Bên cạnh những thành công không thể phủ nhận, việc lồng ghép vấn đề phát triển bền vững trong hoạt động xây dựng PLĐĐ còn bộc lộ một số bất cập như: Quy hoạch, phát triển tài nguyên đất chưa gắn chặt với vấn đề bảo vệ môi trường…

1. Thực trạng hoạt động xây dựng pháp luật đất đai với vấn đề phát triển bền vững 

1.1. Những thành công

Thứ nhất, hoạt động xây dựng pháp luật nói chung và hoạt động xây dựng pháp luật đất đai (PLĐĐ) nói riêng đã quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về lồng ghép vấn đề phát triển bền vững trong hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Điều này thể hiện khi soạn thảo dự thảo Luật Đất đai, nguyên tắc bảo đảm phát triển bền vững trong quản lý và sử dụng đất (SDĐ) là một trong những nguyên tắc chủ đạo xuyên suốt quá trình soạn thảo, xây dựng PLĐĐ.

Thứ hai, hoạt động xây dựng PLĐĐ dựa vào Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chương trình tổng thể về xây dựng pháp luật của Chính phủ giai đoạn 2001 – 2010 v.v.. làm định hướng, mà một trong những tư tưởng chủ đạo của các văn bản này là đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tương thích giữa các đạo luật trong hệ thống pháp luật. Do vậy, đây là một yêu cầu bắt buộc cơ quan soạn thảo PLĐĐ phải đối chiếu với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp v.v.. trong quá trình soạn thảo để đảm bảo tính tương thích, đồng bộ về mặt nội dung.

Thứ ba, tiếp cận quan điểm quản lý tổng hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên vì sự phát triển bền vững, Bộ Tài nguyên và môi trường đã được thành lập theo Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ với chức năng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực về tài nguyên, môi trường. Kể từ khi Bộ Tài nguyên và môi trường được thành lập, hoạt động xây dựng PLĐĐ được xác định là một trong những công tác trọng tâm của ngành, công tác này tiếp tục được coi trọng và đẩy mạnh nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện và đồng bộ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai. Chất lượng công tác xây dựng PLĐĐ được nâng lên một bước, cụ thể:

>> Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số:  

 

– Hoạt động xây dựng PLĐĐ đã tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan. Các văn bản quy phạm PLĐĐ được ban hành đúng thẩm quyền, đúng thể thức văn bản và kỹ thuật soạn thảo. Hơn nữa, quy trình xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm PLĐĐ đã dần đi vào nền nếp với việc Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành quy định về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường nói chung và văn bản quy phạm PLĐĐ nói riêng;

– Hoạt động soạn thảo văn bản quy phạm PLĐĐ đã ngày càng chú trọng đến việc đánh giá, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật để làm căn cứ cho việc xây dựng các quy định mới phù hợp với thực tiễn;

– Hoạt động soạn thảo văn bản quy phạm PLĐĐ đã tiếp cận phương thức quản lý tổng hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên đất đai nói riêng vì sự phát triển bền vững. Điều này thể hiện trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì đã chú ý đến việc lồng ghép giữa vấn đề đất đai với vấn đề bảo vệ môi trường trong quản lý, SDĐ; đảm bảo tính đồng bộ, tương thích giữa văn bản quy phạm PLĐĐ do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành với các văn bản của cơ quan cấp trên và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan do các bộ, ngành khác soạn thảo;

– Hoạt động xây dựng PLĐĐ đã quán triệt các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng chính sách PLĐĐ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường  của Bộ và những định hướng phát triển của ngành để soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm PLĐĐ  phù hợp phục vụ đắc lực công tác quản lý nhà nước về đất đai;

– Hoạt động xây dựng PLĐĐ đã góp phần xác lập và từng bước hoàn thiện khung PLĐĐ đáp ứng các đòi hỏi của quản lý nhà nước về đất đai trong điều kiện kinh tế thị trường; cụ thể: chú trọng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản; vấn đề tài chính về đất đai; các quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; xác lập cơ chế pháp lý nhằm bảo hộ quyền tự do kinh doanh của công dân trong lĩnh vực SDĐ; coi trọng vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong lập, xét duyệt, điều chỉnh, thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ…

Thứ tư, thành phần của các ban soạn thảo văn bản quy phạm PLĐĐ không chỉ có các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách mà bắt đầu có đại diện giới khoa học, các chuyên gia về môi trường, chuyên gia về xã hội học v.v.. Điều này cho thấy có sự điều chỉnh về quy trình xây dựng PLĐĐ chú ý đến yếu tố bảo đảm sự phát triển bền vững.

Thứ năm, quy trình lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn bản quy phạm PLĐĐ có sự cải tiến theo hướng không chỉ lấy ý kiến của các bộ, ngành mà còn chú trọng đến việc lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, xã hội, môi trường và ý kiến của người dân.

Quy trình thẩm định dự thảo các văn bản quy phạm PLĐĐ dần đi vào nề nếp, đáp ứng đúng tiến độ về thời gian quy định.

Thứ sáu, hoạt động xây dựng PLĐĐ cũng bắt đầu chú ý đến việc nội luật hóa các yêu cầu bảo đảm sự phát triển bền vững trong các điều ước quốc tế mà nước ta ký kết hoặc tham gia vào nội dung các quy phạm PLĐĐ.

1.2. Những tồn tại, bất cập

Bên cạnh những thành công không thể phủ nhận, việc lồng ghép vấn đề phát triển bền vững trong hoạt động xây dựng PLĐĐ còn bộc lộ một số bất cập cơ bản sau:

Thứ nhất, tính lồng ghép giữa vấn đề đất đai và vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng PLĐĐ dường như chưa được thực hiện một cách nhất quán. Chưa có sự lồng ghép vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động thanh tra đất đai; vấn đề bảo vệ môi trường còn thể hiện rất mờ nhạt trong các quy định về quản lý và SDĐ đô thị; đất trong các khu công nghiệp, khu kinh tế hoặc còn thiếu các quy định cụ thể về quy hoạch SDĐ để xây dựng công trình xử lý chất thải, quy hoạch bãi chứa chất thải trong khu công nghiệp, trong các cơ sở sản xuất – kinh doanh v.v..

Thứ hai, cơ chế phối, kết hợp giữa các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và môi trường và giữa Bộ Tài nguyên và môi trường với các bộ, ngành có liên quan trong công tác soạn thảo văn bản quy phạm PLĐĐ còn chưa chặt chẽ và hiệu quả. Cụ thể là:

– Mặc dù đã chú ý đến giới khoa học, các chuyên gia, song thành viên của các ban soạn thảo văn bản quy phạm PLĐĐ vẫn chủ yếu là lãnh đạo các bộ, ngành; hoạt động của Ban soạn thảo còn mang tính rộng rãi cho đủ thành phần, chỉ chú trọng tính đại diện hình thức của các bộ, ngành có liên quan; sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia còn nhiều hạn chế, chưa thực sự được coi trọng; nhiều quy phạm pháp luật về thực chất là thiết chế hợp thức hóa lợi ích cục bộ của bộ, ngành chủ trì việc soạn thảo luật, pháp lệnh (1). Hơn nữa, việc quy định cơ chế làm việc chưa cụ thể; quy định trách nhiệm của các thành viên ban soạn thảo không cụ thể, rõ ràng nên trong nhiều cuộc họp ban soạn thảo nhằm đóng góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm PLĐĐ có một số thành viên không tham dự hoặc tham dự không đầy đủ. Với cơ cấu và hình thức hoạt động như vậy, vai trò của các ban soạn thảo trong công tác xây dựng PLĐĐ chưa đáp ứng được sự kỳ vọng. Thực chất hoạt động soạn thảo văn bản quy phạm PLĐĐ dường như do tổ biên tập đảm nhiệm là chính, còn hoạt động, vai trò của các ban soạn thảo rất mờ nhạt.

– Hoạt động thẩm tra, lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn bản quy phạm PLĐĐ dường như chỉ đóng khung giữa các bộ, ngành; giữa các cơ quan nhà nước với nhau là chủ yếu. Mặc dù, thời gian gần đây, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới quy trình lấy ý kiến đóng góp như đưa dự thảo văn bản quy phạm PLĐĐ lên mạng Internet; khuyến khích người dân đóng  góp ý kiến qua mạng internet và các phương tiện đài, báo nhưng do người dân chưa ý thức được lợi ích của việc tham gia đóng góp ý kiến hoặc cơ chế lấy ý kiến chưa thật sự thích hợp, tiện ích nên sự đóng góp của công chúng vào qúa trình xây dựng PLĐĐ còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, việc gửi dự thảo văn bản quy phạm PLĐĐ cho các bộ, ngành xin ý kiến được thực hiện trong thời gian ngắn nên các cơ quan đóng góp ý kiến không có đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu, đọc kỹ nội dung dự thảo. Vì vậy, chất lượng đóng góp ý kiến của các bộ, ngành không cao, thậm chí có nơi công việc này được tiến hành rất hình thức, chiếu lệ cho xong.

– Cơ chế phản hồi sự tiếp thu ý kiến của cơ quan chủ trì, soạn thảo với các cơ quan, người dân đóng góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm PLĐĐ chưa được xác lập một cách cụ thể, đồng bộ. Trong rất nhiều trường hợp, người tham gia đóng góp ý kiến không biết những ý kiến đóng góp của mình có được ban soạn thảo tiếp thu không, tiếp thu đến đâu và lý do của việc không tiếp thu.

Thứ ba, chưa xác định được cơ chế hữu hiệu cho việc tham gia phản biện các dự thảo Luật Đất đai, dự thảo các văn bản quy phạm PLĐĐ của các tổ chức dân sự, các hiệp hội quần chúng. Dường như sự phản biện các dự thảo luật nói chung và dự thảo văn bản quy phạm PLĐĐ nói riêng chủ yếu do các tổ chức chính trị – xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Công đoàn, Đoàn Thanh niên thực hiện. Vì vậy, cơ quan soạn thảo chưa nắm bắt được hết các tâm tư, nhu cầu của người dân trong xã hội để phản ánh vào trong nội dung dự thảo văn bản quy phạm PLĐĐ.

Thứ tư, tính khả thi của văn bản quy phạm PLĐĐ còn hạn chế, nhiều quy định sau khi ban hành một thời gian ngắn đã bị lạc hậu so với thực tiễn, do năng lực dự báo của nhà làm luật còn thấp, quy phạm PLĐĐ được xây dựng dường như chưa dự liệu hết các tình huống sẽ nảy sinh để điều chỉnh. Vì vậy, văn bản quy phạm PLĐĐ thường hay sửa đổi, bổ sung gây khó khăn trong công tác thực thi.

Thứ năm, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng PLĐĐ còn nhiều hạn chế. Thể hiện:

– Các văn bản quy phạm PLĐĐ liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như xây dựng, bảo vệ môi trường, nông nghiệp v.v.. Điều này đòi hỏi cán bộ làm công tác xây dựng PLĐĐ phải am hiểu sâu nhiều lĩnh vực (trong đó có những lĩnh vực chuyên môn hẹp). Tuy nhiên, thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác soạn thảo văn bản quy phạm PLĐĐ phần lớn là những người được đào tạo từ các chuyên ngành kỹ thuật, quản lý đất đai chuyển sang nên họ không am hiểu kỹ thuật lập pháp, không được trang bị kiến thức pháp luật. Soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật là một khoa học, đồng thời là một nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao. Tuy nhiên, hiện nay đa số các cơ quan đang tổ chức soạn thảo các dự thảo văn bản pháp luật chủ yếu dựa vào kinh nghiệm  là chính. Có rất ít các chuyên gia được đào tạo một cách bài bản về lĩnh vực này (2);

– Ngược lại, số cán bộ tốt nghiệp cử nhân luật được trang bị kiến thức pháp luật nhưng lại không am hiểu kiến thức chuyên môn, nên khi soạn thảo các quy định về quản lý và sử dụng đất đai liên quan đến từng lĩnh vực chuyên môn hẹp họ gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng. Đó là chưa kể trình độ ngoại ngữ của phần lớn các cán bộ làm công tác xây dựng PLĐĐ còn yếu nên không có điều kiện đọc và tìm hiểu kinh nghiệm lập pháp của nước ngoài trong việc lồng ghép vấn đề phát triển bền vững vào hoạt động xây dựng PLĐĐ.

Thứ sáu, kỹ năng nhận biết những đòi hỏi, yêu cầu của thực tiễn cuộc sống về lồng ghép phát triển bền vững trong lĩnh vực đất đai dường như chưa được các cơ quan soạn thảo chú trọng đúng mức thông qua hoạt động phân tích chính sách, điều tra đánh giá nhu cầu xã hội để phản ánh vào nội dung các quy định nên pháp luật nói chung và PLĐĐ nói riêng chậm đi vào cuộc sống hoặc chỉ dừng lại ở mức luật khung: “Chúng ta thường không tổ chức nghiên cứu và phân tích chính sách trước khi bắt đầu công việc soạn thảo. Do vấn đề của cuộc sống không được nhận biết, chính sách và giải pháp lập pháp không được xác định từ trước, những người soạn thảo văn bản thường chỉ đưa ra được các quy định chung chung. Rủi ro hơn, những quy định chung chung này lại được bổ sung liên tục qua mỗi lần thảo luận và tổ chức lấy ý kiến. Rốt cuộc, cái mà chúng ta thường có là những dự thảo văn bản pháp luật rất cồng kềnh và ôm đồm: mọi vấn đề có liên quan đều được đề cập, nhưng chính sách và giải pháp thì không phải bao giờ cũng sáng rõ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giải thích tại sao pháp luật chậm đi vào cuộc sống” (3).

1.3. Nguyên nhân

Mọi tồn tại, khiếm khuyết của hệ thống pháp luật bao giờ cũng có nguyên nhân của nó. Những hạn chế của việc lồng ghép vấn đề phát triển bền vững trong hoạt động xây dựng PLĐĐ bắt nguồn từ các nguyên nhân cơ bản sau đây:

Thứ nhất, quan điểm kết hợp chặt chẽ giữa vấn đề phát triển bền vững trong hoạt động xây dựng PLĐĐ chưa được nhận thức một cách thấu đáo giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với các bộ, ngành hữu quan. Điều này thể hiện trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm PLĐĐ liên quan đến khía cạnh kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường thiếu sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Bộ Tài nguyên và môi trường với các bộ, ngành hữu quan  Sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa thật chặt chẽ, linh hoạt, nhiều văn bản khi có ý kiến khác nhau chậm được giải quyết (như vấn đề về thẩm quyền giữa các bộ, phân công trách nhiệm thực hiện…)(4).

Thứ hai, công nghệ soạn thảo văn bản quy phạm PLĐĐ còn ở trình độ thấp; kỹ thuật soạn văn bản quy phạm PLĐĐ chưa đạt yêu cầu. Thể hiện:

–  Phương thức xây dựng pháp luật nói chung và phương thức xây dựng PLĐĐ nói riêng thiên về mong muốn chủ quan hơn là xuất phát từ đòi hỏi của cuộc sống;

– Kỹ năng thể chế hóa chính sách thành pháp luật còn yếu. Công việc này đòi hỏi phải có những chuyên gia giỏi về lĩnh vực soạn thảo văn bản pháp luật. Rất tiếc, chúng ta còn thiếu nghiêm trọng những chuyên gia này (5);

– Thiếu giai đoạn phân tích và quyết định chính sách trong việc lồng ghép vấn đề phát triển bền vững trong hoạt động xây dựng PLĐĐ.

Thứ ba, cơ cấu và thành phần của các ban soạn thảo vẫn mang tính hình thức, chủ yếu là đại diện cho lợi ích của các bộ, ngành có liên quan. Hoạt động của ban soạn thảo còn mờ nhạt; việc soạn thảo văn bản quy phạm PLĐĐ nhiều khi còn khoán trắng cho tổ biên tập thực hiện.

Thứ tư, quy trình và cơ chế lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia và lấy ý kiến đóng góp của đông đảo quần chúng nhân dân còn nhiều hạn chế; chưa có cơ chế phù hợp để khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức dân sự tham gia phản biện khoa học vào các dự thảo luật đất đai, dự thảo văn bản quy phạm PLĐĐ.

Việc thẩm định dự thảo văn bản quy phạm PLĐĐ chủ yếu do Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ thực hiện mà chưa có cơ chế thích hợp về tham khảo ý kiến phản biện, thẩm định từ phía các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo luật, các nhà khoa học, các chuyên gia.

Việc lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành vào dự thảo văn bản quy phạm PLĐĐ chỉ thực hiện trong thời gian ngắn nên chất lượng đóng góp ý kiến không cao.

Thứ năm, chưa xây dựng được những tiêu chí cụ thể của việc lồng ghép vấn đề phát triển bền vững trong hoạt động xây dựng PLĐĐ nên hiệu quả đạt được còn thấp, chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

2. Một số giải pháp

Thứ nhất, quan điểm kết hợp chặt chẽ giữa vấn đề phát triển bền vững trong hoạt động xây dựng PLĐĐ phải được quán triệt sâu sắc, nhận thức thống nhất giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với các bộ, ngành hữu quan trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm PLĐĐ.

Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ công nghệ và kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm PLĐĐ, trước mắt cần tập trung vào một số nội dung trọng yếu sau đây:

–  Xây dựng chiến lược tổng thể về chương trình xây dựng PLĐĐ đồng bộ đặt trong mối quan hệ kết hợp chặt chẽ, hài hòa với chiến lược phát triển bền vững;

– Cần chú trọng và tăng cường thực hiện việc phân tích chính sách trước khi bắt tay soạn thảo các văn bản quy phạm PLĐĐ. Giai đoạn phân tích và quyết định chính sách phải mang tính bắt buộc và là giai đoạn không thể thiếu được trong việc lồng ghép vấn đề phát triển bền vững trong hoạt động xây dựng PLĐĐ.

Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ về cơ cấu và thành phần của các ban soạn thảo theo hướng tăng số lượng các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực môi trường, kinh tế, xã hội; giảm bớt sự tham gia của quan chức các bộ, ngành, đưa các chuyên gia giỏi về chuyên môn vào thành phần ban soạn thảo; sáp nhập ban soạn thảo với tổ biên tập làm một đầu mối thống nhất trực tiếp tham gia soạn thảo văn bản quy phạm PLĐĐ.

Thứ tư, đổi mới căn bản quy trình và cơ chế lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia và lấy ý kiến đóng góp của đông đảo quần chúng nhân dân; xác lập cơ chế khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức dân sự tham gia phản biện khoa học vào các dự thảo luật đất đai, dự thảo văn bản quy phạm PLĐĐ. Cần quy định rõ trách nhiệm giải trình tiếp thu ý kiến đóng góp của cơ quan soạn thảo; xác lập cơ chế đối thoại, trao đổi thường xuyên giữa cơ quan soạn thảo với những chủ thể tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm PLĐĐ.

– Bên cạnh việc thẩm định dự thảo văn bản quy phạm PLĐĐ do Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ thực hiện, cần có cơ chế tham khảo lấy ý kiến phản biện, thẩm định từ phía các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo luật, các nhà khoa học, các chuyên gia.

– Chủ động bố trí, sắp xếp quỹ thời gian thích hợp trong việc lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành vào dự thảo văn bản quy phạm PLĐĐ. Qũy thời gian này không nên quá ngắn (khoảng từ 30 ngày – 45 ngày) để các bộ, ngành có thời gian nghiên cứu kỹ nội dung dự thảo; từ đó đưa ra những ý kiến đóng góp xác đáng; đồng thời tránh việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo văn bản quy phạm PLĐĐ một cách hình thức, chiếu lệ làm lãng phí thời gian, gây tốn kém tiền của của nhân dân.

Thứ năm, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng những tiêu chí cụ thể của việc lồng ghép vấn đề phát triển bền vững trong hoạt động xây dựng PLĐĐ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng PLĐĐ đáp ứng yêu cầu của phát triển bền vững đất nước.

Thứ sáu, cơ quan chủ trì và ban soạn thảo phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan ngay từ giai đoạn phân tích chính sách để xử lý các vấn đề còn có quan điểm, ý kiến khác nhau về việc lồng ghép vấn đề phát triển bền vững trong hoạt động xây dựng PLĐĐ.

Thứ bảy, cần có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn trên các lĩnh vực tài nguyên và môi trường; trang bị kiến thức về pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng PLĐĐ; đồng thời tiến hành bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho đội ngũ cán bộ này về kỹ năng, quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút các chuyên gia giỏi về chuyên môn bổ sung cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng PLĐĐ; đồng thời mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm của nước ngoài trong việc lồng ghép vấn đề phát triển bền vững vào hoạt động xây dựng pháp luật nói chung và hoạt động xây dựng PLĐĐ nói riêng.

Thứ tám, tăng cường công tác giám sát và nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội đối với hoạt động lồng ghép vấn đề phát triển bền vững trong hoạt động xây dựng PLĐĐ.

Thứ chín, nghiên cứu để từng bước áp dụng phương pháp chuyên gia trong việc lồng ghép vấn đề phát triển bền vững trong hoạt động xây dựng PLĐĐ; đồng thời nghiên cứu, xem xét việc thí điểm thực hiện phương thức đấu thầu trong hoạt động xây dựng PLĐĐ.

Thứ mười, tăng cường kỷ cương trong hoạt động xây dựng PLĐĐ.

(1)      Đoàn Mạnh Giao, Công tác xây dựng luật, pháp lệnh tại Chính phủ: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp – số 8, tháng 8/2004, tr.19.

(2)      Nguyễn Sĩ Dũng, Thế sự – Một góc nhìn, Nxb Tri thức, Hà Nội – 2007, tr.118 – 119.

(3)      Nguyễn Sĩ Dũng, Sđd, tr. 119.

(4)      PGS.TS. Kiều Đình Thụ: Đẩy mạnh công tác soạn thảo và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 12 tháng 12/2007, tr. 12.

(5)      Nguyễn Sĩ Dũng, Sđd, tr.121.

TS. Nguyễn Quang Tuyến – Đại học Luật Hà Nội

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

————————————————–

THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:

1. Tư vấn tách thửa đất đai;

2. Tư vấn pháp luật đất đai ;

3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất ;

4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai ;

5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ;

6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *