Pháp luật điều chỉnh lĩnh vực đất đai đã qua nhiều lần sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Do ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nên có một số mâu thuẫn trong các quy định liên quan đến vấn đề khiếu kiện về đất đai.

Tuy nhiên, từ khi Nghị định 181 và Nghị định 84 ra đời, việc phân định thẩm quyền giải quyết khiếu kiện trong trường hợp đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ)cơ bản không còn vướng mắc.

Không mâu thuẫn về thẩm quyền giải quyết

Điều 136 Luật Đất đai phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đối với hai trường hợp có, không có giấy chứng nhận QSDĐ. Nếu đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết. Đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì được giải quyết theo con đường khiếu nại hành chính. Theo quy định này, Tòa án nhân dân chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa các cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư khi có phát sinh tranh chấp đất đai với nhau, còn thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan hành chính có thẩm quyền thực hiện.   

Tuy nhiên, đối với việc thu hồi chứng nhận quyền sử dụng đất, Điều 42 Nghị định 181 quy định: Sở Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền thu hồi chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp; Phòng Tài nguyên và Môi trường thu hồi chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp. Điều này hoàn toàn phù hợp, vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc các trường hợp: cấp đổi; sạt lở tự nhiên đối với cả thửa đất; có thay đổi ranh giới thửa đất mà phải cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các trường hợp tại Điều 38 Luật Đất đai (bắt buộc phải thu hồi đất) thì cơ quan hành chính có thẩm quyền sẽ thu hồi vì được cấp trái pháp luật. Đây là hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, không phải là tranh chấp đất đai giữa các cá nhân, tổ chức với nhau nên thẩm quyền giải quyết do các cơ quan hành chính thực hiện là hoàn toàn phù hợp, không mâu thuẫn pháp lý hay xung đột thẩm quyền giải quyết.

Luật sư tư vấn luật Đất đai trực tuyến qua điện thoại gọi số:  –

Không xung đột pháp lý

Điều 21 Nghị định 84 quy định vấn đề thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ đã được cấp trái pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể: Khoản 1 quy định cơ quan đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ căn cứ văn bản kết luận của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan điều tra, nếu thấy kết luận đó đúng thì có quyền ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp. Khoản 2 quy định trường hợp chính cơ quan đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ phát hiện giấy chứng nhận đã cấp là trái pháp luật thì thông báo bằng văn bản để Thanh tra cùng cấp thẩm tra. Qua thẩm tra, xác định giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp trái pháp luật thì cơ quan đã cấp giấy chứng nhận ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp. Khoản 3 quy định, trường hợp công dân phát hiện giấy chứng nhận đã cấp sai pháp luật có quyền gửi văn bản kiến nghị đến cơ quan đã cấp. Cơ quan đã cấp giấy chứng nhận thực hiện biện pháp như khoản 2 nêu trên để giải quyết kiến nghị của công dân. Cả 3 trường hợp nêu trên đều thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính. Cụ thể là cơ quan đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ trái pháp luật- trong đó, cơ quan giúp việc cho cơ quan đã cấp là Thanh tra cùng cấp. Tuy nhiên, do chưa nắm chính xác nội dung các quy định, có ý kiến cho rằng, đây là xung đột pháp lý về thẩm quyền giải quyết. Như đã dẫn chứng, Điều 21 Nghị định 84 quy định “Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, các khoản 1, 2 và 3 Điều này chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành”. Như vậy, điều luật đã loại trừ các trường hợp tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân; cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chỉ thực hiện việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 21 Nghị định 84 và Khoản 2, Điều 42 Nghị định 181 nên không có sự mâu thuẫn hay xung đột thẩm quyền giải quyết từ phía các quy định pháp lý của hai Nghị định.

Quy định pháp lý qua các giai đoạn ban hành, sửa đổi, bổ sung… đôi khi còn mâu thuẫn, chồng chéo. Điều quan trọng là phải nghiên cứu kỹ để hiểu chính xác và vận dụng đúng trong cuộc sống. Đây cũng là điều kiện tránh sự xung đột trong quá trình thực thi pháp luật.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

Trích dẫn từ:

http://nguoidaibieu.com.vn/

= = = = = = = =

XUNG ĐỘT PHÁP LÝ VỀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT KHIẾU KIỆN TRƯỜNG HỢP ĐÃ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT – NGUYỄN THANH BÌNH

Nghị định số 181 ngày 29.10.2004 và Nghị định số 84 ngày 25.5.2007 của Chính phủ có một số điều, khoản quy định có thể đã gây ra những xung đột pháp lý về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị đối với các trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là “sổ đỏ”).

Điều 42 khoản 3 Nghị định số 181 quy định: “Trường hợp đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thì việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã được thi hành…”. Theo đó, những khiếu kiện về QSDĐ mà người sử dụng đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ thuộc thẩm quyền của tòa án và chỉ có tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết. Trước khi tòa án thụ lý, giải quyết, việc tranh chấp đó phải qua UBND cấp xã, phường hòa giải nhưng không thành.

Điều 67 khoản 2, điểm a Nghị định số 84 quy định bãi bỏ Điều 42 khoản 3 Nghị định số 181 nêu trên. Tuy nhiên, Điều 21 Nghị định 84 lại có những nội dung quy định chưa thống nhất, thậm chí còn mâu thuẫn về thẩm quyền, cách thức giải quyết một số trường hợp tranh chấp mà người sử dụng đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Cụ thể, khoản 1 quy định cơ quan đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ căn cứ văn bản kết luận của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan điều tra, nếu thấy kết luận đó đúng thì có quyền ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp. Khoản 2 quy định trường hợp chính cơ quan đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ phát hiện giấy chứng nhận đã cấp là trái pháp luật thì thông báo bằng văn bản để Thanh tra cùng cấp thẩm tra. Qua thẩm tra, xác định giấy  chứng nhận QSDĐ đã cấp trái pháp luật thì cơ quan đã cấp giấy chứng nhận ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp. Khoản 3 quy định, trường hợp công dân phát hiện giấy chứng nhận đã cấp sai pháp luật có quyền gửi văn bản kiến nghị đên cơ quan đã cấp. Cơ quan đã cấp giấy chứng nhận thực hiện biện pháp như khoản 2 nêu trên để giải quyết kiến nghị của công dân.

Như vậy, cả 3 trường hợp nêu trên đều thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính. Cụ thể là cơ quan đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ trái pháp luật; trong đó, cơ quan giúp việc cho cơ quan đã cấp giấy là Thanh tra cùng cấp. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 21 Nghị định 84 lại quy định các trường hợp thuộc quy định tại khoản 1, 2 và 3 nêu trên chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành (tức là thuộc thẩm quyền của tòa án), trừ trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 181. Quy định như vậy vừa mâu thuẫn với quy định tại 3 khoản nêu trên, vừa không lôgíc.

Từ khi có Nghị định 84 đến nay, nhận thức và vận dụng pháp luật để xác định thẩm quyền, cách thức giải quyết các tranh chấp về đất mà người sử dụng đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ ở mỗi nơi, mỗi vụ, việc mỗi khác. Tình trạng chuyển đơn vòng quanh giữa cơ quan hành chính với Tòa án làm cho người dân bức xúc, gây mất trật tự xã hội và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với pháp luật. Thực tế, tranh chấp liên quan đến việc đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ xảy ra nhiều, các cơ quan và công chức Nhà nước không nhận thức thống nhất nên không giải quyết đúng đắn được. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, xem xét vấn đề này để sớm có văn bản hướng dẫn hoặc bổ sung, sửa đổi quy định cho thống nhất, giúp cho việc vận dụng pháp luật chính xác và thống nhất trong cả nước.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN – NGUYỄN XUÂN

Trích dẫn từ:http://nguoidaibieu.com.vn/

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————-

THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:

1. Tư vấn tách thửa đất đai;

2. Tư vấn pháp luật đất đai ;

3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất ;

4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai ;

5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ;

6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *