Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được Hiến pháp và Pháp luật ghi nhận. Để những quyền này được đảm bảo thực thi trên thực tế đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đòi hỏi những hiểu biết của công dân về khiếu nại, tố cáo phải đạt đến một trình độ nhất định. Bên cạnh đó, trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân từ phía các cá nhân và cơ quan có thẩm quyền phải luôn đúng pháp luật, công bằng, khách quan, đáp ứng nguyện vọng củ

Yêu cầu này, hiện nay, vẫn chưa hoàn toàn được đáp ứng và đang tiếp tục được chú ý tới. Các Luật khiếu nại, tố cáo cùng những văn bản pháp luật khác có liên quan đã được ban hành nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Song, vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật về khiếu nại, tố cáo là đã có không ít trường hợp còn lúng túng, chưa phân biệt rõ ràng, chính xác thế nào là khiếu nại, thế nào là tố cáo, khi đơn thư có nội dung chứa đựng cả việc khiếu nại và việc tố cáo thì thụ lý, giải quyết còn nhiều lúng túng. Đây chính là một trong nhiều nguyên nhân làm nảy sinh những nhầm lẫn, thiếu sót, thậm chí là sai lầm trong việc xử lý đơn thư, tiến hành xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân khiến người dân phải khiếu nại nhiều lần hoặc tố cáo sai về sự việc… Từ đó dẫn đến việc đơn thư khiếu nại, tố cáo không được giải quyết kịp thời, chính xác, để tồn đọng quá nhiều trong một thời gian dài mà pháp luật không cho phép.

Khắc phục tình trạng chung này, đồng thời để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như mọi người dân hiểu rõ hơn về khiếu nại và tố cáo, trước nhất cần phải “phân tích” cách hiểu hai khái niệm về khiếu nại và tố cáo theo quy định của pháp luật hiện hành.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  

Khiếu nại, tố cáo là hai khái niệm thường được nhắc đến cùng nhau, song tất nhiên khiếu nại và tố cáo không phải là một. Theo các văn bản pháp luật hiện nay, khiếu nại, tố cáo được hiểu như thế nào ? Điều 2 Luật  khiếu  nại, tố cáo năm 1998 quy  định: “1. Khiếu  nại là  việc công  dân, cơ  quan,  tổ  chức hoặc  cán  bộ, công  chức theo thủ  tục do Luật này  quy  định đề nghị  cơ quan,  tổ  chức, cá  nhân có  thẩm  quyền  xem xét lại  quyết  định  hành  chính, hành vi hành chính hặc quyết  định kỷ luật cán bộ,  công  chức khi có căn cứ cho rằng quyết  định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi  ích hợp  pháp  của  mình.

2. Tố cáo là việc công  dân theo thủ  tục do Luật này quy  định báo cho cơ  quan, tổ chức, cá  nhân có thẩm quyền biết  về  hành  vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây  thiệt  hại lợi  ích của  Nhà  nước,  quyền, lợi ích  hợp  pháp  của  công  dân, cơ  quan, tổ  chức.”.

      
Từ hai định nghĩa này, xét về mặt lý luận, có thể tìm hiểu và phân biệt  khiếu nại, tố cáo trên các  phương  diện  sau  đây:

      
Thứ nhất, xét  về  chủ  thể:  Chủ  thể của hành vi khiếu nại có thể là công dân, cơ quan, tổ chức, cán  bộ, công chức có quyền lợi bị xâm hại bởi một quyết  định hành chính, hành vi hành chính hoặc một quyết định kỷ luật cán bộ, công chức hoặc người đại diện hợp pháp của những người này khi họ thực hiện quyền khiếu nại. Có nghĩa là, chủ thể của hành vi khiếu nại phải là người bị tác động trực tiếp bởi chính đối tượng của hành vi đó hoặc là người được những người này uỷ quyền theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp phát hiện thấy các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có biểu hiện vi phạm pháp luật, những người không thuộc diện vừa nêu trên cũng không có quyền khiếu nại, họ chỉ có thể “tư vấn”, “góp ý” hoặc sử dụng các hình thức tác động khác để chính người có  quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thực hiện hành vi khiếu nại. Chính vì đặc điểm này của chủ thể khiếu nại mà pháp luật quy định nghĩa vụ của họ một cách “chặt chẽ” hơn so với chủ thể của hành vi tố cáo. Người khiếu nại có nghĩa vụ “khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết”, trong trường hợp những người khiếu nại đến khiếu nại hoặc gửi đơn khiếu nại qua đường bưu điện đến những cơ quan không có thẩm quyền giải quyết thì các cơ quan, tổ chức này chỉ có trách nhiệm “thông báo” và “chỉ dẫn” cho đương sự bằng văn bản mà không có trách nhiệm chuyển đơn. Trên cơ sở tinh thần đó mà Nghị định số 136/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/11/2006 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo gián tiếp quy định những cá nhân, cơ quan có quyền chuyển đơn khiếu nại của công dân gồm đại biểu Quốc Hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc các cơ quan báo chí (Điều 7); còn lại, đối với các chủ thể giải quyết khiếu nại (tức người giải quyết khiếu nại) khác thì “Đối với đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, … thì cơ quan nhận được đơn không có trách nhiệm thụ lý mà thông báo và chỉ dẫn cho người khiếu nại bằng văn bản. Việc thông báo chỉ thực hiện một lần đối với một vụ việc khiếu nại...” (Khoản 5, Điều 6, Nghị định số 136/2006/NĐ-CP). Bên cạnh đó, người khiếu nại và người tố cáo đều phải có nghĩa vụ “trình bày trung thực về nội dung sự việc” song họ không phải chịu trách nhiệm khi họ khiếu nại không đúng, ví dụ: ông A – Trưởng Thi hành án dân sự huyện X đã có hành vi hạch sách, “vòi vĩnh” đối với người được thi hành án trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình và đã bị tố cáo, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã cho tiến hành xác minh, làm rõ và kết luận đội trưởng A có hành vi nhận hối lộ nhưng do sự việc có tính chất ít nghiêm trọng lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ như trung thực nhận lỗi, số tiền chiếm đoạt không nhiều, đã trả lại và xin lỗi người bị hại, do vậy, ông A chỉ bị xử lý kỷ luật với hình thức cách chức. Không đồng ý với quyết định kỷ luật này, ông A cho rằng mức kỷ luật là quá nặng nên đã có đơn khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền. Sau khi xem xét lại sự việc, cơ quan có thẩm quyền kết luận Quyết định kỷ luật đối với ông A là hoàn toàn chính xác, hợp lý, hợp tình

và đúng theo quy định của pháp luật, khiếu nại của ông A không được chấp nhận. Khi đó, ông A có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh Quyết định kỷ luật đã có hiệu lực pháp luật nhưng không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi khiếu nại không đúng của mình. Đây chính là một điểm khác biệt giữa người khiếu nại và người tố cáo nhìn từ góc độ nghĩa vụ mà pháp luật quy định cho họ.

         
Tuy nhiên, theo tác giả, pháp luật cũng nên có một quy định nhằm ràng buộc và nâng cao trách nhiệm của người khiếu nại để những người này có ý thức hơn khi làm đơn khiếu nại, đồng thời có thể giúp giảm bớt việc khiếu nại tràn lan, không có cơ sở, chẳng hạn như quy định người đi khiếu nại phải nộp một khoản tiền nhất định gọi là tiền tạm ứng lệ phí giải quyết khiếu nại khi họ nộp đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền, nếu khiếu nại đúng họ sẽ được hoàn trả lại khoản tiền này, nếu là khiếu nại sai họ phải mất khoản tiền đã nộp, một hình thức gần như kiểu “án phí”?

– Đối với tố cáo: Chủ thể của hành vi tố cáo chỉ có thể là công dân, song cho dù có liên quan hay không có liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật là đối tượng của việc tố cáo, công dân vẫn có quyền thực hiện hành vi tố cáo của mình. Ví dụ: bà X là một công dân làm nghề tự do sinh sống trên địa bàn Phường Y, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, bà X biết được rằng ông N – Trưởng Thi hành án huyện M nhận hối lộ của nhiều người, tuy bà hoàn toàn không có liên quan gì đến việc thi hành án nhưng do bất bình bà đã làm đơn tố cáo ông N tới Phòng thi hành án có thẩm quyền. Đơn tố cáo của bà X trong trường hợp này được chấp nhận và phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

         
Thứ hai, xét về quyền và nghĩa vụ: người tố cáo có quyền “gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền” (Điều 57, khoản 1, điểm a – Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998). Theo đó, người tố cáo không có nghĩa vụ phải tố cáo tại đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, họ có thể tố cáo tại bất kì cơ quan, tổ chức Nhà nước nào. Khác với khiếu nại, khi nhận được đơn tố cáo của công dân, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xem xét giải quyết hoặc chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền tuỳ thuộc đơn tố cáo đó thuộc hay không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức mình. Điều 66 Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 quy định “trong trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải chuyển đơn cho cơ quan, tổ chức, có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo khi họ yêu cầu”. Song vì tố cáo có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín cũng như những quyền lợi chính đáng của cán bộ công chức Nhà nước nên người tố cáo có nghĩa vụ “trình bày trung thực về nội dung tố cáo” và phải “chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật” (Điều 57, khoản 2, điểm a, c – Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998”. Quy định này của pháp luật hiện hành đã thể hiện được tính công bằng, công lý và so với những quy định về khiếu nại thì nó thể hiện một thái độ cứng rắn hơn. Vì vậy, khi người dân làm đơn tố cáo phải cân nhắc, suy nghĩ cẩn trọng và đặc biệt không thể vì động cơ cá nhân trả thù người có mâu thuẫn với mình hay vì một sự cạnh tranh không trong sáng… mà làm đơn tố cáo, vu khống làm mất uy tín, danh dự, thậm chí gây thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của người bị tố cáo, nếu người tố cáo làm đơn tố cáo sai sự thật thì họ sẽ phải gánh chịu hậu quả pháp lý mà pháp luật đã quy định sẵn theo như quy định của Điều 57, khoản 2, điểm c Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998: người tố cáo có nghĩa vụ “chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật”. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường hợp công dân có hành vi tố cáo sai sự thật bị “xử lý”. Hơn nữa, pháp luật hiện hành cũng chưa có nhiều hình thức chế tài để có thể xử lý linh hoạt những trường hợp tố cáo sai sự thật tuỳ theo mức độ mà người tố cáo sai sự thật gây ra. Trong thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất Bộ luật hình sự, tại Điều 122 quy định về Tội vu khống, nhưng điều luật này chỉ áp dụng đối với những người có hành vi “bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền” còn đối với các trường hợp khác ở mức độ nhẹ hơn thì chưa có hình thức để xử lý. Ngoài ra, đối với những công dân là Đảng viên, nếu họ tố cáo sai sự thật thì họ còn có thể phải chịu kỷ luật Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc công dân tố cáo tràn lan, dù không có nguồn thông tin có độ tin cậy cao cũng tố cáo chỉ để nhằm phục vụ cho lợi ích của bản thân hoặc thậm chí là để trả thù người khác vì những lý do cá nhân.

Bên cạnh đó, nói đến chủ thể của hành vi tố cáo hiện nay vẫn còn nhiều điều cần phải xem xét bởi xét về mặt lý thuyết, chỉ có cá nhân công dân có quyền thực hiện hành vi tố cáo, còn cơ quan, tổ chức nếu phát  hiện thấy những vi phạm pháp luật cũng không được nhân danh cơ quan, tổ chức mình để thực hiện hành vi tố cáo đến cơ quan có thẩm  quyền. Trong trường hợp đó,  cơ quan, tổ chức phải cử đại diện cán bộ của  mình  nhân danh bản thân họ thực hiện quyền tố cáo của mình. Song trên thực tế, có không ít trường hợp cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội tố cáo hành vi trái  pháp  luật gây thiệt hại cho Nhà nước, xã hội nói chung và gây thiệt hại cho họ nói  riêng. Hơn nữa, xét về mặt lý luận cũng như thực tiễn, việc quy định chỉ công dân mới có quyền thực hiện hành vi tố cáo là không hợp lý và phần  nào làm giảm tính hiệu quả, tính tích cực trong nỗ lực phát hiện, xem xét, giải quyết cũng như đấu tranh phòng ngừa những vi phạm pháp luật trong hoạt động hành pháp và tư pháp hiện nay. Đơn cử một trường hợp như sau: công ty TNHH X hoạt động kinh doanh thương mại là nguyên đơn trong một bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật và phải được thi hành án theo quy định của pháp luật song vì những lý do cá nhân hoặc tư lợi riêng, một số cán bộ thi hành án có trách nhiệm tổ chức thi hành bản án đó đã có hành vi gây cản trở việc thi hành bản án. Trong trường hợp này công ty X không có quyền nhân danh công ty viết đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của một số cán bộ thi hành án nói trên, tại sao pháp luật lại hạn chế chủ thể này thực hiện hành vi tố cáo nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ? Rõ ràng, về vấn đề này pháp luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập cần khắc phục.

      
Thứ ba, xét về đối tượng:– Đối tượng của khiếu nại là quyết định hành  chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức của cơ  quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bị người khiếu nại cho là trái pháp  luật, xâm phạm đến quyền và  lợi ích hợp pháp của chủ thể khiếu nại. Song, như đã phân tích ở phần chủ thể, những quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền dù có biểu hiện trái pháp luật và có thể xâm hại đến quyền và lợi ích của một hoặc một số người nhưng không ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chủ thể khiếu nại thì cũng không trở thành đối tượng của hành vi khiếu nại xét trong mối quan hệ với chủ thể khiếu nại đang đề cập tới. Trở lại ví dụ về trường hợp của bà X tố cáo Đội trưởng Đội THA huyện M, khi này, do hoàn toàn không liên quan tới việc thi hành án nên bà X không thể khiếu nại Quyết định cưỡng chế thi hành án của Trưởng Thi hành án huyện M dù cho Quyết định đó là trái pháp luật, Bà chỉ có thể thực hiện hành vi tố cáo người Đội trưởng này vì những hành vi Bà cho là có biểu hiện vi phạm pháp luật.

  
– Đối tượng của tố cáo là hành vi vi phạm pháp  luật của bất cứ cơ quan, tổ  chức, cá  nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ  quan, tổ chức; có nghĩa là hành vi trái pháp luật là đối tượng của tố cáo có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo hoặc có thể không. Xét về cấp độ sai phạm thì nội dung tố cáo ở cấp độ cao hơn, mức độ vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn so với nội dung khiếu nại. Đây là đặc điểm cơ bản nhất để phân biệt giữa khiếu nại và tố cáo. Điểm khác nhau này thể hiện rõ nét bản chất của khiếu nại và tố cáo đồng thời cho thấy thái độ của Nhà nước ta đối với tố cáo là khuyến khích, động viên, thậm chí khen thưởng những người có hành vi tố cáo đúng, góp phần làm rõ, điều tra, truy tố, xét xử những vụ án lớn, coi họ như là người có thành tích trong sản xuất, chiến đấu, thậm chí như một người có công với công cuộc đấu tranh chống tiên cực, tham nhũng. 

Thứ tư, xét về thẩm quyền:Nhìn chung, khiếu nại được giải quyết lần đầu tại chính nơi có thẩm quyền ra quyết định hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật là đối tượng của hành vi khiếu nại. Trong trường hợp  đương sự

không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu sẽ tiếp tục thực hiện quyền khiếu nại của mình lên cấp trên trực tiếp của cấp đã có thẩm quyền giải quyết hoặc khởi kiện tại Toà án. Pháp luật về khiếu nại, tố cáo có quy định cụ thể từng cấp giải quyết khiếu nại bao gồm Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh; Giám đốc các Sở và các cấp tương đương thuộc UBND tỉnh; Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ, thuộc  cơ quan  ngang Bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ; Tổng thanh tra. Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc giải quyết khiếu nại chỉ được giải quyết ở 2 cấp, nếu đương sự còn khiếu nại thì phải khởi kiện tại Toà án. Nhưng theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì nhiều nội dung khiếu nại không thuộc thẩm quyền của Toà hành chính (ví dụ như khiếu nại về thi hành án dân sự). Đây là vấn đề bất cập gây nhiều bức xúc cho người khiếu nại. Đối với giải quyết tố cáo thì pháp luật không quy định quyết định giải quyết tố cáo nào được xác định là quyết định giải quyết tố cáo cuối cùng. Hơn nữa, thẩm quyền giải quyết tố cáo cũng có những điểm được quy định khác so với thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Điều 59 Luật khiếu nại có quy định “…Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết”. Như vậy, khác với thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nào đó là chủ thể giải quyết tố cáo không có thẩm quyền giải quyết đối với đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của chính bản thân mình, họ chỉ có quyền giải quyết những tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người thuộc cơ quan, tổ chức mình quản lý trực tiếp. Ví dụ: ông A là Trưởng Thi hành án huyện B ra một quyết định cưỡng chế phát mại tài sản để thi hành án, bà M là người phải thi hành quyết định cưỡng chế nói trên. Không đồng ý với quyết định cưỡng chế này, bà M làm đơn khiếu nại lên chính ông A – Trưởng Thi hành án huyện B, trong trường hợp bà cho rằng ông A vì đã nhận tiền hối lộ của người được thi hành án nên mới ra một quyết định cưỡng chế nhà đất của bà trái pháp luật và bà M làm đơn tố cáo ông A, khi đó, người có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo của bà lại là Trưởng Thi hành án cấp tỉnh nơi quản lý Thi hành án huyện B.

         
Ngoài điểm khác nhau này, nhìn chung, thẩm quyền giải quyết tố cáo cũng được xác định gần tương tự như thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

      
Thứ năm, xét về trình tự thủ tục giải quyết: nhìn chung thủ tục giải quyết khiếu nại và tố cáo được tiến hành theo hai trình tự hoàn toàn khác nhau, trình tự cụ thể được quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo 1998, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2005 và được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định
136/2006/NĐ-CP . Một điều đáng lưu ý là về vấn đề thời hiệu, đối với khiếu nại, thời hiệu được tính là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính; đối với khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, thời hiệu được tính là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định kỷ luật, trong trường hợp vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại. Trong khi đó, pháp luật không quy định thời hiệu tố cáo.

         
Từ những phân tích về các đặc điểm khác biệt giữa khiếu nại và tố cáo nêu trên, tác giả rút ra một số vấn đề sau:

       
Một số lưu ý khi giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Trong thực tế, “cách thức” giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền nhiều khi còn có sự khác nhau giữa khiếu nại và tố cáo. Nhìn chung, từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng rõ ràng “thái độ” của các nhà làm luật đối với khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo là khác nhau, vì thế chúng ta cần phải phân biệt cụ thể các đơn thư khiếu nại, tố cáo để từ đó xác định được cơ chế và thủ tục giải quyết phù hợp với từng loại đơn thư theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, khiếu nại, tố cáo trên thực  tế không phải lúc nào cũng hoàn toàn độc lập với nhau, nói một cách khác khiếu nại và tố cáo trong nhiều trường hợp có mối quan hệ mật thiết.

– Trường hợp đơn vừa có nội dung khiếu nại vừa có nội dung tố cáo thì ta áp dung khoản 3, Điều 6 của Nghị định 136/2006/NĐ-CP: “Đối với đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo thì cơ quan nhận được có trách nhiệm xử lý nội dung khiếu nại theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 5 Điều này, còn nội dung tố cáo thì xử lý theo quy định tại Điều 38 Nghị định này.”.  Theo đó, nếu đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo thì ta phải tách nội dung khiếu nại ra để giải  quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại và nội dung tố cáo phải giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo.

– Trường hợp tiêu đề của đơn lại không thống nhất với nội dung của đơn:  Nếu tiêu đề của đơn là “Đơn tố cáo” nhưng thực chất nội dung là khiếu nại thì ta giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại và nếu tiêu đề của đơn là “Đơn khiếu nại” nhưng nội dung thực chất là tôa cáo thì giải quyết theo trình tự, thủ tục của giải quyết tố cáo. Ví dụ như vì động cơ mục đích của người khiếu nại là đòi được hưởng thừa kế nhưng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bác bỏ, vì thế họ tố cáo “vu vơ” hoặc có trường hợp tố cáo cán bộ để đạt được mục đích chính là khiếu nại việc của mình bị “thua thiệt”, ở trường hợp  này thì chúng ta phải căn cứ vài nội dung để phân biệt là khiếu nại hay tố cáo để áp dụng trình tự, thủ tục giải quyết phù hợp.

– Bên cạnh đó, khiếu nại, tố cáo còn có thể chuyển hoá linh hoạt cho nhau trong quá trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết chúng, người khiếu nại có thể trở thành người tố cáo, người giải quyết khiếu nại có thể trở thành người bị tố cáo, người bị tố cáo có thể trở thành người đi khiếu nại, khiếu nại thông thường có thể trở thành khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ công chức…chẳng hạn: công dân A là người phải thi hành án trong Bản án X đã có hiệu lực pháp luật. Trong quá trình thi hành án, Chấp hành viên B ra một quyết định cưỡng chế kê biên bán đấu giá tài sản để thực hiện thi hành án. A cho rằng quyết định đó là trái pháp luật và đã có đơn khiếu nại, vì nhiếu nguyên nhân, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại là C đã không xem xét sự việc để trả lời cho đương sự theo quy định của pháp luật vì thế công dân A làm đơn tố cáo cán bộ C, khi này A với tư cách ban đầu là người khiếu nại nay đã trở thành người tố cáo, C là người giải quyết khiếu nại đã chuyển thành người bị tố cáo. Trong trường hợp sau khi xác minh sự việc, C bị cơ quan có thẩm quyền kỷ luật bằng hình thức cách chức, không đồng ý với quyết định kỷ luật đó, C làm đơn khiếu nại, như vậy trường hợp này từ khiếu nại thông thưòng ban đầu đã chuyển hoá thành khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ công chức, C là người bị tố cáo đã trở thành người đi khiếu nại.

         
Nói tóm lại, khiếu nại, tố cáo của công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý Nhà nước là một lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của công dân, không những thế còn tác động tới và giúp cho việc thực hiện pháp luật đựơc nghiêm chỉnh. Phân biệt khiếu nại, tố cáo một cách chuẩn xác là một trong những việc làm cần thiết quan trọng để góp phần khắc phục tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo bức xúc như hiện nay. Để giúp các đồng chí trực tiếp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo hình dung được quy trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo một cách ngắn gọn, dễ nhớ, dễ phân biệt và dễ áp dụng trong thực tiễn, tác giả xin mô hình hoá quy trình giải quyết riêng biệt giữa khiếu nại và tố cáo theo sơ đồ kèm theo chuyên đề này.

Theo MOJ

 (MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

———————————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *