Chào Luật sư Diễn Đàn Luật;. Cho Tôi được phép hỏi về vấn đề sau ạ: Chuyện liên quan tới thửa đất nông nghiệp khoảng gần 500m2. Gia đình ông bà nội tôi có 5 người con. 3trai, 2 gái, ông thì mất sớm. Trước khi Bà Nội qua đời (2001) bà có họp mặt con cái trong nhà lại và căn dặn với nội dung " Miếng đất đó là để dành cho Con trai cả ( Bố Tôi) để lo cho hương khói cho ông bà tổ tiên."

Trong sự chứng kiến của toàn thể con cái. Nhưng khi đó không ghi lại di chúc hay giấy tờ gì cả. Nhưng sau đó 1 thời gian gia đinh chú út tôi nói với bố mẹ tôi xin phép cho mượn Miếng đất đó để làm nông nghiệp và nói 1 năm trả 1 lượng Thóc nào đó. Thấy gia đình chú thím cũng đang khó khăn nên bố mẹ tôi đồng ý. Hằng năm, cũng không lấy lượng thóc nào cả. Khoảng năm 2008 Chú Tôi cũng qua đời do ốm đau. Năm 2012 dự QL1A làm mới hoàn thành, chạy qua gần thửa đất đó, nên tạm thời không làm nông nghiệp nữa. Gần đây (2015) nhà nước có kế hoạch làm mới lại bìa đất cho toàn thể dân chúng. Nên mâu thuẫn mảnh đất này đã xảy ra giữa gia đình tôi và thím ( vợ của chú út). Chú Út tôi có 2 vợ, vợ đầu do chung sống với nhau mà không có với nhau được người con nào, nên vợ chồng không hoà thuận, rồi li dị, vợ thứ 2( thím hiện tại) về chung sống với chú út khoảng năm 1999, có đăng ký kết hôn, không tổ chức lễ cưới. Nói về thửa đất trên, gần đây tranh cãi với nhau, thì Mẹ tôi cũng có lên chính quyền uỷ ban để hỏi, được biết là thửa đất đó được sang tên cho Chú Út vào năm 1997 ( khi đó thì chú chưa có quan hệ vợ chồng với thím hiện tại). Tôi cũng không biết có đúng là được sang tên vào năm đó không, hay là chính quyền uỷ ban xã nói sai do trước đó mợ tôi đã lên can thiệp với ủy ban xã trước mẹ tôi.? Về toàn thể anh em họ hàng (trừ thím hiện tại của Chú Út) Đồng tình ý kiến với Bố mẹ tôi Vì trước khi Bà nội mất, bà đã nói vậy rồi. Giờ tôi có cách nào để giải quyết được vụ tranh chấp này không ạ? Tôi xin cảm ơn!

Câu hỏi được biên tập từ Chuyên mục Tư vấn Luật Đất đai – Nptlawyer.com ;

Luật sư tư vấn Luật Đất đai gọi:

 

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Đối với vấn đề bạn đang thắc mắc chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

1. Cơ sở pháp lý

Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc hội

Luật đất đai số 45/2013/QH13 của Quốc hội

2. Nội dung tư vấn

Theo quy định tại khoản 5 Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005 thì điều kiện để di chúc miệng được coi là hợp pháp và có hiệu lực pháp luật thì:

"5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực."

Trong trường hợp của bạn, bà nội bạn qua đời có để lại quyền sử dụng mảnh đất trên cho bố bạn để thờ cúng. Tuy nhiên, pháp luật quy định, trong 5 ngày, kể từ ngày bà nội bạn để lại ý chí cuối cùng thì di chúc trên phải được ghi chép lại, được mọi người cùng ký tên và công chứng hoặc chứng thực. Còn đối với trường hợp di chúc miệng của bà nội như trên mà gia đình bạn không lập lại thành văn bản, cũng không có công chứng hay chứng thực thì bị coi là di chúc không hợp pháp. Và lúc này, di sản bà nội bạn để lại sẽ tiến hành được chia theo pháp luật.

Theo như bạn trình bày, bà nội bạn có 5 người con. Và tất cả những người này đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Như vậy, khi tiến hành chia di sản theo pháp luật, thì quyền sử dụng mảnh đất sẽ được chia thành 5 phần bằng nhau, mỗi người được hưởng một phần. Tuy nhiên, nếu sau khi họp mặt gia đình, các cô, chú của bạn có văn bản từ chối nhận di sản, thì mảnh đất này sẽ không được chia cho những người này nữa, mà chỉ chia thành 2 phần, gia đình bạn một phần và chú út (thím là người thừa kế của chú út) được một phần.

Còn đối với thông tin mà bạn có đề cập, chú bạn đã được sang tên quyền sử dụng mảnh đất từ năm 1997 (có thể chú út bạn đã được ông nội tặng cho quyền sử dụng mảnh đất trước khi mất). Trường hợp này, gia đình bạn có thể yêu cầu thím bạn xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất để chứng minh, nếu đúng là đứng tên chú bạn, thì kể cả thời điểm 1997, chú bạn và thím chưa có quan hệ vợ chồng, thì thím bạn vẫn được coi là người thừa kế ở hàng thứ nhất của chú bạn, và theo đó, thím bạn và các con thím có toàn quyền sử dụng mảnh đất này hoặc gia đình bạn có thể yêu cầu cán bộ địa chính kiểm tra lại mảnh đất trên đã được cấp sổ đỏ chưa, nếu đã cấp thì người đứng tên là ai?. Còn nếu, thông tin trên là không đúng sự thật, thì lúc này, quyền sử dụng mảnh đất sẽ được chia đôi cho gia đình bạn và thím bạn. Gia đình bạn có thể cùng với những người cô, chú cùng tiến hành họp mặt gia đình để thuyết phục thím bạn từ chối nhận di sản, để thực hiện di nguyện của bà. Còn nếu thím không từ chối, lúc này, thím sẽ được xem là người thừa kế của chú bạn, vì vậy, lúc này thím vẫn được nhận một phần di sản.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng qua email npttrinhlaw@gmail.com hoặc qua tổng đài . Chúng tôi sẳn sàng giải đáp.

Trân trọng ./.

Bộ phận Tư vấn Luật Đất đai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *