “xử lý vi phạm hành chính” là khái niệm mới xuất hiện và được chính thức quy định lần đầu tiên trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995. Trước đây, trong một số văn bản pháp luật có sử dụng cụm từ “xử lý hành chính” hàm nghĩa chỉ các biện pháp phi hình sự như xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính. Tại Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 1989 có sử dụng khái niệm “xử phạt vi phạm hành chính” chỉ các biện pháp xử phạt thông dụng như cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm…v.v. Việc xuất hiện khái niệm “xử lý vi phạm hành chính” trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995 là nhằm đưa ra một khái niệm chung bao hàm cả các chế tài xử phạt hành chính theo Pháp lệnh năm 1989 và các biện pháp xử lý hành chính khác mới được đưa vào Pháp lệnh năm 1995 trên cơ sở các quy định trước đây như Nghị quyết số 49/NQ-TVQH ngày 20/6/1961 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tập trung giáo dục cải tạo, Thông tư số 68/TTg-VG của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/7/1964 về việc thành lập các trường giáo dục thiếu niên hư, Quyết định số 217/TTG/CN ngày 18/12/1967 về việc tổ chức lại các trường giáo dục thiếu niên hư, .v.v. Ở đây, cũng cần lưu ý, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995 và 2002 đều không đưa ra định nghĩa mang tính lý luận về xử lý vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính khác mà chỉ quy định trực tiếp những hình thức, biện pháp thuộc nội hàm của các chế định này. Do vậy, các định nghĩa nêu trên cũng chỉ mang tính chất tương đối. Thực chất, định nghĩa mang tính lý luận về các khái niệm này cũng chỉ cần thiết đối với hoạt động nghiên cứu và giảng dạy pháp luật chứ không có ý nghĩa nhiều trong thực tiễn áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

 4. Phân biệt xử lý vi phạm hành chính với xử lý các loại vi phạm pháp luật khác

Xử lý vi phạm hành chính với xử lý các loại vi phạm pháp luật khác có những điểm giống nhau và khác nhau.

Trước tiên, có thể nói rằng, giữa xử lý vi phạm hành chính và xử lý các loại vi phạm pháp luật khác đều là biện pháp xử lý của Nhà nước, do Nhà nước đặt ra dưới hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng đối với đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Nói cách khác, xử lý vi phạm hành chính và xử lý các loại vi phạm pháp luật khác đều là việc áp dụng trách nhiệm pháp lý do Nhà nước quy định đối với các loại vi phạm pháp luật khác nhau tuỳ theo tính chất, mức độ của vi phạm và được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Tương ứng với các loại vi phạm pháp luật khác nhau, có bốn loại trách nhiệm pháp lý được áp dụng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, đó là: trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm kỷ luật và trách nhiệm dân sự. Việc áp dụng các loại chế tài trách nhiệm pháp lý nêu trên đối với đối tượng vi phạm thường đem lại hậu quả bất lợi cho họ về vật chất hoặc tinh thần (bị phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện; bị bồi thường thiệt hại; tù giam; hoặc cách chức, buộc thôi việc…).

Xử lý vi phạm hành chính có những điểm chủ yếu khác với xử lý các loại vi phạm pháp luật khác, cụ thể:

Thứ nhất, xử lý vi phạm hành chính chính là việc áp dụng trách nhiệm hành chính (bao gồm xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp xử lý hành chính khác) đối với đối tượng vi phạm hành chính theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Chủ thể có thẩm quyền áp dụng các chế tài xử phạt hành chính hoặc các biện pháp xử lý hành chính khác là những chức danh thuộc cơ quan hành chính nhà nước do pháp luật quy định cụ thể. Trong khi đó, chủ thể áp dụng các chế tài pháp lý khác đối với đối tượng vi phạm pháp luật có thể là Toà án (đối với vi phạm pháp luật hình sự, dân sự) hoặc thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc quản lý và sử dụng cán bộ, công chức (đối với vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức).

Thứ hai, đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính bao gồm cá nhân, tổ chức đã cố ý hoặc vô ý vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước. Như vậy, đối tượng bị áp dụng xử lý hành chính có thể là cá nhân hoặc tổ chức đã thực hiện vi phạm hành chính. Trong khi đó, đối tượng bị xử lý do vi phạm pháp luật khác thường là cá nhân (đối với việc xử lý hình sự, xử lý kỷ luật thì đối tượng bị xử lý phải là những cá nhân cụ thể) hoặc cũng có thể là pháp nhân (đối với việc xử lý vi phạm pháp luật dân sự, ví dụ quy định về trách nhiệm dân sự đối với pháp nhân).

Thứ ba, việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo một trình tự, thủ tục riêng do pháp luật hành chính quy định. Hiện nay, trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh này ban hành năm 2008. Các loại xử lý vi phạm pháp luật khác cũng theo trình tự, thủ tục riêng  tương ứng đối với mỗi loại xử lý vi phạm pháp luật. Ví dụ, trình tự, thủ tục áp dụng xử lý vi phạm pháp luật hình sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trình tự, thủ tục áp dụng xử lý vi phạm pháp luật dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đối với việc xử lý vi phạm pháp luật cán bộ công chức thì áp dụng theo trình tự, thủ tục áp dụng chế tài kỷ luật đối với cán bộ, công chức.

Thứ tư, cơ sở pháp lý của xử lý vi phạm hành chính là vi phạm hành chính được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (đối với việc xử phạt vi phạm hành chính) và các quy định pháp luật về đối tượng áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các nghị định của Chính phủ quy định chế độ áp dụng các biện pháp này. Đối với việc xử lý các loại vi phạm pháp luật khác thì cơ sở pháp lý để áp dụng chế tài trách nhiệm pháp lý cũng khác nhau. Ví dụ, đối với việc xử lý vi phạm pháp luật hình sự thì cơ sở pháp lý là Bộ luật hình sự. Đối với việc xử lý vi phạm pháp luật dân sự thì cơ sở pháp lý chủ yếu là Bộ luật dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đối với việc xử lý kỷ luật cán bộ công chức thì cơ sở pháp lý là Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998 (được sửa đổi, bổ sung năm 2003), các nghị định của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.   

            5. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

Các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính là những tư tưởng chỉ đạo việc tiến hành xử lý vi phạm hành chính được pháp lý hoá nhằm bảo đảm đạt được mục đích, yêu cầu của xử lý vi phạm hành chính, đó là mọi vi phạm hành chính phải được xử lý kiên quyết, triệt để, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử lý vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

Các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 3 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Về cơ bản, các nguyên tắc này được giữ như Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995, theo đó, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay, việc xử lý vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. Nguyên tắc pháp chế trong xử lý vi phạm hành chính tiếp tục được nhấn mạnh, đó là việc xử lý vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định của pháp luật; không có pháp luật quy định thì không có vi phạm hành chính và do đó, không thể bị xử phạt. Nguyên tắc một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần được tiếp tục quy định trong Pháp lệnh năm 2002 để khẳng định không thể xử phạt hai lần một vi phạm hành chính; trường hợp đã xử phạt hành chính rồi mà sau này phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải huỷ quyết định xử phạt hành chính để khởi tố về hình sự. Các hành vi được thực hiện trong tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc thực hiện trong khi đang mắc bệnh tâm thần hay các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì  không bị xử lý vi phạm hành chính.

Một trong những tư tưởng chỉ đạo trong xử lý vi phạm hành chính là mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Nguyên tắc này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải tích cực và chủ động trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và thực thi công vụ để phát hiện kịp thời vi phạm hành chính. Một khi đã phát hiện vi phạm hành chính thì phải tiến hành xử lý một cách nhanh chóng, công minh và triệt để, hậu quả do vi phạm gây ra phải được khắc phục vì lợi ích của cộng đồng, của toàn xã hội, bảo đảm lập lại trật tự quản lý đã bị xâm phạm, góp phần bảo đảm trật tự kỷ cương, phép nước.

            Phát hiện kịp thời và xử lý kiên quyết, triệt để mọi vi phạm hành chính có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc thiết lập và duy trì trật tự quản lý nhà nước, có tác dụng tích cực trong phòng ngừa và chống vi phạm hành chính, giáo dục người dân trong xã hội ý thức tôn trọng pháp luật, thực hiện các quy tắc của cuộc sống cộng đồng, khắc phục một tâm lý trong dân chúng hiện nay là cứ vi phạm pháp luật vì chưa chắc đã bị xử lý.

Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt hành chính khi có vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Cá nhân chỉ bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác nếu thuộc một trong các đối tượng được quy định tại các điều 23, 24, 25, 26 và 27 của Pháp lệnh này.

Cơ sở pháp lý để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính là hành vi vi phạm hành chính đó phải được quy định cụ thể trong một văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Nếu hành vi vi phạm chưa được pháp luật quy định thì không thể tiến hành xử phạt đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi đó vì không có căn cứ pháp lý để áp dụng hình thức, mức xử phạt cụ thể đối với đối tượng vi phạm. Điều quan trọng hơn là không có cơ sở pháp lý để coi hành vi cụ thể  đó là vi phạm hành chính. Đây là một trong những tư tưởng quan trọng bậc nhất khi xây dựng Nhà nước pháp quyền, đồng thời cũng là một bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện quyền con người đối với mỗi người dân trong xã hội. Quán triệt tinh thần này, Pháp lệnh đặt ra nguyên tắc “cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt hành chính khi có vi phạm hành chính do pháp luật quy định”, và cá nhân chỉ bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác như giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh… nếu thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp này theo quy định của pháp luật.

Việc xử lý vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.

Đây là một trong những nguyên tắc pháp chế trong xử lý vi phạm hành chính, theo đó, chỉ những chức danh được Pháp lệnh quy định mới có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, và việc xử lý phải tuân theo các quy định của  pháp luật.

            Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (Chương IV) quy định 74 chức danh có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung  một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008 có quy định bổ sung một số chức danh mới ngoài 74 chức danh nói trên có thẩm quyền xử phạt vi phạm chính. Ngoài các chức danh này, không một người nào khác có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Các Nghị định của Chính phủ  khi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể cũng không được quy định thêm những chức danh mới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Các văn bản của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp ban hành để tổ chức thực hiện Pháp lệnh và Nghị định của Chính phủ, tuyệt đối không được quy định các chức danh mới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (như đội viên, đội trưởng Đội thanh niên xung kích hay đội viên, đội trưởng Đội quy tắc xây dựng…). Pháp lệnh cũng quy định rõ trình tự, thủ tục tiến hành xử phạt, cũng như thẩm quyền cụ thể của mỗi chức danh có thẩm quyền xử phạt, việc uỷ quyền xử phạt…; đặc biệt là đối với việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác, Pháp lệnh quy định rất rõ, rất cụ thể thẩm quyền và thủ tục áp dụng đối với từng biện pháp này. Do đó, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác khi tiến hành việc xử lý vi phạm hành chính không được tuỳ tiện mà nhất thiết phải tuân theo các quy định của pháp luật.

Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

Điều luật quy định có tính nguyên tắc là “một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần”. Điều này có nghĩa là:

 (a) một hành vi vi phạm đã được người có thẩm quyền lập biên bản để xử phạt hoặc ra quyết định xử phạt thì không được lập biên bản hoặc ra quyết định xử phạt lần thứ hai đối với chính hành vi vi phạm đó nữa. Cần phân biệt trường hợp xử phạt lần thứ hai đối với một hành vi vi phạm với trường hợp tái phạm. Thí dụ: một người vượt đèn đỏ, bị cảnh sát giao thông xử phạt tại chỗ 50.000 đồng, đến một ngã tư khác lại vượt đèn đỏ thì đây là tái phạm và phải bị xử phạt tiếp về hành vi vượt đèn đỏ (hành vi vi phạm mới), chứ không phải là xử phạt hai lần đối với một hành vi vi phạm;

 (b) một hành vi vi phạm hành chính đã được người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt thì không đồng thời áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác đối với người thực hiện hành vi này. Thí dụ: một người có hành vi bán số đề bị xử phạt hành chính về đánh bạc thì không đồng thời lập hồ sơ để đưa người này vào cơ sở giáo dục (biện pháp xử lý hành chính khác);

(c) Một hành vi vi phạm hành chính đã được người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, nếu sau này phát hiện hành vi đó có dấu hiệu tội phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì phải huỷ quyết định xử phạt hành chính tr��ớc đây rồi mới chuyển hồ sơ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự.

            Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt. Khi tiến hành x�� phạt cần căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân của từng người vi phạm, cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà quyết định một hình thức và mức phạt thích đáng đối với từng người vi phạm. Thí dụ: năm người cùng thực hiện hành vi đua xe trái phép. Khi quyết định xử phạt đối với trường hợp này, trước hết phải xác định mức phạt đối với hành vi này (giả sử là 3.000.000 đồng) và quyết định đối với từng người vi phạm. Trong số những người vi phạm có người có tình tiết giảm nhẹ (chẳng hạn như đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi) thì được xem xét hạ bớt mức phạt tiền (có thể phạt 2.000.000.đồng), hoặc có người có tình tiết tăng nặng (chẳng hạn như vi phạm nhiều lần – trước đây đã tham gia một số cuộc đua xe trái phép) thì mức tiền phạt được tăng lên (có thể là 5.000.000 đồng). Việc áp dụng hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả cũng được xem xét, áp dụng đối với từng người vi phạm.

            Một người thực hiện nhiều hành vi phạm thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Người có thẩm quyền xử phạt xác định hình thức và mức phạt đối với từng hành vi, sau đó cộng lại thành mức phạt chung. Hình thức phạt cảnh cáo được thu hút vào hình thức phạt tiền. Ví dụ, một người điều khiển xe mô tô vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại di động[5], không đội mũ bảo hiểm trên đường có quy định phải đội mũ bảo hiểm[6], và điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ ba xe trở lên[7]. Người này cùng một lúc thực hiện ba hành vi vi phạm. Giả sử đối với hành vi thứ nhất bị phạt cảnh cáo, hành vi thứ hai bị phạt tiền 150.000 đồng và hành vi thứ ba bị phạt tiền 90.000 đồng, thì mức phạt chung sẽ là 240.000 đồng.

Việc xử lý vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp.

            Đây là một nguyên tắc rất quan trọng, trực tiếp liên quan đến việc xem xét, quyết định áp dụng hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của người có thẩm quyền xử phạt đối với vụ việc vi phạm hành chính cụ thể hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác đối với đối tượng vi phạm.

            Tính chất, mức độ vi phạm không làm thay đổi bản chất của hành vi vi phạm nhưng có ảnh hưởng lớn đến tính xâm hại của hành vi đối với trật tự quản lý nhà nước. Ví dụ, cùng là hành vi vi phạm hành chính “phá rừng trái phép” nhưng hành vi phá rừng phòng hộ có tính chất, mức độ xâm hại lớn hơn là phá rừng sản xuất, mặc dù diện tích phá rừng là tương đương nhau hoặc hành vi phá rừng phòng hộ bị xử phạt hành chính thì diện tích bị phá càng lớn, hành vi càng có tính chất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhân thân của người vi phạm cũng là yếu tố cần xem xét để quyết định hình thức, mức xử phạt cho hợp lý, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa, giáo dục chung. Ví dụ, việc xử phạt đối với người đã từng nhiều lần đổ rác, vứt chất thải bừa bãi ra nơi công cộng phải nghiêm khắc hơn so với người mới vi phạm lần đầu.

            Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cũng là những căn cứ có ý nghĩa đáng kể trong việc xem xét, quyết định hình thức, mức xử phạt, biện pháp khác phục hậu quả đối với cá nhân vi phạm. Khi xem xét, quyết định việc xử phạt, người có thẩm quyền phải xem xét toàn diện vụ việc một cách khách quan, cân nhắc xem vụ việc vi phạm có tình tiết giảm nhẹ nào áp dụng đối với người vi phạm hoặc liệu có tình tiết tăng nặng nào cần tính đến để áp dụng hình thức, mức xử phạt thích hợp. Ví dụ, một người điều khiển xe máy từ trong ngõ ra đường với tốc độ cao đã đâm phải một người đang điều khiển xe đạp khiến nạn nhân bị ngã làm trầy xước đầu gối và xe đạp bị hư hỏng. Người đó đã lập tức xuống xe đưa nạn nhân vào hè đường cứu chữa, tự nguyện trả tiền phí tổn thuốc men, sửa chữa xe đạp bị hỏng. Trường hợp này cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người vi phạm đã tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại” để giảm nhẹ mức phạt. Trong khi đó, đối với trường hợp một thanh niên đi xe máy lạng lách, đánh võng, mặc dù cảnh sát giao thông ra hiệu dừng lại vẫn cố tình bỏ chạy thì cần áp dụng tình tiết tăng nặng “ tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù  người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó”. Các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 8 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Các tình tiết tăng nặng được quy định cụ thể tại Điều 9 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Không xử lý vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Các trường hợp không xử lý vi phạm hành chính gồm những hành vi mà xét về bản chất thì không phải là vi phạm hành chính như phòng vệ chính đáng, hành động trong tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ, do đó không xử lý hành chính; và hành vi vi phạm hành chính nhưng do người bị bệnh tâm thần thực hiện, nên cũng không xử lý hành chính.

            Tình thế cấp thiết là tình thế của một người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hay của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Chẳng hạn, người lái xe ô tô buộc phải đánh tay lái để xe lao lên vỉa hè và đâm vào gốc cây bên đường để tránh không đâm vào người bất ngờ chạy vụt qua đường. Xe ô tô – tài sản của Nhà nước có bị hỏng nhưng đã cứu được một sinh mạng. Hành vi điều khiển xe lao xe lên vỉa hè đâm vào gốc cây được thực hiện trong tình thế cấp thiết, do đó không phải là vi phạm hành chính.

            Phòng vệ chính đáng là hành vi của một người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hay của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết, người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Chẳng hạn, hành động chống trả và gây thiệt hại về sức khoẻ cho người đang tấn công mình hay tấn công người khác. Phòng vệ chính đáng không phải là vi phạm hành chính.

            Hành vi của một người gây thiệt hại cho xã hội nhưng do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải là vi phạm hành chính. Chẳng hạn, người lái xe ô tô trên đường không vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ (có bằng lái xe, trong tình trạng tỉnh táo, không say rượu hoặc say do dùng một chất kích thích mạnh khác, chạy đúng tốc độ cho phép, đúng phần đường…), bất ngờ có người bên đường chạy ra đâm vào xe, bị xe hất ngã, bị thương – tai nạn bất ngờ, không do người lái xe gây ra. Hành vi làm người khác bị thương do sự kiện bất ngờ không phải là vi phạm hành chính.

            Vi phạm hành chính trong khi đang mắc b���nh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cũng không bị xử lý vi phạm hành chính.

II. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG THỜI GIAN QUA VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG KINH TẾ-XÃ HỘI

            1. Khái quát về tình hình vi phạm hành chính trong thời gian vừa qua

            Đất nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Bên cạnh những điển hình tiên tiến trong việc chấp hành pháp luật, chúng ta vẫn thấy những hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân, trong đó có pháp luật hành chính. Có thể nói trong thời gian vừa qua, vi phạm hành chính đã diễn ra tương đối phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Lĩnh vực quản lý Nhà nước nào cũng có vi phạm hành chính, mặc dù tính chất, mức độ vi phạm có khác nhau. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong những năm qua, tình hình vi phạm hành chính cũng diễn ra ngày càng gia tăng về số lượng, đa dạng về các loại hành vi vi phạm và tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp và nghiêm trọng hơn. [8]

            Theo Báo cáo tổng kết 4 năm thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (2002-2006) trong lực lượng Công an nhân dân của Vụ pháp chế, Bộ Công an thì trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ, một trong những lĩnh vực xảy ra rất nhiều hành vi vi phạm hành chính, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt đã xử lý trên 13.000.000 trường hợp vi phạm, nộp Kho bạc Nhà nước trên 1.700 tỷ đồng tiền xử phạt hành chính, tước quyền sử dụng 246.930 giấy phép lái xe, tạm giữ 89.258 xe ô tô và 1.731.774 mô tô, xe máy, 6959 phương tiện khác, bấm lỗ số lần vi phạm trên giấy phép lái xe là 824.040 trường hợp.

 Trong các lĩnh vực khác thuộc  thẩm quyền xử lý của ngành công an, tình hình vi phạm hành chính cũng diễn ra hết sức phức tạp, cụ thể như sau:

            Trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội, theo số liệu thống kê của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, từ tháng 10 năm 2002 đến tháng 12 năm 2007, lực lượng quản lý xuất cảnh, nhập cảnh đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với 12.065 người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh với tổng số tiền phạt lên đến hơn 3 tỷ đồng; đưa vào diện “cấm nhập cảnh” 109 đối tượng, đưa vào diện “chú ý nhập cảnh” 220 đối tượng. Đối với người Việt Nam, các vi phạm hành chính chủ yếu là các hành vi xuất cảnh trái phép, sử dụng hộ chiếu giả, thị thực giả, giả mạo hồ sơ cấp hộ chiếu, khai sai sự thật để được cấp hộ chiếu, thị thực. Đối với người nước ngoài, vi phạm hành chính chủ yếu là các hành vi nhập cảnh trái phép, sử dụng hộ chiếu, thị thực giả để nhập cảnh, xuất cảnh; ở lại quá thời hạn cho phép, hoạt động trái mục đích nhập cảnh, lừa đảo, môi giới phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài trái phép…

            Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trên toàn quốc đã xử phạt trên 500.000 trường hợp vi phạm về đăng ký, quản lý hộ khẩu, trên 43.000.000 trường hợp vi phạm về chứng minh thư nhân dân, nộp Kho bạc Nhà nước 6 tỷ đồng tiền xử phạt vi phạm hành chính. Lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh (CS113) đã xử phạt gần 200.000 trường hợp vi phạm hành chính, thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 4,2 tỷ đồng tiền xử phạt; lập biên bản thu, tạm giữ phương tiện, đồ vật liên quan đến hành vi vi phạm gồm 13 súng quân dụng các loại, 78 viên đạn súng quân dụng, 12 súng săn, 5 quả lựu đạn, 3 đầu đạn 61 ly và 105 ly, 3 quả mìn, 6 kíp mìn, gần 200.000 vũ khí thô sơ, gần 500 kg pháo lậu, 201 ôtô, 6.086 môtô, 430 xích lô, xe đạp, 422,3924g và 60 tép hêroin, 18 viên ma tuý tổng hợp. Lực lượng Cảnh sát Trật tự Quản lý hành chính đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trên 1.600.000 trường hợp, ra quyết định xử phạt trên 1.400.000 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 142.081 triệu đồng, tạm giữ 8.165 ôtô, 93.996 môtô, xe máy, 16.718 xe thô sơ đã ngăn chặn kịp thời 1.221 vụ đua xe và cổ vũ đua xe  trái phép, tạm giữ 210 đối tượng, 857 phương tiện vi phạm, phạt tiền nộp Kho bạc Nhà nước 487.000.000 đồng.

            Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an (C14) đã trực tiếp xử lý 02 vụ việc vi phạm hành chính, phạt cảnh cáo 21 trường hợp. Một số vụ việc khác đã chuyển Công an các địa phương xử lý hành chính theo thẩm quyền. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Bộ Công an (C15) đã xử lý 165 vụ vi phạm hành chính, phạt tiền 57.000.000 đồng, thu giữ gần 300.000 gói thuốc lá ngoại, 72 xe đạp, 80 môtô, xe máy, 10 xuồng, 04 điện thoại di động, buộc tiêu huỷ 08 lô hàng vi phạm  pháp luật về sở hữu trí tuệ.

            Lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát bảo vệ mục tiêu, Bộ Công an (C22) qua tuần tra kiểm soát, bảo vệ các mục tiêu quan trọng, các địa bàn trọng điểm, bảo vệ các lễ hội, hội nghị lớn, tham gia chống đua xe trái phép đã phát hiện, chuyển cho công an xã, phường, thị trấn ở các địa phương xử lý 8.216 vụ vi phạm hành chính với 8.474 đối tượng. Nhìn chung, trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, các lực lượng này chủ yếu làm các thủ tục lập biên bản vi phạm, sau đó, giao cho Công an  địa phương sở tại xử lý.

            Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức chủ yếu là phạt tiền và tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở hoặc bộ phận cơ sở có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ.

            Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thuỷ đã xử lý gần 470.000 vụ vi phạm hành chính, xử phạt tiền trên 40.000 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước gần 118 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 2.577 trường hợp.

            Trên đây là bức tranh toàn cảnh về tình hình vi phạm hành chính trong toàn ngành Công an trong 4 năm thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, trong đó riêng Công an một số thành phố lớn đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm hành chính; cụ thể:

 Theo Báo cáo số 92/BC-CAHN (PV11) ngày 20/7/2006 của Công an thành phố Hà Nội thì Công an thành phố Hà Nội đã xử lý 1.578.828 vụ, trong đó phạt cảnh cáo 2.603 trường hợp, chuyển 8.521 vụ vi phạm hành chính sang xử lý hình sự, tổng số tiền phạt là 115.528.474.025 đồng, tạm giữ 14.533 lượt ô tô, 196.855 lượt mô tô và 57.170 lượt phương tiện khác, thu giữ hàng hoá trị giá 71 tỷ 684 triệu đồng.

Theo Báo cáo, Công an thành phố Hải Phòng đã ra quyết định xử phạt 516.162 vụ, cụ thể như sau:

            Trên lĩnh vực an ninh trật tự, tổng số đã kiểm tra và xử lý 134.240 trường hợp, trong đó có 5.190 trường hợp vi phạm Nghị định số 88/CP ngày 14/12/1995 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, dịch vụ văn hoá. Vi phạm quy định của Nghị định số 51/CP và Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 quy định xử lý vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc, số đề là 5.519 trường hợp. Vi phạm Nghị định số 123/2005/NĐ-CP ngày 06/10/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy là 109 trường hợp. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt, đường bộ và đường thuỷ nội địa, đã kiểm tra, xử lý 379.567 vụ vi phạm.

            Vi phạm quy định tại Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003, Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27/1/2005, Nghị định số 39/NĐ-CP ngày 05/7/1996, Nghị định số 152/2005/NĐ-CP  ngày 15/12/2005 gồm có 375.875 vụ; trong đó ��ã tước quyền sử dụng giấy phép lái xe ô tô và mô tô là 14.261 trường hợp; đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe ô tô, mô tô là 53.724 trường hợp, phạt tiền hàng chục tỷ đồng thu nộp ngân sách, qua đó góp phần kiềm chế và làm giảm các vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt.

Theo báo cáo của Công an thành phố Hồ Chí Minh thì trong 4 năm thực hiện Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, toàn lực lượng thuộc Công an thành phố đã phát hiện 5.532.519 trường hợp vi phạm hành chính trên các lĩnh vực: an ninh trật tự; giao thông đường bộ; giao thông đường thuỷ nội địa; thương mại; hoạt động văn hoá; phòng cháy, chữa cháy… Đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt 5.246.246 vụ, với tổng số tiền phạt lên đến 435.466.315.104 đồng, tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng có thời hạn 213 trường hợp; đánh dấu số lần vi phạm đối với 27.198 trường hợp, trong đó lần thứ nhất là 23.022 trường hợp, lần thứ hai là 3.581 trường hợp và lần thứ ba đối với 595 trường hợp; áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ 275 phương tiện giao thông đường thuỷ; 184.667 phương tiện giao thông đường bộ các loại; tịch thu tiêu huỷ 21.000 đĩa CD; tịch thu một số tài sản với giá trị trên 10 tỷ đồng trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại như: thuốc lá ngoại nhập lậu, chai rượu ngoại lậu, phụ tùng xe ô tô, mô tô các loại nhập lậu và vi phạm sở hữu công nghiệp.

            Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng, quản lý lâm sản cũng rất phổ biến. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực này là phá rừng trái phép (kể cả việc phá rừng làm rẫy), khai thác rừng trái phép, săn bắt trái phép động vật hoang dã; vận chuyển, mua bán trái phép động vật rừng hoang dã… Chỉ trong các năm từ  2002 đến 2004, lực lượng Kiểm lâm đã xử phạt cảnh cáo 12.257 vụ, phạt tiền 106.049 vụ, số tiền nộp phạt là 166.774 đồng; tịch thu 14.304 phương tiện vi phạm, tịch thu 71.736 m3 gỗ tròn và 74.391 m3 gỗ xẻ các loại; 97.438 con và 189.764 kg động vật rừng bị tịch thu; ngoài ra các lực lượng khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như lực lượng bảo vệ thực vật đã xử lý 4.544 vụ bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền 3.156 trường hợp với số tiền xử phạt là 3.550 tỷ đồng; thú y xử phạt tiền là 106.049 trường hợp với số tiền là 1,2 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực đo lường, chất lượng hàng hoá và sở hữu công nghiệp, vi phạm hành chính cũng diễn ra rất phức tạp.[9] Chỉ trong vòng 10 năm (1996-2004), Thanh tra khoa học và công nghệ đã xử phạt trên 30.000 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 45 tỷ đồng; tịch thu, tiêu huỷ nhiều sản phẩm, hàng hoá vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Trong đó xử lý về đo lường, chất lượng hàng hoá và sở hữu công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, có vụ vi phạm điển hình như vụ làm hàng giả nhãn hiệu Marlboro với số tiền xử phạt và tang vật bị tịch thu lên đến 30 tỷ đồng. Vụ xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá Louis Vultto Maudlete với số tiền xử phạt và giá trị hàng hoá bị tịch thu lên đến gần 1 tỷ đồng.

Liên quan đến hàng hoá,[10] trong năm 2003, Chi cục quản lý thị trường đã xử lý 3.828 vụ với số tiền xử phạt là 14.666.738 đồng (năm 2003); năm 2004 xử lý 2.112 vụ với số tiền xử phạt là 19.011.160 đồng; các vi phạm hành chính bị Chi cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội xử phạt chủ yếu liên quan đến hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, kinh doanh trái phép, vi phạm nhãn hàng hoá…

 Trong lĩnh vực xây dựng, vi phạm hành chính diễn ra cũng phức tạp không kém. Có thể thấy rõ ràng điều này qua các số liệu:

 Năm 2002 xử lý 284 công trình xây dựng trái phép, 7.323 vụ công trình xây dựng không phép; năm 2003 cấp phường xử lý 326 vụ công trình xây dựng sai phép, 5.357 công trình xây dựng không phép, thanh tra xây dựng xử lý 1.284 vụ xây dựng sai phép, không phép; năm 2004 cấp phường xử lý 6.198 vụ vi phạm, thanh tra xây dựng xử lý 485 vụ[11].

            Trên đây là một số nét về tình hình vi phạm hành chính trong phạm vi cả nước và một số địa phương thời gian qua. Điều đáng nói là tình hình vi phạm hành chính đã và đang diễn ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và trong hầu hết các địa phương trên cả nước với tính chất, mức độ, quy mô và biểu hiện đa dạng, phức tạp. Thực tế đó đòi hỏi cơ quan nhà nước phải nghiên cứu tìm ra các giải pháp hữu hiệu, khả thi để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm hành chính, mà một trong các giải pháp đó là nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật xử lý vi phạm hành chính trên cơ sở  tổng kết, đánh giá tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính những năm qua, đúc rút kinh nghiệm, kế thừa các  quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định về xử lý vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống vi phạm hành chính hiện nay ở nước ta.            

2. Những ảnh hưởng của vi phạm hành chính trong thời gian qua đối với đời sống kinh tế – xã hội

            Hiện nay, mặc dù chưa có báo cáo hoặc đánh giá chính thức của các cơ quan Nhà nước về những ảnh hưởng của vi phạm hành chính đối với kinh tế – xã hội ở nước ta, nhưng một điều không thể phủ nhận là tình hình vi phạm hành chính đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đối với nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, ảnh hưởng đến môi trường sản xuất, kinh doanh, đầu tư và phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến  trật ự an toàn xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Vi phạm hành chính cũng đã gây ra những thiệt hại đáng kể về vật chất, tinh thần đối với các tổ chức, cá nhân và toàn thể cộng đồng xã hội. Điều đáng nói là mặc dù vi phạm hành chính chưa có tính chất nguy hiểm cho xã hội đến mức như tội phạm hình sự nhưng xảy ra mọi lúc, mọi nơi, mọi địa phương với số lượng và tần suất lớn trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước nên vi phạm hành chính thật sự trở thành mối quan ngại chung của Nhà nước và toàn xã hội.

            2.1. Vi phạm hành chính đã gây mất ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội, xâm hại trật tự quản lý nhà nước, làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo tâm lý khinh nhờn kỷ cương phép nước, coi thường pháp luật.

            Có thể thấy rõ ràng là tình trạng vi phạm hành chính hiện nay là một trong những nguyên nhân góp phần làm ảnh hưởng đến an ninh, trât tự an toàn xã hội. Các vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT đường bộ như đua xe, lạng lách, đánh võng trên đường phố, phóng nhanh vượt ẩu, điều khiển phương tiện giao thông quá tốc độ quy định, điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng say, vận chuyển hành khách, hàng hoá quá số lượng, quá trọng tải cho phép, ném đá lên tàu hoả, dọa mang vũ khí, chất nổ lên máy bay, làm hỏng cửa thoát hiểm của máy bay… tất cả những hành vi vi phạm hành chính nêu trên, có loại hành vi diễn ra phổ biến, thường xuyên, có loại thỉnh thoảng mới có vụ vi phạm nhưng tựu trung lại đã gây nên tình trạng mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.

            Thực trạng vi phạm hành chính trong hoạt động tôn giáo, thể dục thể thao, quảng cáo… cũng góp phần gây ra tình trạng mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống văn hoá tinh thần bình thường của nhân dân. Điển hình là vụ tranh chấp đất đai của Giáo xứ Thái Hà với Công ty cổ phần may Chiến Thắng ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội vừa qua đã gây mất trật tự xã hội, thể hiện thái độ coi thường kỷ cương phép nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân trong khu vực[12]. Các hoạt động cá độ bóng đá, ẩu đả giữa các cổ động viên tại các sân vận động hoặc hành hung cầu thủ, trọng tài.[13]Các vụ vi phạm hành chính treo, dựng, gắn các loại biển quảng cáo trên đường phố sai quy định, mất mỹ quan… diễn ra rất phổ biến, xâm hại nghiêm trọng trật tự quản lý hành chính, tạo nên tình trạng lộn xộn, mất trật tự, thiếu văn minh, văn hoá của đời sống đô thị. Trong cuộc sống hàng ngày một số hành vi vi phạm tưởng như nhỏ nhặt như đổ rác ra đường, phóng uế bừa bãi không chỉ gây cho cộng đồng cảm giác khó chịu và thực sự làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường sống, làm mất mỹ quan của các đô thị trong quá trình hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, làm xấu đi hình ảnh của nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, của khách du lịch bốn phương. Như vậy, ảnh hưởng của các hành vi vi phạm tưởng nhỏ nhặt là không “nhỏ nhặt” một chút nào.  

Lĩnh vực xây dựng, quản lý và bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy… cũng là những lĩnh vực diễn ra tình trạng vi phạm hành chính rất phổ biến. Như đã đề cập ở trên, tình trạng xây dựng không phép, trái phép, lấn chiếm đất công để xây dựng diễn ra trong thời gian dài. Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp xử lý nhưng vi phạm trong các lĩnh vực này vẫn tiếp tục diễn ra  rất phức tạp; hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều vụ vi phạm diễn ra ngang nhiên, trong thời gian dài, gây hậu quả xấu, thách thức dư luận. Điển hình là các vụ vi phạm xây các nhà cao tầng ở Hà Nội trong năm 2007;[14] các vụ vi phạm về phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép mà công luận đã lên tiếng, các vụ vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy dẫn đến thiệt hại to lớn về người và của do hoả hoạn xẩy ra… Tất cả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỷ cương, phép nước, làm sói mòn niềm tin của nhân dân vào một xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh, an toàn, lành mạnh.

            2.2. Vi phạm hành chính đã xâm hại đến trật tự quản lý kinh tế, làm ảnh hưởng đến môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả của các biện pháp quản lý kinh tế, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt của nhân dân

            Trong các lĩnh vực kinh tế, vi phạm hành chính đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, xâm hại trực tiếp trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước. Các vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ, các hành vi lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn do lạm phát, giá cả tăng cao để đầu cơ, găm hàng, nâng giá quá mức, đưa tin thất thiệt gây hoang mang trong quần chúng nhân dân để lũng đoạn thị trường nhằm thu lợi bất chính[15]… trong thời gian qua đã phá vỡ trật tự quản lý hành chính Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sản xuất, kinh doanh và đầu tư lành mạnh ở nước ta, gây tâm lý lo ngại, thiếu tin tưởng vào các biện pháp chống lạm phát, phục hồi sự ổn định kinh tế của Chính phủ và sự phát triển khả quan của nền kinh tế, đồng thời làm các nhà đầu tư ngần ngại trong việc tiếp tục đầu tư vào thị trường ở Việt Nam. Thực trạng này đòi hỏi Chính phủ phải kịp thời ban hành văn bản quy định chế tài xử phạt nghiêm khắc, hữu hiệu để phòng chống hiệu quả các hành vi vi phạm hành chính nói trên, nhằm răn đe, giáo dục chung.

             Bên cạnh đó, thực trạng vi phạm hành chính diễn ra trong lĩnh vực đất đai, xây dựng và các lĩnh vực khác còn gây ra tình trạng lộn xộn trong trật tự quản lý kinh tế, dẫn đến đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng cao và diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, vi phạm hành chính trong các lĩnh vực kinh tế còn tạo ra tình trạng ảo trong phản ánh cung cầu của thị trường, tác động tiêu cực đến sự phát triển bình thường, lành mạnh của nền kinh tế.  

            Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong sản xuất, chế biến hàng thuỷ sản ở nước ta, trên thực tế, đời sống sinh hoạt của nhân dân, hoạt động xuất nhập khẩu thuỷ sản của các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi các hậu quả do vi phạm hành chính gây ra. Những sản phẩm kém chất lượng do thuỷ sản bị nhiễm bẩn, nhiễm tạp chất, nhiễm kháng sinh đã từng bị một số nước hạn chế nhập hoặc cấm nhập và đều gây thiệt hại về uy tín của hàng thuỷ sản Việt Nam. Đời sống sức khoẻ cộng đồng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tiêu dùng các sản phẩm này. Điều đó không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới chính sách xuất khẩu nói riêng và tới nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội nói chung của Nhà nước.

            2.3. Vi phạm hành chính làm ảnh hưởng đến đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ, tục, ảnh hưởng đến nhân phẩm, tính mạng sức khoẻ con người và gây thiệt hại vật chất lớn cho toàn xã hội (hậu quả thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra thương tật, hỏng hóc…)

Có thể lấy lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông đường bộ làm ví dụ. Để đảm bảo an toàn giao thông trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Nhà nước đã đầu tư rất nhiều cho việc mở rộng, nâng cấp các con đường cũ, mở thêm các con đường mới, nhưng hầu như đường càng mở rộng thì tai nạn giao thông càng nghiêm trọng hơn do phóng nhanh vượt ẩu. Ở đây nguyên nhân không phải không có luật vì Quốc hội đã ban hành Luật Giao thông đường bộ. Chính phủ cũng đã đầu tư nhiều trang thiết bị để phục vụ cho việc đảm bảo an toàn giao thông như hệ thống đèn, tín hiệu giao thông, máy đo tốc độ, lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, mặc dù vậy, tai nạn giao thông vẫn là vấn đề nghiêm trọng chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã gây tác động tiêu cực về nhiều mặt, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn có tác động tiêu cực nhiều mặt đối với xã hội. Nhà nước  phải đầu tư, mua sắm trang thiết bị cần thiết cho việc đảm bảo an toàn giao thông và nâng cấp các con đường, khắc phục các “điểm đen” trên các đoạn đường nguy hiểm. Dưới giác độ xã hội, nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông đã dẫn đến tai nạn chết người, nhiều gia đình phải mất mát người thân, mất nguồn lao động chính, đó là chưa kể đến việc rất nhiều phương tiện giao thông như ô tô, xe máy… đã bị hỏng hóc nặng nề. Nhiều trường hợp bị thương tật nặng cả đời, trở thành tàn phế, thành gánh nặng cho gia đình và xã hội trong việc điều trị, chăm sóc.

 Một số hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng như săn bắn trái phép động vật hoang dã, đốt rừng làm nương rẫy… đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng về môi trường như dẫn đến biến đổi khí hậu, sạt lở đất, lũ lụt… làm thiệt hại to lớn cả về người và tài sản. Những trận lũ, lụt lớn xẩy ra tại Lào Cai, Tuyên Quang, Quảng Ninh gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng mọi mặt đời sống xã hội có sự “góp phần” không nhỏ của các vụ vi phạm hành chính về chặt phá, khai thác rừng trái phép thời gian qua. Để khắc phục tình trạng này Nhà nước đã phải chi nhiều tỷ đồng để trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Như vậy, những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này không chỉ tác động tiêu cực đối với việc bảo vệ môi trường mà còn ảnh hưởng rất lớn về kinh tế, con người và xã hội.

Một trong các vi phạm hành chính gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người là vi phạm trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong lĩnh vực chất lượng hàng hoá như hành vi sản xuất kinh doanh rượu giả, thuốc lá giả, thuốc tân dược giả… Các hành vi vi phạm này không  những làm Nhà nước thất thu thuế mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, tính mạng của con người. Chính các hành vi vi phạm này là một trong những nguyên nhân làm quá tải ở các bệnh viện; kinh phí cho việc khám chữa bệnh đều tăng, như vậy tác hại của các hành vi vi phạm trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hoá là rất lớn, dẫn đến việc gây thiệt hại trực tiếp cho nhân dân và cho Nhà nước.

            2.4. Vi phạm hành chính gây ra nhiều chi phí tốn kém để khắc phục hậu quả, chi phí tuyên truyền, tập huấn, tổ chức bộ máy xử phạt, thi hành và cưỡng chế, chi phí tổ chức và hoạt động các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh

            Thực trạng vi phạm hành chính diễn ra hiện nay ngày càng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống hiệu quả  đối với các vi phạm hành chính, Nhà nước và toàn xã hội đã phải chịu những chi phí rất lớn cho các hoạt động trực tiếp liên quan đến vi phạm hành chính.

                Thứ nhất, bên cạnh việc tốn phí tài sản xã hội do các cá nhân, tổ chức tự bỏ chi phí để khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính mà mình thực hiện đã gây ra thì Nhà nước cũng phải bỏ rất nhiều kinh phí đề khắc phục các hậu quả của vi phạm hành chính nhằm bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm lợi ích cộng đồng.

            Thứ hai, Nhà nước và xã hội cũng phải chi phí không nhỏ cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhằm nâng cao ý thức pháp luật, cung cấp kiến thức pháp luật và giáo dục chung để phòng ngừa vi phạm hành chính. Đây là công việc phải tiến hành thường xuyên, lâu dài với các hình thức và biện pháp thích hợp.

            Thứ ba, việc tổ chức bộ máy, đào tạo, tập huấn, tổ chức thi hành và cưỡng chế trong xử phạt vi phạm hành chính cũng đòi hỏi những chi phí lớn từ ngân sách Nhà nước và xã hội. Vi phạm hành chính càng gia tăng và diễn biến phức tạp thì đòi hỏi chi phí càng lớn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng chống vi phạm hành chính có hiệu quả. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước còn phải bảo đảm việc tổ chức và duy trì hoạt động của các trung tâm, cơ sở phục vụ cho việc quản lý, giáo dục các đối tượng đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác. Khoản kinh phí này không hề nhỏ qua thực tiễn áp dụng thí điểm mô hình đào tạo nghề cho các đối tượng sau cai nghiện theo Nghị quyết số 16/NQ-QH11 tại Thành phố Hồ Chí Minh[16].      

Tóm lại, những hành vi vi phạm hành chính gây nên tác hại về nhiều mặt; những tác hại không chỉ về kinh tế mà còn về sức khoẻ, môi trường tự nhiên, môi trường kinh doanh. Những tác hại này không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn cả văn hoá, xã hội và quan trọng hơn là tạo nên tâm lý coi thường pháp luật, do đó, Nhà nước cần có những giải pháp phù hợp để giải quyết tình trạng này; do đó, việc nâng cấp Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính để xây dựng Luật xử lý vi phạm hành chính càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

 

 

 

 

Phần thứ hai

 

THỰC TIỄN THI HÀNH PHÁP LỆNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH NĂM 2002 VÀ YÊU CẦU SỬA ĐỔI, BỔ SUNG PHÁP LỆNH; NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÁP LỆNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

I. THỰC TIỄN THI HÀNH PHÁP LỆNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH NĂM 2002

1. Những kết quả đạt được

Tiếp nối và phát triển các quy định pháp luật từ sau năm 1945, hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của nước ta đã trải qua một khoảng thời gian dài hàng chục năm liên tục được thay đổi, hoàn thiện để phù hợp với công tác quản lý nhà nước trong các thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên, mốc quan trọng nhất là sự ra đời của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 1989 và đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực cao nhất quy định những vấn đề cơ bản có tính chất khung nhằm tạo ra một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ đánh dấu bước phát triển vượt bậc của pháp luật xử lý vi phạm hành chính ở nước ta. Từ đó đến nay, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ( PLXLVPHC) đã nhiều lần được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung cụ thể là việc ban hành các PLXLVPHC năm 1995, PLXLVPHC năm 2002, Pháp lệnh sửa đổi một số điều của PLXLVPHC năm 2007; mới đây nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của PLXLVPHC (năm 2002). Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2008.

Trong quá trình liên tục phát triển và hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật XLVPHC như nêu trên, việc thi hành PLXLVPHC năm 2002 đã đạt được một số kết quả như sau:

1.1. Công tác xây dựng pháp luật hướng dẫn thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 tại Trung ương

PLXLVPHC năm 2002 là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất hiện hành quy định những vấn đề chung, cơ bản, có tính nguyên tắc về xử lý vi phạm hành chính. Trong công tác XLVPHC, bên cạnh PLXLVPHC mang tính chất một “Pháp lệnh khung”, yêu cầu đặt ra cần xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn bao gồm: nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành  một số điều của Pháp lệnh, các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước và các nghị định quy định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác.

Trong thời gian qua, các Bộ, ngành đã trình Chính phủ ban hành một số lượng lớn các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của PLXLVPHC. Đồng thời, các bộ, ngành cũng ban hành nhiều thông tư, quyết định để hướng dẫn việc thi hành các nghị định. Cụ thể, tính đến ngày 20/04/2007, Chính phủ đã ban hành 5 nghị định quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Pháp lệnh, 4 nghị định quy định chi tiết về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác, hơn 70 nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hơn 60 lĩnh vực quản lý nhà nước; các bộ, ngành đã ban hành 01 quyết định, 04 thông tư hướng dẫn thực hiện các nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh, 03 thông tư liên tịch, 32 thông tư, 06 quyết định hướng dẫn thực hiện các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực[17], 10 thông tư liên tịch, 07 quyết định của các bộ, 05 thông tư, hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác.

1.2. Công tác ban hành văn bản pháp luật về hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính tại các địa phương

Ngày 14/3/2005, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 618/BTP-KTrVB đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai rà soát, tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền các văn bản đang còn hiệu lực về xử lý vi phạm hành chính do địa phương ban hành. Các địa phương đã triển khai tiến hành công việc này và 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ­ương đã gửi Báo cáo về Bộ Tư pháp[18]. Trong đó, có 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo có ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính. Về cơ bản, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của địa phương đã bảo đảm được tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện  hành. Các văn bản được ban hành nói chung bảo đảm tính khả thi và đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng chống các vi phạm hành chính.

1.3. Công tác tuyên truyền, tập huấn nội dung Pháp lệnh

PLXLVPHC 2002 là công cụ pháp lý quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động phòng, chống vi phạm hành chính và phòng ngừa tội phạm, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, duy trì trật tự kỷ cương trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý xã hội và nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của công dân… Sau khi PLXLVPHC 2002 được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua, hoạt động tuyên truyền, tập huấn nội dung Pháp lệnh được các bộ, ngành, địa phương triển khai rộng khắp, nhất là việc tập huấn chuyên sâu đối với lực lượng có thẩm quyền xử phạt đã góp phần làm cho các quy định của Pháp lệnh thực sự đi vào cuộc sống. Có thể kể đến một số bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh như: Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương)…

Tại địa phương, một số tỉnh, thành phố đã triển khai có hiệu quả công tác tập huấn nội dung Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành như các tỉnh, thành phố: Tiền Giang, Cần Thơ, Hải Phòng, Đồng Tháp, Đồng Nai… Một số tỉnh Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc triển khai PLXLVPHC 2002, tổ chức tập huấn chuyên sâu cho từng ngành[19], thi tìm hiểu nội dung Pháp lệnh[20], biên soạn tờ rơi[21]v.v…

1.4. Áp dụng pháp luật xử phạt vi phạm hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương

a) Tại một số Bộ, ngành:

 PLXLVPHC 2002, các nghị định của Chính phủ mới ban hành sau năm 2002 về xử phạt vi phạm hành chính, các thông tư, quyết định, chỉ thị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã tạo thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về XLVPHC và là cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính, tạo nên sự chuyển biến lớn trong thời gian qua.

Có thể đơn cử một số ví dụ về kết quả đạt được trong công tác thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại một số Bộ, ngành, địa phương:

Ví dụ như, trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, chỉ tính trong 5 năm, từ tháng 6/2000 đến tháng 2/2005, toàn ngành ngân hàng đã tiến hành xử phạt 347 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách số tiền là 1.104.95 triệu đồng, trong đó phạt cảnh 99 trường hợp, phạt tiền là 248 trường hợp, tịch thu sung công quỹ 04 kg vàng.

Trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, Thanh tra chuyên ngành bưu chính, viễn thông đã tiến hành xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Cụ thể, trong năm 2004 đã kiểm định 601 đơn vị sử dụng tần số, thiết bị phát sóng; 4654 máy thiết bị phát sóng vô tuyến điện, kiểm tra đột xuất 766 đơn vị, đã phát hiện vi phạm quy chế thông tin, tần số vô tuyến điện và xử lý 48 vụ, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 13 đơn vị với tổng số tiền xử phạt là 37.800.000 đồng, ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm về thực hiện giá cước viễn thông của 5 khách sạn với mức phạt là 10.000.000 đồng và thu hồi số tiền vi phạm do thu sai cước là 1,4 tỷ đồng.

            Trong lĩnh vực thuỷ sản (bao gồm nhiều lĩnh vực như khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, đóng tàu, hoạt động kinh doanh dịch vụ nghề cá): trong năm 2004, tổng kết công tác xử phạt vi phạm hành chính của 20 Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã xử lý 494 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 128.075.000 đồng, trong đó số vụ vi phạm quy định về đăng ký chất lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng thuốc, hoá chất, thức ăn cho thuỷ sản là 259 vụ, số vụ xử lý các vi phạm hành chính khác là 235 vụ.[22]

b) Tại một số địa phương:

Tỉnh Nam Định: trong thời gian từ năm 2002 đến cuối năm 2004, toàn tỉnh đã xử lý 55.730 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử phạt với số tiền lên đến 7,3 tỷ đồng, tạm giữ 12.653 phương tiện, tước giấy phép lái xe, đánh dấu vi phạm hàng ngàn trường hợp, xử lý 86 đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý, xử lý 200 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhân khẩu, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phòng cháy, chữa cháy, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, xử lý 85 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị, 24 trường hợp có hành vi lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, 17 trường hợp có hành vi xây dựng công trình trái phép; tổ chức cưỡng chế tháo dỡ 17 công trình vi phạm.[23]

            Cục Hải quan Cần Thơ, trong năm 2002 đã phát hiện và xử lý 48 vụ vi phạm với trị giá tang vật vi phạm là 617.314.458 đồng và 3.500 Fr, 300 USD; tổng số tiền phạt và truy thu nộp ngân sách nhà nước là 223.704.880 đồng. Trong đó, chỉ duy nhất có 01 vụ khiếu nại. Năm 2003 phát hiện và xử lý 45 vụ vi phạm với trị giá tang vật vi phạm 203.040.289 đồng; tổng số tiền phạt và truy thu nộp ngân sách nhà nước là 278.141.619 đồng, cũng chỉ có 01 vụ khiếu nại. Năm 2004, tính đến ngày 15/12/2004 đã phát hiện và xử lý 40 vụ, trị giá tang vật vi phạm là 188.660.236 đồng với số tiền phạt và tuy thu nộp ngân sách nhà nước là 96.066.160 đồng mà không có vụ khiếu  nại nào.

Trên đây chỉ là một số ví dụ minh họa một thực tế rất nhỏ về những kết quả đạt được trong việc thi hành các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính ở các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Điều đó nói lên một thực tế là việc thực hiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đã đem lại kết quả to lớn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh và an toàn cho mọi mặt đời sống kinh tế xã hội phát triển.

c)  Áp dụng pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính khác

Các quy định về các biện pháp xử lý hành chính khác trong Pháp lệnh XLVPHC 2002 và các văn bản quy định chi tiết về chế độ áp dụng các biện pháp này được sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới so với Pháp lệnh XLVPHC 1995, đặc biệt là các quy định về thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, so với xử phạt vi phạm hành chính, việc áp dụng các biện pháp xử lý khác chỉ là một trong rất nhiều nội dung triển khai trong thực tiễn áp dụng pháp luật về XL VPHC. Do đó, thường các địa phương không chú trọng báo cáo về những kết quả đã đạt được ở địa phương mình mà chủ yếu tập trung phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng và đề xuất hướng giải quyết. Qua kết quả khảo sát một số tỉnh và báo cáo của một số địa phương, xin đơn cử một số kết quả như sau:

Trong năm 2004, Hội đồng tư vấn quận Hồng Bàng, thành phố Hải phòng đã tổ chức 18 đợt xét duyệt đưa 133 đối tượng vào Trung tâm 06 (49 đối tượng) và Trung tâm Giáo dục lao động và Xã hội (84 đối tượng), trong đó có 109 đối tượng có nơi cư trú nhất định và 24 đối tượng lang thang, không nơi cư trú nhất định.

Trong hai năm 2003 và 2004, tỉnh Nam Định đã đưa 249 trường hợp vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng;

Từ năm 2002 đến tháng 12 năm 2004, Công an tỉnh Nghệ An đã lập hồ sơ  trình Hội đồng tư vấn các cấp duyệt đưa 659 đối tượng vào cơ sở giáo dục, giáo dưỡng.

Từ tháng 10/2002 đến tháng 3/2005 tỉnh Phú Thọ đã tổ chức triển khai ở hai cấp tỉnh và huyện đã đưa 180 đối tượng vào cơ sở giáo dục, 50 đối tượng vào trường giáo dưỡng, 86 đối tượng vào trung tâm lao động xã hội.

Trong ba năm, huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang đã đưa 02 đối tượng vào trường giáo dưỡng, 01 đối tượng vào cơ sở giáo dục, 106 đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh.

Theo số liệu báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17/6/2003 về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy ở thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 04/8/2004, thành phố đã tập trung 31.736 người nghiện vào các cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trong đó 27.413 người nghiện ma túy, 1.769 gái mại dâm, 2.194 đối tượng đang tập trung tại các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Theo báo cáo của Công an thành phố Hồ Chí Minh, Công an TP.HCM đã lập hồ sơ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố ra quyết định đưa 371 người vào cơ sở giáo dục.

2. Những tồn tại, hạn chế, bất cập của PLXLVPHC năm 2002 và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Pháp lệnh

2.1. Tồn tại, hạn chế, bất cập của PLXLVPHC 2002

2.1.1 Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Việc quy định các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong Pháp lệnh còn bộc lộ một số khuyết điểm  như sau:

– Thẩm quyền xử phạt của cấp cơ sở, của người trực tiếp thi hành công vụ được quy định rất thấp; ví dụ: chiến sỹ công an, kiểm lâm viên chỉ được phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 100.000 đồng (khoản 1 Điều 31, khoản 1 Điều 35 Pháp lệnh); thanh tra viên, kiểm soát viên thị trường được phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 200.000 đồng (khoản 1 Điều 37, khoản 1 Điều 38)… nên nhiều vi phạm phải chuyển lên cấp trên để xử phạt vì vượt quá thẩm quyền của người trực tiếp thi hành công vụ, như vậy không đảm bảo nguyên tắc nhanh, gọn trong xử phạt vi phạm hành chính.

– Một số chức danh có thẩm quyền xử phạt ở cấp cơ sở như chiến sĩ công an không được quy định thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do đó vụ vi phạm phải chuyển lên cấp trên để xử phạt.

– Quy định hạn chế chỉ có Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định (khoản 5 Điều 30) đã làm hạn chế tính khả thi của việc xử phạt các hành vi vi phạm của các lực lượng, chức danh khác trong hầu hết các lĩnh vực khi Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đó có quy định thêm một số biện pháp khắc phục hậu quả.

– Việc quy định các chức danh có thẩm quyền xử phạt còn bất hợp lý ở chỗ một số ngành có nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt như công an, nhưng một số ngành, lĩnh vực, việc xử phạt chỉ giao cho thanh tra viên và Chánh thanh tra chuyên ngành cấp sở, cấp Bộ nhưng số biên chế của thanh tra Bộ và Sở thường không nhiều, việc thanh tra, phát hiện và xử phạt các hành vi vi phạm bị hạn chế.

– Điều 38 Pháp lệnh quy định thẩm quyền xử phạt của thanh tra chuyên ngành nhưng lại không quy định loại trừ một số ngành, lĩnh vực đã có nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt như Công an, do đó khi soạn thảo nghị định quy định tổ chức và  hoạt động của Thanh tra công an, cơ quan soạn thảo vẫn quy định Thanh tra công an có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

2.1.2. Về hình thức xử phạt:

a) Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm thực chất lại nặng hơn hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, trong khi đó hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.

Mặt khác, trong một số trường hợp, không thể cùng áp dụng được hình thức xử phạt bổ sung với hình thức xử phạt chính như trường hợp đối tượng xử phạt bỏ trốn ngay khi bị phát hiện hay trường hợp đối tượng bị phạt tiền nhưng đã bỏ trốn nhưng để lại tang vật, phương tiện vi phạm… trong cả hai ví dụ vừa nêu, cơ quan có thẩm quyền chỉ áp dụng được hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng vi phạm hành chính.

b) Pháp luật chưa quy định cụ thể khi nào thì tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, khi nào thì chỉ tịch thu tang vật vi phạm. Điều đó dẫn đến sự tuỳ tiện, tịch thu tràn lan; ví dụ: đối với hành vi dùng điện để đánh bắt hải sản trên tàu thuyền, ngoài việc bị phạt tiền, thì tịch thu công cụ điện hay tịch thu cả công cụ sử dụng điện và tàu thuyền? Mặc dù trên thực tế, các trường hợp này chỉ nên tịch thu công cụ điện được sử dụng để đánh bắt cá và tịch thu cá là tang vật của vụ vi phạm mà không tịch thu tàu thuyền đánh cá vì không phải là công cụ được sử dụng để vi phạm hành chính.

Tương tự (Điều 16) Pháp lệnh chưa quy định cụ thể tiêu chí để tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc không thời hạn. Hậu quả của nó là một trong số trường hợp phương tiện, giấy phép bị tịch thu tràn lan hoặc tuỳ tiện, gây khó khăn cho hoạt động của cá nhân và tổ chức, nhất là tổ chức kinh tế.

c) Điều 14 Pháp lệnh quy định mức tiền xử phạt tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Một số mức phạt tối đa, cho đến nay vẫn còn phù hợp nhưng một số mức đã không còn phù hợp với thực tế như lĩnh vực bảo vệ môi trường được khống chế phạt đến 70 triệu động; lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng có mức phạt tối đa đến 30 triệu đồng… Theo các chuyên gia trong một số lĩnh vực đó thì mức tiền khống chế như vậy là thấp, không đủ tính răn đe để phòng ngừa và đấu tranh với các vi phạm đã và đang xảy ra.

2.1.3. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

a) Về thủ tục đơn giản

Xử phạt theo thủ tục đơn giản giúp người có thẩm quyền xử phạt cấp cơ sở có thể nhanh chóng xử lý những hành vi vi phạm nhỏ, rõ ràng, tránh được sự phức tạp khi lập hồ sơ vi phạm hành chính hoặc chuyển vụ việc lên cho cấp trên quyết định. Tuy nhiên, trong xu hướng nâng cao mức phạt tiền như hiện nay, thì mức tiền được xử phạt tối đa theo thủ tục này (Điều 54 Pháp lệnh) là 100.000 đồng còn quá thấp khó có thể áp dụng để xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực, đặc biệt như lĩnh vực an ninh, trật tự và an toàn xã hội; giao thông đường bộ… là những lĩnh vực có số lượng hành vi vi phạm lớn, đa dạng và mang tính phổ thông.

b) Về thủ tục có lập biên bản

Điều 55 của Pháp lệnh quy định về người có thẩm quyền lập biên bản và nội dung biên bản. Tuy nhiên quy định về người có thẩm quyền lập biên bản phải là người có thẩm quyền xử phạt là chưa phù hợp với thực tế vì một số chức danh có thẩm quyền xử phạt như Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Cục trưởng Cục Hải quan… nói chung là những người có chức vụ, quyền hạn lãnh đạo thường không phải là người trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm và lập biên bản, do đó cần phải sửa quy định này theo hướng người có thầm quyền đang thi hành công vụ lập biên bản khi phát hiện vi phạm; nếu người đó có thẩm quyền xử phạt thì tiến hành xử phạt theo quy định, nếu không có thẩm quyền xử phạt thì chuyển cho người có thẩm  quyền để xử phạt.

2.1.4. Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt

Các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Chương V Pháp lệnh (từ Điều 43 đến Điều 52), bao gồm các biện pháp như: tạm giữ người, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật… Việc quy định và áp dụng các biện pháp này là cần thiết để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật (như việc tạm giữ các đối tượng có hành vi gây gổ, đánh nhau hoặc khám xét phương tiện vận chuyển hàng cấm…) và đảm bảm việc xử phạt. Về cơ bản các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử phạt đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, tuy nhiên hiện tại vẫn còn một số vướng mắc cần được tiếp tục nghiên cứu, giải quyết:

a) Vấn đề khám nơi cất giấu tang vật là nhà ở

Theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Pháp lệnh thì trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện là nhà ở thì quyết định khám phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trước khi khám. Quy định này trên thực tế là một khó khăn cho công tác khám vì khó có thể có được sự phê chuẩn của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ngay thời điểm cần thiết nên đối tượng vi phạm có thời gian để trốn hoặc tẩu tán, tiêu huỷ tang vật, phương tiện vi phạm…

b) Vấn đề uỷ quyền trong việc quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn

Theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Pháp lệnh, trong trường hợp những người được quyền ban hành quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn mà vắng mặt và được uỷ quyền thì cấp phó có quyền quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Quy định uỷ quyền này chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho việc thi hành đặc biệt là phải đáp ứng điều kiện chỉ ủy quyền cấp trưởng vắng mặt, trong khi trên thực tế nhiều đơn vị có khối lượng công việc liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính rất lớn nên cấp phó cũng cần được ủy quyền để tham gia xử phạt ngay cả khi cấp trưởng có mặt.

c) Vấn đề tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Thẩm quyền tạm giữ người được quy định tại Điều 45 của Pháp lệnh giao cho thủ trưởng của một số cơ quan nhà nước như Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Trưởng công an phường, Trưởng công an huyện… Tuy nhiên, quy định chưa phù hợp với thực tế vì trong thực tế các chức danh có thẩm quyền cấp cơ sở như chiến sỹ cảnh sát, thanh tra… mới là người phát hiện hành vi vi phạm nhưng họ lại không có thẩm quyền tạm giữ người, ví dụ: trường hợp một số người đang gây gổ đánh nhau, khi phát hiện ra sự việc này, chiến sỹ công an ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vừa nêu. Tuy nhiên, số người này vẫn tiếp tục đánh nhau; như vậy trong trường hợp này chiến sỹ công an có quyền tạm giữ người vi phạm hành chính hay không? Mặc dù vậy, việc tạm giữ người liên quan trực tiếp đến quyền tự do cơ bản của công dân, do đó thẩm quyền tạm giữ người cũng không nên quá mở rộng.

Mặt khác, cũng cần quy định rõ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; đây là thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm hay thời điểm có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ. Theo chúng tôi, thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm là thời điểm người vi phạm bị giữ chứ không phải là thời điểm người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ vì nếu tính từ thời điểm người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ thì người bị tạm giữ có thể bị giữ 1-2 ngày hoặc lâu hơn, sau đó người có thẩm quyền mới ra quyết định tạm giữ thì người vi phạm bị tạm giữ không phải là 12 giờ (hay 24, 48 giờ như quy định tại Điều 44 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002) mà thực tế sẽ lâu hơn nhiều, bởi vậy việc xác định rõ thời điểm người vi phạm bị tạm giữ là vấn đề đặc biệt quan trọng.

Thời hạn tạm giữ người cũng là vấn đề vì theo ý kiến của một số chức danh có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ người là quá ngắn, nhiều vụ vi phạm rất phức tạp, có nhiều người tham gia, lại ở xa hoặc lai lịch không rõ ràng, cần nhiều thời gian để xác minh, làm rõ vụ việc, do đó cần tăng thêm thời hạn tạm giữ đối với một số trường hợp này (có ý kiến đề nghị cần tăng lên 24 giờ thay cho 12 giờ như hiện nay, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn thêm 24 giờ nữa).

2.1.5 Giám sát, kiểm tra

Giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật nói chung, pháp luật xử lý vi phạm hành chính nói riêng là một công việc rất quan trọng nhằm đảm bảo cho pháp luật không bị vi phạm bởi các cơ quan có thẩm quyền trong khi thi hành công vụ. Trên cơ sở đó pháp luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định cụ thể, toàn diện các vấn đề về giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính; cụ thể: Điều 114 Pháp lệnh quy định việc giám sát của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội; Điều 115 quy định giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp; Điều 116 quy định kiểm tra của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Điều 117 quy định kiểm tra của Uỷ ban nhân dân các cấp. Như vậy, Pháp lệnh quy định toàn diện về các cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Các quy định này phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan như Luật giám sát của Quốc hội. Tuy nhiên, tính khả thi cũng như hiệu quả của việc thực hiện các quy định này còn chưa cao vì phần lớn đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp hoạt động không chuyên trách, các cơ quan quản lý nhà nước thường lại bận nhiều công việc khác nhau, do đó, ít có điều kiện để thực hiện kiểm tra, giám sát. Trên cơ sở đó có thể khẳng định, cơ chế kiểm tra, giám sát hiện nay chưa đạt hiệu quả như mong muốn, bởi vậy cần phát huy giám sát, kiểm tra thông qua cơ chế khiếu nại, tố cáo và khởi kiện vụ án tại toà án hành chính.

2.2. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện PLXLVPHC năm 2002

2.2.1. Hình thức, mức xử phạt

a) Xu hướng hiện nay là để nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm hành chính, các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thường muốn quy định mức phạt tiền rất cao. Điều này có thể dẫn đến tình trạng hành chính hoá các hành vi phạm tội và là sự bất hợp lý cả về lý thuyết, lẫn thực tế. Vi phạm hành chính là hành vi vi phạm nhỏ, mức độ nguy hiểm thấp hơn tội phạm nhưng hình thức phạt tiền lại được quy định ở mức rất cao so với hình phạt tiền được quy định trong Bộ luật hình sự. Thực trạng này có thể dẫn đến hai trường hợp:  hành chính hoá các hành vi phạm tội (để không phải chịu phạt tù) hoặc hình sự hoá các hành vi hành chính vì hình phạt tiền thấp hơn mức tiền xử phạt vi phạm hành chính.

b) Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước:

Mức xử phạt tiền tối đa quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 không còn phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế và quy định của một số  luật đã được Quốc hội ban hành trong thời gian gần đây. Vì vậy, mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực cần được nghiên cứu để nâng lên nhằm thể hiện tính răn đe, giáo dục người vi phạm, đồng thời cũng là để Chính phủ có thêm điều kiện chủ động trong việc quy định cụ thể mức phạt tiền đối với từng lĩnh vực quản lý nhà nước cho sát hợp với thực tế.

2.2.2 Về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính

– Thẩm quyền  phạt tiền của một số chức danh cấp cơ sở  của các cơ quan có thẩm quyền XPVPHC đã được quy định trong Pháp lệnh hiện hành còn quá thấp và chưa thể hiện được sự tin tưởng, trao trách nhiệm cho các chức danh này và giúp cho việc xử phạt được tiến hành nhanh chóng, thuận tiện, không phải chuyển lên cấp trên để xử phạt. Ví dụ, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chiến sỹ Công an nhân dân, Chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ là 100.000 đồng; Trạm trưởng, Đội trưởng của Chiến sĩ Công an nhân dân, Trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng là 200.000 đồng…

– Một số chức danh có thẩm quyền xử phạt quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã không còn được xác định chính xác bởi có sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức của một số Bộ, ngành. Bên cạnh đó một số luật, pháp lệnh khác đã độc lập quy định bổ sung các chức danh có thẩm quyền xử phạt như: Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan của Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính; người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước; Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản; Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản của vụ phá sản..v.v.

2.2.3  Việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính

Tạm  giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là một trong các biện pháp quan trọng để ngăn chặn và bảo đảm  xử phạt vi phạm hành chính. Khoản 3 Điều 46 PLXLVPHC năm 2002 quy định: “Người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó; nếu do lỗi của người này mà tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường”. Thực tiễn thi hành pháp luật xử phạt vi phạm hành chính đã cho thấy quy định này là cần thiết, tuy nhiên người có thẩm quyền xử phạt đã gặp khó khăn vì không có nhà, kho, địa điểm để bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị bắt giữ. Ngày 24/7/2006 Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2006/NĐ-CP quy định việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ, theo thủ tục hành chính. Nghị định này đã giải quyết được khó khăn vừa nêu là nơi tạm giữ. Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 70/2006/NĐ-CP thì nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ là nhà kho, bến, bãi, âu thuyền, trụ sở cơ quan, nơi làm việc của người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện hoặc nơi khác do người có thẩm quyền tạm  giữ bố trí. Nghị định cũng giao Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xây dựng nơi tạm giữ tang vật, phương tiện chung ở địa phương. Đối với cơ quan thường xuyên phải tạm giữ tang vật, phương tiện với số lượng lớn thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm  cấp đất và kinh phí  để xây dựng nơi tạm giữ. Ngoài vấn đề nơi tạm giữ, Nghị định còn quy định tương đối đầy đủ một số vấn đề khác có liên quan đến việc tạm giữ như trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan quản lý nơi tạm giữ tang vật, phương tiện; nhiệm vụ, quyền hạn của người quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ… Những quy định này là rất cần thiết và có tính khả thi trong thực tế.

2.2.4. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cũng gặp một số khó khăn trên thực tế vì hiện nay một số tỉnh, thành phố trực thuộc đều tồn tại hai trung tâm bán đấu giá tài sản; một trung tâm thuộc Sở Tư pháp và một trung tâm thuộc Sở Tài chính và Pháp lệnh không quy định rõ Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp hay Sở Tài chính do đó các địa phương đều lúng túng trong việc bán tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2.2.5. Xác định trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

 Theo quy định sau khi tiến hành tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, nếu xét thấy cần áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm thì người đã ra quyết định tạm giữ mời đại diện cơ quan tài chính cùng cấp hoặc lập hội đồng để định giá tang vật, phương tiện vi phạm. Quy định này xem xét dưới khía cạnh pháp lý là khá chặt chẽ, đảm bảo việc định giá được khách quan. Tuy nhiên, lại không khả thi và gây khó khăn cho người có thẩm quyền tịch thu vì trên thực tế không phải lúc nào cũng mời được đại diện cơ quan tài chính cùng cấp đến để định giá hoặc việc lập Hội đồng, chờ Hội đồng xem xét, định giá cũng gặp khó khăn, kéo dài thời gian xem xét, định giá và ảnh hưởng trực tiếp đến việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Pháp lệnh chưa quy định xử lý một số vấn đề xuất hiện trong thực tế như việc thi hành quyết định xử phạt khi đối tượng xử phạt đã chết hoặc bị giải thể, việc miễn, giảm tiền phạt đối với đối tượng nghèo, không có điều kiện nộp phạt hoặc đối với một số địa phương không có trung tâm bán đấu giá tài sản thì tang vật, phương tiện có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên sẽ chuyển cho cơ quan nào để tổ chức bán đấu giá… do đó, đây cũng là một khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết các vụ việc không có điều kiện cưỡng chế thi hành.

2.2.6. Vấn đề cưỡng chế  thi hành quyết định xử phạt

Mặc dù thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế đã được quy định phù hợp với thực tế hơn và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18/03/2005 quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vẫn còn gặp một số khó khăn vì một số lý do sau:

Người có thẩm quyền cưỡng chế không có lực lượng để cưỡng chế. Trong một số trường hợp, việc tổ chức cưỡng chế đòi hỏi sự tham gia của nhiều người, nhiều lực lượng nhưng cơ quan, người có thẩm quyền cưỡng chế (Chánh thanh tra cấp Bộ, cấp Sở…) lại không có lực lượng để cưỡng chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc tổ chức cưỡng chế cũng gặp khó khăn vì các cơ quan phối hợp cũng phải thực hiện nhiệm vụ của mình, ít có lực lượng và thời gian để phối hợp cưỡng chế.

Cơ quan, người có thẩm quyền cưỡng chế, trong nhiều trường hợp, không có kinh phí để cưỡng chế vì theo quy định tại khoản 3 Điều 66 Pháp lệnh thì cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, trên thực tế, đối tượng bị cưỡng chế lại không thể có kinh phí cho việc tổ chức cưỡng chế, do đó để lập lại trật tự quản lý và đảm bảo lợi ích công cộng thì Nhà nước cần phải chi phí cho việc tổ chức cưỡng chế.

Một số biện pháp cưỡng chế như khấu trừ lương, tài khoản tại ngân hàng có tính khả thi không cao vì đối tượng làm nghề tự do ngoài xã hội hoàn toàn không có lương và tài khoản tại ngân hàng, thậm chí cũng không có tài khoản để kê biên. Mặt khác, một số ngân hàng cũng không thực hiện việc khấu trừ tiền của đối tượng vi phạm vì để bảo vệ khách hàng và hoạt động bình thường của ngân hàng.

2.2.7 Về  sửa đổi Điều 113 Pháp lệnh hiện hành:

Điều 113  của Pháp lệnh quy định “xử lý trường hợp một người vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc vừa thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh” chưa đề cập tới việc xử lý trường hợp cá nhân vi phạm vừa là đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh nhưng thuộc loại côn đồ hung hãn hoặc trong trường hợp trong giai đoạn cắt cơn, phục hồi đối tượng có các hành vi vi phạm thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục hoặc trường giáo dưỡng nên đã gây ra không ít khó khăn trong việc quản lý, chữa bệnh, cải tạo cho các đối tượng này.

3. Những vấn đề đặt ra đối với pháp luật về XLVPHC trong giai đoạn mới – sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung PLXLVPHC năm 2002

Trong những năm qua, kinh tế – xã hội của nước ta có nhiều thay đổi, tình hình vi phạm pháp luật cũng có những diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề thực tế mới phát sinh cần điều chỉnh…. Việc tổng kết, đánh giá các quy định hiện hành về xử lý vi phạm hành chính sau 05 năm triển khai thực hiện cho thấy một số quy định hiện hành đã không còn phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trong tình hình mới.

Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện về hệ thống pháp luật hiện hành cùng với kết quả của công tác tổng kết thi hành Pháp lệnh cho thấy nội dung Pháp lệnh sửa đổi lần này cần tập trung giải quyết ba nhóm vấn đề: thứ nhất là sửa đổi các quy định hiện hành để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước; thứ hai là ghi nhận một số quy định của các luật mới có quy định về xử phạt vi phạm hành chính để thuận tiện cho việc triển khai thi hành và cuối cùng là bổ sung một số quy định mới để thực hiện xử lý vi phạm hành chính một cách toàn diện.

3.1.  Các quy định của PLXLVPHC năm 2002 cần sửa đổi, bổ sung

3.1.1.  Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính

a) Quy định về lĩnh vực và mức phạt tiền tối thiểu, tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh

Điều 14 của PLXLVPHC năm 2002 quy định mức phạt tiền tối đa đối với từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể. Sau 05 năm triển khai thi hành Pháp lệnh, ngoài các lĩnh vực được quy định tại Điều 14 Pháp lệnh, đã có rất nhiều Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đã được ban hành mà Pháp lệnh chưa quy định như các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, thể dục thể thao, công nghệ thông tin…, đây là những vấn đề mới phát sinh cần bổ sung để đảm bảo tính toàn diện của Pháp lệnh.

Bên cạnh đó, mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước đã không còn phù hợp, không đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm trong tình hình kinh tế, xã hội hiện nay, vướng mắc này thể hiện rõ nét ở các lĩnh vực như chứng khoán, kế toán, ngân hàng, bảo vệ môi trường, xây dựng, đất đai… Vì vậy, cũng cần nghiên cứu nâng mức phạt tiền tối thiểu vì mức 5.000 đồng quy định tại Pháp lệnh hiện nay không còn phù hợp với thực tế, thêm vào đó, các nghị định hiện hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính đều không quy định mức phạt tiền tối thiểu này. Chính vì vậy cần phải nghiên cứu nâng một cách tổng thể mức phạt tối đa và tối thiểu trong các lĩnh vực quản lý nhà nước để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính.

b) Quy định về thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh

Biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra (Điều 18 Pháp lệnh) trong nhiều lĩnh vực không khả thi, ví dụ trong lĩnh vực bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định biện pháp khắc phục hậu quả do phá rừng như buộc người vi phạm trồng lại rừng và chịu chi phí trồng rừng nhưng rất khó thực hiện được đối với người vi phạm sinh sống tại địa phương có hoàn cảnh khó khăn hoặc người tạm trú, người có địa chỉ không rõ ràng, người ngoài địa phương. Biện pháp buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện (Điều 20 Pháp lệnh) trên thực tế thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên xử lý vi phạm này ngay tại địa phương là phù hợp và đảm bảo tính kịp thời.

Một vấn đề vướng mắc nhất trong việc triển khai áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là quy định cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu mọi chi phí cho việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21, tuy nhiên, việc thi hành các nội dung này trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn do nhiều trường hợp chi phí quá lớn, người vi phạm không thể chi trả được, trường hợp không xác định được người vi phạm hoặc người vi phạm bỏ trốn…. do vậy, cần có sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước để thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả này.

Đối với biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép quy định tại Điều 18 Pháp lệnh, do quy định không rõ ràng dẫn đến người có thẩm quyền xử phạt đối với các trường hợp vi phạm xây dựng công trình nhà, lấn chiếm đất công không hiểu chính xác quy định về biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu nên dẫn đến việc áp dụng sai. Cụ thể là theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Pháp lệnh thì biện pháp "buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép" là thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện, nhưng do hiểu sai quy định tại khoản 4 Điều 28 về thẩm quyền XLVPHC của Chủ tịch UBND cấp xã "buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra" nên việc áp dụng sai xảy ra theo hai hướng: một là sau khi đã được lập biên bản các trường hợp vi phạm, cấp huyện lại đưa về cho cấp xã thi hành nhưng cấp xã không có thẩm quyền ban hành quyết định nên không thực hiện được, sau đó phải chuyển lại cho cấp huyện; hoặc theo hướng thứ hai là UBND cấp xã ra quyết định xử phạt và khôi phục lại tình trạng ban đầu do vi phạm hành chính gây ra (buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép) nhưng sau đó phát hiện ra biện pháp buộc tháo dỡ là thuộc thẩm quyền của cấp huyện nên phải hủy quyết định để ban hành quyết định khác và chuyển lên cho UBND cấp huyện. Do vậy, nội dung sửa đổi của Pháp lệnh cần bổ sung thẩm quyền của UBND cấp xã trong việc áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép để giải quyết những vướng mắc về mặt pháp lý cũng như thực tiễn thi hành vì hiện nay sai phạm trong xây dựng trái phép diễn ra nhiều, với quy mô lớn nhỏ khác nhau, nếu phải chuyển lên Chủ tịch UBND cấp huyện để xem xét áp dụng sẽ không đảm bảo được nguyên tắc xử lý nhanh chóng, triệt để. Tuy nhiên, nếu quy định thẩm quyền buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép cho Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện thì cũng cần phân định rõ quy mô công trình được phép tháo dỡ để tránh sự áp dụng tùy tiện của người có thẩm quyền xử phạt.

3. 1.2. Các quy định về thẩm quyền trong xử lý vi phạm hành chính

a) Một số chức danh khác cần bổ sung tại Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung

Pháp lệnh hiện hành quy định 13 cơ quan/chức danh có thẩm quyền xử phạt nhưng số lượng này so với yêu cầu thực tiễn là chưa đủ. Trong số đó, một số chức danh trong quá trình thực thi nhiệm vụ trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, ví dụ như Đồn trưởng Đồn công an, Chỉ huy trưởng biên phòng Cửa khẩu cảng biển, do vậy, cần nghiên cứu bổ sung thẩm quyền xử phạt của một số chức danh này.

b) Quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính tại khoản 1 Điều 55 Pháp lệnh năm 2002

Pháp lệnh quy định chỉ người có thẩm quyền xử phạt đang thi hành công vụ mới có thẩm quyền lập biên bản về vi phạm hành chính, tuy nhiên, quy định này không thể thực hiện được trên thực tế đối với những chức danh như Giám đốc cảng vụ hàng hải, Giám đốc cảng vụ thủy nội địa, Giám đốc cảng vụ hàng không… trên thực tế không phải là người kiểm tra, phát hiện vi phạm mà là cấp dưới của những chức danh này thực hiện, tuy nhiên, Pháp lệnh không quy định cho những người này có thẩm quyền lập biên bản.

Vềv ấn đề này, Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2004 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành PLXLVPHC năm 2002 đã mở rộng quy định của Pháp lệnh cho những người không có thẩm quyền xử phạt có quyền lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời thủ trưởng của người đó là người có thẩm quyền xử phạt cũng phải ký tên vào biên bản để chịu trách nhiệm về tính chính xác của văn bản. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy định của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP là không hợp pháp do mở rộng quy định của Pháp lệnh. Mặt khác, việc thực hiện quy định này trên thực tế cũng gặp nhiều khó khăn, không thể giao biên bản cho người vi phạm mà phải về trình thủ trưởng là người có thẩm quyền xử phạt ký, đặc biệt càng khó khăn hơn trong trường hợp đang thực hiện việc kiểm tra xa trụ sở cơ quan hoặc người có thẩm quyền ký đi vắng. Quy định này là bất cập, gây khó khăn cho cán bộ thi hành nhiệm vụ và phiền hà cho người vi phạm. Do vậy, việc bổ sung thẩm quyền lập biên bản về vi phạm hành chính là cần thiết để đảm bảo việc phát hiện và lập biên bản được nhanh chóng, thuận tiện.

c) Quy định mức phạt tiền tối đa đối với các chức danh trực tiếp xử phạt chưa hợp lý, dẫn đến vụ việc bị dồn lên cấp trên.

Pháp lệnh quy định thẩm quyền xử phạt của Thanh tra viên là 200.000 đồng, trong khi các hành vi trong Nghị định, mức phạt thấp nhất cũng đã cao hơn mức 200.000 đồng, Thanh tra viên chỉ có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm, vụ việc phải chuyển lên Chánh thanh tra để xử phạt. Thẩm quyền quy định cho Đội trưởng Cảnh sát giao thông là 200.000 đồng quá thấp, dẫn đến tình trạng dồn việc lên cấp trên có thẩm quyền để xử phạt. Chính vì vậy, Pháp lệnh sửa đổi cần phải nghiên cứu nâng mức phạt tiền tối đa cho các chức danh có thẩm quyền xử phạt, đặc biệt là các chức danh có thẩm quyền xử phạt ở cấp cơ sở để tránh vụ việc bị dồn lên cấp trên chờ xử lý.

d) Quy định về vấn đề uỷ quyền xử phạt quy định tại Điều 41 của Pháp lệnh

Theo phản ánh của hầu hết các địa phương, việc quy định uỷ quyền xử phạt vi phạm hành chính bằng văn bản của cấp trưởng cho cấp phó theo vụ việc và chỉ ủy quyền khi vắng mặt là không phù hợp với thực tế vì theo quy định thì người có thẩm quyền ký quyết định xử phạt đều là cấp trưởng nhưng trên thực tế thì người giải quyết công việc cụ thể chủ yếu là cấp phó, dẫn đến việc phải lập văn bản ủy quyền nhiều lần. Hơn nữa, nếu quy định việc ủy quyền theo vụ việc thì sẽ không giải quyết kịp thời các vụ vi phạm trong trường hợp cấp trưởng đi vắng, do bất cập này nên tại nhiều cơ quan, cấp trưởng ủy quyền cho cấp phó nhưng không có văn bản. Mặt khác, đối với thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp, do phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND rất nhiều và rộng, chịu trách nhiệm chỉ đạo điều hành chung của địa phương, có địa phương hàng năm phải xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật hành chính, Chủ tịch UBND không thể xử lý hoặc uỷ quyền theo vụ việc được. Quy định ủy quyền này cũng chưa tính đến trường hợp tại nhiều địa phương chưa có cấp trưởng, trong khi PLXLVPHC quy định thẩm quyền ký quyết định xử phạt thuộc cấp trưởng. Do vậy, các quy định này cần phải tiến hành sửa đổi theo hướng bỏ điều kiện “vắng mặt” và tiến hành ủy quyền thường xuyên mà không theo vụ việc vi phạm để đảm bảo cải cách hành chính, thuận tiện cho việc triển khai thi hành.

3.1.3. Quy định về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính

a) Biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo Điều 44 Pháp lệnh

Điều 44 Pháp lệnh quy định thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu tạm giữ người vi phạm, trường hợp cần thiết thì tối đa không quá 48 giờ, quy định này chưa hợp lý vì không đủ thời gian xác minh các yếu tố nhân thân, lai lịch của người vi phạm cũng như kết luận hành vi vi phạm, đặc biệt là đối với những vụ vi phạm ở vùng sâu, vùng xa, vùng biển, biên giới, hải đảo có điều kiện giao thông không thuận lợi hoặc một số vụ việc có yếu tố nước ngoài. Nhiều trường hợp, để đảm bảo thời gian tạm giữ, người có thẩm quyền đã phải cố tình "bắt người buổi sáng nhưng đến buổi chiều mới lập biên bản vi phạm" hoặc để không vi phạm quy định pháp luật thì người có thẩm quyền buộc phải thả người vi phạm ra ngay cả khi người vi phạm chưa có tiền nộp phạt. Do đó, đề nghị quy định thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính từ 12 giờ lên 36 giờ để thuận lợi hơn khi áp dụng.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến kiến nghị về chế độ, tiêu chuẩn dành cho người bị tạm giữ, cơ sở vật chất (nhà tạm giữ) cho công tác tạm giữ chưa được chú trọng, đặc biệt là ở cấp chính quyền cơ sở như UBND cấp xã, Công an phường, người vi phạm thường bị tạm giữ trong phòng làm việc của công an xã, vi phạm quyền của người bị tạm giữ. Đề nghị hướng dẫn cụ thể về nhà tạm giữ hành chính để triển khai thực hiện quy định này trên thực tế được thuận lợi hơn.

b) Biện pháp khám người theo thủ tục hành chính quy định tại Điều 47 của Pháp lệnh

Theo quy định chỉ có các chức danh quy định tại Điều 45 Pháp lệnh mới có thẩm quyền khám người. Tuy nhiên, trên thực tế, một số người đang thực thi công vụ như công chức hải quan có nhiệm vụ chống buôn lậu và kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh; chiến sĩ bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên… là người thực hiện các hoạt động tuần tra, kiểm soát trực tiếp nhưng không có thẩm quyền khám người (trong nhiều trường hợp bao gồm cả khám phương tiện, tang vật bị nghi ngờ vi phạm hành chính), nếu trình lên người có thẩm quyền thì sẽ không kịp thời xử lý vi phạm. Do vậy, cần nghiên cứu mở rộng thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính tại Điều 45.

c) Biện pháp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Điều 49 của Pháp lệnh

Các địa phương cho rằng quy định như Pháp lệnh là không khả thi và gây khó khăn cho việc khám xét vì để có được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp huyện như quy định thì phải mất từ 1-2 ngày, thậm chí còn lâu hơn nếu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đi công tác xa. Trong thời gian chờ văn bản đồng ý của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thì đối tượng có đủ thời gian để tẩu tán tang vật, phương tiện vi phạm, làm công tác đấu tranh của cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn, không đạt hiệu quả, tính răn đe mất tác dụng. Trên thực tế, hầu hết các cửa hàng hiện nay đều sử dụng một phần diện tích nhà ở để kinh doanh mà để bắt được các vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm đòi hỏi phải rất khẩn trương nhưng khi xin được văn bản chấp thuận của Chủ tịch UBND cấp huyện thì người vi phạm đó kịp thời tẩu tán hết tang vật, phương tiện vi phạm, do vậy, cần bỏ nội dung phải có sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp huyện trước khi khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nơi ở.

Khoản 3 Điều 49 của Pháp lệnh quy định nghiêm cấm khám ban đêm, tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp nơi cất giấu lớn, nhiều khi đang khám dở, đến 21h tối lại phải dừng lại để sáng mai tiếp tục thực hiện khám tiếp, như vậy sẽ rất phức tạp, do vậy, cần phải sửa nội dung này theo hướng việc khám vào ban đêm chỉ được tiến hành trong trường hợp khẩn cấp và việc khám này được tiếp tục thực hiện trong trường hợp bắt đầu khám trước thời điểm từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau nhưng vẫn đang được tiến hành mà chưa kết thúc.

3.1.4.  Các vấn đ�� liên quan đến thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

a) Về quyết định xử phạt quy định tại Điều 56 của Pháp lệnh

 Thời hạn ra quyết định xử phạt 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính là quá ngắn để lập hoàn chỉnh một hồ sơ, chưa kể thời gian chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xem xét. Quy định việc xin gia hạn là “báo cáo thủ trưởng trực tiếp” không quy định rõ là thủ trưởng quản lý trực tiếp hay thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền xử phạt, cụ thể trong trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh thanh tra Bộ đề nghị xin gia hạn thì người  có thẩm quyền quyết định việc gia hạn khi những chức danh nói trên đề nghị là ai?

Quy định về chuyển giao quyết định xử phạt cho đối tượng bị xử phạt trong thực tế cũng có một số điểm khó khăn vì thời hạn ba ngày là quá ngắn, không phù hơp với điều kiện những nơi vùng sâu, vùng xa và trong nhiều trường hợp người vi phạm né tránh không nhận quyết định xử phạt.

b) Về thủ tục phạt tiền quy định tại Điều 54 và Điều 57 của Pháp lệnh

Điều 54 của Pháp lệnh hiện hành quy định thủ tục đơn giản áp dụng đối với phạt cảnh cáo và phạt tiền đối với hành vi vi phạm có mức phạt tối đa từ 5.000 đồng đến 100.000 đồng, tuy nhiên, việc quy định mức phạt như hiện hành để người có thẩm quyền tiến hành thủ tục phạt tiền theo thủ tục đơn giản là thấp, không phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội hiện nay và không đảm bảo tinh thần cải cách thủ tục hành chính. Vì vậy, Dự thảo sửa đổi cần phải nghiên cứu nâng mức phạt tiền tối đa để người có thẩm quyền xử phạt có thể ra quyết định xử phạt tại chỗ.

Khoản 4, 5 Điều 57 của Pháp lệnh quy định cá nhân, tổ chức bị phạt tiền phải nộp tiền phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt, theo quy định này thì toàn bộ tiền phạt phải được nộp một lần vào ngân sách Nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay phát sinh một số vụ xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị phạt tiền với mức phạt quá lớn, trường hợp này nếu thi hành quyết định phạt tiền thì số tiền đó vượt quá khả năng chi trả của họ. Để giải quyết trường hợp này, Pháp lệnh sửa đổi cần nghiên cứu bổ sung chế định nộp phạt nhiều lần để có cơ sở pháp lý cho việc triển khai thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính được linh hoạt.

c) Về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Điều 61 của Pháp lệnh

Khoản 1 Điều 61 PLXLVPHC quy định: đối với tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm hành chính có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên thì người có quyết định tịch thu phải giao cho Trung tâm bán đấu giá tài sản cấp tỉnh nơi có tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu. Nếu tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm hành chính có giá trị dưới 10.000.000 đồng thì người quyết định tịch thu phải chuyển giao cho cơ quan tài chính cấp huyện để tổ chức bán đấu giá. Tuy nhiên, qua tổ chức thi hành nội dung này thì vấn đề vướng mắc gặp phải là việc chuyển giao để bán đấu giá đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu có giá trị trên 10.000.000 đồng do người có thẩm quyền tiến hành tịch thu thực hiện ở nơi xa Trung tâm bán đấu giá tài sản cấp tỉnh (đặc biệt là tại tỉnh miền núi, hải đảo địa bàn rộng lớn, giao thông không thuận lợi) thì việc vận chuyển từ những nơi này đến Trung tâm bán đấu giá cấp tỉnh gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng lên do việc vận chuyển tốn kém; thủ tục tiến hành chuyển giao không thuận lợi; việc thanh quyết toán bán hàng tịch thu sung quỹ nhà nước phức tạp gây khó khăn cho công tác xử lý tài sản, một số tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất, Trung tâm Bán đấu giá của tỉnh quá tải trong việc xử lý nên các huyện đang thực hiện vượt thẩm quyền, do vậy, nội dung sửa đổi lần này cần nghiên cứu chỉnh sửa theo hướng chuyển giao tang vật, phương tiện đến cơ quan có thẩm quyền để bán đấu giá theo địa bàn quản lý, tạo thuận lợi cho việc chuyển giao trên thực tế, tránh gây lãng phí cho công tác vận chuyển.

3.1.5.  Quy định về chế độ khen thưởng tại Điều 120 của Pháp lệnh

Điều 120 của Pháp lệnh quy định việc khen thưởng thực hiện theo chế độ chung là không hợp lý vì xử phạt vi phạm hành chính và việc xảy ra hàng ngày, thường xuyên và vào nhiều thời điểm, không nên khen thưởng vào dịp tổng kết khen thưởng cuối năm như các lĩnh vực khác. Hơn nữa, việc nghiêm cấm sử dụng tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính hoặc từ tiền bán tang vật, phương tiện bị tịch thu để trích thưởng hạn chế sự động viên, khuyến khích kịp thời đối với những người phát hiện và thực thi nhiệm vụ xử phạt. Chế độ trích thưởng đối với các cơ quan phối hợp thực thi cũng không được quy định trong khi quá trình thực thi việc xử phạt hành chính đòi hỏi rất nhiều chi phí dẫn đến công tác phối hợp giữa các cơ quan không được thực hiện hoặc thực hiện với hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, hiện nay trên thực tế, chi phí cho cưỡng chế thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong một số trường hợp cá nhân, tổ chức bỏ trốn hoặc không có đủ khả năng về kinh tế, biện pháp kỹ thuật để thực hiện đều lấy từ ngân sách nhà nước để thực hiện. Do vậy, việc thành lập Quỹ đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính cần được nghiên cứu bổ sung. Nội dung chi của quỹ này cần tập trung vào thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ chi phí lưu kho, bến bãi, bảo quản tang vật, phương tiện khi chủ tang vật, phương tiện bị tạm giữ không có lỗi; chi bồi dưỡng làm thêm giờ, bồi dưỡng công tác kiêm nhiệm, bồi dưỡng cho cán bộ bị thương và hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính; chi mua sắm thêm phương tiện, trang bị, thiết bị làm việc và các chi phí phát sinh khác trực tiếp liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính; hỗ trợ việc khen thưởng cá nhân, tổ chức có thành tích trong việc phòng, chống vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

3.2. Các quy định về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác

3.2.1. Về đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 23 của Pháp lệnh) và đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng quy định tại Điều 24 của Pháp lệnh

 Điểm b Khoản 2 Điều 24 của Pháp lệnh quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng bao gồm người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn song tại khoản 2 Điều 23 Pháp lệnh không có đối tượng này. Như vậy, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ không được áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý.

Điểm b khoản 2 Điều 23 có quy định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người từ đủ 12 tuổi trở lên nhiều lần có hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối trật tự công cộng, nhưng đây được hiểu là các hành vi vi phạm hành chính (không phải là tội phạm). Nghị định số 163/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng cũng không có quy định gì mới so với Pháp lệnh XLVPHC. Như vậy, nếu theo đúng tinh thần PLXLVPHC năm 2002 thì đối tượng này đã bị bỏ lọt mà không có biện pháp xử lý, cần có nghiên cứu để điều chỉnh đối tượng quy định tại 2 điều này để đảm bảo áp dụng thống nhất.

3.2.2. Về sự tham gia của luật sư trong quá trình xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác

Nét đặc thù của việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính so với chế tài xử lý hình sự hiện hành là việc hạn chế quyền tự do của con người thông qua một quyết định hành chính mang tính mệnh lệnh. Để tiếp cận hài hòa với các cam kết quốc tế, đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích của đối tượng bị áp dụng và việc minh bạch quá trình xem xét ra quyết định áp dụng của người có thẩm quyền thì việc bổ sung nội dung quy định về sự tham gia của luật sư trong quá trình xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác cần phải được đặt ra trong việc sửa đổi lần này. Theo đó, đối với thủ tục xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng quy định tại Mục 2 Chương VII của Pháp lệnh; biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục quy định tại Mục 3 Chương VII của Pháp lệnh và biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh quy định tại Mục 4 Chương VII của Pháp lệnh cần quy định người bị xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền mời luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền lợi cho mình tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn. Luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý của người bị xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác có quyền tham dự cuộc họp của Hội đồng tư vấn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự của mình.

3.2.3. Quy định về người vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh (Điều 113 của Pháp lệnh)

Đây là quy định gây vướng mắc và có nhiều bức xúc trong thực tiễn áp dụng  thời gian qua. Một số địa phương, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi Điều 113 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Việc Điều 113 của Pháp lệnh hiện hành quy định đưa vào cơ sở chữa bệnh những người vừa nghiện ma túy (hoặc bán dâm) lại vừa có các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội (trộm cắp, lừa đảo, gây rối trật tự công cộng…) đã gây áp lực lớn cho các cơ sở này trong việc giáo dục, quản lý đối tượng. Về chức năng, các cơ sở chữa bệnh chủ yếu được thành lập để giáo dục những đối tượng là nạn nhân của tệ nạn xã hội, không có đủ điều kiện, phương tiện, nhân lực để cải tạo những đối tượng lưu manh, côn đồ chuyên nghiệp. Những đối tượng thuộc diện này khi được đưa vào cơ sở chữa bệnh thường có hành vi gây rối theo kiểu “đại bàng”, “đầu gấu” tại cơ sở chữa bệnh, gây mất an ninh trật tự tại cơ sở chữa bệnh, ảnh hưởng đến việc chữa trị, cai nghiện cho những đối tượng chỉ nghiện ma tuý đơn thuần… Do vậy, cần nghiên cứu quy định theo hướng trường hợp người nghiện ma túy (hoặc bán dâm) thực hiện các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở chữa bệnh thì chuyển đối tượng này sang áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục để thuận tiện cho công tác quản lý, giáo dục những đối tượng này.

3.2.4. Ghi nhận một số quy định của các luật mới có quy định về xử phạt vi phạm hành chính

Thời gian vừa qua, Quốc hội đã thông qua một số luật có quy định liên quan trực tiếp đến xử phạt vi phạm hành chính như Luật Cạnh tranh, Luật Phá sản doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài… một số luật quy định về xử phạt nhưng lại chưa xác định thẩm quyền cụ thể về hình thức xử phạt, mức tiền phạt. Do vậy, để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm hành chính, nhằm thuận tiện cho việc triển khai thi hành các quy định này trên thực tế, Pháp lệnh sửa đổi cần ghi nhận thẩm quyền xử phạt và mức phạt của các chức danh được ghi nhận trong luật như thẩm quyền xử lý vi phạm của người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước được ghi nhận tại Luật đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài; thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh và Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh quy định tại Luật cạnh tranh; thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Ủy ban chứng khoán quy định tại Luật chứng khoán; thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Tòa án nhân dân quy định tại Luật phá sản doanh nghiệp.

3.2.5. Một số vấn đề mới phát sinh trong quá trình triển khai thi hành cần nghiên cứu bổ sung vào Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của PLXLVPHC 2002

a) Về việc sử dụng phương tiện kỹ thuật để thu thập chứng cứ vi phạm hành chính

Thời gian vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 210/2004/QĐ-UB ngày 30/8/2008 của UBND thành phố Hồ Chí Minh cho phép lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ, Công an thành phố Hồ Chí Minh thực hiện xử phạt vi phạm luật giao thông đường bộ trên địa bàn qua hình ảnh, quy định này cho phép áp dụng phương tiện kỹ thuật vào công tác nghiệp vụ trong việc phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính về an toàn giao thông. Qua quá trình triển khai thi hành đã phát hiện và xử phạt được nhiều hành vi vi phạm, ý thức tham gia giao thông của người tham gia giao thông tại những nút giao thông được gắn phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ được nâng cao, giảm số lượng cảnh sát giao thông chốt trực… Xuất phát từ thực tiễn thi hành, ngày 24/10/2006 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 238/2006/QĐ-TTG ban hành quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát nhân dân trong hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông, theo đó Lực lượng Cảnh sát nhân dân được sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong hoạt động tuần tra, kiểm soát để phát hiện, chụp lại, ghi nhận, đánh dấu tại chỗ đối tượng có hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông và hình ảnh, bản ghi, dấu vết ghi thu được bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ này được coi là chứng cứ để lập biên bản vi phạm và xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, chủ trương sử dụng camera, phương tiện kỹ thuật ghi lại chứng cứ để xử phạt vi phạm trong trật tự an toàn giao thông cũng đã được đề cập tới trong Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiểm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Vì vậy, việc sửa đổi Pháp lệnh lần này cần phải “luật hóa” nội dung này tại Pháp lệnh và cần quy định cụ thể hơn về quy trình xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thông qua việc sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ như việc lập biên bản và ra quyết định xử phạt.

b) Xử lý vi phạm hành chính đối với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác

Điểm a khoản 1 Điều 66 của Pháp lệnh quy định cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính mà không tự nguyện chấp hành quyết định thì bị cưỡng chế bằng một trong những biện pháp được ghi nhận tại Pháp lệnh, trong đó có biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế không hiệu quả, việc khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng khó thực hiện vì các tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân vi phạm bị xử phạt có tài khoản không tiến hành trích chuyển vì bảo vệ quyền lợi khách hành của mình. Để đảm bảo tính răn đe, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các quyết định của cơ quan hành chính nhà nước, Dự án Pháp lệnh cần tiến hành nghiên cứu để quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, nội dung điều này cần quy định theo hướng ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác không thực hiện trách nhiệm trích chuyển từ tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành quy���t định xử phạt vào tài khoản của ngân hàng nhà nước đối với số tiền phạt phải nộp theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.

c) Về việc miễn chấp hành quyết định xử phạt hoặc giảm một phần tiền phạt

Liên quan đến việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Pháp lệnh hiện hành mới chỉ quy định về việc hoãn chấp hành quyết định phạt tiền đối với cá nhân bị phạt tiền từ 500.000 đồng trở lên trong trường hợp đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị được UBND cấp xã xác nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân đang trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt lại gặp thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ… dẫn đến không có khả năng thi hành quyết định. Trong những trường hợp như vậy, việc thi hành quyết định đã không được thực hiện theo quy định, quyết định xử phạt phải để lại để chờ thi hành, điều này ảnh hưởng đến hiệu lực của quyết định hành chính, do vậy, cần nghiên cứu cơ chế xử lý linh hoạt hơn trong việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo hướng cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính được miễn chấp hành một phần hoặc toàn bộ quyết định xử phạt trong trường hợp gặp thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc các trường hợp bất khả kháng khác mà cá nhân, tổ chức không có khả năng thi hành quyết định. Người đã ra quyết định xử phạt có quyền quyết định miễn chấp hành quyết định xử phạt hoặc giảm một phần tiền phạt.

d) Về việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp người bị xử phạt đã chết, tổ chức bị xử phạt chấm dứt hoạt động 

Pháp lệnh hiện hành chưa quy định về việc xử lý các quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn còn trong thời hiệu thi hành mà đối tượng bị xử phạt chết, tổ chức bị xử phạt chấm dứt hoạt động. Hiện nay, tại một số địa phương, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, việc xử lý các quyết định xử phạt trong những trường hợp này không được thực hiện, đây là một trong những nguyên nhân làm cho số lượng các quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được thi hành tăng lên, do vậy, Dự án Pháp lệnh sửa đổi cần nghiên cứu bổ sung nội dung liên quan đến đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thi hành trên thực tiễn. Theo đó, nội dung của điều này cần quy định theo hướng: ra quyết định đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp người có thẩm quyền xử phạt phát hiện hoặc nhận được thông báo người bị xử phạt chết, tổ chức bị xử phạt chấm dứt hoạt động. Trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả thì việc tiếp tục thi hành phải được nêu rõ trong quyết định đình chỉ thi hành quyết định xử phạt.

 

 

 

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU PHÁP LỆNH NĂM 2008 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH NĂM 2002

 

 

 

           

 

          1. Nội dung Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung                                                                             

Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi, bổ sung 25 điều trên tổng số 124 điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sau đây gọi là PLXLVPHC) và bổ sung 6 điều mới với những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Về quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước (Điều 14 PLXLVPHC năm 2002):

Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung quy định về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Mặc dù về hình thức, Điều này vẫn giữ cách quy định như PLXLVPHC là chia các lĩnh vực quản lý nhà nước thành 5 nhóm lĩnh vực để quy định mức phạt tiền tối đa. Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 500 triệu đồng nhưng trong một số nhóm lĩnh vực đã quy định nâng mức phạt tiền tối đa như bảo vệ môi trường; chứng khoán; xây dựng; đất đai; ngân hàng; sở hữu trí tuệ; quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản…, đồng thời bổ sung mức phạt tiền ở một số lĩnh vực trước đây PLXLVPHC chưa quy định như phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý vật liệu nổ công nghiệp; thể dục, thể thao…Quy định này nhằm nâng cao tác dụng răn đe, giáo dục người vi phạm, đồng thời cũng là để Chính phủ có thêm điều kiện chủ động trong việc quy định cụ thể mức phạt tiền đối với từng lĩnh vực quản lý nhà nước cho sát hợp với thực tế. 

b) Về các biện pháp khắc phục hậu quả

– Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của Chính phủ trong việc quy định các biện pháp khắc phục hậu quả (điểm đ khoản 3 Điều 12 PLXLVPHC), theo đó ngoài các biện pháp đã được quy định cụ thể tại PLXLVPHC và thẩm quyền áp dụng các biện pháp đó, Chính phủ có thẩm quyền quy định các biện pháp khắc phục hậu quả khác và các chức danh có thẩm quyền quyết định áp dụng tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính.

– Bổ sung quy định về chi phí thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả nhằm giải quyết vướng mắc trong thực tế thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thời gian qua. Cụ thể, đối với trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thể thực hiện được biện pháp khắc phục hậu quả do mình gây ra hoặc bỏ trốn mà việc khắc phục hậu quả là rất cần thiết để kịp thời bảo vệ môi trường, đảm bảo giao thông và trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan quản lý có thẩm quyền sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan mình để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đó. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải có trách nhiệm hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

c) Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Chương IV của PLXLVPHC (từ Điều 28 đến Điều 40) về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính là nội dung được sửa đổi “đậm nét” nhất trong PLXLVPHC. Các nội dung được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở quá triệt quan điểm chỉ đạo xây dựng Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung là đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho cấp cơ sở nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống xử lý vi phạm hành chính, cụ thể như sau:

– Nâng thẩm quyền XPVPHC của các chức danh có thẩm quyền xử phạt quy định tại Chương IV của PLXLVPHC (từ Điều 28 đến Điều 40), cụ thể như sau:

+ Nâng thẩm quyền XPVPHC của Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện. Cụ thể là, Chủ tịch UBND cấp xã từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng, Chủ tịch UBND cấp huyện từ 20.000.000 đồng lên 30.000.000 đồng để việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả, khắc phục tình trạng vụ việc vi phạm hành chính phải chuyển lên cấp trên để xử phạt. Riêng đối với Chủ tịch UBND phường, quận các thành phố trực thuộc trung ương (tức là thuộc địa bàn tổ chức bộ máy hành chính tại các đô thị lớn) thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định cao hơn, cụ thể: Chủ tịch UBND phường được phạt đến 5.000.000 đồng, Chủ tịch UBND quận được phạt đến 50.000.000 đồng để bảo đảm phù hợp với yêu cầu phòng chống VPHC tại các địa bàn đô thị lớn (khoản 11, 12 của Điều 1 Pháp lệnh).

+ Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung cũng quy định nâng thẩm quyền phạt tiền của một số chức danh cấp cơ sở  của các cơ quan có thẩm quyền XPVPHC đã được quy định trong Pháp lệnh hiện hành để việc xử phạt được tiến hành nhanh chóng, thuận tiện, không phải chuyển lên cấp trên để xử phạt. Ví dụ, quy định nâng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chiến sỹ Công an nhân dân, Chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng; Trạm trưởng, Đội trưởng của Chiến sĩ Công an nhân dân, chiến sĩ bộ đội biên phòng từ 200.000 đồng lên 500.000 đồng; Cảnh sát viên Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển đang thi hành công vụ từ 200.000 đồng lên 500.000 đồng; Thanh tra viên chuyên ngành đang thi hành công vụ từ 200.000 đồng lên 500.000 đồng (các khoản 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12  Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung).

– Bổ sung thẩm quyền XPVPHC cụ thể của một số chức danh có thẩm quyền XPVPHC theo quy định của một số luật đang có hiệu lực thi hành như: Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phá sản; Chấp hành viên thi hành án dân sự là Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của vụ phá sản; Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước; Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài… 

– Bổ sung quy định về thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh và giữ thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an trong việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất (khoản 6 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung).

d) Về vấn đề ủy quyền xử lý vi phạm hành chính

Sửa đổi quy định về ủy quyền xử lý vi phạm hành chính tại Điều 41 và khoản 2 Điều 45 của PLXLVPHC đối với người có thẩm quyền XLVPHC quy định  tại các điều từ Điều 28 đến Điều 40d theo hướng những người này có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện quyền XLVPHC, quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn VPHC và bảo đảm XLVPHC (trừ biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì chỉ được ủy quyền khi vắng mặt). Cấp phó được ủy quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định XLVPHC, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm XLVPHC của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật.

đ) Về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và thi hành quyết định xử phạt (Chương VI PLXLVPHC)

– Sửa đổi, bổ sung Điều 54 PLXLVPHC quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo thủ đơn giản.

            Pháp lệnh sửa đổi bổ sung nâng mức phạt tiền áp dụng theo thủ tục đơn giản từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng để phù hợp với thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mới quy định cho một số chức danh ở cơ sở như Chiến sỹ công an nhân dân, nhân viên thuế… nhằm tạo điều kiện cho việc tiến hành xử phạt và chấp hành quyết định xử phạt được nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả.

– Sửa đổi, bổ sung Điều 55 của PLXLVPHC quy định việc lập biên bản về vi phạm hành chính.

+ Quy định mở rộng thẩm quyền lập biên bản cho người thi hành công vụ trong phạm vi quản lý của họ; nếu thuộc thẩm quyền thì tiến hành lập biên bản xử phạt, nếu không thuộc thẩm quyền thì phải chuyển ngay biên bản cho người có thẩm quyền xử phạt nhằm khắc phục một số khó khăn trong thực tiễn như một số chức danh có thẩm quyền xử phạt (Chủ tịch UBND các cấp, Chánh thanh tra các Bộ, ngành…) nhưng ít khi trực tiếp đi kiểm tra, phát hiện vi phạm mà công việc này do cán bộ, nhân viên đang thi hành công vụ phát hiện nhưng theo quy định của PLXLVPHC năm 2002, họ lại không có thẩm quyền lập biên bản.

 + Bổ sung quy định về lập biên bản trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ngay khi xác định được người có hành vi VPHC. Đồng thời, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung cũng quy định bổ sung trường hợp người vi phạm hành chính cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không có mặt tại địa điểm xảy ra vi phạm, thì biên bản được lập xong phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở hoặc của hai người chứng kiến.

– Bổ sung một điều (Điều 55a) sau Điều 55 quy định về việc sử dụng phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ như camera, máy đo tốc độ bằng hình ảnh hoặc các phương tiện kỹ thuật khác để phát hiện, truy tìm đối tượng vi phạm hành chính. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung cũng quy định Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để thu thập chứng cứ vi phạm hành chính để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của việc xử phạt vi phạm hành chính, nhất là trong lĩnh vực giao thông đường bộ. 

– Bổ sung Điều 66a sau Điều 66 của PLXLVPHC quy định về trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC nhằm tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật XLVPHC, tạo điều kiện cho việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC bằng biện pháp khấu trừ tiền của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có tài khoản tại tổ chức tín dụng.

– Sửa đổi, bổ sung một số chức danh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC quy định tại Điều 67 của PLXLVPHC nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định bổ sung các chức danh có thẩm quyền XLVPHC trong Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung.

e) Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (Điều 61 PLXLVPHC năm 2002)

– Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 61 của PLXLVPHC về việc phân cấp thẩm quyền bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu theo hướng không phân cấp theo trị giá tang vật, phương tiện mà quy định thành các trường hợp cụ thể sau:

+ Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan trung ương ra quyết định tịch thu thì giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá (DVBĐG) cấp tỉnh nơi xảy ra hành vi vi phạm để bán đấu giá.

+ Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan cấp tỉnh ra quyết định tịch thu thì giao cho Trung tâm DVBDG cấp tỉnh nơi cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu đóng trụ sở để bán đấu giá.

+ Trường hợp tang vật, phương tiện VPHC do người có thẩm quyền của cơ quan cấp huyện trở xuống ra quyết định tịch thu thì thành lập Hội đồng bán đấu giá của cấp huyện để bán đấu giá.

– Bổ sung quy định về việc trả chi phí trong thời gian tang vật, phương tiện bị tạm giữ (bổ sung khoản 7 Điều 61), theo đó người có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ chỉ phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm và các khoản chi phí khác theo quy định của pháp luật trong thời gian thực tế tang vật, phương tiện bị tạm giữ nhưng tối đa không quá thời hạn quy định tại khoản 5 Điều 46 của PLXLVPHC. Mục đích của việc bổ sung quy định này để tránh tình trạng cơ quan có thẩm quyền XPVPHC thiếu trách nhiệm, kéo dài thời gian tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

g) Sửa đổi, bổ sung Điều 113 của PLXLVPHC năm 2002

Điều 113 của PLXLVPHC quy định về việc “xử lý trường hợp một người vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc vừa thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh” được sửa đổi theo hướng trong trường hợp cá nhân vi phạm vừa là đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh vừa là đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục hoặc trường giáo dưỡng thì, tinh thần chung là vẫn đưa vào cơ sở chữa bệnh.

Tuy nhiên, đối với các đối tượng nghiện ma túy thuộc loại côn đồ hung hãn thì áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục ngay từ đầu. Đối với những trường hợp đưa vào cơ sở chữa bệnh mà trong giai đoạn cắt cơn, phục hồi những cá nhân đó tiếp tục có các hành vi vi phạm thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục hoặc trường giáo dưỡng thì sẽ chuyển sang áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục hoặc trường giáo dưỡng. Quy định này nhằm khắc phục những bất cập của quy định này trong thực tiễn áp dụng các biện pháp này thời gian qua, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc thực thi các biện pháp xử lý hành chính khác trong thực tiễn.

h) Bổ sung một số điều khoản khác vào PLXLVPHC năm 2002

Ngoài các vấn đề nêu trên, Pháp lệnh còn sửa đổi, bổ sung một số quy định khác của PLXLVPHC nhằm bảo đảm đáp ứng kịp thời, hiệu quả yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính hiện nay, cụ thể như:

–  Bổ sung thêm một số chức danh có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại Điều 46 của PLXLVPHC như Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa, Giám đốc Cảng vụ hàng không nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý vi phạm hành chính trong thời gian qua.

– Bổ sung quy định cho phép khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ban đêm trong trường hợp việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc (Điều 49 của PLXLVPHC) để đảm bảo tính liên tục của việc khám, đồng thời không để đối tượng vi phạm hành chính có điều kiện tẩu tán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

– Bổ sung quy định nộp tiền phạt có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt quyết định (Điều 57 của PLXLVPHC), theo đó, các trường hợp cụ thể nộp tiền phạt nhiều lần, việc quản lý biên lai thu tiền phạt và tiền nộp phạt giao cho Chính phủ quy định để triển khai thi hành quy định này trong thực tiễn.

– Cùng với việc bổ sung thêm một số chức danh có thẩm quyền xử phạt, Điều 67 của PLXLVPHC quy định bổ sung một số chức danh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế như Trưởng đồn Công an, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước; Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh; Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước; Trưởng thi hành án dân sự cấp tỉnh, Trưởng cơ quan thi hành án cấp Quân khu…

2. Tổ chức thực hiện Pháp lệnh

Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của PLXLVPHC được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 02 tháng 4 năm 2008 và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2008 là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, trực tiếp liên quan đến quyền cơ bản của công dân, liên quan đến  lợi ích  hợp pháp của cơ quan, tổ chức, có ảnh hưởng rộng rãi trong đời sống xã hội, được khẩn trương soạn thảo và ban hành nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính, ổn định kỷ cương, trật tự an toàn xã hội ở hiện nay ở nước ta. Để bảo đảm cho các quy định của Pháp lệnh này phát huy hiệu lực, hiệu quả cao trong đời sống xã hội thì việc tổ chức tốt triển khai thực hiện Pháp lệnh có vai trò, ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi Pháp lệnh được thông qua, một số hoạt động cần được triển khai ngay, cụ thể như sau:

a) Công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung

Trước khi Pháp lệnh này có hiệu lực, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBTWMTTQVN, MTTQVN cấp tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, cán bộ công chức về  nội dung của Pháp lệnh. Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ, các tỉnh thành phố trực thuộc TW, các cơ quan thông tin đại chúng ở TW và địa phương, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế  thuộc các bộ ngành ở TW và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc TW có trách nhiệm triển khai kịp thời, hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh  theo nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình.

Việc tuyên truyền, phổ biến về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung cần tiến hành rộng rãi trong cả nước, đến tất cả mọi đối tượng, mọi tầng lớp dân cư trong xã hội; công tác tuyên truyền phải bảo đảm đầy đủ, chính xác và thống nhất về nội dung để mọi người hiểu đúng tinh thần các quy định mới của Pháp lệnh; cần chú trọng những nội dung trực tiếp liên quan đến phạm vi quản lý của Bộ, ngành, đặc điểm của địa phương, đơn vị mình nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, cán bộ, công chức, động viên sức mạnh của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng và chống vi phạm hành chính.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,Ủy ban nhân dân các cấp phải xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong những tháng cuối năm 2008 và cả năm 2009.

Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ và Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, thống nhất việc chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động tuyên truyền về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; có kế hoạch cụ thể về việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Pháp lệnh này ở tất cả các ngành, địa phương trong toàn quốc.     

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các đài phát thanh, truyền hình địa phương, các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương và các cơ quan truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng khác có trách nhiệm tập trung tuyên truyền rộng rãi về mục đích và nội dung của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung khi Pháp lệnh có hiệu lực, đồng thời có kế hoạch thường xuyên tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, góp phần để các quy định của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung phát huy hiệu quả  trong đời sống xã hội.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến tập trung vào những vấn đề mới về xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm nội dung đầy đủ, thống nhất; có kế hoạch phổ biến nội dung Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung cho các tổ chức pháp chế thuộc các Bộ, ngành ở Trung ương và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

b) Công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh

Trên cơ sở rà soát các quy định mới được sửa đổi, bổ sung của Pháp lệnh, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải khẩn trương tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Trước mắt, trong quý III của năm 2008, theo kế hoạch sẽ tập trung hoàn thành việc soạn thảo trình Chính phủ xem xét, ban hành các nghị định sửa đổi, bổ sung sau:

– Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan khác soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung;

– Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/03/2005 quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

– Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 97/2006/NĐ-CP quy định việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính.

Trong thời gian từ nay đến hết qúy IV năm 2008, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung các nghị định hiện hành của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ, ngành mình phù hợp với quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính để trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2008, các quy định của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung phải được nghiêm chỉnh thi hành ngay. Các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được ban hành trước khi Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung có hiệu lực mà không trái với quy định của Pháp lệnh thì vẫn tiếp tục được thi hành cho đến khi có văn bản mới sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

c) Công tác tập huấn lực lượng thực thi pháp luật xử lý vi phạm hành chính

Các Bộ, ngành có cơ quan, lực lượng được giao bổ sung thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải khẩn trương kiện toàn về tổ chức, tiến hành tập huấn chuyên sâu về các nội dung của Pháp lệnh, đặc biệt chú trọng những nội dung mới, những nội dung đã được sửa đổi bổ sung của PLXLVPHC để bảo đảm thực hiện tốt thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính được giao khi Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung có hiệu lực nhằm bảo đảm cho việc đấu tranh chống vi phạm hành chính có hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, cũng cần kịp thời có kế hoạch tổ chức tập huấn chuyên sâu về nội dung Pháp lệnh cho đội ngũ cán bộ, công chức có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và những người có liên quan, trong đó cần chú ý những chức danh có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mới được quy định bổ sung trong Pháp lệnh. Nội dung tập huấn chuyên sâu cần cụ thể, thiết thực, bám sát các quy định mới của Pháp lệnh và gắn với phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình, kết hợp hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.


[1]Điều lệ về phạt vi cảnh ban hành kèm theo Nghị định số 143/CP ngày 27/5/1977 của Hội đồng Chính phủ  được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 200-HĐBT ngày 6/7/1985 của Hội đồng Bộ trưởng.

 

 

 

 

[2] Bang Minesota, Hoa Kỳ.

 

 

 

[3] Điều 2.1. Bộ luật xử phạt hành chính của Cộng hòa liên bang Nga.

 

[4] Khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định “Xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với cá nhân, cơ quan,  tổ chức (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính”.

[5] Điểm c, khoản 1, Điều 9 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007;

[6] Điểm g, khoản 3, Điều 9 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007;

[7] Điểm i, khoản 2, Điều 9 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007.

[8] Theo báo cáo của Công an các tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 1990 đã phát hiện 523.030 vụ vi phạm hành chính. Các vi phạm hành chính xẩy ra ở tất cả các tỉnh, thành phố và tập trung vào địa bàn trọng điểm như Hà nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải phòng, Quảng Nam-Đà nẵng, các tỉnh biên giới Việt nam-Trung quốc…

Trên lĩnh vực kinh tế đã phát hiện 13.584 vụ vi phạm hành chính, trong đó có 6.582 vụ xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa, gây thiệt hại trị giá 151,9 tỷ đồng (So với năm 1989 phát hiện ít hơn 2.293 vụ( 26%) nhưng thiệt hại tăng gấp 6 lần – khoảng 151,9 tỷ/25,4 tỷ đồng). Trong năm 1990 đã phát hiện 7.002 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, nhiều hơn 50% so với năm 1989.

            Trong các lĩnh vực khác như nhà cửa, đất đai, văn hoá, xuất bản, y tế, bảo vệ rừng, hải quan, thú y…cũng xẩy ra khá nhiều vi phạm hành chính. Chỉ đơn cử trong lĩnh vực bảo vệ rừng, chỉ riêng năm 1990 ở tỉnh Hoàng Liên Sơn đã phát hiện 5.330 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 5.302 vụ với các vi phạm chủ yếu là khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, đốt rừng làm nương rẫy. ( Nguồn: Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính – Bộ Tư pháp số 579/PL-HSHC ngày 24 tháng 5 năm 1995).

            Tình hình vi phạm hành chính trên thực tế diễn ra hiện nay “nóng” hơn gấp rất nhiều lần so với trước đây. Đơn cử, theo báo cáo, trong tháng 7/2008, chỉ riêng Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra 311 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố, xử lý 228 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn lậu, lưu hành hàng cấm…tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách nhà nước gần 764 triệu đồng.

            Chỉ riêng ngày đầu ra quân thực hiện tháng an toàn toàn giao thông trên dịa bàn Hà Nội ( tháng 9/2008), lực lượng CSGT Thành phố đã xử lý 1.075 trường hợp vi phạm TTATGTĐB, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền lên đến 124.760.000 đồng. 

[9] Báo cáo của Chánh thanh tra Bộ khoa học và công nghệ tại Hội nghị đánh giá việc thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính được tổ chức tại Hà Nội ngày 31/3/2005.

[10] Báo cáo của Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội.

[11] Báo cáo của Chánh thanh tra xây dựng thành phố Hà Nội tại Hội nghị đánh giá thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính tại Hà Nội ngày 31/3/2005.

[12] Lấy lý do Nhà nước không trả lại đất  trước đây của Nhà Thờ, vào 8-9/2008 các giáo dân ở địa bàn Giáo xứ Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội đã phá tường xây ngăn giữa khu vực nhà Thờ và Cty cổ phần may Chiến Thắng và tự ý chiếm đất để đặt tượng Chúa và chăng đèn, kết hoa, tiến hành các hoạt động nghi lễ tôn giáo trên khu đất này.

[13] Ví dụ như ẩu đả, gây mất trật tự của các cổ động viên hai tỉnh Thừa thiên Huế và Hải phòng xẩy ra tại sân vân động Thừa thiên-Huế tháng 5/2008 vừa qua.

[14] Các vụ vi phạm quy định về  giấy phép xây dựng: xây nhà cao tầng không có giấy phép, xây quá số tầng cho phép, xây sai thiết kết được duyệt…Ví dụ, vụ  xây nhà cao tầng không có giấy phép hoặc xây quá số tầng cho phép ở Đặng Dung, Đào Duy Anh, Nguyễn Chí Thanh…

[15]  Trong 6 tháng đầu năm 2008 đã xẩy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức và tung tin thất thiệt về tăng giá xăng dầu và cung cầu về lương thực để trục lợi.

[16] Theo báo cáo của UBND TpHCM thì chi phí cho hoạt động  này sau 5 năm làm thí điểm đã lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng.

[17] Tính đến tháng 5 năm 2006, trong tổng số này có 4 thông tư hết hiệu lực do nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính được hướng dẫn hết hiệu lực.

[18]  Chưa có báo cáo của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

[19] Thành phố Cần Thơ

[20] Tỉnh Đồng Tháp tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với 23 ngàn bài dự thi.

[21] Các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang…

[22] Báo cáo số 31/BTP/PLHSHC ngày 15/4/2007 Tổng kết tình hình thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh số 31/BTP/PLHSHC ngày  15/4/2007.

[23] Báo cáo số 31/BC-BTP ngày 15/4/2007  tổng kết tình hình thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

————————————————————-

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *