Sau khi hủy kết quả bán đấu giá lô gỗ sưa, Sở Tư pháp bảo là theo chỉ đạo của tỉnh, tỉnh lại đổ cho công an, công an bảo chẳng biết.

Ông Trần Đình Nam đang khiếu nại các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum khi hủy kết quả bán đấu giá lô gỗ sưa mà không nêu căn cứ cụ thể. Thay vì lô gỗ có giá gần 10 tỉ đồng, chỉ bán có hơn 3 tỉ đồng.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

Vô tình trúng đấu giá!

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Hạt Kiểm lâm huyện Kon PLông, tỉnh Kon Tum đã tịch thu hơn 4 m3 gỗ sưa (gồm gốc, rễ, cành, ngọn) và 11 chiếc xe máy. Tháng 6-2010, hạt kiểm lâm ủy quyền choTrung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh Kon Tum (TTĐG) bán đấu giá lô tài sản cho ngân sách. Trên cơ sở định giá, TTĐG đưa ra giá khởi điểm cho lô hàng là hơn 1,5 tỉ đồng.

Sau đó, TTĐG tổ chức phiên bán đấu giá lô hàng với hình thức bỏ phiếu qua ba vòng. Mức chênh lệch của mỗi lần trả giá được quy định là 300 triệu đồng, giá cao nhất của vòng trước được tính là giá khởi điểm cho vòng tiếp theo.

Tại phiên bán đấu giá, vòng một kết thúc với mức giá được trả cao nhất là hơn 2,1 tỉ đồng. Ở vòng thứ hai, ông Nguyễn Quang Trung là người trả cao nhất với giá 8,5 tỉ đồng và đây cũng là giá khởi điểm của vòng ba. Qua vòng ba, chỉ còn lại hai người tiếp tục ra giá là ông Nguyễn Quang Trung với mức giá 8,5 tỉ đồng và ông Phạm Ngọc Sự ra giá 3,4 tỉ đồng.

Với mức 8,5 tỉ đồng, TTĐG tuyên bố ông Trung trúng đấu giá lô tài sản trên. Tuy nhiên, sau đó TTĐG phát hiện ông Trung đã vi phạm nguyên tắc trả giá vì không thực hiện đúng mức chênh lệch giữa các lần trả (đúng ra ông Trung phải trả giá 8,8 tỉ đồng mới hợp lệ).

Theo nguyên tắc bán đấu giá, nếu người trả giá cao nhất vi phạm thì người trả giá kế tiếp sẽ được mua. Trong trường hợp trên, ông Sự sẽ trúng đấu giá. Tuy nhiên, khi tham gia vòng ba, lẽ ra ông Sự phải bắt đầu ở giá khởi điểm 8,5 tỉ đồng thì ông lại trả giá 3,4 tỉ đồng, thấp hơn giá khởi điểm nên cũng vi phạm nguyên tắc trả giá. Do vậy, ngày 28-6-2010, TTĐG có Văn bản số 41, gửi Hạt Kiểm lâm huyện Kon PLông thông báo cuộc bán đấu giá không thành.

Chuyện sẽ không có gì nếu TTĐG không kiểm tra lại, thấy rằng ông Trần Đình Nam – người trả giá 3,1 tỉ đồng ở vòng hai, sau ông Trung, là người đủ điều kiện để mua lô hàng trên. Do vậy, TTĐG lại ra Thông báo cùng số 41 (cùng ngày với thông báo trước đó) gửi hạt kiểm lâm với nội dung ông Nam là người trúng đấu giá.

Hủy rồi… chỉ qua chỉ lại?

Khi bàn giao tài sản đấu giá, ông Nam cho rằng số lượng gỗ sưa bị thiếu và bị thay bằng nhiều loại gỗ khác nên không đồng ý nhận và có văn bản khiếu nại. Cũng trong thời gian đó, UBND tỉnh Kon Tum cũng nhận được nhiều đơn tố cáo liên quan đến cuộc bán đấu giá nên vào cuộc yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum làm rõ.

Ngày 14-3-2011, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum căn cứ vào Nghị định 05/2005 của Chính phủ, hủy kết quả cuộc bán đấu giá trên, TTĐG hoàn trả tiền và ông Nam hoàn trả hồ sơ cho TTĐG.

Một đại diện của Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum nói: “Theo quy định, trường hợp của ông Nam không thuộc diện hủy kết quả bán đấu giá. Việc sở có quyết định hủy kết quả bán đấu giá là theo chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum”.

Ông Trần Duy Lâm, Phó Trưởng phòng Nội chính, UBND tỉnh Kon Tum, khẳng định: “UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo, yêu cầu Sở Tư pháp phải ra quyết định hủy kết quả bán đấu giá trên. Tỉnh chỉ đạo như vậy là căn cứ vào kết luận và kiến nghị của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum. Quyết định hủy kết quả bán đấu giá là đúng. Trong trường hợp sai thì ai ký quyết định người đó phải bồi thường”.

Trong khi đó, Đại tá Đoàn Ngọc Thắng, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), lại phủ nhận: “Đại diện của UBND tỉnh trả lời như vậy là không chính xác. Trong các báo cáo gửi UBND tỉnh, chưa bao giờ cơ quan CSĐT kiến nghị hay đề xuất hủy kết quả bán đấu giá”.

Rốt cuộc đến nay chưa rõ ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trong việc hủy kết quả đấu giá!

Các trường hợp hủy kết quả bán đấu giá tài sản

Kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy trong các trường hợp sau đây:

– Có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật.

– Trong trường hợp có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật thì kết quả bán đấu giá tài sản đó đương nhiên bị hủy…

Người có lỗi trong việc quyết định có liên quan đến tài sản bán đấu giá bị sửa đổi hoặc bị hủy phải bồi thường thiệt hại liên quan đến việc hủy kết quả bán đấu giá.

(Theo Thông tư số 03/2005 của Bộ Tư pháp và Nghị định 05/2005 của Chính phủ)

Chỉ vi phạm công tác văn thư

Ngày 2-6, trả lời cho Công an tỉnh Kon Tum về việc TTĐG ban hành hai thông báo cùng ngày, cùng số nhưng có nội dung khác nhau, Bộ Tư pháp khẳng định: Việc ra hai thông báo có cùng số, cùng ngày nhưng lại khác nội dung của TTĐG chỉ là sai sót trong công tác văn thư, lưu trữ.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM – HỒNG TÚ

Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

———————————————————-

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *