Việc ban hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh là hết sức cần thiết để đảm bảo cho tiết kiệm ngang tầm một “quốc sách” được thể chế hoá ở mức độ pháp lý cao hơn và phải được lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách kiên quyết, có hiệu quả; đồng thời đảm bảo tính đồng bộ của các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với các văn bản pháp luật của các lĩnh vực mới ban hành.

1. Tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
Qua tổng kết, đánh giá 6 năm thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có thể thấy rằng, Pháp lệnh khi ra đời đã được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tổ chức, triển khai thực hiện khá kịp thời, một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và nhiều biện pháp đã được xây dựng, ban hành và thực hiện trong các lĩnh vực, từ đó tạo cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số kết quả đạt được là:

(1) Trong sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN): nhiều định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong chi tiêu ngân sách làm căn cứ thực hiện, kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: chế độ công tác phí, hội nghị phí, trang bị và sử dụng phương tiện đi lại, điện thoại và các phương tiện thiết bị làm việc khác…đã được ban hành. Việc lập dự toán, phân bổ, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN cũng đã được các cơ quan, đơn vị thực hiện khá nghiêm túc, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Quy chế công khai tài chính đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN đã được ban hành, tạo điều kiện cho việc giám sát của cộng đồng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Các cơ chế quản lý tài chính mới như: khoán chi hành chính, cơ chế tự chủ tài chính đã được ban hành và thực hiện với kết quả khả quan, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Chế độ mua sắm tài sản, trang thiết bị, quản lý, sử dụng tài sản của các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng NSNN đã được bổ sung, sửa đổi và quy định mới phù hợp hơn. Việc điều chuyển để nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công cũng đã thu được một số kết quả bước đầu;

(2) Trong đầu tư xây dựng (ĐTXD): nhiều định mức kinh tế – kỹ thuật, quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, quy chế đấu thầu, các quy định về quản lý, sử dụng, thanh quyết toán vốn đầu tư từ NSNN đã liên tục được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, bảo đảm tính đồng bộ. Do đó, trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư đều có những kết quả về thực hành tiết kiệm;

>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900 6168

(3) Trong quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài nguyên thiên nhiên: các tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ được ban hành khá kịp thời nên đã giảm được tỷ trọng kinh phí ngân sách phải chi cho xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc, nhà công vụ; đất đai được quan tâm hơn trong quản lý và sử dụng theo mục đích được giao. Việc điều chuyển để nâng cao hiệu quả sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ cũng thu được một số kết quả bước đầu. Tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, nguồn nước, rừng…cũng được quy hoạch, quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn;

(4) Trong quản lý vốn và tài sản tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN): Nhìn chung các định mức kinh tế kỹ thuật, định mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu… đã được sửa đổi, bổ sung góp phần giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

(5) Ngoài ra, trong tiêu dùng của nhân dân, trên cơ sở quy định của Pháp lệnh, Chính phủ đã giao Bộ Văn hoá – Thông tin và nhiều địa phương xây dựng và triển khai thực hiện tiết kiệm trong tiêu dùng . Nhiều làng, xã xây dựng hương ước với nhiều nội dung khuyến khích trong cộng đồng tiết kiệm trong tiêu dùng, trong tổ chức việc tang, việc cưới, mừng thọ, mừng nhà mới…bước đầu tạo dư luận phê phán đối với các trường hợp tiêu dùng xa hoa, lãng phí.

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan thì Pháp lệnh vẫn còn chậm đi vào cuộc sống, tiết kiệm, chống lãng phí chưa thực sự trở thành ý thức tự giác của mỗi người, là mục tiêu của mỗi tổ chức; kết quả thực hành tiết kiệm chưa cao, tình trạng lãng phí còn khá phổ biến và là vấn đề bức xúc, thậm chí có nơi, có lĩnh vực trở nên nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng này có thể được nhìn nhận từ nhiều phía, trước hết có phần do khâu tổ chức thực hiện, nhiều nơi chưa có sự quan tâm chỉ đạo một cách thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành mà mới triển khai theo kiểu “ phong trào”; công tác phổ biến, tuyên truyền và vận động thực hành tiết kiệm chống lãng phí còn hạn chế, hiệu quả chưa cao…; ở một số lĩnh vực, định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung nên khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, những hạn chế, bất cập của bản thân Pháp lệnh cũng là những nguyên nhân không nhỏ, một số quy định của Pháp lệnh đến nay đã trở nên lạc hậu so với những đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế, tài chính những năm qua và không còn phù hợp với một số luật, pháp lệnh có liên quan đến các lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới được bổ sung, sửa đổi; chưa phân định được trách nhiệm của cá nhân và tập thể nên không nâng cao được ý thức trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức; chế tài xử lý vi phạm còn thiếu hoặc có chế tài nhưng còn chung chung, không khả thi đã làm cho việc xử lý vi phạm không nghiêm minh, nhiều trường hợp vi phạm bị phát hiện nhưng không xử lý được;các biện pháp khuyến khích về kinh tế cho cá nhân và tổ chức còn thiếu, ít được quan tâm nên chưa tạo được động lực, khuyến khích việc thực hành tiết kiệm. Ngoài ra, việc công khai tài chính thực hiện chưa nghiêm, còn mang tính hình thức. Nhiều lĩnh vực chưa được công khai, minh bạch nên đã hạn chế sự giám sát của nhân dân, tổ chức đoàn thể, nhiều trường hợp vi phạm chế độ quản lý tài chính chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời; công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động còn yếu và kém hiệu quả, chưa phát huy được tính độc lập trong hoạt động kiểm tra, thanh tra của mình, còn nể nang, ngại đấu tranh, không dám công khai các hiện tượng tiêu cực.

2. Sự cần thiết ban hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
Từ tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đánh giá khái quát nêu trên, có thể nói: việc thực hành tiết kiệm vẫn chưa thực sự trở thành “quốc sách” để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành, tiếp tục phát huy được hiệu quả, đảm bảo tính khả thi, đưa vấn đề tiết kiệm từng bước trở thành ý thức của mỗi người thì việc nâng cao giá trị pháp lý của các quy định đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả là hết sức cần thiết. Mặt khác, trong những năm qua, nhiều Luật, Pháp lệnh liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, nhiều quy định trong các lĩnh vực đó cũng đã được nâng lên thành Luật.
Từ thực tế đó, việc ban hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh là hết sức cần thiết để đảm bảo cho tiết kiệm ngang tầm một “quốc sách” được thể chế hoá ở mức độ pháp lý cao hơn và phải được lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách kiên quyết, có hiệu quả; đồng thời đảm bảo tính đồng bộ của các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với các văn bản pháp luật của các lĩnh vực mới ban hành. 

3. Nguyên tắc xây dựng Luật :
Từ thực tế thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để khắc phục những tồn tại, hạn chế của Pháp lệnh, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, phù hợp với việc đổi mới thể chế trong các lĩnh vực liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự án Luật được xây dựng đã bảo đảm các nguyên tắc sau:

Một là, kế thừa Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh cho phù hợp với quy mô dự án Luật;

Hai là, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện luật hoá để nâng cao tính pháp lý, tính khả thi.  

Ba là, phù hợp với các luật, pháp lệnh mới ban hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, đất đai… có tham chiếu với dự án Luật Chống tham nhũng để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

4. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật:

4.1. Phạm vi điều chỉnh: Luật quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong 7 lĩnh vực sau:
(1) Trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước;
(2) Trong đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước;
(3) Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ của các cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và các công trình phúc lợi công cộng;
(4) Trong quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên;
(5) Trong đào tạo, quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước;
(6) Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp;
(7) Trong sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.
Phạm vi điều chỉnh của Luật đã mở rộng hơn so với Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cụ thể đã điều chỉnh đối với quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước
.

4.2. Đối tượng áp dụng:  
Luật được áp dụng cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân và phân loại thành 2 nhóm đối tượng tương ứng theo 2 khu vực điều chỉnh là khu vực nhà nước và khu vực dân cư, cụ thể:

(1) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước, lao động trong khu vực nhà n­ước và tài nguyên thiên nhiên;

(2) Các tổ chức khác và mọi công dân Việt Nam.
Đối với các đối tượng thuộc khu vực nhà nước liên quan trực tiếp đến quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước sẽ có những quy định bắt buộc phải thực hiện hoặc nghiêm cấm không được thực hiện, đi liền với đó là các chế tài xử lý vi phạm.
Đối với đối tượng là các tổ chức không thuộc khu vực nhà nước và công dân Việt nam, đặc biệt là các thành phần dân cư, Luật thể hiện dưới hình thức quy định và tạo cơ sở để đưa ra các chuẩn mực chung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để các tổ chức đoàn thể hướng dẫn vận động cán bộ, công chức và toàn thể nhân dân thực hiện.

5. Về phương thức thể hiện các điều Luật
Các điều của luật phần lớn được thể hiện theo 3 nội dung: (1) nội dung quy định phải bắt buộc thực hiện để chống lãng phí; (2) nội dung quy định các hành vi nghiêm cấm thực hiện; (3) nội dung quy định trách nhiệm cụ thể và chế tài xử lý vi phạm. Như vậy, về cơ bản hầu hết các điều luật đều có quy định cụ thể về chủ thể và hành vi thực hiện, hạn chế số lượng các văn bản hướng dẫn dưới Luật.
Nhằm bảo đảm tính khả thi, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã khắc phục được những hạn chế của Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cụ thể như:
 (1) Quy định rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
(2) Quy định việc công khai trong các lĩnh vực, bao gồm mở rộng cả về lĩnh vực phải công khai và các nội dung, hình thức công khai;
 (3) Quy định rõ chủ thể và các hành vi gây lãng phí với các chế tài xử lý cụ thể, nghiêm minh và công khai hoá việc xử lý vi phạm;
(4) Quy định quyền và trách nhiệm giám sát của tổ chức, đoàn thể, quần chúng và của nhân dân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
(5) Quy định chặt chẽ, cụ thể  hơn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực còn có nhiều vi phạm như: đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ; quản lý, sử dụng lao động trong khu vực nhà nước; và quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Ngoài ra, quy định rõ hơn việc khuyến khích, tuyên truyền vận động nhân dân thực hành tiết kiêm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng.

6. Bố cục và nội dung cơ bản của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 8 nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa VIệt Nam thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005, có hiệu lực từ ngày 01/6/2006, thay thế Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 1998. Luật này bao gồm 86 Điều chia thành 11 Chương quy định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong 7 lĩnh vực cụ thể như sau:

– Chương I: Những quy định chung
Chương này có 9 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ và các quy định mang tính nguyên tắc như: nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các lĩnh vực phải công khai; trách nhiệm giám sát; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

– Chương II: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước
Chương này gồm 16 điều, bao gồm 4 mục quy định về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong 4 nội dung: (1) Trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước; (2) Trong mua sắm, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc; (3) Trong quản lý, sử dụng NSNN cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức; (4) Trong quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu, chương trình Quốc gia, kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

– Chương III: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước              
Chương này gồm 9 điều quy định về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng đối với các dự án công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc ngân sách nhà nước; kết cấu các Điều được gắn với từng khâu của quá trình đầu tư xây dựng nhằm thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

– Chương IV : Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc quản lý, khai thác, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ của cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và các công trình phúc lợi công cộng
Chương này có 3 điều quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và các công trình phúc lợi công cộng; được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh, luật hoá các biện pháp đã thực hiện và có hiệu quả những năm qua.

– Chương V: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên
Chương này có 11 điều quy định việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác và sử dụng các loại tài nguyên thiên nhiên, đây là một quy định mới so với Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bao gồm: đất đai, khoáng sản, nguồn nước, rừng và các loại tài nguyên khác. Các quy định này được xây dựng bám sát với các quy định tại các Luật có liên quan như: Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ và phát triển rừng… và được thể hiện dưới góc độ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

– Chương VI: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đào tạo, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao độngtrong khu vực nhà nước                                            
Chương này có 5 điều quy định về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đào tạo, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước. Đây là một lĩnh vực mới được quy định so với Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

– Chương VII: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp 
Chương này gồm 8 điều quy định về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (công ty nhà nước và doanh nghiệp có  vốn góp của nhà nước).

– Chương VIII:  Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân
Chương này có 4 điều quy định mang tính khuyến khích, hướng dẫn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; chỉ rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức và thành viên của các tổ chức đoàn thể với tư cách là công dân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

– Chương IX: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Chương này có 13 điều quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Ngoài các quy định chung về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Luật còn quy định cụ thể trách nhiệm của một số Bộ có liên quan trực tiếp tới các lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra.

– Chương X:  Khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm
Chương này có 6 Điều, ngoài các quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm, đã  bố trí 02 Điều quy định về khen thưởng và khiếu nại tố cáo. Về khen thưởng, bao gồm quy định khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trong việc phát hiện, ngăn ngừa các hành vi gây lãng phí; về chế tài xử lý vi phạm, các hành vi vi phạm gây lãng phí ở từng điều cụ thể đã có quy định chế tài xử lý gắn với từng hành vi và chủ thể hành vi. Ở Chương này chỉ quy định về các hình thức xử lý và quy định chế tài xử lý đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà trong từng điều chưa đề cập đến.  

– Chương XI: Điều khoản thi hành: Có 2 điều quy định hiệu lực thi hành của Luật và trách nhiệm quy định chi tiết thi hành Luật của Chính phủ.

7. Những nội dung mới của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

Một là, về phạm vi điều chỉnh của Luật: mở rộng hơn so với Pháp lệnh để bao quát hết các lĩnh vực, lấy việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực nhà nước làm trọng tâm, từ đó mở rộng quy định việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các nguồn lực khác, cụ thể là bổ sung quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng các công trình phúc lợi công cộng; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên, nhất là các tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản; quản lý phần vốn góp của nhà nước tại các doanh nghiệp. Đáng chú ý là Luật đã dành một chương riêng quy định nội dung khuyến khích thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân với một số điều quy định cụ thể trong việc đầu tư xây dựng, phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở, trong tiêu dùng hàng ngày và trong các hoạt động lễ hội, việc cưới, việc tang…

Hai là, về nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Luật quy định rõ các nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để đảm bảo việc thực hành tiết kiệm được quán triệt ngay từ khi xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách và trong toàn bộ quá trình thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ (Điều 4). Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm ban hành các định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Điều 5) và quy định rõ các lĩnh vực phải thực hiện công khai để tạo điều kiện cho việc kiểm tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Điều 6). Căn cứ các quy định trên, ngoài việc điều chỉnh người thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, Luật còn điều chỉnh cả đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, ban hành định mức, tiêu  chuẩn, chế độ.

Ba là, về trách nhiệm cá nhân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Quy định cụ thể về trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức (Điều 8) và trách nhiệm của cán bộ, công chức ( Điều 9) trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, tại từng điều khoản quy định trong các lĩnh vực cũng có quy định cụ thể chế tài xử lý đối với cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi có hành vi gây lãng phí. Việc đề cao trách nhiệm cá nhân sẽ góp phần nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm của mỗi người.

Bốn là, về các biện pháp để khuyến khích thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: thực hiện luật hoá một số biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đáng chú ý sau: (1) Mở rộng cơ chế giao khoán kinh phí hoạt động, giao quyền tự chủ tài chính đối với các cơ quan, đơn vị; khuyến khích các cơ quan, đơn vị thực hiện khoán một số khoản chi đến người sử dụngtrực tiếp (Điều 11); (2) Áp dụng cơ chế thuê phương tiện đi lại của các doanh nghiệp dịch vụ để phục vụ công việc của các cơ quan, tổ chức và thực hiện khoán kinh phí cho người có tiêu chuẩn, chế độ sử dụng phương tiện đi lại; chỉ trang bị phương tiện đi lại riêng cho một số chức vụ, chức danh cao cấp của nhà nước (Điều 14); (3) Hình thành cơ chế quản lý chặt chẽ tiền hoa hồng mua sắm (Điều 18); cụ thể hoá các quy định về tiết kiệm trong chi tổ chức hội nghị (Điều 19); chi tiếp khách, khánh tiết, lễ hội, lễ kỷ niệm (Điều 20); (4) Thực hiện cơ chế tuyển chọn công khai tổ chức, đơn vị tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, khoán kinh phí và kết quả nghiên cứu cho người thực hiện (Điều 25); (5) Bổ sung quy định trong việc bố trí vốn đầu tư xây dựng của Nhà nước theo nguyên tắc tập trung cho các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội và các dự án không vì mục tiêu lợi nhuận; nghiêm cấm việc chuyển vốn vay trong dự án đầu tư thành nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp (Điều 33);(6) Quy định rõ 2 nhóm công trình được phép tổ chức động thổ, khởi công, khánh thành (Điều 34).  

Năm là, về cơ chế giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Với các quy định của Luật, đã hình thành cơ chế giám sát, trong đó đã quy định cụ thể quyền giám sát của cá nhân, tổ chức ( Điều 7); Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm thực hiện quyền giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cá nhân, tổ chức (Điều 8). Để phục vụ công tác giám sát của các tổ chức, cá nhân, Luật cũng quy định rõ các lĩnh vực công khai, hình thức công khai  (Điều 6). Bên cạnh đó, để bảo vệ người phát hiện, khiếu nại, tố cáo các hành vi lãng phí, Luật đã quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi đe doạ, trả thù, trù dập (Điều 79).

Sáu là, về chế tài xử lý hành vi vi phạm gây lãng phí: Pháp lệnh hiện hành chỉ có một điều quy định về chế tài xử lý hành vi vi phạm và ở một số điều có quy định chung và hầu hết đều giống nhau là: “…thì bị xử lý theo quy định của pháp luật”, nhưng trong thực tế chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về chế tài xử lý, nên không thể xử lý được, đây là một trong những nguyên nhân làm hạn chế tính khả thi của Pháp lệnh. Vì vậy, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã tập trung vào hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với từng chủ thể vi phạm và từng hành vi gây lãng phí được quy định ở từng Điều luật, bao gồm: bồi thường đi đôi với xử lý kỷ luật và xử lý vi phạm hành chính, trong đó bồi thường là biện pháp xuyên suốt và quan trọng để áp dụng cho hầu hết các hành vi vi phạm gây lãng phí. Riêng về chế tài truy cứu trách nhiệm hình sự, Luật có bố trí một điều riêng (Điều 84) quy định chế tài này để bao quát hết các trường hợp vi phạm gây lãng phí ở mức độ nghiêm trọng. Trên cơ sở quy định về các hình thức xử lý vi phạm ( Điều 81, 82, 83), Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định về bồi thường, xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí làm căn cứ xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm (Điều 86)

Bảy là, về trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Luật dành một chương riêng (Chương IX) quy định trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước (Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương) trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, ngoài trách nhiệm của 2 Bộ  đã được quy định tại Pháp lệnh (Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ), Luật còn quy định thêm trách nhiệm của 5 Bộ có liên quan trực tiếp tới việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực được điều chỉnh của Luật là: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hoá – Thông tin. Trong đó, trách nhiệm chủ yếu là sửa đổi, bổ sung và xây dựng định mức, tiêu chuẩn, chế độ; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xử lý nghiêm minh các vi phạm. Luật cũng quy định rõ việc xây dựng Chương trình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và dài hạn của Chính phủ, của các bộ, ngành và các địa phương. Quy định trách nhiệm Chính phủ phải báo cáo Quốc hội ( Điều 66), UBND phải báo cáo HĐND cùng cấp (Điều 76) về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quy định trách nhiệm của các cơ quan này trong việc phải xử lý nghiêm minh các vi phạm và phải công khai kết quả xử lý vi phạm.

8. Tổ chức thực hiện
Để Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào cuộc sống có hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự kiến ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về triển khai thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cụ thể như sau:

(1) Trong quý I và Quý II năm 2006 cần ban hành 02 Nghị định: (i) Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (ii)Nghị định của Chính phủ quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

( 2) Các Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi, lĩnh vực quản lý phải rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để có ngay kế hoạch bổ sung, sửa đổi, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành; loại bỏ các quy định không phù hợp, thiếu chặt chẽ, dễ lợi dụng dẫn đến lãng phí.

(3) Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi, lĩnh vực quản lý có trách nhiệm rà soát, lập danh mục các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, định mức kinh tế kỹ thuật còn thiếu, chưa phù hợp trong các lĩnh vực chuyên ngành để có kế hoạch sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế, tiến bộ khoa học, công nghệ và khả năng của ngân sách để làm cơ sở cho việc thực hiện, kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

(4) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện các quy định về công khai để tạo điều kiện cho việc kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời tăng cường, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, đưa công tác công khai về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nề nếp trong các cơ quan, đơn vị và tổ chức nhà nước.

(5) Các cấp, các ngành phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phải thường xuyên gắn với thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành của các ngành, các cấp.

(6) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các đoàn thể, tổ chức quần chúng có trách nhiệm tổ chức học tập, quán triệt Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cấp mình, ngành mình, đơn vị mình đến từng cán bộ, công chức, viên chức, hội viên thuộc phạm vi quản lý nhằm tăng cường hiểu biết pháp luật, nâng cao nhận thức, có những hành động, việc làm cụ thể tạo chuyển biến thực sự trong lề lối làm việc, cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

(7) Các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức thích hợp và có hiệu quả; nêu gương người tốt, việc tốt trong việc thực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kịp thời phê phán, lên án các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, gây lãng phí

(8) Các cấp, các ngành phải tổ chức thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực:
(i)  Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước;
(ii)  Quản lý đầu tư xây dựng;
(iii)  Quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ;
(iv)  Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên;
(v)   Đào tạo, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước;
(vi)   Quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại công ty nhà nước;
(vii)   Trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Trong từng lĩnh vực, đã xác định được một nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay trong năm 2006./.

Loại văn bản :

Luật

Lĩnh vực :

Tài chính

Toàn văn luật đã ban hành :

Xem chi tiết

(Được Quốc hội Khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005,  được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố ngày 09/12/2005, có hiệu lực ngày 01/6/2006)

Nptlawyer.com ; biên tập

——————————————–

DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN:

1. Tư vấn xin cấp phép đầu tư ;

2. Tư vấn cấp giấy chứng nhận đầu tư ;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp liên doanh ;

4. Các dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư trong nước ;

5. Tư vấn thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam ;

6. Dịch vụ tư vấn Cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *