Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một công việc đầy gian khó đối với cả nam giới lẫn phụ nữ. Nhưng phụ nữ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi bước chân vào NCKH, vì bên cạnh hoàn tất nhiệm vụ ở cơ quan, phụ nữ còn phải gánh vác công việc gia đình. Tuy nhiên, bằng niềm đam mê công việc, ham muốn học hỏi để nâng cao và cập nhật kiến thức cho mình, cho đến nay, phụ nữ trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã có đạt được nhiều thành tựu trong NCKH.

Nhiều chị em với cương vị là lãnh đạo, quản lý đã tham gia NCKH để có những phát minh, sáng kiến, cải tiến ứng dụng có kết quả trong sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thêm của cải cho xã hội và tạo dựng một hình ảnh về lực lượng phụ nữ lãnh đạo và tham gia NCKH.

Chính những đóng góp tích cực và cụ thể của phụ nữ vào thành quả của công cuộc đổi mới đất nước đã, đang làm thay đổi dần những định kiến về vai trò của phụ nữ trong xã hội và xã hội đã thừa nhận phụ nữ có khả năng tham gia công việc, khả năng NCKH không thua kém nam giới. Nhưng những khó khăn từ nhiều phía mà người phụ nữ tham gia NCKH phải đối mặt vẫn còn…

.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

 

Những khó khăn khi phụ nữ tham gia NCKH

Thứ nhất, vẫn còn sự phân biệt nam nữ trong NCKH.

Sự khác biệt về giới là một yếu tố cơ bản khiến người phụ nữ NCKH khó khăn hơn nam giới. Con đường bước ra khỏi cánh cửa gia đình để đi vào các hoạt động nghiên cứu của phụ nữ bao giờ cũng là con đường đầy những chông gai, không phải người phụ nữ nào cũng có thể vượt qua được. Nhất là khi Việt Nam là một nước đang phát triển, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, nên họ phải đối mặt với nhiều thách thức, định kiến về bình đẳng giới, về vai trò và năng lực nghiên cứu của phụ nữ; Trong nhân dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, công chức vẫn có nhiều người coi thường phụ nữ. Tư tưởng này chính là căn nguyên tác động đến việc đánh giá các ý tưởng khoa học, công trình nghiên cứu của các cán bộ nữ.

Thứ hai, phụ nữ thiếu thời gian tham gia NCKH.

Phụ nữ cũng phải đương đầu với những khó khăn để cân bằng giữa đời sống gia đình và công việc. Khác với nam giới, các cán bộ nữ phải mang thai, sinh đẻ, phải dành nhiều thời gian cho công việc nội trợ, quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái, phụng dưỡng cha mẹ già. Đặc biệt với cán bộ nữ trẻ, khó khăn càng nhiều hơn khi có con nhỏ và công việc gia đình cũng nặng hơn so với nữ cán bộ cao tuổi. Chính vì vậy, nhiều cán bộ nữ bị quá tải về sức lực, thiếu thời gian nghỉ ngơi, trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin; gánh nặng gia đình làm giảm sút sự thăng tiến, vươn lên của họ, tạo cho họ tâm lý an phận, ít nỗ lực phấn đấu và không tham gia các hoạt động NCKH. Do phải gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình nên phụ nữ khó có thể dành nhiều thời gian cho công tác NCKH. Đó cũng chính là khó khăn của bất kỳ phụ nữ nào khi làm công tác NCKH.

Thứ ba, phụ nữ ít được động viên, khuyến khích theo đuổi một số lĩnh vực, nhất là khoa học tự nhiên; Nhiều người chồng đã không ủng hộ vợ tham gia công tác NCKH, trong khi hầu hết các bà vợ đều ủng hộ chồng mình thực hiện các ý tưởng khoa học, các công trình nghiên cứu. Vấn đề giải quyết hài hoà giữa sự nghiệp và gia đình luôn là bài toán khó đối với phụ nữ.

Phụ nữ NCKH còn gặp cản trở từ phía nam đồng nghiệp và từ chính nữ đồng nghiệp. Chính ảnh hưởng của tư tưởng coi thường phụ nữ trong xã hội đã khiến cho nhiều người thiếu sự tin tưng ở phụ nữ, coi thường những cống hiến của người phụ nữ đối với xã hội và đặc biệt trong công tác NCKH. Một bất lợi nữa là tuổi về hưu của phụ nữ sớm hơn nam giới 5 năm, vì vậy đã ảnh hưởng đến việc đào tạo, thời gian nghiên cứu cũng như phát triển tài năng của phụ nữ.

Cần phải làm gì để phụ nữ có thể tham gia NCKH?

Thứ nhất, bản thân người phụ nữ phải có sự cố gắng, niềm đam mê và nghị lực.

Để cân bằng giữa công việc và gia đình, đối với người phụ nữ không đơn giản là một nghệ thuật sống, mà phải xuất phát từ tấm lòng và niềm đam mê công việc thì mới có thể thành công khi tham gia công tác NCKH. Trước hết, người phụ nữ phải hoàn thành thiên chức của 1 người con, người vợ và người mẹ. Đối với bất cứ người phụ nữ nào, được chăm sóc gia đình là 1 hạnh phúc không gì thay thế, được tự tay nấu ăn cho chồng con, chăm sóc và dạy con học tập…và gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, học giỏi sẽ là cơ sở vũng chắc để người phụ nữ có thể yên tâm công tác và tham gia NCKH.

Để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giới, trước tiên, phụ nữ phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao kiến thức, trí tuệ. Điều đó sẽ làm cho phụ nữ tự tin lên rất nhiều. Phụ nữ phải luôn xác định mục tiêu của mình là gì, phải có ước mơ và quyết tâm thực hiện bằng được. Điều quan trọng nữa là phải tự khẳng định mình qua công việc và cuộc sống. Muốn vậy, cần tự đánh giá mình và xác định rõ những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, từ đó lựa chọn con đường đi cho phù hợp, có thể phát huy được sở trường và hạn chế những nhược điểm. Đặc biệt là bản thân phụ nữ phải có niềm đam mê trong công việc, luôn khát khao sáng tạo, đổi mới và phải có đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn, vất vả trong cuộc sống gia đình và công việc.

Bên cạnh đó, việc đấu tranh tạo cơ hội học tập, làm việc và thăng tiến cho phụ nữ bình đẳng với nam giới là rất cần thiết hiện nay. Không thể có người phụ nữ nào đạt đến vị trí đỉnh cao của quản lý, khoa học khi mà họ phải mất nhiều năm để sinh con và chăm sóc con nhỏ, không kể công việc gia đình luôn khiến họ bị phân tâm; các cơ hội học tập và làm việc bị hạn chế hơn nhiều so với nam giới.

Thứ hai, gia đình, đồng nghiệp và xã hội phải tạo điều kiện để phụ nữ tham gia NCKH.

Việc thúc đẩy phát triển các tổ chức, dịch vụ phục vụ đời sống gia đình cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự bình đẳng giới. Sự xuất hiện và phát triển của hệ thống nhà trẻ, siêu thị, dụng cụ gia đình hiện đại… đã làm nhẹ bớt công việc nội trợ và giảm bớt thời gian nội trợ cho người phụ nữ. Từ đó, phụ nữ sẽ có nhiều thời gian hơn để tham gia các công tác xã hội và NCKH.

Một yếu tố quan trọng nữa là sự ủng hộ từ nhiều phía: gia đình, cơ quan, cộng đồng. Đây là hậu phương, tiền đề vững chắc chắp cánh cho phụ nữ thành công trong công tác NCKH.

Thứ ba, giải quyết tốt mối quan hệ nội bộ gia đình để tạo động lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, tham gia NCKH.

Là phụ nữ nên không thể làm mải miết công việc nghiên cứu từ sáng tới đêm khuya như nam giới mà quên hết công việc gia đình cũng như thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Tuy nhiên, nếu không có động lực quan trọng từ phía gia đình thì không thể hoàn thành được công việc, sẽ to nên sức ì lớn. Về nhận thức là như thế nhưng trên thực tế nhiều khi chị em bị cuốn hút vào công việc nên cũng khó chu toàn. Những lúc như vậy, phụ nữ cần bù đắp nhiều hơn nữa cho con cái và gia đình, nhất là thời gian sau bữa cơm tối và một số ngày nghỉ, để dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với chồng và làm bạn với con. Thời gian bên gia đình sẽ tạo thêm động lực, bổ sung sức mạnh cho người phụ nữ tham gia NCKH.

Khi tham gia NCKH cần cố gắng theo đuổi mục tiêu đến cùng. Việc cơ quan, việc gia đình rất bận rộn nhưng nếu sắp xếp công việc một cách hợp lý, khoa học, thậm chí bớt giờ nghỉ ngơi của chính mình là có thể giải quyết mọi việc. Khi cảm thấy thoải mái vì gia đình ổn thỏa thì mọi việc sẽ trôi chảy và có nhiều niềm vui trong công việc.

Tất cả phụ nữ đều có thể tham gia quản lý, NCKH, nhưng bất cứ ai, dù làm việc gì cũng cần ứng dụng các phương pháp làm việc khoa học, các kiến thức khoa học và công nghệ để phục vụ tốt hơn công việc và cuộc sống của mình./.

SOURCE: CỔNG THOONGT IN ĐIỆN TỬ VIETTINBANKTS. ĐỖ THỊ THÚY – ViettinBank

Trích dẫn từ: http://www.vietinbank.vn/

(Nptlawyer.com LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *