Thưa Luật sư, vợ chồng cháu lấy nhau từ 2011 đến nay mới có bé gái gần 7 tháng tuổi, từ trước đến nay việc chăm sóc con một mình cháu đảm nhiệm. Cháu dạy mầm non tư thục, sinh bé nên đã nghỉ việc, ở nhà chăm con và bán thêm ít quần áo online. Chồng cháu làm điều dưỡng hợp đồng, lương hơn 2 triệu, làm bệnh viện nên thường xuyên đi trực qua đêm.

Bố chồng cháu thường xuyên uống rượu say chửi bới cả người trọ lẫn vợ con, không vừa ý là chửi đuổi đi. Mẹ chồng cháu đã về hưu, không quan tâm gì đến gia đình. Nếu bây giờ vợ chồng cháu ly hôn, cháu có được quyền nuôi con không ạ ? Chồng cháu cũng giống tính bố, gia trưởng, say rượu cũng hay mắng,đuổi cháu đi. Giờ cháu rất hoang mang ,không biết phải làm sao,để con lại nó sẽ sống thế nào, xa mẹ, không ai biết chăm sóc cháu.

Cháu xin chân thành cảm ơn.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình  của Nptlawyer.com ;.

Luật sư tư vấn luật hôn nhân trực tuyến gọi:

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chuyên mục tư vấn pháp luật của công ty chúng tôi, chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Căn cứ pháp lý:

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

Nội dung tư vấn:

Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định khá rõ ràng về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

"1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."

Như vậy, đối chiếu với trường hợp của bạn thì rút ra được kết luận như sau: tính đến thời điểm hiện tại con của bạn được 7 tháng tuổi, tức là dưới 36 tháng tuổi, theo khoản 3 Điều trên thì con của bạn sẽ được giao cho bạn (là mẹ) trực tiếp nuôi, nếu bạn có đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Chúng tôi xin tư vấn thêm rằng như thế nào là "đủ điều kiện". Nhìn chung thì khi xét đến điều kiện, các Tòa án thường xét dưới 2 phương diện:

+ Điều kiện về vật chất như khả năng chăm lo về chỗ ăn chỗ ở, điều kiện cho con học tập, sinh hoạt…dựa trên tài sản của bạn.

+ Điều kiện về tinh thần như tình cảm bạn giành cho con, thời gian chăm sóc, dạy dỗ…và cả trình độ học vấn của bạn (ảnh hưởng rất  lớn đến sự phát triển của con).

Tóm lại, như bạn trình bày thì bạn hoàn toàn được quyền nuôi con nếu ly hôn. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên bạn nên cân nhắc về việc ly hôn, hãy cố gắng hàn gắn và xây dựng một gia đình hạnh phúc, đừng vì những sự không cố gắng của người lớn mà ảnh hưởng đến cuộc sống của con thơ.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn đang quan tâm. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. 

Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email npttrinhlaw@gmail.com  hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến . Chúng tôi sẵn sàng giải đáp

Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn luật dân sự.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *