Thưa luật sư! Trước khi em trai tôi kết hôn, cha tôi có cho em trai tôi một mảnh đất đã được xây dựng nhà ở kiên cố vì là trai nên cha tôi nghĩ trước sau gì cũng cho con nên cha tôi cho em trai tôi và hiện tại giấy tờ nhà đất do em trai tôi đứng tên ( cha tôi hiện tại đang sống chung với vợ chồng em trai tôi).

Sau khi kết hôn được 3 tháng thì em trai tôi đòi bán căn nhà và đất mà cha tôi đã cho, cha tôi không đồng ý gì nghĩ rằng đây là đất và nhà của ông đã mua và xây dựng, nay bán rồi ở đâu nhưng em trai tôi vẫn cương quyết để bán. Vậy nếu giờ tôi khởi kiện yêu cầu tòa án ngăn chặn việc bán nhà của em trai tôi được không và nếu em trai tôi bán nhà thì cha tôi có được chia phần tài sản nào không? Hiện tại nhà là nhà thờ cúng tổ tiên, em trai tôi sắp kết hôn nhưng em trai tôi không đồng ý cho về lại tổ tiên ngày rước dâu, hỏi vậy có trái với quy định của pháp luật không và giờ gia đình tôi nên làm gì?

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục  tư vấn luật đất đai của Nptlawyer.com ;

Luật sư tư vấn luật đất đai gọi:  

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi đến Nptlawyer.com ;. Vấn đề của bạn chúng tôi giải đáp như sau:

 

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật dân sự 2005

Luật nhà ở 2014

Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị

Nội dung phân tích:

Câu hỏi thứ nhất: nếu giờ tôi khởi kiện yêu cầu tòa án ngăn chặn việc bán nhà của em trai tôi được không? 

Căn cứ Khoản 1 Điều 10 Luật nhà ở 2014:

"Điều 10. Quyền của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở

1. Đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có các quyền sau đây:

a) Có quyền bất khả xâm phạm về nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình;

b) Sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm;

c) Được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai;

d) Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó;

đ) Sử dụng chung các công trình tiện ích công cộng trong khu nhà ở đó theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Trường hợp là chủ sở hữu nhà chung cư thì có quyền sở hữu, sử dụng chung đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư và các công trình hạ tầng sử dụng chung của khu nhà chung cư đó, trừ các công trình được xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở;

e) Bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng;

g) Được bồi thường theo quy định của luật khi Nhà nước phá dỡ, trưng mua, trưng dụng nhà ở hoặc được Nhà nước thanh toán theo giá thị trường khi Nhà nước mua trước nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai;

h) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các hành vi vi phạm quyền sở hữu hợp pháp của mình và các hành vi khác vi phạm pháp luật về nhà ở."

Theo quy định trên, vì em trai bạn đã đứng tên trên giấy tờ nhà đất chứng tỏ em trai bạn là người có quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng mảnh đất đó. Hơn nữa, em trai bạn có toàn quyền thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với ngôi nhà đó trong đó có quyền bán căn nhà đó cho bất kỳ ai. Nói cách khác bạn không thể khởi kiện em trai bạn trong trường hợp này.

Câu hỏi thứ hai: nếu em trai tôi bán nhà thì cha tôi có được chia phần tài sản nào không?

Sau khi em trai bạn bán nhà thì phần tài sản nhận được đương nhiên thuộc về em trai bạn. Việc cha bạn có được phia phần tài sản nào trong đó không phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của em trai bạn căn cứ vào Điều 165 Bộ luật dân sự 2005:

"Điều 165. Nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu  

Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác."

Câu hỏi thứ ba: Hiện tại nhà là nhà thờ cúng tổ tiên, em trai tôi sắp kết hôn nhưng em trai tôi không đồng ý cho về lại tổ tiên ngày rước dâu, hỏi vậy có trái với quy định của pháp luật không và giờ gia đình tôi nên làm gì?

Vì trong nội dung câu hỏi bạn không nói rõ ngôi nhà này được sử dụng vào mục đích để ở hay để thờ cúng tổ tiên nên có hai trường hợp xảy ra:

– Trường hợp 1: ngôi nhà trên giấy xin phép xây dựng là ngôi nhà để thờ cúng tổ tiên.

Trong tình huống này, em trai bạn không thể thay đổi mục đích sử dụng ngôi nhà được. Nếu em trai bạn vẫn nhất quyết không để ngôi nhà là nhà thờ cúng tổ tiên thì bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm tại Điều 4 Nghị định 180/2007/NĐ-CP với lý do công trình xây dựng sai nội dung Giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp

– Trường hợp 2: ngôi nhà trên giấy xin phép xây dựng là ngôi nhà để ở.

Như vậy, em trai bạn hoàn toàn có lý do không đồng ý với việc để nhà là nhà thờ cúng tổ tiên vì trên giấy phép xây dựng đây là nhà để ở. Trong tình huống này gia đình bạn không thể làm gì để ngăn em trai bạn quyết định theo ý của anh ta được. 

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật về doanh nghiệp và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác bạn có thể trực tiếp đến văn phòng của công ty chúng tôi vào giờ hành chính ở địa chỉ: Phòng 802, Tòa nhà VNT, số 19, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Tp. Hà Nội. Hoặc bạn có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email npttrinhlaw@gmail.com hoặc gọi điện để được tư vấn qua tổng đài .

Trân trọng!

Bộ phận tư vấn luật đất đai.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *