Đất đai là nguồn tài nguyên quý của đất nước, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức và doanh nghiệp nhà nước, đất đai là một trong số ít tài sản có giá trị rất lớn mà Nhà nước giao cho các cơ quan này quản lý, sử dụng làm trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh chủ yếu là dưới các hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.

Đất đai là nguồn tài nguyên quý của đất nước, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức và doanh nghiệp nhà nước, đất đai là một trong số ít tài sản có giá trị rất lớn mà Nhà nước giao cho các cơ quan này quản lý, sử dụng làm trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh chủ yếu là dưới các hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.

Trước đây, khi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được nhà nước cấp đất thường là ở các vị trí thuận tiện, diện tích lớn, việc cấp đất ít quan tâm đến định mức, nhu cầu và hiệu quả sử dụng,… Khi chuyển sang kinh tế thị trường, đối với hầu hết các cơ quan của nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp thì đất đai được nhà nước giao đã trở thành tài sản, nguồn vốn lớn của nhà nước trang cấp ban đầu cho đơn vị chưa được xác định đầy đủ cả về giá trị và giá trị sử dụng. Mặt khác, trải qua một thời kỳ dài bị buông lỏng nên việc quản lý sử dụng nhà đất là trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước đã và đang diễn ra tình trạng phổ biến là: sử dụng nhà, đất lãng phí, không hiệu quả, không đúng mục đích được giao, bị lấn chiếm, bị chiếm dụng,… việcsử dụng đất đai vẫn còn mang nặng tính bao cấp, xin cho; tiêu cực trong quản lý đất đai gây thất thu cho ngân sánh nhà nước, khó khăn trong quản lý quy hoạch.

Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số:  

Nhận thức được các vấn đề nêu trên và nhằm chấn chỉnh tình trạng này đểsử dụng hiệu quả hơn nguồn lực tài chính từ đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần chỉnh trang quy hoạch đô thị, Bộ Tài chính đã phối hợp với UBND thành phố Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24/5/2001 thí điểm thực hiện việc bố trí, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; việc thực hiện Quyết định này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả từ việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước áp dụng trên phạm vi cả nước với mục tiêu: (1) Tăng cường vai trò, hiệu lực quản lý nhà nước đối với tài sản công là đất đai thuộc sở hữu nhà nước; (2) Thực hiện chỉnh trang đô thị theo quy hoạch, đảm bảo môi trường; (3) Sử dụng hiệu quả và khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
 

Theo đó, Quyết định này quy định tất cả các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước phải thực hiện sắp xếp lại, đề xuất phương án xử lý đối với trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc sở hữu Nhà nước hiện đang quản lý, sử dụng trên nguyên tắc: Sử dụng theo đúng mục đích sử dụng được giao, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và theo tiêu chuẩn, định mức quy định. Sau khi đã được Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp lại, đối với các cơ sở nhà, đất được giữ lại tiếp tục sử dụng làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp được đăng ký quyền quản lý, sử dụng đối với các cơ sở nhà, đất này.

Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg đã quy định những nguyên tắc xử lý mới rất quan trọng để thúc đẩy việc sắp xếp lại, sử dụng hiệu quả nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước như: điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu để sử dụng có hiệu quả; cho phép bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, số tiền thu được được đầu tư trở lại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị; được chuyển mục đích sử dụng từ đất được giao làm trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sang đất kinh doanh thương mại, đất ở; chuyển giao cho địa phương quản lý theo diện nhà ở, đất ở đối với các cơ sở nhà đất đã bị bố trí làm nhà ở mà nay phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời, Quyết định cũng quy định những chế tài xử lý cụ thể, nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong việc quản lý, sử dụng nhà đất được giao như: thu hồi đối với các trường hợp sử dụng nhà đất lãng phí, không đúng mục đích (bỏ trống, cho thuê không đúng chức năng, cho mượn, bố trí làm nhà ở….); xử lý trách nhiệm cá nhân đối với những người có liên quan, cụ thể:

– Đối với trường hợp bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, số tiền thu được sau khi trừ đi các chi phí liên quan, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp được sử dụng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu không có dự án hoặc sử dụng không hết thì phải nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với công ty nhà nước, số tiền thu được từ bán tài sản trên đất được để lại cho công ty sử dụng; nếu có dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty sẽ được nhà nước hỗ trợ từ số tiền thu được khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

– Việc chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện để xây dựng văn phòng, chung cư để bán hoặc cho thuê phù hợp với quy hoạch sử dụng đất áp dụng đối với công ty nhà nước có chức năng kinh doanh bất động sản. Số tiền thu được khi chuyển mục đích sử dụng đất sau khi trừ đi các chi phí có liên quan phải nộp ngân sách nhà nước. Trường hợp công ty nhà nước có cơ sở nhà, đất phải di dời do ô nhiễm môi trường nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì hỗ trợ từ số tiền thu được khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

– Đối với nhóm đối tượng là các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước phải thực hiện di dời theo quy hoạch do ô nhiễm môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá, chuyển mục đích sử dụng đất. Số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với cơ sở nhà, đất của tổ chức kinh tế phải di dời được sử dụng để hỗ trợ cho tổ chức kinh tế phải di dời và do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định nhưng không quá 30% số tiền thu được và mức tối đa không quá năm (05) tỷ đồng.

Triển khai thực hiện Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, nhiều Bộ, ngành trung ương, Tổng Công ty nhà nước, Tập đoàn Kinh tế, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã tích cực ban hành kế hoạch triển khai thực hiện việc xử lý, sắp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước thuộc phạm vi quản lý, thành lập Ban chỉ đạo 09 để triển khai thực hiện một cách chi tiết, phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ, ngành trung ương, các Sở, ban, ngành, quận huyện của địa phương tập trung kiểm tra thực tế các cơ sở nhà đất, họp xét duyệt thông qua phương án tổng thể về xử lý nhà đất của các cơ quan đơn vị để gửi Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt.

Tính đến tháng 9/2009, đã có 66 Bộ, ngành, cơ quan trung ương, 17 Tổng Công ty nhà nước và 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất với tổng số 53.963 cơ sở nhà, đất; với tổng diện tích đất là 1.828.643.765 m2 và 65.744.501 m2 nhà.

Các Bộ, ngành, Tổng công ty nhà nước và địa phương đã có phương án tổng thể đối với 37.130 cơ sở nhà đất (đạt tỷ lệ 68%); Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã phê duyệt theo thẩm quyền 22.132 cơ sở nhà đất (đạt tỷ lệ 41%) với tổng diện tích đất là 511.624.808 m2 và 30.348.337 m2 nhà. Trong đó, chuyển giao thành nhà ở, đất ở: 1.050.380 m2 đất; bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất: 736.421 m2 đất, chuyển mục đích sử dụng đất: 1.158.048 m2 đất; thu hồi: 2.125.099 m2 đất. Trong đó, theo báo cáo thì số tiền thu được do bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất là 18.635.309 triệu đồng.

Việc triển khai sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước được triển khai một cách chủ động, tích cực và đạt kết quả cao tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác; trong đó việc sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã thu được kết quả quan trọng, cơ bản hoàn thành, tạo được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển. Cụ thể:

Tổng số cơ sở nhà đất thực hiện báo cáo, kê khai và sắp xếp xử lý là 10.313 cơ sở nhà đất với tổng diện tích đất là 144.859.986,51 m2; tổng diện tích nhà là 14.219.073 m2; Tính đến 31/12/2009, đã phê duyệt được 5.658 cơ sở nhà đất (đạt khoảng 54% kế hoạch) với tổng diện tích đất là 84.024.830 m2, tổng diện tích nhà là 4.620.806 m2; trong đó: bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất là 803.337 m2 đất; chuyển giao thành nhà ở, đất ở là 54.468 m2 đất; chuyển mục đích sử dụng đất là 645.155 m2 đất; thu hồi là 657.668 m2 đất sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, không đúng mục đích. Số tiền thu được do bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất là 15.896.600 triệu đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh rà soát lại và thống nhất hoàn chỉnh thủ tục thu hồi 37 cơ sở nhà đất sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, không đúng mục đích chuyển giao cho Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quản lý với tổng diện tích đất là 60.697 m2, tổng diện tích nhà là 19.935 m2.

Ngoài các kết quả đạt được nêu trên, các Bộ, ngành, địa phương đã nắm được một cách hệ thống số lượng, giá trị và hiện trạng sử dụng, tình trạng hồ sơ pháp lý về tài sản là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của đơn vị trực thuộc quản lý, sử dụng. Trên cơ sở hiện trạng sử dụng các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương đã có phương án sắp xếp lại như: chấm dứt việc cho thuê, liên doanh, liên kết để sử dụng đúng mục đích được giao theo pháp luật về quản lý công sản; tách biệt giữa nhà ở đất ở và nhà công sở với việc chuyển giao cho ngành nhà, đất của thành phố để chuyển thành nhà ở đất ở đảm bảo quyền lợi cho người dân. Qua việc sắp xếp, xử lý nhà đất đã xác định rõ 02 nhóm: Đối với các trường hợp sử dụng nhà đất đúng mục đích, có hiệu quả thì được giữ lại tiếp tục sử dụng và hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Đối với các trường hợp nhà đất sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả thì cho chuyển mục đích sử dụng đất, bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch của tỉnh, thành phố để khai thác có hiệu quả quỹ nhà đất của nhà nước. Thông qua sắp xếp, xử lý nhà đất đã góp phần huy động nguồn lực to lớn từ nhà đất để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển và cho ngân sách các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, còn tận dụng nguồn vốn từ nhà đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch của thành phố với nhiều dự án về chung cư nhà ở, văn phòng cho thuê, khách sạn, thương mại – dịch vụ…, góp phần chỉnh trang đô thị mang lại hiệu quả kinh tế xã hội và nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên thì việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg còn tồn tại một số hạn chế cần quan tâm khắc phục, đặc biệt trong năm 2010, đó là:

Một là, một số Bộ, ngành, địa phương và đơn vị nhận thức và quán triệt chưa đầy đủ Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, chưa đưa nội dung công việc kê khai, rà soát và lập phương án sắp xếp, xử lý vào chương trình công tác thường xuyên của cơ quan, đơn vị để chỉ đạo kiên quyết việc xử lý, sắp xếp theo quy định. Đây là hạn chế lớn nhất gây ảnh hưởng đến kết quả thực hiện.

Hai là, một số Bộ, ngành đề xuất phương án sắp xế p, xử lý các cơ sở nhà, đất chưa phù hợp, chưa có tính kiên quyết trong việc giải quyết dứt điểm những sai phạm của đơn vị quản lý, sử dụng tài sản.

Ba là, quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước là quá trình phức tạp với thời gian dài đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt; tuy nhiên, nhiều địa phương không hoặc chưa thành lập Ban chỉ đạo 09 của Tỉnh, do đó, việc sắp xếp lại nhà, đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ còn chậm và chưa có quy trình thống nhất.

Bốn là, việc xác định giá khởi điểm để bán đấu giá hoạc bán chỉ định rất chậm và thiếu cơ sở, ảnh hưởng đến thời gian thực hiện của từng dự án.

Để khắc phục những hạn chế trên, hoàn thành mục tiêu sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2010 đã quy định tại Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ; các Bộ, cơ quan trung ương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện Quyết định 09/2007/QĐ-TTg, nhất là đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa thực hiện nghiêm túc và tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, các Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác kiểm tra, lập phương án sắp xếp nhà đất thuộc phạm vi quản lý. Phương án sắp xếp nhà đất tổng thể của các đơn vị phải được lập sát với quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg và phù hợp với quy hoạch của tỉnh, thành phố. Kiên quyết thu hồi các cơ sở nhà đất sử dụng sai mục đích, lãng phí.

Thứ hai, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm hoàn chỉnh và công bố công khai quy hoạch để các Bộ, ngành, công ty nhà nước có cơ sở triển khai thực hiện các quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Thứ ba, để có cơ sở di dời các hộ dân, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nhanh chóng bố trí các khu tái định cư của tỉnh, thành phố và tái định cư tại các quận (khi sắp xếp, xử lý nhà đất sẽ cố gắng dành ra 1 quỹ đất để tái định cư).

Thứ tư, để đảm bảo tiến độ xử lý các cơ sở nhà đất kịp thời, tạo điều kiện giải phóng mặt bằng, thực hiện đầu tư theo quy hoạch, chống tiêu cực đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng rút ngắn thời gian thẩm định và quyết định giá, đảm bảo sát giá thị trường chuyển nhượng thực tế tại thời điểm chuyển nhượng và đẩy mạnh bán đấu giá.

Thứ năm, nghiêm túc thực hiện các biện pháp xử lý cơ quan, đơn vị, tổ chức không thực hiện kê khai báo cáo, không lập và gửi phương án sắp xếp, xử lý theo quy định, cụ thể như: không được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc; không cấp phép xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà, công trình xây dựng; Kho bạc nhà nước ngừng cấp kinh phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc; đồng thời thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Thứ sáu, Ban chỉ đạo 09 các Bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kịp thời cho Bộ Tài Chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố các vấn đề vướng mắc và đề xuất xử lý kịp thời các trường hợp phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tóm lại: Việc triển khai sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trong thời gian qua đã góp phần đổi mới về nhận thức, làm thức dậy nguồn lực tiềm năng từ đất; chính sách này hàng năm đã đem lại nguồn thu trực tiếp và gián tiếp hàng chục ngàn tỷ đồng cho ngân sách. Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với kết quả nêu trên đã minh chứng cho một hướng đi, chủ trương đúng trong việc khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ nhà đất thuộc sở hữu nhà nước để phát huy nguồn lực từ đất đai, tài sản công phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Với sự vào cuộc một cách đồng bộ, nghiêm túc, tích cực của các Tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành trung ương thì việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước về cơ bản có thể hoàn thành trong năm 2010 theo đúng yêu cầu của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước góp phần quan trọng tăng cường công tác quản lý tài sản công cũng như khai thác một cách có hiệu quả nguồn lực tài chính từ đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội và chỉnh trang đô thị theo quy hoạch.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC QUẢN LÝ CÔNG SẢN, BỘ TÀI CHÍNH – THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ CHƯA ĐƯỢC CẬP NHẬT – CỤC QUẢN LÝ CÔNG SẢN, BỘ TÀI CHÍNH

Trích dẫn từ: http://taisancong.mof.gov.vn

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

———————————————————–

THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:

1. Tư vấn tách thửa đất đai;

2. Tư vấn pháp luật đất đai ;

3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất ;

4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai ;

5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ;

6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *