Xin chào luật sư! Ba mẹ tôi có 3 người con và mua được 10500m2 đất ruộng, 400m2 đất ở và ông bà nội có cho cả ba và mẹ tôi thêm 2500m2 đất ruộng nữa. Sau đó, vì sinh em bé khó nên mẹ tôi qua đời cùng với em bé vào năm 1992 mà không để lại di chúc. Xin hỏi luật sư số tài sản đó sẽ chia như thế nào?

Tài sản của mẹ để lại cho chúng tôi thì ba tôi có quyền quyết định số tài sản đó không ? Và số đất 2500m2 mà ông bà tôi cho ba mẹ tôi sau khi cưới để làm của ra riêng đó là tài sản riêng của ba tôi hay là tài sản chung của ba mẹ tôi ? Vì ông bà nội tôi cũng chia cho những người con của ông bà số đất 2500m2 như ba mẹ tôi, coi như đã chia tài sản cho con cái. Gần đây tôi nghe bà nội nói là 2500m2 đó là cho ba mẹ tôi, nhưng không có văn bản chính thức, chỉ nói miệng thôi.Sau 1 năm sống 1 mình nuôi 3 đứa con và bị lũ lụt mất mùa nên ba tôi đã nợ ngân hàng một số tiền không biết là bao nhiêu. Sau 3 năm ba tôi tái hôn với người vợ khác. Sau 2 năm, có thêm 1 bé gái nữa. Vì kinh tế khó khăn và nợ nần nên ba tôi và mẹ kế đã lần lượt bán đi 5500m2 đất ruộng mà không có ý kiến của 3 đứa con trai.Thời gian dần trôi,kinh tế cũng bớt khó khăn, 3 anh em chúng tôi cũng đi làm hết, nợ nần cũng được trả bớt (tôi không rõ thời điểm trả và cũng không biết nguồn gốc số tiền trả nợ). Cách đây khoảng 10 năm, ba tôi và mẹ kế xây được căn nhà trên 400m2 đất ở, mà trước đó ba mẹ tôi đã mua, với kinh phí khoảng 40 triệu đồng. Trong khoảng thời gian 10 năm đó, căn nhà cũng được sữa chữa và xây thêm những công trình phụ khác,(giá trị căn nhà bây giờ cũng có thể được 100 triệu ), tất cả kinh phí về nhà cửa đều do ba và mẹ kế của tôi bỏ ra. Anh em tôi không giúp công cũng không giúp của. Ngoài căn nhà ra thì ba và mẹ kế của tôi không tạo ra của cải gì ở và căn nhà đó. Và nếu ba tôi lập di chúc thì ba tôi có bao nhiêu quyền trên số tài sản đó ? Ba tôi có quyền lập di chúc trên số tài sản mà mẹ tôi để lại cho chúng tôi không? Riêng ông bà nội và ông bà ngoại không nhận và tranh chấp trên số tài sản đó của ba mẹ tôi. Xin luật sư tư vấn được rõ theo đúng quy định của pháp luật. Nếu có thể thì luật sư có thể tính toán con số cụ thể cho tôi được rõ theo như những con số mà tôi đã nêu trên. Xin lưu ý với luật sư là tất cả mọi người trong gia đình đều yêu thương nhau và làm đúng trách nhiệm của mỗi người.

Trân trọng cảm ơn.

Người gửi: T.K

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Tư vấn luật đất đai của Nptlawyer.com ;.

Luật sư tư vấn luật đất đai gọi:

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi thắc mắc đến Nptlawyer.com ; chúng tôi. Vấn đề của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau :

 

Căn cứ pháp lý :

Bộ luật dân sự 2005.   

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.  

Nội dung tư vấn :

Tại khoản 1, Điều 33, luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng :

"1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng."

Theo quy định trên thì quyền sử dụng  2500m2 đất ruộng ông bà nội cho cả ba và mẹ bạn sau khi cưới là tài sản chung của ba mẹ bạn. Như vậy, số tài sản chung của ba mẹ bạn sẽ là quyền sử dụng 13000m2 đất ruộng và 400m2 đất ở.

Khoản 2, điều 66, luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết như sau:

"2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế."

Theo đó, sau khi mẹ bạn mất, ba bạn sẽ được chia 1 nửa số tài sản của hai người. Cụ thể là ba bạn sẽ có quyền sử dụng với 6500m2 đất ruộng và 200m2 đất ở.

Khoản 1, điều 675, bộ luật dân sự 2005 quy định:

"1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản."

Vì mẹ bạn trước khi mất không để lại di chúc nên thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật theo khoản 1, điều 675 bộ luật dân sự 2005 và di sản thừa kế mẹ bạn để lại sẽ được chia theo quy định tại điều 676, bộ luật dân sự 2005:

" Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."

Di sản mẹ bạn để lại sẽ được chia như sau: ba của bạn và 3 anh em bạn đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên mỗi người đều được hưởng phần di sản bằng nhau, cụ thể mỗi người sẽ có quyền sử dụng đối với 1625m2 đất rộng và 50m2 đất ở.

Mẹ bạn không có di chúc và anh em bạn cũng không có thỏa thuận cử người khác quản lý di sản nên trong trường hợp này, ba bạn sẽ là người quản lý di sản thừa kế thuộc trường hợp  tại khoản 2, điều 638, bộ luật dân sự 2005 :

" Điều 638. Người quản lý di sản thừa kế:

1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thoả thuận cử ra.

2. Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.

3. Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý."

Khi đó, ba bạn sẽ có nghĩa vụ  theo khoản 2, điều 639, bộ luật dân sự 2005:

“2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác;

b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;

c) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

d) Giao lại di sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.”

Do vậy, với phần di sản thừa kế mà mẹ bạn để lại cho 3 anh em bạn ba bạn không có quyền quyết định trong việc bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt bằng các hình thức khác.

Về việc lập di chúc của ba bạn:

Điều 631, bộ luật dân sự 2005 quy định về quyền thừa kế của cá nhân :

" Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. "

Vậy, ba bạn chỉ có quyền lập di chúc trên số tài sản thuộc sở hữu của mình. Nên ba bạn không có quyền lập di chúc trên số tài sản mà ba anh em bạn được hưởng thừa kế từ mẹ bạn.

Như chúng tôi đã phân tích ở trên thì khi mẹ bạn mất, tài sản chung của hai người được chia đôi và số di sản mẹ bạn để lại được chia theo pháp luật nên tổng tài sản ba bạn có quyền sở hữu và tiến hành lập di chúc là : quyền sử dụng đối với 8125m2 đất ruộng và 250m2 đất ở. Nhưng vì ba bạn đã bán đi 5500m2 đất ruộng để trả nợ do đó ba bạn chỉ có quyền sử dụng với 2625m2 đất ruộng còn lại sau khi bán.

Vì sau đó ba bạn có tái hôn nên nếu ở thời điểm hiện tại ba bạn lập di chúc thì số tài sản ba bạn có quyền lập di chúc sẽ được xác định như sau :

Nếu sau khi tái hôn với mẹ kế của bạn, ba bạn tiến hành nhập khối tài sản riêng mà mình có trước đó theo quy định tại điều 46, luật hôn nhân và gia đình 2014 vào tài sản chung thì số tài sản đó sẽ được xác định là tài sản chung của hai người :

"Điều 46. Nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung :

1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.

2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.

3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác."

Như vậy, theo nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng thì ba bạn sẽ có quyền lập di chúc trên một nửa số tài sản chung của ba và mẹ kế của bạn. Khi đó, số tài sản ba bạn có quyền lập di chúc sẽ là : quyền sử dụng với 1312.5m2 đất ruộng, 125m2 đất ở,  một nửa giá trị ngôi nhà trên 400m2 đất ở và 1 nửa số tài sản chung khác của ba và mẹ kế của bạn. Ngược lại, nếu ba bạn không thực hiện việc nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung như trên thì số tài sản ba bạn có trước khi tái hôn với mẹ kế của bạn vẫn là tài sản riêng của ba bạn nên ba bạn có quyền lập di chúc trên toàn bộ số tài sản riêng đó.

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *