Thủ tục là một biện pháp của chính phủ mọi quốc gia dùng để quản lý điều tiết mọi hoạt động của đời sống xã hội. Thủ tục đúng, hợp lý sẽ giúp quản lý tốt xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Ngược lại, thủ tục rườm rà, chồng chéo, không cần thiết, thiếu tính khả thi sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội, gây mất lòng tin đối với công chúng, tạo điều kiện phát sinh tệ nhũng nhiễu…

Được biết trong thẩm quyền của mình, Chính phủ chủ trương sớm chuẩn hóa thủ tục hành chính. Vừa qua Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính đã công bố danh sách 500 ý kiến về thủ tục hành chính liên quan đến 19 lĩnh vực gây khó cho doanh nghiệp.

Kinh doanh là lĩnh vực nóng bỏng hiện nay, là lĩnh vực có tính chất xương sống của nền kinh tế thị trường, thế nhưng trên thực tế hầu như bất kỳ lĩnh vực nào có quan hệ giữa công dân và doanh nghiệp với cơ quan công quyền đều xuất hiện những mê hồn trận thủ tục nhiêu khê…

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

 

Thiết nghĩ, về lâu dài cần có “Luật về ban hành thủ tục”. Công việc này, không ai khác hơn là Chính phủ đứng ra soạn thảo để trình Quốc hội. Còn nếu chỉ chuẩn hóa hay thực hiện biện pháp mạnh quy định thủ tục hết hiệu lực khi không chứng minh trước một hội đồng thẩm định chuyên môn tính cần thiết của thủ tục thì e rằng mới chỉ làm phần ngọn, chữa cháy chuyện đã rồi, sau đấy thủ tục phiền hà vô lý lại tái xuất hiện như nấm sau mưa! Vì suy cho cùng thủ tục là do con người và cơ chế bày ra.

Cũng con người đó, cơ chế đó thì thủ tục loại đó, loại phiền hà phi lý, tái xuất hiện cũng là chuyện dễ hiểu.Không chỉ có ở nước ta, mà hầu như câu chuyện về quy định thủ tục thiếu tính khả thi, gây phiền hà thậm chí không cần thiết, luôn là vấn nạn chung đối với nền hành chính của mọi quốc gia.

Tuy nhiên có một điểm khác, nhiều quốc gia đã quan tâm đến việc tính toán, lượng hóa được chi phí do các quy định, thủ tục gây ra để cân nhắc xem xét một cách nghiêm túc khi ban hành. Người ta quan tâm đến bốn loại chi phí tài chính như sau (*):

Thứ nhất, chi phí tài chính của chính quyền để quản lý việc ban hành các quy định, thủ tục (ở Mỹ, chi phí này đã tăng năm lần trong thời gian từ năm 1970-1995).

Thứ hai, chi phí cho những công việc văn phòng và hành chính cho các doanh nghiệp và người dân (tại các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), loại chi phí này ước tính chiếm 1,7% GDP).

Thứ ba, chi phí để thực thi như việc mua sắm các trang thiết bị mới, tái cơ cấu quá trình sản xuất, việc xây dựng lại, và việc tăng chi phí do chậm trễ trong việc nhận giấy phép (ở các nước OECD, khoản chi phí này ước tính chiếm tới 10% GDP).

Thứ tư, chi phí gián tiếp cho nền kinh tế, như làm giảm cạnh tranh, giảm sút đầu tư.Ngoài việc tính toán chi phí do các quy định, thủ tục gây ra, cũng cần phải tính đến chất lượng của các quy định và thủ tục.

Người ta thấy rằng nếu những yếu tố khác là giống nhau, thì chất lượng của các quy định, thủ tục tỷ lệ nghịch với số lượng các quy định, thủ tục được ban hành. Điều này chủ yếu là do việc thực thi càng khó khăn hơn khi số lượng các quy định, thủ tục cần được thực thi ngày càng nhiều hơn. Các quy định của Chính phủ có thể nói “càng ít càng tốt”. Nhưng hiệu quả của việc chấp hành cũng là một biểu hiện đánh giá chất lượng và sự phù hợp của các quy định, thủ tục được ban hành.

Các quy định, thủ tục phi thực tế gây phiền nhiễu, thí dụ như các mức phạt quá vụn vặt hoặc quá cứng nhắc đều dẫn đến hiệu quả thực thi kém và bị người dân phớt lờ. Có một nguyên tắc khá phổ biến là, nếu như chi phí của cá nhân trong việc tuân thủ quy định, thủ tục lớn hơn hình phạt trong trường hợp vi phạm (tính theo xác suất bị bắt giữ), thì quy định, thủ tục đó khó lòng được chấp hành nghiêm chỉnh.

Trường hợp phạt cho tồn tại là một minh chứng đưa đến tình trạng xây dựng trái phép tràn lan. Do vậy, các quy tắc thủ tục quá rườm rà hoặc thiếu thực tế, làm tăng chi phí thực hiện cũng làm giảm khả năng tuân thủ của người dân và tăng cơ hội cho việc đút lót. Như vậy, các quy định có chất lượng kém vô hình trung làm tăng chi phí giao dịch của toàn bộ nền kinh tế và cũng tỏ ra thất bại trong việc đáp ứng các mục tiêu chính đáng của các quy định, thủ tục mà chính quyền mong muốn.

Thiết nghĩ ngoài Luật Ban hành văn bản vi phạm pháp luật, cần thiết phải có luật về ban hành các thủ tục, trong luật phải có quy định về chế tài. Nhất thiết các dự thảo về quy định, thủ tục đều phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và lấy ý kiến phản biện rộng rãi.

Nếu các quy định, thủ tục nào gây thiệt hại cho công dân, doanh nghiệp mà chứng minh được thiệt hại là hiện hữu và quy được thành tiền thì có thể kiện ra Tòa hành chính đòi cơ quan công quyền bồi thường. Có làm được như vậy mới góp phần cho các cơ quan công quyền đưa ra được những quy định, thủ tục có chất lượng, phù hợp, khả thi để quản lý tốt xã hội, điều tiết nền kinh tế phát triển nhanh, đúng hướng.

____________________________

(*) Nguồn: Ngân hàng ADB “Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh” Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2003

SOURCE:  THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN – DIỆP VĂN SƠN

Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn/

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

———————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *