Xin chào luật sư! Em có vấn đề thắc mắc rất mong nhận được sự giải đáp như sau: Nhà em có một thửa ruộng chưa có sổ đỏ , lúc trước nhà em gieo lúa nhưng mấy năm gần đây thì nhà em không làm nữa ,kế bên là cái hồ mà chủ lò gạch múc đất để chế biến gạch giáp ranh đất nhà em

vì hố múc sát thửa ruộng nhà em nên bố em sợ sạt đất nên đã bồi đắp phần lên rông chừng 3m dài 6m,nối dài xuống thử ruộng nhà phía dưới. Nay nhà em muốn ủi đất để tạo mặt bằng trồng cây thanh long nhưng bên phía gia đình hàng xóm không cho ủi và nói là phần đường đi chung. Nhà em có làm đơn gửi lên thôn giải quyết và đồng thời làm giấy xác nhận có chữ ký của các hộ kế bên xác nhận là không có con đường đó. Khi thôn xuống hòa giải bên gia đình không chịu thương lượng nhất quyết nói đó là con đường đi chung. Nên em muốn xin hỏi luật sư : Cách giải quyết vấn đề và làm như thế nào để chứng minh phần đất đó là của nhà em sao hợp lý và hợp pháp. Và cho em hỏi giấy xác nhận có chữ ký của các hộ gia đình em có chứng minh được phần đất đó không phải là lối đi chung hay không? Em chân thành cảm ơn!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn Luật đất đai của Nptlawyer.com ;

Luật sư tư vấn Luật đất đai gọi:  1900 6162

Trả lời

 

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi thắc mắc tới Nptlawyer.com ; chúng tôi. Với những thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi xin được tư vấn cho bạn như sau

Căn cứ pháp lý

Luật đất đai 2013

Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật đất đai

Nội dung tư vấn

Theo như thông tin bạn cung cấp thì gia đình bạn và gia đình hàng xóm đã thực hiện hòa giải ở thôn. Việc chứng minh diện tích đất đấy không phải là lối đi chung không dựa vào vào giấy xác nhận có chữ ký của những hộ dân xung quanh xác nhận diện tích đó không phải là lối đi chung và thực tế gia đình hàng xóm đang rất muốn coi đó là lối đi chung nên họ không bao giờ chấp nhận là đơn đó là căn cứ duy nhất chứng minh đất đó không phải là lối đi chung. Trong tranh chấp về việc ai là người có quyền sử dụng đất thì Nhà nước khuyến khích hòa giải ở cơ sở và việc khỏi kiện ra Tòa án bắt buộc phải có biên bản hòa giải của UBND xã. Trong trường hợp hai bên không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nới có tranh chấp đất để hòa giải theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai 2013

Điều 202: Hòa giải tranh chấp đất đai
"1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất"

Nếu như tranh chấp đất đai được hòa giải ở UBND xã mà hai bên đồng ý với kết quả hòa giải thì hai bên thực hiện theo kết quả được ghi trong biên bản và nếu như các bên không đồng ý với kết quả hòa giải thì có quyền hoặc là yêu cầu Tòa án giải quyêt hoặc là tiếp tục yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND. Việc giải quyết tranh chấp đất đai ở giai đoạn này cần chú ý những điểm như sau:

– Nếu đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
– Nếu đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này; hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

– Nếu đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
+ Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
+  Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
–  Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Vì bạn nói diện tích đất mà gia đình bạn đang sử dụng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi giải quyết tranh chấp đất đai thì việc giải quyết tranh chấp sẽ dựa vào các căn cứ được quy định tại Điều 91 Nghị định 43/2014/NĐ-CP  bao gồm: Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai đưa ra; Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương; Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước; Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi dành cho quý khách hàng, ý kiến tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật và thông tin mà khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra sự tư vấn là để cá nhâ, tổ chức tham khảo. Nếu còn vấn đề thắc mắc bạn có thể liên hệ với chúng tôi qua tổng đài để được tư vấn pháp luật trực tiếp.

TRÂN TRỌNG./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT ĐẤT ĐAI.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *