Thưa luật sư, Trước năm 1970, gia đình ông nội tôi (ông nội tôi có 7 người con) được giao đất dựa trên số nhân khẩu của gia đình. Khoảng cuối những năm 70 – đầu những năm 80, hai người con gái của ông nội tôi đi học và công tác xa.

Ông nội và bố tôi ở nhà canh tác trên phần đất được giao, sau đó giữa các hộ dân có tự thực hiện việc dồn điền đổi thửa với nhau, đến năm 1982 bố tôi làm nhà trên phần đất này và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2009. Sau khi các cô tôi đi học và công tác, bố tôi canh tác, sản xuất và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với toàn bộ phần đất được giao cho gia đình. Nay các cô tôi muốn đòi lại phần đất các cô đã được giao dựa trên nhân khẩu gia đình. Vậy các cô tôi có thể đòi lại phần đất đó không? Có quy định pháp luật nào quy định về việc thu hồi và giao lại phần đất của những người đi công tác, không sản xuất nông nghiệp cho người khác không?

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 

 

Trả lời:

Xem xét khoảng thời gian trước những năm 1970 đây là khoảng thời gian nền kinh tế nước ta phát triển theo mô hình tập trung bao cấp, mọi người nông dân đều tham gia vào một hợp tác xã chung, cùng đóng góp công cụ lao động, sức lao động và ruộng đất để cùng sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên Nhà nước vẫn cho phép người nông dân được giữ lại hoặc được hợp tác xã giao cho 5% quỹ đất hợp tác xã để trồng rau, hoa màu và tự chủ phát triển kinh tế. Việc giao đất được chia trên từng nhân khẩu; diện tích cụ thể là bao nhiêu thì phụ thuộc vào quỹ đất của hợp tác xã. Như vậy, nếu gia đình ông nội bạn được giao đất vào khoảng thời gian này thì nguồn gốc đất gia đình ông nội bạn được giao chính là đất 5%.

Diện tích đất phần trăm mà bố bạn hiện đang sử dụng trước đây được giao cho tất cả những nhân khẩu trong gia đình, vào thời điểm đó bao gồm cả bố bạn và các cô của bạn. Nhà nước không có quy định về việc thu hồi lại phần đất nông nghiệp của những nhân khẩu trong gia đình đã đi thoát ly nếu đất đó không bị bỏ hoang hóa. Vì vậy các cô của bạn cũng có quyền đối với đất phần trăm mà bố bạn đang sử dụng.

Tuy nhiên, dù trước đây các cô của bạn thuộc diện được giao đất 5%, nhưng các cô đã đi học tập và công tác xa, sau mấy chục năm quay về muốn đòi lại đất thì phải có cơ sở chứng minh như: nguồn gốc đất được giao cho những ai? Giấy tờ về việc giao đất?… Hơn nữa, bố bạn là người thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần đất phần trăm được giao trong suốt mấy chục năm, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất 5% đó, và Nhà nước luôn có chính sách bảo đảm cho quyền lợi của người sử dụng đất (nhưng cũng cần phải xem xét hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bố bạn có hợp lệ không? Các giấy tờ về nghĩa vụ tài chính mà bố bạn đã thực hiện còn hay không?… )

Theo tinh thần Điều 10 Luật Đất đai 2003: Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 4 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003: Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất và không xem xét, giải quyết khiếu nại về việc đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng theo các chính sách ruộng đất trước ngày 15-10-1993 trong các trường hợp sau:

+ Đất bị tịch thu, trưng thu, trưng mua khi thực hiện cải cách ruộng đất ở miền Bắc; chính sách xóa bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân, phong kiến ở miền Nam;

+ Đất đã hiến tặng cho Nhà nước, cho hợp tác xã và tổ chức khác, cho hộ gia đình, cá nhân;

+ Đất đã góp vào hợp tác xã nông nghiệp theo quy định của Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp bậc cao;

+ Đất thổ cư mà Nhà nước đã giao cho người khác để làm đất ở; đất ở và đất vườn đã giao lại cho hợp tác xã để đi khai hoang; ruộng đất đã bị thu hồi để giao cho người khác hoặc điều chỉnh cho người khác khi giải quyết tranh chấp ruộng đất;

+ Đất đã chia cho người khác khi hưởng ứng cuộc vận động san sẻ bớt một phần ruộng đất để chia cho người không có ruộng và thiếu ruộng tại miền Nam sau ngày giải phóng.

Nếu tranh chấp này không thể thỏa thuận trong nội bộ gia đình, thì việc giải quyết cũng như việc bảo đảm cho quyền lợi của tất cả các bên liên quan sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn sử dụng đất của gia đình bạn cũng như những giấy tờ, hồ sơ liên quan đến quyền sử dụng đất đó. Có thể nói bố bạn vẫn là người có nhiều lợi thế hơn khi giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất này.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật – Nptlawyer.com ;

—————————————–

THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:

1. Tư vấn tách thửa đất đai;

2. Tư vấn pháp luật đất đai ;

3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất ;

4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai ;

5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ;

6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *