Thưa Luật sư, Tôi có vài điều muốn hỏi về vấn đề nhà cửa, tôi xin trình bày như sau: Tôi và chồng tôi mới tìm mua một ngôi nhà trên HN cho ông bà ngoại để ông bà lên sống trên này cho gần con cái. Ngôi nhà có giá 1.6 tỷ và bố mẹ tôi không có đủ tiền, chỉ có một nửa số đó.

Vì thế một nửa số tiền còn lại vợ chồng tôi đã bỏ ra để góp vào với ông bà. Sổ đỏ đứng tên ông bà. Bố mẹ tôi đồng ý với việc chúng tôi góp một nửa đó nhưng với điều kiện về sau ông bà sẽ trả nợ chúng tôi dần dần. Tôi và chồng không đồng ý vì muốn biếu bố mẹ số tiền đó, không muốn ông bà phải vất vả tiết kiệm trả nợ. Tuy nhiên bố mẹ tôi nhất định không đồng ý, nói rằng không muốn mang tiếng xin tiền con rể, các cụ làm căng quá, dọa không mua nhà cửa gì hết trong khi chúng tôi đã đặt cọc rồi. Vì vậy để giải quyết tình huống này, cả nhà tôi thống nhất là sau khi mua nhà xong sẽ làm một giấy xác nhận là nhà này có một nửa số tiền do chúng tôi đóng góp. Vào bất cứ thời điểm nào hoặc là bán nhà hoặc là ông bà chia tài sản thì phần đóng góp của chúng tôi hiện tại, chúng tôi vẫn sẽ được nhận về tương ứng, phần còn lại của cái nhà là tài sản của ông bà, ông bà di chúc cho ai hay di chúc như thế nào thì tùy ông bà.

Vậy tôi muốn hỏi luật sư là việc chúng tôi làm giấy xác nhận đó có đúng luật nhà đất không, mang ra công chứng họ có làm cho không, thủ tục thế nào. Hoặc nếu không thì trong tình huống này chúng tôi nên giải quyết ra sao để vừa đúng luật, lại vừa giải quyết được mâu thuẫn gia đình. Xin nói thêm là bố mẹ tôi chỉ có 2 con là tôi và chị gái, mọi người sống hòa thuận không có bất kỳ tranh chấp mâu thuẫn gì với nhau, kể cả hai anh em cột chèo là chồng tôi và chồng chị gái.Rất mong Luật sư giải đáp sớm thắc mắc này cho tôi.

Tôi xin chân thành cảm ơn.

Người gửi: VKHuong

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục hỏi đáp pháp luật đất đai của Nptlawyer.com ;.

.

Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số :

Trả lời:

Chào bạn! cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về chuyên mục hỏi đáp của công ty chúng tôi, thắc mắc của bạn tôi xin được giải đáp như sau:

Căn cứ điều 216 Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định thì Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Về việc định đoạt tài sản chung: Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong thời hạn ba tháng đối với tài sản chung là bất động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác.

Trường hợp này, nhà bạn mua sẽ thuộc sở hữu chung theo phần, theo đó những vấn đề pháp lý cần quan tâm đó là:

Về việc đứng tên đồng sở hữu nhà:

1. Theo Điều 10 Luật Nhà ở, cá nhân trong nước không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú có nhà ở được tạo lập hợp pháp thông qua việc đầu tư xây dựng, mua bán, tặng cho, thừa kế, đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Đối với nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần, trên giấy chứng nhận ghi tên từng chủ sở hữu đối với phần sở hữu riêng và giấy chứng nhận đối với nhà ở đó được cấp cho từng chủ sở hữu.

2. Về việc cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho các đồng sở hữu chung

Theo hướng dẫn tại khoản 3, điều 4 thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21-10-2009 của Bộ Tài nguyên và môi trường thì trong trường hợp nhà đất có nhiều người cùng sử dụng đất và sở hữu nhà, thì giấy chứng nhận sẽ cấp cho từng người.

Do đó, bạn có thể yêu cầu cơ quan cấp giấy chứng nhận cấp cho mỗi bên một giấy chứng nhận.

3. Về quyền ưu tiên mua nhà của đồng sở hữu chung

Căn cứ khoản 3 điều 223 Bộ luật dân sự, nếu bạn muốn bán phần căn nhà của mình cho người khác thì phải thông báo bằng văn bản cho người đồng sở hữu biết trước 3 tháng về việc bán nhà và các điều kiện bán nhà, thời hạn 3 tháng được tính kể từ ngày người kia nhận được thông báo, nếu sau thời hạn này người đồng sở hữu không mua, bạn có quyền bán cho người khác.

Dựa trên những quy định vừa nêu, bạn và bố mẹ bạn hoàn toàn có quyền đứng tên trong sổ đỏ với tư cách là đồng sở hữu. Hy vọng chúng tôi đã góp phần làm rõ những vướng mắc của bạn.

Cảm ơn bạn đã sử dụng dịch vụ của Nptlawyer.com ;.

 

Ý kiến bổ sung thứ nhất:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Nptlawyer.com ;. Đối với câu hỏi bạn đã trình bày, tôi xin tư vấn như sau:

Theo Điều 388 Bộ luật dân sự năm 2005 (BLDS) quy định: “Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Về mặt hình thức, khoản 1, khoản 2 Điều 401 BLDS 2005 quy định: “Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó”.

Trong trường hợp này, giấy xác nhận góp vốn để mua nhà đất đã thể hiện ý chí thỏa thuận giữa các bên và không thuộc trường hợp bắt buộc phải được công chứng, chứng thực. Nếu xác nhận góp vốn này không vi phạm các quy định của pháp luật làm cho giao dịch dân sự đó bị vô hiệu (nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội; do giả tạo; do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; do bị nhầm lẫn; do bị lừa dối, đe dọa hoặc do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình – Điều 128 đến Điều 133 BLDS) thì hợp đồng viết tay giữa các bên được coi là hợp pháp.

Tuy nhiên, để hạn chế tranh chấp có thể phát sinh, vợ chồng bạn cùng bố mẹ bạn có thể thực hiện việc công chứng hợp đồng thỏa thuận góp vốn mua nhà đất tại Văn phòng công chứng nơi có nhà đất. 

 

Ý kiến bổ sung thứ hai:

 

Trong trường hợp này vợ chồng bạn và bố mẹ bạn có thể làm thủ tục để đồng sở hữu ngôi nhà, pháp luật không cấm điều này. Vợ chồng bạn và bố mẹ bạn có thể ghi rõ trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà là mỗi bên sở hữu phần nào trong ngôi nhà hoặc đồng sở hữu chung hợp nhất.

Trong trường hợp mà thỏa thuận là sở hữu chung theo phần thì ghi rõ sẽ được sở hữu phần nào, vì vậy khi bố mẹ bạn muốn chia thừa kế, muốn bán cho ai thì chỉ được bán phần của mình thôi.

Trong trường hợp mà thỏa thuận là sở hữu chung hợp nhất thì khi bố mẹ bạn để lại thừa kế phải làm thủ tục tách thửa để chia, nếu muốn bán cho ai cũng phải tách thửa hoặc có sự đồng ý của vợ chồng bạn mới được bán.

Về thủ tục tách thửa đất bạn có thể tham khảo tại nghị định 84/2007/NĐ-CP.

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT – Nptlawyer.com ;

——————————————————

THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:

1. Tư vấn tách thửa đất đai;

2. Tư vấn pháp luật đất đai ;

3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất ;

4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai ;

5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ;

6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *