Thưa luật sư, Tôi muốn hỏi: Anh, chị cho em hỏi, với trường hợp vi phạm điểm b khoản 6 điều 13 nghị định 121/2013/NĐ-CP, mức xử phạt từ 10-15 triệu đồng. vậy trong khoảng tiền phạt này, mức vi phạm nào tương ứng với số tiền nào hay sao ạ ?

Em thấy các mức phạt hầu hết đều cho khoảng từ…đến…. Nên không rõ là áp dụng mức tiền bn trong khung đó.

Người gửi: Hoàng Linh

>> Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số: 

Tư vấn luật về xử phạt vi phạm hành chính

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi đến cho chúng tôi. Liên quan đến vấn đề của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Cơ sở pháp lý:

– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012;

– Nghị định 121/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

Một trong những nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính:

“c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng…”

Khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định:

“4. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.”

Điểm b Khoản 6 Điều 13 nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định:

“6. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;…”

Như vậy, theo những quy định trên hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 6 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP nếu không có tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ thì về nguyên tắc mức tiền phạt được xác định là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó cụ thể ở đây mức trung bình là 12.500.000 đồng.

Trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ như: Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;… thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không thể giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt. Ở đây là mức phạt có thể dưới 12.500.000 đồng nhưng thấp nhất cũng phải bằng 10.000.000 đồng.

Còn nếu có tình tiết tăng nặng như: Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó; Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính;…thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt. Ở đây, mức phạt có thể cao hơn 12.500.000 đồng nhưng không được vượt quá 15.000.000 đồng.

Trân trọng ./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI

————————————

THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:

1. Tư vấn tách thửa đất đai;

2. Tư vấn pháp luật đất đai ;

3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất ;

4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai ;

5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ;

6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *