Có một câu đố cổ dành cho trẻ em Việt ngày xưa: “Cái thúng mà thủng hai đầu, bên ta thì có bên Tầu thì không?” Đố là gì? Trả lời: Cái váy. Xin thưa ngay: Cái váy là chuyện nhỏ, văn hoá từ chuyện cái váy lại là chuyện khác, không nhỏ. Trước thời Bắc thuộc, phụ nữ Việt Nam mặc váy chứ không mặc quần. Theo truyền thuyết, vào thời Hùng Vương ở Việt Nam, đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy kín (váy chui) hoặc váy mở (váy quấn).

1. Từ hai hiện tượng: váy và áo dài

1. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1414, nhà Minh cấm con trai, con gái không được cắt tóc; đàn bà con gái thì mặc áo ngắn, quần dài, theo phong tục phương Bắc. Nhằm đồng hóa người Việt, nhà Minh bắt người dân ăn mặc như người Hoa, đàn bà con gái không được mặc váy mà phải mặc quần như người Hoa. Sau khi Lê Lợi cùng toàn dân đánh đuổi được giặc Minh, giành được độc lập, đến thời vua Lê Huyền Tông có lệnh cấm đàn bà con gái không được mặc áo có thắt lưng và mặc quần có ống chân2. Như vậy có nghĩa là cấm đàn bà con gái không được mặc quần như người Hoa, mà trở lại cách mặc váy của người nước ta. Đến thời vua Minh Mạng, với các lý do lịch sử và có thể là do tâm lý vọng ngoại, nhà vua lại bắt phụ nữ ta ăn mặc như người Hoa: mặc quần chứ không được mặc váy. “Tháng Tám có chiếu vua ra, cấm quần không đáy người ta hãi hùng. Không đi thì chợ không đông, đi thì bóc lột quần chồng sao đang”. Nhưng “phép vua thua lệ làng”, Đào Duy Anh cho biết: “Đời Minh Mệnh có lệnh đàn bà đàng ngoài phải mặc quần, nhưng chỉ những người giầu sang ở thành thị tuân theo, chứ ở nhà quê thì đến ngày nay đàn bà cũng vẫn mặc váy”3. Nguyễn Dư hóm hỉnh chua thêm: “Vua nói vua nghe, váy bà bà mặc. Minh Mạng làm sao mà đụng được vào cái váy của các bà nhà quê đàng ngoài! Trong lúc tỉnh thành xôn xao kháo nhau cởi váy mặc quần thì thôn quê miền Bắc vẫn khư khư giữ cái váy”4.

>> Luật sư tư vấn luật thuế qua điện thoại gọi:  –

 

Thế nhưng, với chiếc áo Tây thì tình hình lại khác hẳn. Áo dài tân thời ra đời ở Việt Nam vào những năm 30 của thế kỷ trước, là sản phẩm của sự cách tân áo dài truyền thống năm thân và tứ thân. Nhà văn hóa Hữu Ngọc nhận xét: “Chiếc áo dài những năm 1930 nói lên ý thức giác ngộ của phụ nữ, chống lại quan niệm trọng nam khinh nữ của Khổng học. Đó là một bản tuyên ngôn phụ nữ có tính cách riêng của mình, đòi tự do sinh hoạt xã hội, muốn phô bày cái đẹp thân thể. Áo dài là một sự “tiếp biến” (acculturation) thành công: áo dài truyền thống đã kết hợp hài hòa với thời trang hiện đại phương Tây, vẫn được thế giới đánh giá là “áo dài dân tộc Việt Nam”5. Từ các me Tây cho đến các cô giáo, nữ sinh, áo dài tân thời được tiếp nhận vì nó là sản phẩm của sự tiếp nhận xu hướng trang phục phương Tây trên nền tảng trang phục truyền thống Việt Nam.

Như vậy, người Việt không từ chối các yếu tố thuộc văn hóa ngoại sinh. Tiến sĩ H.R. Ferraye cho rằng, nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam là tính cách không chối từ (non refus) của nó6. Văn hóa Việt Nam có tính mở: sẵn sàng đón nhận những luồng sinh khí văn hóa đến từ phương Đông cũng như phương Tây. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa học đã khẳng định một đặc trưng trong sự tiếp biến văn hóa ở Việt Nam là các yếu tố văn hóa ngoại sinh chỉ được tiếp nhận ở Việt Nam khi nó được Việt hóa. CL.Palazzoli, một nhà ngoại giao Pháp ở Hà Nội nhận xét: “Tính độc đáo của quá trình Việt Nam chính là ở chỗ này: sự hấp thu những ảnh hưởng bên ngoài được tiến hành thông qua một công trình tinh luyện chuyển hóa làm cho chúng thích nghi, những ảnh hưởng ấy được tích lũy một cách nhuần nhuyễn, trong khi những nét dân tộc chủ yếu không hề bị giản lược, những nét khiến cho đến nay Việt Nam vẫn giữ được bản sắc của mình, mặc dù có những cố gắng ngoại lai nhằm nô dịch hóa hoặc chia cắt”7. Từ su hào, bắp cải cho đến Thơ Mới, tranh sơn mài, tân nhạc, cải lương… giới văn hóa học đã đưa ra nhiều dẫn chứng về ẩm thực, văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc… để khẳng định nguyên lý tiếp biến văn hóa ở Việt Nam: tái cấu trúc các yếu tố văn hóa ngoại sinh trong môi trường đặc thù của Việt Nam. Tiến trình lập pháp trong truyền thống Việt Nam cũng là một minh chứng rõ ràng cho nguyên lý tiếp biến văn hóa đó.

2. Tính chất “không chối từ” của truyền thống lập pháp ở Việt Nam

Cùng như đối với nhiều yếu tố văn hóa ngoại sinh khác (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, chủ nghĩa Mác…), người Việt “không chối từ” pháp luật của nước ngoài từ xưa cho đến nay.

Không có những cứ liệu lịch sử rõ ràng cho thấy khi người Việt lập quốc thời Hùng Vương đã có luật thành văn hay chưa. Nhưng có lẽ, người Việt lần đầu tiên tiếp xúc với pháp luật thành văn là pháp luật nước ngoài, có thể là với pháp luật Trung Quốc từ khi Triệu Đà xâm lược nước ta. Vũ Văn Mẫu suy luận: “Một khi Triệu Đà sáp nhập lãnh thổ của nước Âu Lạc vào ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tương Quân để làm thành nước Nam Việt, tất nhiên phải đặt luật lệ mới, để xác định quyền hành của mình trên toàn lãnh thổ quốc gia mới ấy… Nền luật pháp mà Triệu Đà đã ban hành tất nhiên chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Hoa, nếu như không phải là hoàn toàn rập khuôn theo pháp luật ấy”8. Dẫn lại những hình phạt được đề cập trong Đại Việt sử ký toàn thư, được áp dụng ở Việt Nam vào thời kỳ này, là trổ mặt, cắt mũi, vốn là những hình phạt hà khắc của nhà Tần, Vũ Văn Mẫu cho rằng, pháp luật được Triệu Đà áp dụng ở Nam Việt là Tần luật. Sau đó, khi nhà Tây Hán xâm chiếm Nam Việt, dân tộc Lạc Việt sống trên lãnh thổ Nam Việt, cũng bị Tây Hán đô hộ trong 150 năm từ 111 trước CN đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 40. Hán tộc thực hiện chính sách đồng hóa triệt để trong thời kỳ này, nên luật Nhà Hán, gọi là Cửu Chương Luật – được soạn dưới thời Hán Cao Tổ – cũng được áp dụng cho dân Lạc Việt. Sau Trưng Vương, thời kỳ Bắc thuộc kéo dài 9 thế kỷ (43-939) từ thời Đông Hán đến hết đời Đường ở Trung Quốc. Do chính sách đồng hóa của chính quyền phương Bắc, luật pháp được tăng cường như một công cụ đồng hóa. Bộ luật của Nhà Hán vẫn tiếp tục được sử dụng để đồng hóa người Việt cho đến khi nhà Hán sụp đổ. Như vậy, luật Tần, rồi Hán được du nhập một cách cưỡng bức vào nước ta cùng với mưu đồ đồng hóa của ngoại bang.

Một sự mượn luật chủ động thực sự diễn ra sau khi nước ta giành được độc lập. Thời nhà Lý (1010-1225), một bộ Hình luật đã được ban hành dưới triều Lý Thái Tông. Tiếc rằng, do chiến tranh, bộ luật này ngày nay không còn nữa. Tuy nhiên, pháp luật nhà Lý không chỉ có bộ luật này. Các triều vua sau còn ban hành một số điều khoản pháp luật hiện đang được ghi trong sách sử. Vũ Văn Mẫu đưa ra những chứng cứ cho rằng, pháp luật của nhà Lý có vay mượn từ pháp luật Trung Quốc, nhất là bộ luật nhà Đường (Đường Luật sở nghi). Chứng cứ thứ nhất là: luật của nhà Lý quy định người già cả hay trẻ con niên thiếu phạm tội thì được xử nhẹ. Trường hợp giảm khinh này vốn mượn trong luật nhà Đường. Chứng cứ thứ hai là: theo sử chép lại, bộ luật triều Lý rất khoan bổng cho phạm nhân được chuộc tội bằng tiền, trừ phạm vào tội thập ác. Đây cũng là một điều khoản mượn ở luật nhà Đường (quyển 1 điều 14). Một chứng cứ đáng chú ý nhất là điều khoản về tội thập ác. Tội thập ác ở Trung Quốc mới được đặt ra dưới đời nhà Tề (479-502) và đến đời Tùy thì được bổ cứu. Song phải đến đời nhà Đường, tội thập ác mới được quy định rõ ràng lần đầu tiên trong bộ hình luật9. Những chứng cứ này cho thấy nhà Lý đã chủ động “cấy luật” của nhà Đường vào Việt Nam.

Đến thời nhà Trần, việc mượn luật của Trung Hoa còn mạnh mẽ hơn trong thời nhà Lý. Sử sách có chép lại rằng, dưới triều Trần có hai bộ luật được ban hành. Bộ luật đầu tiên là Quốc triều thông chế do Trần Thái Tông (1225-1258) ban hành năm 1230. Bộ luật thứ hai dưới triều Trần do Trần Dụ Tông (1341-1369) ban hành năm 1341, gọi là bộ Hình thư. Cả hai bộ luật này, do khói lửa của chiến tranh, nên toàn văn không còn lưu truyền đến hiện nay, chỉ còn được nhắc đến trong sử sách. Về mặt nội dung, theo Phan Huy Chú, tuy không biết rõ các điều khoản, nhưng hai bộ luật này là châm chước theo luật nhà Đường và nhà Tống, chỉ thay đổi ít nhiều các hình luật.

Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án cho biết rằng, đến thời kỳ mạt vận, nhà Trần đã bắt chước luật của nhà Tống trong 12 năm. Sau khi giết Dương Nhật Lệ cướp ngôi nhà Trần, vua Trần Nghệ Tông đã thiết lập lại chế độ như cũ (1370). Vua nói: “ Tiền triều ta lập quốc cũng đã có pháp độ riêng, không theo nhà Tống vì rằng Nam và Bắc mỗi bên làm vua một nước, không nên rập theo của họ. Trong năm Đại trị, bọn thư sinh làm việc nước không hiểu rõ sơ ý, khi lập pháp liền bỏ cả pháp độ cũ của tổ tiên, theo về tục Bắc. Nay là lúc sở chính, nhất thiết theo lệ năm Khai thái”. Theo lời vua nói thì trong năm Đại trị, nhà Trần theo bắt chước luật của nhà Tống. Theo sử liệu, thời kỳ trị vì của vua Trần Dụ Tông chia làm hai gian đoạn: niên hiệu Thiên Phong (1314-1357); và niên hiệu Đại trị (1358-1369.) Đầu niên hiệu Thiệu Phong, Trần Dụ Tông đã cho ban hành bộ Hình thư. Nhưng sau, sang niên hiệu Đại trị, vua đã gạt bộ luật này ra, và bắt chước luật của nhà Tống. Bình luận về việc này, Vũ Văn Mẫu cho rằng sự kiện này đánh dấu một sự suy vi của nhà Trần về phương diện chính trị, để có thể dự đoán trước được sụp đổ của triều đại10.

Sang triều đại nhà Lê (1428-1788), việc cấy luật nước ngoài thể hiện rõ nét nhất trong việc du nhập tư tưởng chính trị pháp luật của Nho giáo và pháp luật của các nhà Đường, Tống, Minh bên Trung Quốc.

Nho giáo Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc nhưng phải đến thời nhà Lê thì Nho giáo mới chính thức bước vào vũ đài chính trị và luật pháp. Nếu dưới thời Lý, quan lại chủ yếu là quý tộc họ Lý, và nếu dưới thời Trần, quan lại chủ yếu là quý tộc họ Trần, thì từ thời nhà Hồ, mà đặc biệt là thời Lê Sơ, vai trò của giới quý tộc trong đời sống chính trị hầu như không còn đáng kể nữa. Bấy giờ, quý tộc họ Lê tuy được hưởng những đặc quyền và đặc lợi kinh tế rất lớn lao, nhưng họ không còn được nắm những chức vụ then chốt trong triều đình cũng như trong chính quyền địa phương như ở thời Lý và thời Trần. Có thể nói rằng, tất cả quan lại thời Lê Sơ đều xuất thân từ khoa bảng Nho giáo. Ngay cả quan võ cũng phải học, phải thi, có đỗ mới được bổ nhiệm. Và, một trong những nội dung học và thi cử của võ quan lúc này là chương trình khai tâm về Nho giáo11. Như vậy, đỉnh cao của sự chiếm lĩnh trong địa hạt chính trị của Nho giáo là thời nhà Lê Sơ. Nền quân chủ thời kỳ này được mệnh danh là nền quân chủ Nho giáo. Sách của nhà Nho như Tứ Thư, Ngũ Kinh được coi là khuôn vàng thước ngọc cho việc tuyển chọn quan lại. Về nội dung các nguyên lý chính trị của Nho giáo được áp dụng trong việc tổ chức và vận hành của nền quân chủ phong kiến: nhân trị, tôn quân quyền, chính danh, tam cương, ngũ thường, bát điều mục… Nhà Lê còn có nhiều biện pháp khác để phổ biến Nho giáo trong dân chúng. Nhà nước thường xuyên ban hành các điều lệnh và lễ giáo trong nhân dân (như về hôn nhân, về quan hệ vợ chồng, về tang lễ) buộc các quan chức địa phương phải giảng giải và theo dõi việc thực hiện. Giáo lý Nho giáo cũng được đưa vào các huấn điều (24 huấn điều của Lê Thánh Tông) và các xã trưởng có nhiệm vụ hàng năm đọc và giảng cho xã dân12.

Lê Thánh Tông đã ban hành bộ Quốc triều hình luật nổi tiếng, mà dân gian thường gọi theo niêu hiệu ban hành là Luật Hồng Đức, năm Quý Mão (1483). Bộ cổ luật này cũng được xây dựng trên tinh thần Nho giáo. Bộ luật nhà Lê được mô phỏng chủ yếu theo bộ luật nhà Đường và có mượn một số điều khoản từ các bộ pháp chế nhà Tống, và nhà Minh.

Sang triều Nguyễn, Gia Long “cấy” luật của nhà Thanh ở Trung Quốc một cách thô thiển, không còn tôn trọng tính cách dân tộc, khi ban hành bộ Hoàng Việt Luật lệ (cũng gọi là Bộ luật Gia Long).

Sang thời Pháp thuộc, luật phương Tây, mà cụ thể là luật của Pháp, bắt đầu được cấy vào Việt Nam cùng với chính sách đồng hóa của thực dân Pháp. Pháp luật thời kỳ này rất phức tạp. Mỗi địa phương ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ áp dụng những bộ luật khác nhau. Các tòa án Pháp được thiết lập trên lãnh thổ Bắc Kỳ và Trung Kỳ thuộc quyền nội trị của vua Việt Nam nhưng lại được quyền áp dụng luật của Pháp khi xét xử.

Nhà cầm quyền Pháp đặc biệt quan tâm đến việc lập pháp và pháp luật Pháp được dịp cấy vào môi trường Việt Nam. Có thể kể đến những Bộ luật mới áp dụng cho người Việt được Pháp biên soạn như bộ Dân luật giản yếu năm 1883 áp dụng ở Nam Kỳ; các bộ Bắc kỳ pháp viện biên chế, Dân sự thương sự tố tụng, hình sự tố tụng, hình sự, bộ Luật hộ năm 1931 áp dụng ở Bắc Kỳ; bộ Luật hộ ở áp dụng ở Trung Kỳ phỏng theo Bộ dân luật Bắc Kỳ 1931 dưới sự cố vấn pháp luật của người Pháp (Collet)13.

3. Bối cảnh hóa luật nước ngoài trong môi trường văn hóa Việt Nam

 Với tinh thần dễ ứng biến của văn hóa nhu đạo, người Việt không tiếp nhận một cách nguyên mẫu các yếu tố ngoại sinh trong đó có pháp luật nước ngoài. Pháp luật nước ngoài không phù hợp với môi trường Việt Nam dù có được miễn cưỡng du nhập vào Việt Nam cũng không được người dân chấp nhận trên thực tế.

Có thể dễ nhận thấy rằng, cuộc tiếp xúc đầu tiên của người Việt với luật nước ngoài là tiếp xúc cưỡng bức. Người Việt không chủ động mượn luật nước ngoài, mà luật nước ngoài được ngoại bang đem “cấy” một cách cưỡng bức vào nước ta. Dẫn lại quan điểm của Tiến sĩ H.R. Ferraye cho rằng, nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam là tính cách không chối từ (non refus) của nó, giáo sư Trần Quốc Vượng viết thêm: “Thực ra, nó chỉ có một chối từ: sự đồng hóa cưỡng bức”14. Trong địa hạt pháp luật, điều này thể hiện rất rõ. Những nỗ lực cấy luật Tần, Hán vào đất ta của ngoại bang đã thất bại bởi lẽ không phù hợp với truyền thống của dân Lạc Việt.

Đời sống luật pháp của dân Lạc Việt trước khởi nghĩa Hai Bà Trưng thật khó khảo cứu bởi tư liệu hiếm hoi. Vũ Văn Mẫu dựa vào một số sử liệu của ta và của Trung Quốc để kết luận rằng vào thời này, dân Lạc Việt sống theo luật của riêng mình. Thứ nhất, do Triệu Đà đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Tây) rất xa đất nước ta và chia Âu Lạc thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, tại mỗi quận chỉ đặt một quan Điền sứ để coi việc chính trị, hành chính, và một quan Tả tướng coi việc quân sự; còn các qúy tộc vẫn giữ được thái ấp và trực tiếp cai trị dân bản địa. Với quy cách địa phương tản quyền như vậy, quyền hành của các chức vị địa phương ở mỗi địa phương trên đất Âu Lạc vẫn được duy trì, nên dân Lạc Việt dưới sự quản trị của quý tộc cũ vẫn sống theo lề lối của riêng mình, không theo pháp luật do Triệu Đà ban hành. Thứ hai, khi Nhà Hán thôn tính Nam Việt, nhà Triệu sụp đổ, dân Âu Lạc cũng chịu chính sách đang hóa mạnh mẽ của nhà Hán nhưng cũng có những cứ liệu lịch sử cho thấy người dân Âu Lạc vẫn sống theo những tập tục bản địa. Hơn một thế kỷ sau khi nhà Hán thôn tính Nam Việt, sử vẫn chép rằng, Tích Quang, Thái thú Giao Chỉ, và Nhâm Diện, Thái thú Cửu Chân dạy dân ta các nghi lễ về giá thú. Như vậy có nghĩa là một thế kỷ đồng hóa, quan hệ giá thú của người Việt vẫn không theo luật của Trung Hoa. Sách Hậu Hán Thư của Trung Hoa chép về văn hóa của dân Lạc Việt có đoạn viết: “Người Giao Chỉ không phân biệt trưởng ấu… không biết lễ giá thú… không biết đạo vợ chồng” Thực ra, Người Việt có quan niệm riêng về gia đình, giá thú, khác với người Trung Hoa. Người Trung Hoa không hiểu được nên mới quy dân ta không có đạo vợ chồng, không có phép tắc về giá thú. Sách Tam Quốc chí chép rằng, khi mới thuộc Hán, người Giao Chỉ ở huyện Mê Linh, Cửu Chân và Đô Lung, hễ anh chết thì em lấy chị dâu. Đây là đặc điểm của chế độ mẫu hệ của người Việt. Học giả L. Finol, trong một bài khảo cứu, cũng cho rằng dân Văn Lang trước thế kỷ thứ hai và thứ ba còn sống ở chế độ gia đình mẫu hệ và có tục đàn bà góa phải tái giá với anh, em chồng15.

Những dẫn chứng này cho thấy, luật pháp của người Trung Quốc không được cấy thành công vào môi trường văn hóa Việt Nam, nhất là trong địa hạt luật gia đình. Điều này là do luật được cấy không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt. Một điển hình dễ thấy: luật hôn nhân gia đình theo chế độ phụ hệ của Trung Quốc không tương thích và không thay thế được chế độ hôn nhân theo mẫu hệ của người Việt.

Đến thời nhà Lý, luật nhà Lý mang nhiều bản sắc, không phải là một sự di thực nguyên mẫu luật nhà Đường. Điều này được làm nên bởi sự thịnh hành Đạo Phật dưới triều nhà Lý, và đặc điểm của văn hóa – xã hội Việt Nam.

Nhiều vị vua triều Lý đã đem tấm lòng từ bi, bác ái của nhà Phật đối đãi với dân chúng, tạo nên bản sắc của pháp luật Việt Nam thời kỳ này thay vì mượn triết lý trị quốc theo kiểu nhân trị của Nho giáo hay Pháp trị của Pháp gia bên Trung Hoa. Ví dụ, vua Lý Thánh Tông đã truyền lệnh đối đãi tử tế với những người đang bị giam nhưng tội chưa rõ (có vẻ giống với nguyên tắc suy đoán vô tội ngày nay). Thấm tinh thần nhà Phật, Lý Thánh Tông đưa ra chính sách hình sự xử khoan hồng đối với các tội phạm, bất kể trọng tội hay khinh tội, một điều không tìm thấy trong luật nhà Đường.

Điều tạo nên bản sắc luật nhà Lý không chỉ có từ ảnh hưởng của Phật giáo mà còn từ đặc điểm của văn hóa – xã hội Việt Nam. Nhà Lý đã ban hành những điều luật phù hợp với bối cảnh nền văn hoá nông nghiệp trồng lúa nước của người nông dân nước ta. Những dẫn chứng dưới đây có thể nói lên tính phù hợp với xã hội của luật pháp triều Lý.

Đối với cư dân nông nghiệp lúa nước, thì “tấc đất tấc vàng.” Tài sản lớn nhất của người nhà quê ta ngày xưa có lẽ là mấy miếng đất, mảnh vườn. Bần cùng bất đắc dĩ, người ta phải cầm cố, thậm chí là bán đất để tái thiết cuộc sống. Đa số những mâu thuẫn phát sinh trong làng xã cũng phát sinh từ đất. Do đó, các quan hệ giao dịch, kiện tụng liên quan đến bất động sản đặc biệt được chính quyền nhà Lý quan tâm điều chỉnh bằng luật. Phản ánh nhu cầu của xã hội, vua Lý Anh Tông (1138-1175) năm Nhâm Tuất 1142 đã ban hành một điều luật về việc kiện tụng và chuộc lại ruộng đất: “Các ruộng cày cấy đã đem cầm cố có thể chuộc lại trong một hạn là 20 năm. Các vụ tương tranh về điền thổ không thể xin vua xét xử sau thời hạn 5 hay 10 năm. Phàm vườn ruộng bỏ hoang, đã có người cày cấy, hoặc chỉ có hạn đòi lại trong hạn một năm. Trái lệnh này sẽ phải phạt 80 trượng. Kẻ nào tranh nhau ruộng ao mà đả thương hoặc đánh chết người sẽ bị phạt 80 trượng và sẽ bị tội đồ. Các ruộng ao tương tranh sẽ đền cho người bị thương hay bị giết. Các ruộng cày cấy hoặc bỏ hoang, đã có văn tự bán đứt không thể chuộc lại. Ai trái lệnh cũng phải phạt cùng một tội”16.

Làm lúa nước trong những mảnh ruộng manh mún, người Việt gắn thiết yếu với con trâu. Con trâu được coi là “đầu cơ nghiệp”. Dưới thời Lý Nhân Tông (1072-1127), các vụ trộm trâu, bò xảy ra ở nhiều làng mạc, khiến dân quê làm ăn không được yên ổn. Năm 1117, Lý Nhân Tông ban hành một đạo luật về việc trộm trâu và thịt trâu, bò: “Kẻ nào ăn trộm và thịt trâu bò phải phạt 80 trượng và tội đồ làm tang thất phụ, nghĩa là bị tội đồ ở các sở nuôi tằm. Ngoài ra còn phải hoàn lại giá tiền con vật. Các người lân bang không tố cáo phạm tội cũng sẽ bị phạt 80 trượng”17.

Từ những quy phạm về trộm trâu đến những quy phạm về cầm cố, bán đất, tố tụng về đất đai đều cho thấy tinh thần lập pháp vì xã hội, vì người dân. Xử phạt kẻ trộm trâu, nhà cầm quyền muốn bảo vệ lực lượng cày cấy cho mùa màng. Các quy phạm về đất đai cho thấy nhà cầm quyền đã bảo vệ quyền lợi của người nông dân: quyền của người lao động đối với đất bỏ hoang mà mình đã khai khẩn, quyền được chuộc lại đất đã cầm cố để tránh sự bóc lột của chủ nợ… Các quy phạm về tố tụng về đất đai cho thấy chủ trương việc này phải tiến hành nhanh chóng vì các tranh chấp đất đai càng kéo dài thì cảnh ảnh hưởng đến việc canh tác của nông dân.

Bộ luật Hồng Đức của nhà Lê là một điển hình nhất cho tinh thần bối cảnh hóa luật nước ngoài trong môi trường dân tộc. Tính đặc thù của bộ luật nhà Lê được tìm thấy trong các chương 6, 7, và 8, không có một sự tương ứng nào trong các bộ luật của Trung Quốc. Chương 7 nói về luật thừa kế và những công việc nảy sinh từ điền sản, còn nội dung chính của chương 8 quan tâm đến sở hữu hương hoả. 772 điều, khoản trong bộ luật của nhà Lê nếu đem so sánh với 502 điều trong bộ luật của nhà Đường và 460 điều trong bộ luật của nhà Minh thì ít nhất cũng hơn hai bộ luật đó tới 220 điều. Isun Yu đã phát hiện ra có hơn 400 điều khoản có riêng ở bộ luật nhà Lê18. Mặc dù có sự tiếp thu pháp luật của Trung Quốc, nhưng các nhà lập pháp thời nhà Lê đã kết hợp với những đặc trưng của truyền thống dân tộc. Những quy phạm đặc thù của bộ luật thời nhà Lê phản ánh hệ thống các định chế riêng có xuất phát từ nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội của người Việt.

Bộ luật Hồng Đức một mặt tiếp thu các yếu tố của Nho giáo, nhưng mặt khác, nó đã cố gắng “giải Nho giáo” để bảo vệ tính cách Việt, nhất là trong các quy định liên quan đến hôn nhân, gia đình. Tâm thức trọng phụ nữ của dân gian được phản ánh trong Luật Hồng Đức. Khi Bộ luật này chấp nhận quyền li dị chồng của phụ nữ, quyền tái giá của phụ nữ, quyền tài sản của phụ nữ, quyền thừa kế của phụ nữ, nghĩa vụ của người chồng đối với người vợ thì đã đi ngược lại các giáo lý của Nho giáo “tam cương”, “tam tòng”. Những quy phạm này của Luật Hồng Đức, không chỉ thể hiện ý chí của nhà lập pháp, mà còn là việc thể chế hoá lối ứng xử của dân chúng, tâm thức của dân gian.

Luật Gia Long là một sự sao chép gần như nguyên mẫu luật nhà Thanh nên không được dân ta chấp nhận trong thực tế. Đọc Luật Gia Long, người ta không thấy xã hội Việt Nam trong đó. Không còn tìm thấy trong bộ luật vay mượn này các quy phạm phản ánh xã hội Việt Nam về hương hỏa, chúc thư, giá thú, chế độ thừa kế tài sản, quan hệ tài sản giữa vợ và chồng. Trong khi không có pháp luật quy định các vấn đề ấy, dân tộc ta vẫn sống theo khuôn khổ tục lệ cũ, nghĩa là ngoài pháp luật. Nói một cách khác, Bộ luật Gia Long không phản ánh xã hội Việt Nam, vì hoặc giả các chế độ của Việt Nam không được các nhà làm luật quy định, hoặc giả nhiều điều trong luật chỉ là những điều khoản hoàn toàn lý thuyết, không mấy khi có dịp được ứng dụng cho nhân dân trong thực tế19.

Đến thời Pháp thuộc, người Pháp đã rất hiểu tâm lý người Việt Nam nên không bê nguyên xi luật Pháp ấn vào xã hội Việt Nam. Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long, thậm chí các tục lệ của người Việt vẫn được các Tòa án Pháp dùng để xét xử ở Việt Nam.

4. Tiếp nhận pháp luật và lập pháp trong thời hiện đại

Trong thời hiện đại, việc tiếp nhận pháp luật nước ngoài diễn ra phổ biến ở Việt Nam từ khi có chính sách đổi mới. Từ khi đổi mới, đã có ba đạo luật về công ty được ban hành là: Luật Công ty năm 1990, Luật Doanh nghiệp (Luật DN) năm 1999 và Luật DN năm 2005. Có thể nói, lĩnh vực luật về công ty là một điển hình về thành công, ít nhất là cho đến bây giờ, của việc tiếp nhận pháp luật nước ngoài. Luật Công ty năm 1990 có nhiều hạn chế do được ban hành trong những năm đầu của công cuộc đổi mới, nhưng nó vẫn chịu ảnh hưởng của Luật Công ty Pháp. Song, Luật DN năm 1999 và Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã có sự phát triển vượt bậc về chất lượng, một phần là do kết quả của việc tiếp thu pháp luật nước ngoài. Thành công của Luật DN năm 1999 đã được chứng minh qua thực tiễn. Người ta cho rằng Luật DN năm 1999 và Luật DN năm 2005 có những quy tắc pháp lý của luật công ty Đức – một trường phái luật điển hình của châu Âu và của mô hình luật công ty Anh – Mỹ. Cũng chẳng có gì ngạc nhiên vì trên thực tế, trường phái luật công ty Đức và Hoa Kỳ vẫn được coi là điển hình và là nguồn cung cấp cho các cuộc cải cách luật công ty của nhiều nước trên thế giới. Có nhiều lý do để lý giải cho việc tiếp nhận này trong luật Việt Nam, trong đó chủ yếu là ảnh hưởng từ nhóm các nhà soạn thảo và chuyên gia tư vấn cho việc soạn thảo các đạo luật này với mục tiêu thúc đẩy tự do kinh doanh, đổi mới hơn nữa và hội nhập. Trong số các chuyên gia tư vấn nước ngoài, đáng chú ý là các chuyên gia đến từ Tổ chức hỗ trợ kỹ thuật Đức (GTZ), dự án STAR của Hoa Kỳ, UNDP và MPDF20.

Trước áp lực của hội nhập toàn cầu, gia nhập WTO, Việt Nam đã ban hành nhiều luật tư. Pháp luật của phương Tây được dịp “cấy” vào Việt Nam thông qua nhiều kênh khác nhau như nội luật hóa điều ước quốc tế, tiếp nhận thông qua các luật mẫu, tiếp nhận thông qua điều lệ của các tổ chức nghề nghiệp, tiếp nhận thông qua các điều kiện cung cấp hàng hóa/dịch vụ, các hợp đồng mẫu, tiếp nhận thông qua đàm phán, giao kết và thực hiện hợp đồng, tiếp nhận thông qua tư vấn, đào tạo của chuyên gia pháp luật nước ngoài, thông qua nghiên cứu khoa học, đào tạo và trao đổi tư liệu21. Hàng loạt các đạo luật liên quan đến cạnh tranh và chống độc quyền, ngân hàng, tín dụng, đầu tư… được ban hành trong thời gian gần đây đều diễn ra trong quá trình cấy ghép pháp luật nước ngoài.

Với một tư duy nhu đạo, năng động, dễ ứng biến, người Việt Nam đã sớm tiếp nhận pháp luật nước ngoài. Người Việt chỉ biết đến pháp luật thành văn khi tiếp xúc với pháp luật nước ngoài. Trong lịch sử cổ truyền Việt Nam, có thể nói rằng ta không có một bộ luật lớn nào phản ánh riêng biệt tư duy lập pháp của ta mà không có sự tiếp nhận pháp luật nước ngoài. Có khi cưỡng bức, có khi tự nguyện, người Việt đã sớm biết thích nghi với pháp luật nước ngoài để tổ chức đời sống cộng đồng của mình.

Cả một chiều dài hàng nghìn năm tiếp nhận pháp luật, từ luật nhà Tần, Hán, Đường, Tống, Thanh ở Trung Quốc đến luật của Pháp, rồi luật Xô viết đã hình thành nên một truyền thống tiếp nhận pháp luật nước ngoài của người Việt. Việc hiện nay chúng ta đang tiếp thu mạnh mẽ pháp luật của Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nhật Bản… nằm trong dòng chảy chung của truyền thống tiếp nhận pháp luật nước ngoài ở Việt Nam.

Tuy nhiên, một quy luật chung có thể thấy trong truyền thống cấy luật nước ngoài vào Việt Nam là người Việt không chấp nhận pháp luật nước ngoài không phù hợp với đặc điểm của dân tộc mình. Điều này rất đáng phải lưu tâm trong quá trình tiếp nhận pháp luật nước ngoài ở Việt Nam hiện nay.

Trong truyền thống, ta thấy rằng trước những đạo luật được du nhập một cách miễn cưỡng không phù hợp với đặc điểm của xã hội, văn hóa, tâm thức Việt Nam, người dân ta, nhất là dân chúng sống trong các làng xã vẫn sống theo các quy tắc phi chính thống được hình thành một cách tự nhiên hàng nghìn năm.

Cùng lắm, thì các quy tắc pháp luật ngoại nhập không hợp truyền thống chỉ có hiệu lực đối với một số bộ phận dân chúng rất nhỏ ở thành thị. Tình trạng này cũng vẫn còn diễn ra ở Việt Nam hiện nay. Một số đạo luật hiện nay được vay mượn từ nước ngoài không thích hợp với lối ứng xử truyền thống của dân chúng, nên có hiện tượng “luật trên trời, cuộc đời dưới đất”22 Hằng hà sa số các giao dịch dân sự hàng ngày trong đời sống xã hội hiện nay diễn ra theo các thói quen truyền thống dựa trên sự quen thân, tin tưởng lẫn nhau thay vì dựa trên các quy tắc pháp lý của Bộ luật Dân sự mang hơi hướng của dân luật Pháp và Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp không cần đến các luật sư để bảo đảm sự an toàn pháp lý cho các hoạt động kinh doanh. Vấn đề không phải là họ tự hiểu được luật mà là các quy tắc phi quan phương chi phối thói quen kinh doanh của họ thay vì luật doanh nghiệp hay luật thương mại.

Việc tiếp nhận pháp luật nước ngoài rất cần tiến hành đối với việc ban hành những đạo luật liên quan đến các quan hệ xã hội mới phát sinh trong xã hội hiện tại, những quan hệ mà người Việt vốn không quen trong truyền thống. Những quy tắc chung của nền kinh tế thị trường, những luật chơi chung của sân chơi toàn cầu, những quy tắc mang tính tiêu chuẩn và kỹ thuật, tóm lại là những quy tắc không phụ thuộc vào lối ứng xử riêng của cư dân thuộc các vùng văn hóa khác nhau, là những quy tắc thuận tiện để được tiếp nhận và cần phải được tiếp nhận để tạo ra chuẩn mực phát triển chung. Do đó, những luật liên quan đến tín dụng, ngân hàng, thương mại quốc tế rất cần được tiếp nhận trong quá trình xây dựng pháp luật Việt Nam về những vấn đề này.

Tuy nhiên, cần phải rất cẩn trọng trong việc tiếp nhận các đạo luật điều chỉnh các quan hệ xã hội vốn đã có những định chế phi chính thống ràng buộc (văn hóa, phong tục, tập quán, hương ước, lệ làng, luật tục…) Đó thường là những quan hệ tư mà người Việt vốn quen thuộc từ xa xưa như các quan hệ hợp đồng, tài sản, mua bán, hôn nhân, gia đình, đất đai, hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự… Trước khi ban hành những đạo luật này, cần phải khảo sát kỹ lưỡng tâm thức chung của dân chúng. Công việc trọng tâm trong việc ban hành các đạo luật liên quan đến những lĩnh vực này là khảo sát xã hội và tâm lý dân tộc chứ không đơn thuần là những công việc mang tính pháp lý như dịch văn bản pháp lý nước ngoài hay công du ngoại quốc.

5. Thay lời kết

Một hình ảnh khá quen thuộc trong đời sống văn hoá lớp trẻ ở nước ta hiện nay là hoạt động của các ban nhạc trẻ. Họ thuộc thế hệ trẻ, chỉ ngoài hai mươi tuổi. Họ là một đội ngũ đông đảo: người sáng tác, người biểu diễn. Họ đem những giai điệu của ca trù, quan họ, chèo kết hợp với nhạc jazz, pop, rock của phương Tây để tạo nên và phô diễn những âm giai được gọi là dân gian đương đại phản ánh hơi thở của cuộc sống hiện tại. Đó không phải là bài hát Tây mà thực sự là bài hát Việt. Họ trẻ nhưng tự tin sáng tác, tự tin hát những giai điệu của dân tộc được canh tân với sự tiếp nhận âm nhạc phương Tây. Thậm chí, họ còn đem cả âm nhạc đó sang phương Tây biểu diễn.

Một điều tương tự có lẽ cũng nên diễn ra trên địa hạt luật pháp. Văn hóa Việt Nam, trong đó có truyền thống pháp luật, đủ bề dày và phong phú để thế hệ hiện tại tự tin đem kết hợp với tinh hoa pháp luật nước ngoài mà tạo nên những triết lý pháp luật mang tính cách Việt. Tự tin đứng trên tảng nền dân tộc để phát triển những triết lý luật pháp, thế hệ hiện tại sẽ đóng góp rất lớn cho một nền lập pháp vì dân.

(1) Thời đại Hùng Vương, Nxb. Khoa học xã hội, 1976, tr.177.

(2) Nhất Thanh, Đất lề quê thói, Đại Nam, tr. 206.

(3) Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương. Nxb. Hội nhà văn, H, 2000, tr.197.

(4) Nguyễn Dư, Khơi lại dòng xưa (nghiên cứu – biên khảo). Nxb. Lao động, Hà Nội, 2006, tr. 168.

(5) Hữu Ngọc, Lãng du trong văn hóa hóa Việt Nam. Nxb. Thanh niên, H, 2006, tr.789.

(6) Dẫn theo: Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm. Nxb. Văn hoá dân tộc và Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, H, 2000, tr. 36.

(7) Nước Việt Nam giữa hai huyền thoại (1981), Dẫn theo Hữu Ngọc, Lãng du trong văn hóa hóa Việt Nam. Nxb. Thanh niên, H, 2006, tr. 806-807.

(8) Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử diễn giảng, Quyền thứ nhất, Tập một, Sài Gòn, 1975, tr.127.

(9) Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử diễn giảng, Quyền thứ nhất, Tập một, Sài Gòn, 1975, tr.165-166.

(10) Vũ Văn Mẫu. Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử diễn giảng, Quyền thứ nhất, Tập một, Sài Gòn, 1975, tr.206.

(11) Nguyễn Khắc Thuần, Tiến trình văn hoá Việt Nam từ thởi thuỷ đến thế kỷ thứ XIX, Nxb. Giáo dục, H, 2007, tr.293.

(12) Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn (chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam (toàn tập). Nxb. Giáo dục, H, 2006, tr.330.

(13) Vũ Quốc Thông, Pháp chế sử Việt Nam, Tủ sách đại học, Sài gòn, 1973, tr. 462-464.

(14) Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam- tìm tòi và suy ngẫm. Nxb. Văn học, 2003, tr. 36.

(15) Theo: Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử diễn giảng, Quyền thứ nhất, Tập một, Sài Gòn, 1975, tr. 129-132.

(16) Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử diễn giảng, Quyền thứ nhất, Tập một, Sài Gòn, 1975, tr.183.

(17) Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử diễn giảng, Quyền thứ nhất, Tập một, Sài Gòn, 1975, tr.182.

(18) Isun Yu, Luật và xã hội Việt  Nam thế kỷ XVII- XVIII, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1994, tr. 81.

(19) Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử diễn giảng, Quyền thứ nhất, Tập một, Sài Gòn, 1975, tr. 257-258

(20) Bùi Xuân Hải, Tiếp nhận pháp luật nước ngoài: lý thuyết và thực tiến trong pháp luật công ty của Việt Nam. http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2007/09/17/12423.

(21) TS.Phạm Duy Nghĩa, Chuyên khảo luật kinh tế, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2004, tr.69-73.

      (22) Xem Trần Ngọc Vừng, Luật trên trời, cuộc đời dưới đất, Hiến kế Lập pháp, số 7, tháng 1.2006.

Bùi Ngọc Sơn – Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

——————————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ PHÁP LÝ LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật về thuế;
2.Tư vấn đăng ký chất lượng hàng hóa;
3. Dịch vụ kê khai báo cáo thuế hàng tháng;
4. Kế toán thuế cho doanh nghiệp mới thành lập;
5. Tư vấn pháp luật thương mại quốc tế và thuế;

6. Dịch vụ luật sư tư vấn pháp luật thường xuyên;
7. Dịch vụ kế toán thuế thường xuyên cho doanh nghiệp;
8. Luật sư tư vấn pháp luật Tài Chính, Thuế và Ngân Hàng;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *