Nhiều vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra gần đây cho thấy một thực trạng: sự thờ ơ, vô trách nhiệm của cộng đồng, của chính quyền địa phương. Nhiều vụ bạo hành diễn ra gần như công khai, trong một thời gian dài và chỉ được ngăn chặn, xử lý khi người dân, báo chí phát hiện.

Ngày 4-2, Công an, UBND P.10, Q.Gò Vấp, cùng đoàn thể đã giải thoát cho đứa bé đáng thương Nguyễn Chí Cường, 14 tuổi, chỉ vì chậm phát triển tâm thần mà bị mẹ xích chân trong căn phòng trọ suốt năm năm qua. Trường hợp này không phải do người mẹ độc ác, chẳng qua nghèo khó và thiếu kiến thức nuôi dạy con nên đã không chăm sóc, chữa trị đúng cách cho con.

Nhưng còn những hành vi độc ác của vợ chồng chủ quán phở ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội) đối với em Nguyễn Thị Bình suốt mười năm trời, hay vụ bé Nguyễn Thị Hảo, 3 tuổi (huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước), bị mẹ đánh đập, cắt gân chân, cắt vào ngón tay, bỏ đói đến suy kiệt; bé Hà Thục Hiền, 8 tuổi (ở Phú Ninh, Quảng Nam), thường xuyên bị chú ruột đánh đập phải nhập viện; em Vũ Thị Văn, 16 tuổi (Q.Tân Phú, TP.HCM), bị con của chủ nhà hành hạ đến mức phải đi cầu cứu… Trong suốt thời gian dài các em bị hành hạ, lối xóm, chính quyền, các đoàn thể địa phương đã ở đâu? Nếu bảo là không biết, không thấy, không nghe… thì quá vô lý. Còn biết mà không làm gì cụ thể để giúp thì quá nhẫn tâm.

Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình gọi số –

VN tham gia Công ước quyền trẻ em rất sớm. Chúng ta cũng có rất nhiều quy định bảo vệ trẻ em, chống hành vi xâm phạm thân thể, ngược đãi trong các văn bản luật khác nhau như Bộ luật hình sự, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật hôn nhân và gia đình và gần đây là Luật phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, không vì thế con số nạn nhân suy giảm mà dường như ngược lại.

Để chấm dứt hành vi tội ác này cần nhiều yếu tố, nhất thiết phải có sự chung tay của cả cộng đồng.

Thực tế một số trường hợp bạo hành, ngược đãi trẻ em chỉ được coi là việc riêng, dừng lại ở ngưỡng cửa gia đình. Cơ quan đại diện pháp luật, chính quyền không can thiệp. Từ đó việc xử lý thường thấy là chỉ nhắc nhở, kiểm điểm trước tổ dân phố, phạt hành chính.

Thứ nữa, thái độ của những người xung quanh, thường được coi là người ngoài cuộc, cũng cần phải được chấn chỉnh. Bởi vì họ lo lắng cho sự an toàn của chính bản thân, ngại phá vỡ những mối quan hệ xã hội tại nơi họ sinh sống hoặc trong quan hệ công việc nên chọn im lặng đồng tình hay chỉ phản ảnh lấy lệ. Nếu chính quyền địa phương không quan tâm giải quyết, tìm hiểu xử lý triệt để thì số nạn nhân bị bạo hành sẽ ngày một tăng thêm.

Thiết nghĩ cần phải cân nhắc, xem xét lại trách nhiệm liên đới của những người xung quanh nạn nhân. Những người không trực tiếp ra tay hành hạ, ngược đãi trẻ, cũng không phải là đồng phạm, theo khái niệm luật pháp, nhưng thật sự là đồng lõa vì đã im lặng trước tội ác.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” – câu slogan tuyên truyền này ngày ngày nghe quen tai đến độ chẳng ai không biết. Thế nhưng “thế giới ngày mai” ấy có thể sẽ lụi tàn nếu như người lớn chẳng quan tâm đúng và đầy đủ tới trẻ em.

Thế nào là bạo hành và ngược đãi trẻ em?

Có nhiều hình thức bạo hành trẻ em, nhưng phải đến hội nghị thượng đỉnh Stockholm tháng 8-1996, sau nhiều giờ tranh luận, người ta mới có thể phân biệt ba hình thức bạo hành khác nhau.

* Bạo hành thể xác: là hình thức bạo hành dễ nhận diện nhất trong mọi hình thức bạo hành. Những tổn thương này có thể chữa lành, có thể đo lường được và dễ dàng xác định có đúng là bạo hành hay không. Ngược đãi thể chất bao giờ cũng để lại các dấu vết trên cơ thể trẻ. Thế nhưng thông thường trẻ có khuynh hướng giấu giếm vết tích vì sợ người khác nhìn thấy. Do đó, trẻ cũng không dám tố cáo người đánh đập chúng, nhất là khi người đó là cha mẹ hay người trực tiếp chăm nom.

* Bạo hành tình dục: hình thức bạo hành này có thể nhận biết qua nhiều dạng khác nhau. Từ mức tội phạm cao nhất là bắt cóc, hiếp dâm, giết chết, đến những hình thức ít độc ác hơn như quấy rối bằng hành động hay lời nói. Cho dù thế nào, mức độ ghê tởm đều như nhau khi người lớn lạm dụng thế mạnh để áp đặt quan hệ tình dục với trẻ em và buộc trẻ phải che giấu sự thật là đã bị xâm hại. Ngày nay, mối nguy từ tội phạm tình dục đối với trẻ em càng đáng ngại, theo đà phát triển của Internet.

* Loại bạo hành thứ ba không dễ dàng xác định, đó là bạo hành tinh thần hay bạo hành về mặt tâm lý. Càng khó phân định nếu trong xã hội coi trọng lối giáo dục “thương cho roi cho vọt” vì một số người quan niệm đó là hành vi ứng xử xã hội rất bình thường. Thật vậy, đến nay vẫn còn có người cho rằng việc nhốt một đứa trẻ vào buồng tắm hay vào tủ quần áo đóng kín tối đen là một hình phạt thông thường, chẳng có gì đáng tranh cãi. Cần hiểu rõ rằng đó đích thị là bạo hành về tâm lý. Ngoài ra, lời rủa sả, chửi bới, lăng nhục ám chỉ tới trình độ học vấn, về ngoại hình, sức khỏe, về khả năng trí tuệ mà người lớn dùng để “tấn công” trẻ nhỏ cũng được coi là một kiểu hành vi bạo hành tâm lý.

H.V.

 

KINH NGHIỆM NƯỚC NGOÀI: Pháp: lãnh án nếu không cứu giúp trẻ bị bạo hành

NGUYỄN THỊ HẢI VÂN (Pháp)

Trong hầu hết những vụ ngược đãi, hành hạ trẻ em, thường thấy kẻ ra tay chính là những người thân thuộc. Thủ phạm trong các vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em ít khi là người hoàn toàn xa lạ.

Nếu như nhận diện thủ phạm (chính) tương đối đơn giản thì tìm ra kẻ đồng lõa có thể phức tạp hơn tuy cũng không quá khó. Sự im lặng, không phản đối, không tố cáo của người thân cận, tận mắt chứng kiến hoặc đồng tình với hành động ngược đãi chính là đang vô tình hay hữu ý trở thành đồng lõa trong việc ngược đãi trẻ em.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là việc xác định này cực kỳ tế nhị bởi vì người đồng lõa trong một số trường hợp không ý thức được hành vi và hậu quả của sự im lặng hay đồng tình của mình, qua đó chính là đã góp phần vào việc bạo hành, ngược đãi trẻ em. Như vậy, kẻ đồng lõa trên thực tế có thể là cha, mẹ, người rất gần gũi, người có dịp tiếp xúc với trẻ nhưng cũng có thể là hàng xóm, láng giềng thờ ơ, vô cảm.

Cho dù pháp luật có nghiêm minh đến đâu thì cũng không thật sự có ý nghĩa chừng nào nhận thức của người có liên quan chưa thật đầy đủ. Trong câu chuyện bé gái 50 ngày tuổi ở Năm Căn, Cà Mau bị người hàng xóm 68 tuổi hiếp dâm, kẻ thủ ác đã dùng một bao tay chèn vào họng để nạn nhân khỏi kêu khóc, làm cháu bé suýt chết.

Thế nhưng khi ra tòa, mẹ của nạn nhân không đòi bồi thường vì đơn giản nghĩ rằng bị cáo quá nghèo không thể bồi thường. Không nên quên rằng những hình phạt kiểu “lao động công ích” cũng là biện pháp nhắc nhở và có tính giáo dục cao không chỉ với cá nhân chịu hình phạt mà còn có tác dụng răn đe đối với các thành viên khác trong xã hội.

Ngày 25-1-2006, cậu bé Marc được phát hiện chết tại nhà cha mẹ ở Auby, miền bắc nước Pháp. Nguyên nhân cái chết được kết luận là do bị hành hạ, tra tấn nhiều tháng. Theo lời khai từ phía cảnh sát cung cấp, từ sau lễ Giáng sinh Marc không trở lại trường học, mẹ cậu bé giải thích do cậu bị rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra Marc còn bị một cái u do té.

Để giải thích lý do vắng mặt ở trường trong những ngày tiếp theo, người mẹ nói con trai mình mắc chứng bệnh tự cắt tay chân. Sự thật là cậu bé đáng thương bị cha dượng ngược đãi hằng ngày, cậu bị châm thuốc lá, cho tắm nước lạnh (mùa đông), bị đánh đập tàn nhẫn. Khám nghiệm trên thi thể bé nhỏ đó còn thấy nhiều vết tụ máu, vết thương ở tinh hoàn, vùng bụng dưới và nhiều xương sườn bị gãy.

Tòa đã không ngần ngại tuyên mức án cao nhất tù chung thân cho người đàn ông mất hết nhân tính này, đồng thời tuyên mức án 30 năm tù cho người mẹ vì tội đồng lõa. Xa hơn một bước là án tù treo 3 năm và 75.000 euro tiền phạt dành cho cả hai bác sĩ đã chăm sóc Marc vì tội “không trợ giúp người đang gặp nguy hiểm”. Vì tòa án cho rằng hai bác sĩ này mặc nhiên đủ khả năng để đánh giá các vết thương của cháu bé là do bị tra tấn, ngược đãi chứ không phải do tai nạn gây ra bởi tính hiếu động của trẻ con. Ngoài ra, có thêm bốn án treo khác với mức 3 năm cho ông, bà ngoại của cháu bé, anh trai và chị dâu của thủ phạm chính trong vụ án. Tòa cũng không quên phạt một năm tù treo cho bảo mẫu của bé Marc.

Mặc dù vẫn tồn tại nguyên tắc bí mật nghề nghiệp được quy định tại điều 226-13 và 226-14 Bộ luật hình sự dành cho những người hoạt động trợ giúp xã hội, giáo dục, bác sĩ, thầy cô giáo nhưng họ vẫn có nguy cơ bị cáo buộc ngược đãi trẻ em dưới 15 tuổi.

Điều 443-3 Bộ luật hình sự Pháp quy định trong mọi trường hợp, bất kỳ ai biết có trẻ em bị ngược đãi hoặc nghi ngờ bị ngược đãi đều phải thông báo cho cơ quan hữu quan, nếu không sẽ mang tội không trợ giúp người đang gặp nguy hiểm.

SOURCE: BÁO TUỔI TRẺ – HẢI VÂN – THANH NHẪN

Trích dẫn từ: http://www.tuoitre.com.vn/

(Nptlawyer.com LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

——————————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT LIÊN QUAN:

1. Tư vấn thủ tục ly hôn;

2. Dịch vụ tư vấn pháp luật lĩnh vực Hôn nhân gia đình;

3. Dịch vụ tư vấn pháp luật: Lĩnh vực hôn nhân gia đình;

4. Luật sư Bảo vệ trong các vụ án Hôn nhân và gia đình;

5. Luật sư đại diện tranh tụng lĩnh vực Hôn nhân – Gia đình;

6. Tư vấn thủ tục khởi kiện vụ án dân sự – hôn nhân – gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *