Thưa luật sư, em muốn hỏi: Trường hợp tổ chức tảo hôn theo nghi định 110/2013/NĐ-CP thì xử phat hành chính bên tổ chức tảo hôn nhưng nếu bên tảo hôn vẫn cố ý duy trì quan hệ vợ chồng thì giải quyết như thế nào? Cơ quan nào sẽ giải quyết? UBND xã nơi thường trú của bên tảo hôn cần phải làm văn bản gì để gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết không?

Mong luật sư giải đáp giúp em, em xin chân thành cảm ơn!

Người gửi:H.S

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục hỏi đáp của Nptlawyer.com ;.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến:

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chuyên mục hỏi đáp pháp luật của Nptlawyer.com ;. Với yêu cầu của bạn, Nptlawyer.com ; có quan điểm như sau:

Căn cứ pháp lý: 

– Luật hôn nhân gia đình năm 2014 ;

– Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân gia đình, thi hành án, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã;

Nội dung tư vấn:

Theo quy định pháp luật người nào có hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn, tùy theo mức độ vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính: Điều 47 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định về hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn như sau: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.

Như vậy, về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn bị xử phạt vi phạm hành chính trong 2 trường hợp:

– Tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn;

– Hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.

Như vậy, chỉ có thể bị xử phạt về hành vi tảo hôn khi Toà án có thẩm quyền đã ra quyết định buộc bên tảo hôn phải chấm dứt quan hệ vợ chồng với người chưa đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn cố ý tiếp tục duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật.

Trong trường hợp này, UBND xã không xử phạt bên tảo hôn bằng hình thức cảnh cáo mà phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để các cơ quan, tổ chức đó yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Khi nào Toà án có quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật mà bên tảo hôn vẫn tiếp tục chung sống với nhau như vợ chồng thì lúc đó UBND xã mới đủ điều kiện để xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tảo hôn.

Trường hợp đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục quan hệ vợ chồng trái pháp luật thì theo Điều 148 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào có một trong các hành vi sau đây, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn;

b) Cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó”.

Như vậy, hình phạt nặng nhất đối với tội tảo hôn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi cho bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng Nptlawyer.com ;!

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT – Nptlawyer.com ;.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *