Tôi và vợ mới kết hôn cách đâu vài tháng nhưng hai vợ chồng thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn với nhau. Tôi đã uất ức đến mức tự tử nhưng được gia đình cứu chữa kịp thời nên qua khỏi. Nhưng sau đó vợ tôi lại chửi bởi gia đình tôi, và đặt điều, vu khống tôi và gia đình tôi đánh đập, hành hạ cố ấy. Cô ấy còn đăng cả trên facebook để vu khống cho gia đình tôi. Vậy trong trường hợp này tôi có thể khởi kiện được không?

NPTLAWYER tư vấn cho bạn:

Vợ bạn đã có hành vi chửi bởi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác và bịa đặt thông tin không đúng sự thật và loan truyền các thông tin này trên mạng xã hội. Như vậy, nếu những thông tin này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bạn và gia đình bạn thì tùy mức độ thiệt hại thì vợ bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội làm nhục người khác như sau:

“Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội vu khống như sau:

“Điều 156. Tội vu khống

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với 02 người trở lên;

…”

Hơn nữa, theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 Luật an ninh mạng 2018 thì:

“3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhụcvu khống bao gồm:

a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.”

Do đó, nếu hành vi đăng tải thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội có nội dung vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;”

Do vậy, nếu vợ bạn có hành vi đăng tải những thông tin lên mạng xã hội có nội dung xúc phạm danh dự, làm nhục, vu khống đến bạn và gia đình bạn thì có thể bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Phụ thuộc vào hành vi xâm phạm và mức độ thiệt hại, vợ bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về quyển được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:

Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

  1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
  2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

 …”

Khoản 1 Điều 584 và Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường và thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như sau:

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

  1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

…”

 “Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Theo đó, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Nếu người nào có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Tuy nhiên, bạn sẽ phải chứng minh được thiệt hại về danh dự, nhân phẩm và uy tín của mình thì mới có thể yêu cầu vợ bạn bồi thường. Mức bồi thường sẽ do bạn và vợ bạn thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở. Hiện nay, kể từ ngày 01/07/2019 thì mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng. Trường hợp này, bạn có thể làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện nơi vợ bạn cư trú để đòi bồi thường thiệt hại.

Như vậy, tùy mức độ của hành vi xâm phạm và mức độ thiệt hại của hành vi vi phạm gây nên mà bạn có thể làm đơn tố cáo để xử lý hình sự hoặc làm đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền tại xã/phường để xử phạt vi phạm hành chính.

NPTLAWYER hy vọng tư vấn trên hữu ích cho bạn.

Trân trọng!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn nêu trên chỉ nhằm mục đích tham khảo. Tùy từng thời điểm có sự thay đổi về chính sách pháp luật mà nội dung tư vấn có thể được điều chỉnh. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc góp ý xin vui lòng liên hệ về email: npttrinhlaw@gmail.com 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *