Khi trẻ bị kiện, người giám hộ được quyền tham gia phiên tòa để bảo vệ quyền lợi của trẻ. Bé Nguyễn J. năm nay lên sáu tuổi, là con trai của chị Đ. Tháng 2-2008, bé được mẹ lập di chúc cho hưởng thừa kế một căn nhà ở phường 2, TP Vũng Tàu. Sau đó một tháng thì chị Đ. qua đời. Đầu năm nay, một người nước ngoài tên M. đã khởi kiện bé J. ra tòa để đòi lại căn nhà trên.

Cho tiền mua nhà hay chỉ nhờ đứng tên?

Theo lời khai của ông M., chị Đ. vốn là bạn gái của ông. Biết ông có ý muốn được làm chủ một căn nhà tại Việt Nam, chị đồng ý giúp ông bằng cách đứng tên mua nhà giùm. Đầu năm 2007, ông đã thỏa thuận mua căn nhà trên với giá 200 ngàn USD. Sau đó, ông dẫn chị Đ. đến gặp vợ chồng chủ nhà, đồng thời ký hợp đồng với chủ nhà để chỉ định chị Đ. đứng tên giùm mình.

Ông M. cho rằng do không phải là chủ sở hữu nhà thực sự nên chị Đ. không có quyền để thừa kế nhà cho bé J. Ông yêu cầu tòa án hủy hợp đồng mua bán nhà do chị Đ. ký tên và buộc bé J. giao trả nhà cho ông. Sau đó, ông sẽ trả lại nhà cho người bán để nhận lại tiền. Ngoài việc khai nhận giống như ông M., vợ chồng người bán cũng đồng ý thực hiện các yêu cầu đã nêu của ông M.

Ngược lại, phía gia đình chị Đ. cho biết giữa ông M. và chị Đ. có mối quan hệ tình cảm rất mật thiết, thậm chí đã tính đến chuyện kết hôn. Vậy nên ông M. mới cho chị Đ. 200 ngàn USD để chị mua nhà. Chừng khi chị Đ. mắc bệnh, ông M. đã “hợp tác” với chủ cũ để chiếm nhà của chị Đ.

 

Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số:  –

Di chúc vô hiệu

Xử sơ thẩm vụ án vào tháng 1-2009, TAND TP Vũng Tàu xác định chị Đ. chỉ đứng tên giùm. Theo cấp sơ thẩm, nếu chị Đ. tự đàm phán và bỏ tiền mua nhà thì không có chuyện ông M. và người bán cứ fax đi fax lại bản hợp đồng chuyển nhượng để chỉnh sửa nội dung. Nếu không nhằm đến mục đích nhờ chị Đ. thanh toán giúp tiền mua nhà thì không cớ gì ông M. lại chuyển vào tài khoản của chị Đ. 200 ngàn USD. Lại nữa, biên bản bàn giao nhà đất không có chữ ký của chị Đ., chứng tỏ chị Đ. không phải là người mua thực.

Thế là cấp sơ thẩm tuyên xử di chúc của chị Đ. vô hiệu. Bé J. phải trả lại toàn bộ nhà đất cho chủ cũ. Vợ chồng chủ cũ phải thanh toán cho ông M. 3,2 tỷ đồng (tương đương 200 ngàn USD vào thời điểm chuyển nhượng).

Cuối tháng 3-2009, khi xử phúc thẩm vụ án, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có cách giải quyết tương tự như tòa sơ thẩm.

Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM):

Người giám hộ có nghĩa vụ bảo vệ trẻ

Trước khi mất, chị Đ. được xác nhận là chưa kết hôn. Thông tin về người cha trong giấy khai sinh của bé J. bỏ trống; bé J. cũng không có anh chị ruột. Căn cứ vào Điều 61 Bộ luật Dân sự năm 2005, bà ngoại là người giám hộ đương nhiên của bé.

Theo luật định, người giám hộ của người chưa đủ 15 tuổi có nghĩa vụ quản lý tài sản của người được giám hộ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ… Vì vậy, bà ngoại sẽ là người quản lý tài sản của bé J. và bảo vệ quyền lợi cho bé J. tại tòa án. Người giám hộ cũng có thể ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia phiên tòa nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM – HOÀNG LAM

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

——————————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *