Bài viết “Xử lý hợp đồng bằng ngoại tệ: chỏi” của tác giả Nguyên Tấn đăng trênTBKTSG số ra ngày 9-12-2010 đưa ra một vấn đề thú vị: một hợp đồng có thỏa thuận neo giá vào một ngoại tệ khác, ví dụ, đô la Mỹ, có vi phạm pháp luật hay không và hậu quả của thỏa thuận này? Bài viết này cung cấp một giải pháp từ Nhật Bản, có thể giúp các cơ quan Việt Nam tham khảo khi xử lý những vấn đề tương tự.

Giao dịch vi phạm quy định về ngoại hối được trở thành án lệ của Tòa án tối cao Nhật Bản là vụ hai công dân Nhật có vay mượn nhau một khoản tiền 550 đô la Mỹ với lãi suất 7% một năm. Khi bên vay không trả nợ, bên cho vay khởi kiện đòi hoàn trả khoản tiền vay gốc cộng với khoản lãi. Bị đơn là bên vay lập luận rằng hợp đồng vay này có đối tượng là ngoại tệ bị vô hiệu theo Luật về quản lý ngoại hối và ngoại thương năm 1949 của Nhật Bản.

Theo quy định của luật này, các giao dịch liên quan đến ngoại tệ chỉ được thực hiện thông qua các ngân hàng đã được Bộ Tài chính Nhật Bản cấp phép hoạt động ngoại hối. Vì vi phạm quy định của luật, hợp đồng vay vô hiệu và bị đơn không có nghĩa vụ phải hoàn trả khoản tiền lãi. Vụ việc được giải quyết ban đầu tại hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm và thẩm phán ở cả hai cấp xét xử này đều bác đơn khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận các lập luận của bị đơn.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

Sau đó, nguyên đơn kháng cáo tiếp lên Tòa án tối cao Nhật Bản và cơ quan này đã ra phán quyết hoàn toàn trái ngược với phán quyết của các tòa trước đó. Cụ thể, tòa án tối cao chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và buộc bị đơn phải thanh toán khoản tiền vay gốc cộng với khoản lãi được hai bên thỏa thuận.

Trong vụ án này, Tòa án tối cao Nhật Bản lý giải rằng hành vi vay ngoại tệ được điều chỉnh bởi quy định của Luật về quản lý ngoại hối và ngoại thương và theo luật này, bên cho mượn phải là ngân hàng được phép thực hiện giao dịch ngoại hối. Trên thực tế, nguyên đơn không thuộc đối tượng này, vì vậy việc cho vay ngoại tệ trái với quy định của luật và phải bị xử lý (phạt tiền) cho hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, khi phán quyết về hậu quả của hợp đồng vay, Tòa án tối cao Nhật Bản đã đi một bước xa hơn bằng cách diễn giải mục đích của Luật về quản lý ngoại hối và ngoại thương để đưa ra phán quyết của mình. Cụ thể, tòa nhận định rằng luật này chỉ mang tính điều chỉnh (quản lý) được xây dựng và ban hành để hạn chế nhất thời các giao dịch ngoại hối và ngoại thương – cái mà về bản chất phải được thực hiện tự do cho mục tiêu bình ổn và phát triển kinh tế đất nước.

Ngoài ra, tòa án tối cao cũng lập luận rằng việc để bị đơn được hưởng lợi nhờ hợp đồng vô hiệu là trái với tinh thần của nguyên tắc thiện chí, ngay tình, vốn là nguyên tắc cơ bản quy định tại điều 1 của Bộ luật Dân sự Nhật Bản (BLDS). Vì vậy, quy định của Luật về quản lý ngoại hối và ngoại thương không thể ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng dù các bên sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý hình sự (phạt tiền)(*). Trong nhiều vụ án sau đó, các tòa án Nhật Bản đã dựa vào lập luận trên để đưa ra các phán quyết tương tự.

_________________________________

(*) Án lệ Minshu 19-9-2306, ngày 23-12 -1965 của Tòa án tối cao Nhật Bản.

SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN – NGUYỄN QUỐC VINH

Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn

(MLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

———————————————–

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *