Mong ước lớn nhất của các kiều bào về quê hương làm ăn, sinh sống, dưỡng già… là có được một căn nhà để an cư. Nhiều kiều bào muốn đầu tư vào lĩnh vực nhà đất nhưng thủ tục chưa rõ ràng nên vẫn khó thực hiện.

Mua nhà thời điểm này là hợp lý

Tại buổi Gặp gỡ kiều bào đầu năm diễn ra ở TPHCM do Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức ngày 3/3, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài kêu gọi đồng bào Việt Nam sống ở nước ngoài hãy rũ bỏ quá khứ, quay về đóng góp xây dựng tổ quốc thân yêu. TP sẽ tạo mọi điều kiện cho kiều bào có thể sở hữu nhà ở, đầu tư kinh doanh tại đây.

Cũng tại đây, luật sư Trương Thị Hòa cho đông đảo kiều bào biết: “Trên cơ bản là mọi người Việt Nam sống ở nước ngoài đều có thể mua nhà ở Việt Nam. Người gốc Việt thì có thể sở hữu 1 căn nhà, người có quốc tịch Việt Nam thậm chí còn được mua nhiều nhà”.

Do đó, bà khuyến cáo kiều bào nào hộ chiếu không còn hiệu lực thì nhanh chóng đến các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước mà kiều bào sinh sống đăng ký giữ quốc tịch. Thời hạn chót cho công việc này là ngày 1/7/2014.

Việc này sẽ giúp kiều bào giữ được quốc tịch Việt Nam, có quyền sở hữu nhiều căn nhà tại Việt Nam theo quy định mới tại Luật Nhà ở vừa được sửa đổi, bổ sung.

Bà còn cho biết thêm là theo quy định mới, kiều bào được mua nhà và có quyền sở hữu nhà ở; tức là được thực hiện các giao dịch dân sự đối với nhà ở ấy (thế chấp, cầm cố, cho thuê, bán, tặng, cho, để thừa kế…) và được nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm quyền sử dụng hợp pháp của mình.

Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng quảng bá sự phát triển hệ thống giao thông, hạ tầng cơ sở của TPHCM thời gian qua.

Bà khẳng định: “Hạ tầng phát triển nên giá trị nhà đất càng tăng cao. Với sự mở rộng ấy và xu hướng di dân mạnh mẽ về TPHCM, giá nhà đất sẽ ngày càng tăng, đầu tư cho một căn hộ để ở hay kinh doanh vào thời điểm này là hợp lý”.

Nhưng vẫn khó

Tại đây, đông đảo kiều bào bày tỏ khát vọng được sở hữu nhà đất tại Việt Nam, có nơi an cư dưỡng già, có nơi sinh sống khi về Việt Nam thăm thân nhân… Thế nhưng, nhiều kiều bào vẫn cho là thủ tục mua bán nhà đất tại Việt Nam vẫn quá khó đối với họ.

Nhiều người mua nhà, đi đăng ký quyền sở hữu nhà đất nhưng địa phương không chấp thuận vì luật tuy đã có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Anh Hoàng Thế Cường cho biết: “Vừa rồi, tôi có giúp một người bác là Việt kiều Canada đến Đại sứ quán Việt Nam tại Canada đăng ký giữ quốc tịch để mua nhà ở TP. Nhưng khi đến đây thì nhân viên đại sứ quán bảo là cơ quan này chưa áp dụng quy định có 2 quốc tịch, dù quy định này trong Luật Quốc tịch sửa đổi đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2009”.

Anh hỏi: “Vậy xin lãnh đạo TP cho biết là TPHCM đã áp dụng quy định cho kiều bào sở hữu nhà, mua nhiều nhà ở hay chưa?”. Về điều này, luật sư Trương Thị Hòa thừa nhận là quy định đã có, TP cũng rất mong muốn thực hiện ngay nhưng thực tế vẫn đang phải chờ các văn bản hướng dẫn thủ tục thực hiện cụ thể từ trung ương.

Một Việt kiều Hà Lan có mặt tại buổi gặp gỡ đầu năm thắc mắc: “Tôi muốn mua đất và xây nhà theo ý mình có được không?”. Luật sư Hòa khẳng định là luật chỉ cho mua nhà ở gắn liền với đất ở chứ không cho mua đất.

Nhưng bà cũng “hé lộ” là Chính phủ đang nghiên cứu cho phép các công ty bất động sản đầu tư dự án đất nền bán cho Việt kiều, sau đó mới kết hợp xây nhà. Hiện nhiều công ty đã chuẩn bị “đón đầu” quy định này.

Ông Nguyễn Thành Tài cũng hứa hẹn: “Sở hữu nhà ở tại Việt Nam là nguyện vọng lớn của bà con kiều bào, TPHCM hết sức ủng hộ. Do đó, TP sẽ đi đầu trong việc kiến nghị Chính phủ sửa đổi các quy định theo hướng dễ dàng hơn cho kiều bào có thể mua nhà ở tại Việt Nam”.

Theo Dân Trí

 (MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

————————————————–

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *