Thưa luật sư, Xin luật sư tư vấn giúp trường hợp của tôi như sau: Vợ chồng tôi có 1 con nhỏ được 5 tháng tuổi, hiện chồng tôi làm việc ở quê (cách chỗ tôi làm 40 cây số), tôi làm việc ở thành phố (con ở với tôi).Hiện tại tôi muốn đưa con lên Hà Nội làm việc nhưng bị chồng và gia đình chồng phản đối ngăn cản. Chồng tôi còn nhắn tin đe doạ giết tôi và gia đình bên ngoại nếu tôi đưa con đi.

Tôi muốn làm đơn ly hôn nhưng nhà chồng không cho tôi bản sao hộ khẩu (hộ khẩu của tôi và con vẫn ở cùng nhà ông bà nội). Anh chị cho tôi hỏi những câu sau:

– Nếu tôi đơn phương xin ly hôn mà thiếu bản sao hộ khẩu có được không ?

– Chồng tôi nhắn tin đe doạ như vậy có bị xử lý về pháp luật không ?

– Tôi có được nộp đơn ly hôn ở toà án trên thành phố nơi tôi đang đăng ký tạm trú không ?

Xin chân thành cảm ơn luật sư đã đọc thư của tôi.

Rất mong nhận được sự tư vấn của luật sư!

Người gửi: BN Hà

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua điện thoại gọi: 

Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình – Ảnh minh họa

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hôi về cho chúng tôi. Tôi sẽ lần lượt trao đổi về các câu hỏi của bạn như sau:

1. Nếu tôi đơn phương xin ly hôn mà thiếu bản sao hộ khẩu có được không ?

Theo lời bạn nêu, thì bạn là “nguyên đơn” trong vụ án ly hôn. Về nguyên tắc, khi nộp đơn yêu cầu ly hôn tại Tòa án, bạn có nghĩa vụ cung cấp giấy tờ chứng minh về tình trạng hôn nhân, nhân thân của vợ, chồng… (Điều 79 Bộ luật Tố tụng dân sự) Như vậy, về nguyên tắc thì người nộp đơn phải có CMND và bản sao hộ khẩu. Nếu không, có thể tòa sẽ không thụ lý đơn ly hôn. Mặc dù trường hợp của bạn không có sổ hộ khẩu nhưng bạn vẫn có thể nộp đơn ly hôn và tường trình về hoàn cảnh thực tế của mình không thể có các giấy tờ trên trước Tòa án và yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập các giấy tờ đó (Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Theo quy định của pháp luật, nếu bạn muốn ly hôn, bạn phải nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện, nơi cư trú của bạn hoặc của vợ bạn (nếu 2 người không sống chung).

Hồ sơ gồm:

– Đơn xin ly hôn

– Bản sao giấy chứng minh nhân dân của hai vợ chồng;

– Bản gốc giấy đăng ký kết hôn;

– Bản sao giấy khai sinh của các con;

– Bản sao sổ hộ khẩu của hai vợ chông;

Trên thực tế, nhiều tòa án tại các địa phương còn “đẻ” thêm những thủ tục đòi hỏi hết sức nhiêu khê và thậm chí là không thể đáp ứng được. Chẳng hạn như buộc phía nguyên đơn phải đính kèm cả bản sao công chứng CMND và hộ khẩu của người mà mình muốn ly hôn.

Nếu nhà chồng bạn không đưa sổ hộ khẩu, bạn có thể lên công an phường làm đơn trình bày sự việc, xin xác nhận nơi cư trú của bạn và chồng bạn

Đây là nghĩa vụ của công an phường, nếu công an phường từ chối bạn có thể làm đơn khiếu nại lên trưởng công an phường để được giải quyết.

Hoặc bạn có thể đến nơi trước đây làm hộ khẩu để xin trích lục lại hộ khẩu.

Nói tóm lại, trường hợp của bạn  tuy đơn giản nhưng xem ra không đơn giản. Có lẽ trước mắt bạn cần liên hệ với UBND xã nơi mình có hộ khẩu nhờ xác nhận thường trú trong Đơn ly hôn hoặc nhờ can thiệp, yêu cầu phía gia đình chồng phải giao hộ khẩu để làm thủ tục khởi kiện ly hôn. Hoặc có thể trình bày với Tòa về khó khăn của mình trong việc không thể có được Hộ khẩu, may chăng tòa có thể thông cảm chấp nhận.

2. Chồng tôi nhắn tin đe doạ như vậy có bị xử lý về pháp luật không?

Tại  Điều 103 Bộ luật hình sự có qui định về tội “đe dọa giết người”. Theo đó, “ Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện” thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa giết người và bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Trong trường hợp cụ thể của bạn, tôi là người “bên ngoài” nên không thể đánh giá là việc chồng bạn nhắn tin đe dọa là để hù dọa hay là sẽ thực hiện thật. Hơn nữa nội dung tin nhắn lại theo kiểu “giết có điều kiện”. Tức là nếu chị tự động đem con đi thì mới “giết”. Nên có lẽ cũng chưa đến mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu người chồng nhắn tin nhiều lần, tôi nghĩ chị cũng có thể và nên làm đơn tố cáo gửi tới công an xã để có biện pháp ngăn chặn, nhắc nhở. Tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.

Ngoài ra chồng bạn đã có hành vi sử dụng dịch vụ viễn thông để nhắn tin đe dọa người khác. Hành vi này đã vi phạm điểm b khoản 1 điều 40 Nghị định số 83/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông. Theo khoản 1 Điều 40 Nghị định 83/2011/NĐ-CP, hành vi lợi dụng hoạt động viễn thông để thực hiện  việc đe dọa, quấy rối, xúc phạm, xuyên tạc, vu khống uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

3. Tôi có được nộp đơn ly hôn ở toà án trên thành phố nơi tôi đang đăng ký tạm trú không?

Nếu chị có đăng ký tạm trú tại một nơi khác, thì cũng có thể nộp đơn ly hôn tại Tòa án nơi chị đang tạm trú. Tuy nhiên, thông thường và tốt hơn hết vẫn là địa phương nơi hai người, nhất là nơi người chồng, có hộ khẩu và đang sinh sống, làm việc, Vì khi giải quyết vụ án ly hôn Tòa sẽ triệu tập cả chồng chị. Nếu ở Tòa nơi chị tạm trú, thì có thể chồng chị sẽ không đến theo lệnh của Tòa. Khi đó, Tòa phải làm thủ tục ủy thác, nhờ Tòa án nơi chồng chị có hộ khẩu lấy lời khai, xác minh … sẽ mất rất nhiều thời gian và rườm rà về mặt thủ tục.

Một ý cần trao đổi thêm là luật Hôn nhân và gia đình qui định không giải quyết cho ly hôn khi người vợ đang có bầu hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người vợ xin ly hôn. Tôi không hiểu vì lý do gì mà bạn quyết tâm ly hôn đến vậy, nhưng tôi nghĩ cũng không cần quá gấp gáp khi mà con chỉ mới 5 tháng tuổi. Ly hôn là việc cần phải suy nghĩ thật thấu đáo trước khi quyết định. Chúc bạn có một quyết định đúng đắn.

 

Ý kiến bổ sung:

Tôi xin trả lời vấn đề của bạn như sau:

Thứ nhất: theo quy định của pháp luật hồ sơ xin ly hôn gồm có:

– Bản sao Giấy CMND (Hộ chiếu); Hộ khẩu (có Sao y bản chính).

– Bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải trình bày rõ trong đơn kiện.

– Bản sao giấy khai sinh con (nếu có con).

– Bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).

Như vậy, nếu chị thiếu hộ khẩu bản sao tòa án sẽ không thụ lý đơn xin li hôn của chị. Chị có thể nhờ đến cơ quan công an nơi chị sinh sống giúp chị có biện pháp để gia đình nhà chồng cung cấp hộ khẩu bản sao cho chị.

Thứ hai: căn cứ vào khoản 1 điều 103 Bộ luật hình sự quy định về tội đe dọa giết người như sau:

“ Điều 103. Tội đe dọa giết người

1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ
đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm…”. như vậy, nếu tin nhắn của chồng chị làm cho chị lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì chồng chị có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội đê dọa giết người theo luật định.

Thứ ba: theo quy định tại điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự  : cơ quan có thẩm quyền giải quyết là TAND quận (huyện) nơi cả vợ/chồng có hộ khẩu thường trú, tạm trú; nếu vợ/ chồng có hộ khẩu thường trú ở 2 nơi khác nhau thì đơn kiện sẽ nộp tại TAND quận (huyện) nơi bị đơn có hộ khẩu thường trú, tạm trú (điểm a khoản 1 điều 35 BLTTDS giải quyết ), hoặc nếu thỏa thuận được thì đơn của vợ/chồng có thể nộp tại TAND quận (huyện) nơi nguyên đơn có hộ khẩu thường trú, tạm trú (điểm b khoản 1 điều 35 BLTTDS). Như vậy, nếu giữa anh chị không thỏa thuận được, thì tòa án có thẩm quyền thụ lí đơn sẽ là tòa án nới chồng chị thường trú, tạm trú.
Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hôn nhân

—————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT LIÊN QUAN:

1. Tư vấn thủ tục ly hôn;

2. Dịch vụ tư vấn pháp luật lĩnh vực Hôn nhân gia đình;

3. Dịch vụ tư vấn pháp luật: Lĩnh vực hôn nhân gia đình;

4. Luật sư Bảo vệ trong các vụ án Hôn nhân và gia đình;

5. Luật sư đại diện tranh tụng lĩnh vực Hôn nhân – Gia đình;

6. Tư vấn thủ tục khởi kiện vụ án dân sự – hôn nhân – gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *