Thưa luật sư, Tôi muốn hỏi: Tôi với vợ tôi sống với nhau đã được 10 nnăm rồi, hiện có 3 đứa con. Bây giờ vợ tôi bỏ đi rồi nên tôi làm đơn ly hôn ra tòa án nhưng Tòa bảo phải có vợ tôi ký mới giải quyết được ? Bây giờ tôi phải làm sao ? thủ tục thế nào?

Mong luật sư trả lời giúp,

Người gửi: VQ Hải

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Hỏi đáp pháp luật hôn nhân gia đình của Nptlawyer.com ;.

Tư vấn thủ tục ly hôn vắng mặt, gọi:

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục hỏi đáp của công ty chúng tôi, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

Cơ sở pháp lý:

Bộ luật Dân sự năm 2005

Luật Khiếu nại năm 2011

Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2011.

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

Nội dung phân tích:

Trong trường hợp này bạn không nói rõ vợ bạn bỏ đi đã bao lâu rồi, vì vậy chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

* Trường hợp 1:Nếu vợ bạn bỏ đi đã trên hai năm thì bạn có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích đối với vợ bạn, sau đó bạn nộp đơn xin đơn phương ly hôn theo quy định tại điều 78 Bộ luật Dân sự, Tòa án sẽ thụ lý đơn của bạn mà không cần phải có chữ ký của vợ:

"Điều 78. Tuyên bố một người mất tích  

1. Khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn hai năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Toà án giải quyết cho ly hôn."

Hồ sơ ly hôn với người mất tích bao gồm những giấy tờ sau:

+ Đơn yêu cầu tuyên bố mất tích và yêu cầu ly hôn với người mất tích

+  Xác nhận của Công an khu vực nơi người mất tích cư trú cuối cùng

+ Tài liệu chứng minh đã tìm kiếm người mất tích trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

+ CMND, hộ khẩu của hai vợ chồng (sao công chứng)

+ Đăng ký kết hôn bản chính. Nếu mất bản chính xin bản sao Đăng ký kết hôn, sao y bản chình từ Sổ hộ tịch tại UBND xã, phường nơi vợ chồng đã đăng ký kết hôn trước đây.

+    Bản sao Giấy khai sinh của các con.

+   Giấy tờ về tài sản như nhà đất, cổ phần, xe máy, xe ôtô…

*Trường hợp 2: Nếu vợ bạn bỏ đi trong thời gian từ hai năm trở xuống:

Khoản 1 điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:

"Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn."

Khoản 1 điểu 56 Luật hôn nhân và gia đình quy định:

"Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được."

Như vậy, nếu tình trạng hôn nhân của vợ chồng bạn rơi vào tình trạng trầm trọng thì bạn hoàn toàn được đơn phương ly hôn.

Hồ sơ đơn phương ly hôn bao gồm những giấy tờ sau:

+ Đơn đơn phương ly hôn (theo mẫu)

+ Bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn

+ Bản sao chứng thực Giấy CMND/Hộ chiếu, Hộ khẩu thường trú của vợ chồng

+ Giấy khai sinh của con

+ Các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu tài sản của hai vợ chồng (nếu có tranh chấp tài sản)

Lúc này nếu có đầy đủ chứng cứ chứng minh tình trạng hôn nhân của bạn rơi vào trạng thái trầm trọng Tòa sẽ thụ lý và cấp, tống đạt để thông báo cho vợ bạn biết. Nếu việc cấp, tống đạt mà vợ bạn không biết thì Tòa án sẽ thực hiện niêm yết công khai hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo trình tự, thủ tục được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự. Sau đó  Tòa sẽ đưa vụ việc ra xét xử, điều 199 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định:

"Điều 199. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên toà, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Toà án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên toà.

2. Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên toà, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau:

a) Nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên toà thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;

b) Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên toà thì Toà án tiến hành xét xử vắng mặt họ;”

* Nếu Tòa án không nhận đơn yêu cầu giải quyết ly hôn cho bạn thì bạn sẽ làm đơn khiếu nại gửi đến Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết.

Khoản 1, 2 và 3 Điều 8 Luật Khiếu nại quy định:

"Điều 8. Hình thức khiếu nại

1. Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.

2. Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại; tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

3. Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này."

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi.

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT – Nptlawyer.com ;.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *