Thực hiện các quy định của Luật Bình đẳng giới về bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật, trong quá trình xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người, Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tổ chức một số hoạt động nghiên cứu, khảo sát, hội thảo, toạ đàm, tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức và các cá nhân có quan tâm, qua đó đã xác định được những vấn đề giới và đề xuất những biện pháp bảo đảm lồng

Xác định vấn đề giới trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người

Hiện nay, về cơ bản chúng ta vẫn chưa có những số liệu thống kê cụ thể, chính xác số vụ, số nạn nhân bị mua bán và tội phạm mua bán người có tách biệt giới. Nhưng trên cơ sở thông tin do các cơ quan chức năng cung cấp, qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và từ kết quả khảo sát thực tiễn về công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người tại một số tỉnh, thành phố cho thấy có một số vấn đề giới cần được quan tâm trong lĩnh vực này, đó là:

– Đối tượng bị mua bán trong thời gian qua chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Mục đích mua bán người phần lớn là để phục vụ cho các hoạt động mại dâm, kết hôn và bóc lột sức lao động. Ngoài vấn đề lợi nhuận, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng phụ nữ và trẻ em gái bị mua bán nhiều là do định kiến giới nặng nề còn tồn tại trong xã hội (phụ nữ/ trẻ em gái là món hàng, là đối tượng mua vui, chỉ để duy trì nòi giống, con gái không cần học hành nhiều,…), tư tưởng trọng nam khinh nữ khiến cho phụ nữ có rất ít hoặc mất quyền tự quyết đối với bản thân, tình trạng mất cân bằng về giới tính ở một số nơi đến (phần lớn phụ nữ bị mua bán qua biên giới phía Bắc để làm vợ đàn ông Trung Quốc) và tình trạng bất bình đẳng giới khiến cho trẻ em gái và phụ nữ trẻ không được đào tạo, hướng dẫn đầy đủ cả về kiến thức và kỹ năng sống, thiếu những thông tin cần thiết để có thể phòng ngừa và giải thoát cho bản thân,v.v…

– Nam giới cũng là nạn nhân bị mua bán. Mục đích mua bán nam giới chủ yếu là để bóc lột lao động (đối với nam giới trong độ tuổi lao động) và làm con nuôi (đối với trẻ em nam). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nam giới bị mua bán cũng xuất phát từ định kiến về giới (nam giới phải kiếm tiền bằng mọi giá để nuôi gia đình), tư tưởng trọng nam khinh nữ, mong muốn sinh con trai hơn sinh con gái (trẻ em nam thường được bán với giá cao hơn trẻ em gái để làm con nuôi).

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

 

– Tội phạm mua bán người do cả hai giới thực hiện. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự gia tăng của loại tội phạm này là do tình trạng thiếu việc làm, đặc biệt là việc làm cho lao động nữ và việc làm ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khiến cho người dân phải di cư ra các thành phố lớn hoặc ra nước ngoài để tìm việc làm. Trong khi đó việc mua bán người, đặc biệt là mua bán người qua biên giới lại thường đem lại lợi nhuận đáng kể, có sức hấp dẫn rất lớn đối với những ai đang khao khát kiếm tiền bằng mọi giá và làm giàu nhanh chóng.  

– Trong số tội phạm mua bán người là phụ nữ có rất nhiều trường hợp từng là nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, sau đó lại quay về nước dụ dỗ, lừa gạt những phụ nữ và trẻ em gái khác, thậm chí có trường hợp còn lừa bán cả người thân thích (con gái, em gái, cháu gái) để bán ra nước ngoài kiếm tiền. Việc xử lý các đối tượng này thường được cân nhắc trên cơ sở xem xét toàn diện về tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm, mức độ lỗi, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và mục đích, động cơ phạm tội,… để có biện pháp xử lý phù hợp, vừa bảo đảm tính răn đe, trừng trị, vừa tạo điều kiện cho họ được cải tạo, tránh tái phạm.

– Những tổn thất và hậu quả để lại của nạn mua bán người đều rất trầm trọng, nhưng tương đối khác nhau giữa nạn nhân nam và nạn nhân nữ. So với nạn nhân là nam giới, nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái thường bị tổn thương nặng nề hơn cả về thể chất và tâm lý (bị nhiễm nhiều loại bệnh lây truyền qua đường sinh dục, bị kiệt sức vì phải lao động nặng nhọc, bị cưỡng bức phục vụ nhu cầu tình dục của nhiều người, bị kỳ thị,v.v…), do đó quá trình phục hồi của họ cũng lâu hơn và khó khăn hơn. Việc hỗ trợ cho nạn nhân nữ do vậy cũng đòi hỏi phải được quan tâm nhiều hơn ở cả góc độ đầu tư kinh phí và nguồn nhân lực, đặc biệt là các cán bộ xã hội có kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng giao tiếp, làm việc với nữ giới.

– Công tác nắm tình hình, thu thập số liệu, thống kê, nghiên cứu về vấn đề phòng, chống mua bán người hầu hết chưa được tiếp cận và phân tích từ góc độ giới. Hệ thống số liệu, nghiên cứu có tách biệt giới đối với các nạn nhân từng bị mua bán, những cá nhân và tổ chức thực hiện hành vi mua bán người và cả các tổ chức giải cứu – tiếp nhận nạn nhân (thường là lực lượng công an, biên phòng,…) không đầy đủ và chưa phản ánh được hết thực tế. Điều này gây khó khăn cho việc đề xuất những giải pháp phù hợp.

– Công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người chỉ đem lại hiệu quả thiết thực nếu có sự chú ý đúng mức tới những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: trẻ em gái, lao động nữ, phụ nữ trẻ có nhu cầu kết hôn với người nước ngoài, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, ít giao tiếp, kỹ năng sống hạn hẹp, dễ bị lừa gạt, dụ dỗ.

– Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân phần lớn chưa được trang bị các kiến thức cơ bản về bình đẳng giới và chưa được đào tạo, tập huấn về vấn đề lồng ghép bình đẳng giới trong công việc của mình, do vậy đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và hiệu quả công tác.

– Các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người được ban hành trong thời gian qua, đặc biệt là các văn bản quy định về vấn đề tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân (Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận và tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về; Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BCA-BQP-BNG-BLĐTBXH ngày 08/5/2008 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về; Thông tư liên tịch số 116/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 27/9/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng theo Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg; Thông tư số 05/2009/TT- BLĐTBXH ngày 17/02/2009 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức và hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg) chủ yếu đề cập đến đối tượng nạn nhân là phụ nữ và trẻ em, do vậy chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện công tác bảo vệ, hỗ trợ đối với nạn nhân là nam giới trên 16 tuổi.

Đề xuất các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong dự thảo Luật

Trên cơ sở xác định các vấn đề giới trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người như đã nêu ở trên, trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người đã đề ra một số biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới, cụ thể như sau:

 1. Thống nhất và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác phòng, chống mua bán người:

– Quy định khái niệm “mua bán người” và khái niệm “nạn nhân” tại Điều 2 dự thảo Luật, trong đó xác định rõ nạn nhân bị mua bán bao gồm cả nam giới và phụ nữ;

– Quy định một trong những nguyên tắc phòng, chống mua bán người là “tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với các nạn nhân” (Khoản 4, Điều 3 dự thảo Luật); cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân và giữa các nạn nhân (Khoản 6, Điều 7 dự thảo Luật);

 2. Quy định các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong dự thảo Luật, bao gồm:

– Xác định việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống mua bán người phải tập trung vào đối tượng là phụ nữ, thanh thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên và những người cư trú tại khu vực biên giới, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn (Khoản 5, Điều 8 dự thảo Luật); việc tư vấn phòng, chống mua bán người cần tập trung vào các đối tượng là người có nhu cầu tìm kiếm việc làm hoặc đi du lịch trong nước hoặc ở nước ngoài, người có nhu cầu kết hôn với người nước ngoài, người có nhu cầu cho, nhận con nuôi, người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ, nạn nhân và thân nhân của họ (phần lớn các đối tượng này là phụ nữ và trẻ em gái).

– Xác định một trong những nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống mua bán người là vấn đề “chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân” và “trách nhiệm của cá nhân, gia đình… trong phòng chống mua bán người”, coi đây là những nội dung có liên quan trực tiếp đến vấn đề bình đẳng giới, vai trò và vị trí quan trọng của người phụ nữ trong gia đình và xã hội;

– Quán triệt việc quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ (cho nhận con nuôi, hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài, giới thiệu việc làm, đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài, dịch vụ văn hoá, du lịch và các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác) nhằm phòng ngừa việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em (Điều 11 dự thảo Luật);

– Quy định việc lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội (Điều 12 dự thảo Luật);

– Quy định các chế độ hỗ trợ dành cho nạn nhân bị mua bán, trong đó có nhấn mạnh việc áp dụng các chế độ hỗ trợ phải được thực hiện trên cơ sở cân nhắc những đặc điểm về giới tính, lứa tuổi, hoàn cảnh cụ thể của từng nạn nhân, đặc biệt là nạn nhân nữ (toàn bộ Chương IV dự thảo Luật). 

3. Xác định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết các vấn đề giới trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người, cụ thể:

– Xác định trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người (tại các Điều 6, Điều 38 của dự thảo Luật), theo đó Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người; Bộ Công an có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người; Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người; Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người tại địa phương;

– Quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính phải bố trí ngân sách thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mua bán người cho các bộ, ngành và địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương lập dự toán kinh phí phòng, chống mua bán người (Điều 42 dự thảo Luật).

– Khẳng định một trong những chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người là “chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm công tác phòng, chống mua bán người” (Khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật);

– Quy định việc xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở; huy động sự tham gia tích cực của các đoàn thể xã hội vào công tác phòng, chống mua bán người (Khoản 4, Điều 8 dự thảo Luật)./.

Nguyễn Hải Anh, Vụ Pháp luật hình sự – hành chính, Bộ Tư pháp

http://moj.gov.vn

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

———————————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tranh tụng tại tòa án và đại diện ngoài tố tụng;

7. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

8. Dịch vụ luật sư tư vấn trực tuyến qua tổng đài ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *