Trong quan hệ hôn nhân, khi “cơm không lành, canh chẳng ngọt” có thể xảy ra tình trạng một bên vợ hoặc chồng bỏ đi biệt tích. Thực tế những năm qua, số lượng các vụ án mà đương sự yêu cầu giải quyết ly hôn với người biệt tích chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong số các vụ án ly hôn mà các cấp Tòa án thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, thủ tục giải quyết ly hôn vẫn còn những vấn đề cần bàn luận.

 
Trước đây, theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, khi giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích và giải quyết yêu cầu ly hôn đều được gọi là vụ án dân sự và được giải quyết theo một trình tự chung. Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19.10.1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã hướng dẫn “Nếu có người xin ly hôn vì lý do người kia mất tích thì Tòa án giải quyết cả việc mất tích và ly hôn trong cùng một vụ án. Trong trường hợp Tòa án xác định người kia mất tích thì Tòa án cho nguyên đơn được ly hôn với người mất tích”. Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) thì tranh chấp về ly hôn là vụ án dân sự và được giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Phần thứ hai của BLTTDS; còn yêu cầu tuyên bố mất tích là việc dân sự và được giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Phần thứ năm của BLTTDS. Do đó, không thể giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích và ly hôn trong cùng một vụ án như trước nữa. Một thực tế hiện nay, khi đương sự có đơn yêu cầu ly hôn với người biệt tích thì các Tòa án đều bắt buộc đương sự phải chờ đủ điều kiện về thời gian là vợ hoặc chồng của họ biệt tích hai năm liền trở lên và làm đơn yêu cầu tuyên bố mất tích trước, sau đó mới thụ lý giải quyết vụ án ly hôn và coi đó như là một trình tự bắt buộc.

.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

Việc các Tòa án buộc người có yêu cầu ly hôn với người biệt tích phải trải qua thủ tục yêu cầu tuyên bố mất tích trước mới được phép khởi kiện vụ án ly hôn liệu có đúng quy định của pháp luật hiện hành không? Cách làm nêu trên của các Tòa án là xuất phát từ hai lý do. Thứ nhất là theo thói quen giải quyết trước đây; thứ hai, những người theo quan điểm này cho rằng, khoản 2 Điều 78 của BLDS (Bộ luật Dân sự) năm 2005 và khoản 2 Điều 89 của Luật Hôn nhân và Gia đình (LHNGĐ) quy định: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn” nên nhất thiết phải qua thủ tục tuyên bố mất tích. Thực tế cho thấy, cách hiểu như vậy không đúng, vì đã đồng nhất quy định về “quyền khởi kiện” với “căn cứ cho ly hôn”. Các điều khoản đã viện dẫn ở trên là quy định về căn cứ cho ly hôn, chứ không phải quy định về quyền khởi kiện. Sở dĩ pháp luật quy định như vậy là vì không có lý do gì để buộc một người phải duy trì quan hệ hôn nhân với một người đã bị tuyên bố mất tích. Do đó, khi vợ hoặc chồng của người đã bị Tòa án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án phải cho họ ly hôn, vì điều này đã thể hiện “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được” mà không cần phải chứng minh. Quy định về căn cứ cho ly hôn tại Điều 89 của LHNGĐ chỉ được xem xét sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án để quyết định chấp nhận hay bác yêu cầu xin ly hôn của nguyên đơn chứ không phải căn cứ để xem xét việc thụ lý vụ án khi nhận đơn khởi kiện. Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn được quy định tại Điều 42 của BLDS và Điều 85 của LHNGĐ là: vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn mà không kèm theo một điều kiện gì về thủ tục, trừ trường hợp “vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn”. Mặt khác, theo điểm a khoản 1 Điều 36 của BLTTDS, nếu không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng giải quyết. Do đó, trong mọi thời điểm, người vợ hoặc người chồng đều có quyền khởi kiện vụ án, yêu cầu giải quyết việc ly hôn với người biệt tích mà không bắt buộc phải qua thủ tục tuyên bố mất tích.

Thủ tục tố tụng khi giải quyết vụ án ly hôn sau khi đã tuyên bố mất tích hiện nay cũng là vấn đề cần bàn luận. Có nơi, sau khi thụ lý vụ án, Tòa án vẫn làm các thủ tục chung như thông báo thụ lý vụ án, thông báo phiên hòa giải, khi xét xử vẫn gửi giấy triệu tập cho bị đơn thông qua UBND cấp xã, mặc dù đã biết rõ là bị đơn đã mất tích, phiên tòa lần đầu sẽ được hoãn và triệu tập tiếp lần thứ hai rồi xét xử vắng mặt. Ngược lại, có nơi lấy quyết định tuyên bố bị đơn mất tích cho vào hồ sơ vụ án, rồi tiến hành thu thập chứng cứ và mở phiên tòa xét xử vắng mặt bị đơn mà không hoãn phiên tòa để triệu tập lần thứ hai. Cả hai cách làm trên đều không ổn, vì đã vi phạm khoản 2 Điều 200 của BLTTDS (chỉ được xét xử vắng mặt bị đơn khi Tòa án đã tiến hành triệu tập hợp lệ đến phiên tòa lần thứ hai). Để được coi là triệu tập hợp lệ thì việc triệu tập phải thực hiện đúng các quy định tại chương X, Phần thứ nhất của BLTTDS. Theo các quy định đã viện dẫn, trong trường hợp này bắt buộc Tòa án phải làm thủ tục thông báo thời gian mở phiên toà trên các phương tiện thông tin đại chúng, vì không thể tống đạt trực tiếp giấy triệu tập phiên tòa cho người đã mất tích, và việc niêm yết giấy triệu tập cũng không bảo đảm cho người được triệu tập nhận được thông tin.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, khi một bên vợ hoặc chồng biệt tích thì bên còn lại có quyền khởi kiện yêu cầu giải quyết việc ly hôn mà không phải qua thủ tục tuyên bố mất tích trước. Sau khi thụ lý vụ án, thu thập chứng cứ, Tòa án có quyền xét xử vắng mặt bên biệt tích khi đã triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai, theo trình tự, thủ tục quy định tại chương X, Phần thứ nhất của BLTTDS mà người biệt tích vẫn không trở về để tham gia phiên tòa. Đây là vấn đề đang có sự nhận thức khác nhau, Tòa án nhân dân Tối cao sớm hướng dẫn để thực hiện thống nhất, đúng quy định của pháp luật.

Phạm Thái Quý
Nguồn: Báo  điện tử Đại biểu nhân dân

(Nptlawyer.com LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *