Thưa luật sư, Em có một vấn đề mong luật sư giải đáp: Gia đình em có 1 vùng đất đồi rộng khoảng 2 ha. cách đây 7 năm tức là năm 2007 có công ty TNHH DL làm hợp đồng khai thác quặng ở dưới lòng đất, hợp đồng có ghi là 5 năm và bây giờ đã hết hạn.

Khi làm hợp đồng công ty ấy có đưa cho gia đình em 5 triệu bảo là tiền đền bù. Bây giờ hết hạn rồi nhưng công ty ấy muốn chiếm đoạt lại đất nhà em. Công ty ấy đút lót cán bộ xã, huyện và yêu cầu gia đình em phải giao trả đất cho công ty.

Vậy luật sư cho em hỏi có luật nào như thế không ạ ? và nếu muốn chiếm đất nhà em thì cũng phải có đền bù chứ ạ ? rất mong nhận được sự tư vấn của Luật sư ạ.

Em xin chân thành cảm ơn và rất mong sự phản hồi từ các Quý Luật sư Nptlawyer.com ;

Em rất mong nhận được lời tư vấn vào địa chỉ email này.

Kính thư

Người thư:  VC

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật đất đai của Nptlawyer.com ;

Tư vấn luật đất đai trực tuyến – Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chuyên mục hỏi đáp của công ty chúng tôi. Câu hỏi của bạn được giải đap như sau:

Cơ sở pháp lý: Luật đất đai năm 2013

Công ty TNHH DL làm hợp đồng khai thác quặng ở dưới lòng đất và thuê đất của gia đình bạn. Hợp đồng có thời hạn 5 năm, tuy nhiên hết thời hạn của hợp đồng không những công ty này không trả lại đất cho gia đình bạn mà còn có ý định chiếm đoạt đất của gia đình bạn. Theo quy định của Luật đất đai 2013 Điều 166 khoản 7 thì người sử dụng đất có các quyền sau: Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

Theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai 2013, khi hai bên không thể thỏa hiệp được sẽ yêu cầu giải quyết tranh chấp thông qua tổ hòa giải cấp cơ sở

– Nếu các bên không thể hòa giải được tại cơ sở thì  gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp để yêu cầu giải quyết. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

-Nếu đã gửi đơn tới Ủy ban nhân dân xã mà các bên không hòa giải được thì có hai phương án giải quyết : khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước giải quyết theo quy định tại Điều 203 Luật đất đai 2013.

-Khởi kiện tại tòa án: tòa án chi giải quyết các tranh chấp đất đai mà đương sự đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có nhưng đang sử dụng đất ổn định được Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013.

-Yêu cầu cơ quan hành chính giải quyết: theo quy định điểm a khoản 3 Điều 203  Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp giữa các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung giải quyết. Trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trân trọng ./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT ĐẤT ĐAI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *