Đối với một nước nông nghiệp như Việt Nam, đất đai có vai trò vô cùng quan trọng với cuộc sống của người dân (nhất là đối với người nông dân). Chính vì vậy, việc đăng ký quyền sử dụng đất và được đứng tên chủ sử dụng trong GCNQSDĐ thu hút sự quan tâm đặc biệt của mọi tầng lớp dân cư.

1. Tầm quan trọng của hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác cấp đổi GCN

Ở quốc gia mà tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” tồn tại trong một thời gian dài và “ăn sâu, bám rễ” trong tâm thức của một bộ phận không nhỏ người dân thì việc người đàn ông (người chồng) đứng tên chủ sở hữu tài sản nói chung và đứng tên trong GCNQSDĐ của vợ, chồng nói riêng được coi như lẽ đương nhiên. Do đó, Luật đất đai năm 2003 quy định quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng khi cấp GCNQSDĐ phải ghi rõ cả họ, tên vợ và họ, tên chồng và việc triển khai thí điểm cấp đổi GCN ở một số địa phương1 được coi là một cuộc cách mạng không chỉ tấn công trực diện vào quan niệm phong kiến lạc hậu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người đàn ông có tên trong GCN. Việc làm này đã vấp phải không ít những khó khăn, trở ngại bởi sự không đồng thuận hoặc sự chống đối của một bộ phận nam giới mang nặng tư tưởng phân biệt, kỳ thị đối với phụ nữ. Đặt trong bối cảnh đó, hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác cấp đổi GCN có vị trí hết sức quan trọng. Đây là hoạt động phải được triển khai trước tiên trước khi tiến hành các hoạt động mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ tiếp theo về cấp đổi GCN. Vai trò của hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN được thể hiện trên các khía cạnh chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tác động làm thay đổi nhận thức của người dân về bình đẳng giới trong sử dụng đất nói chung và trong cấp GCNQSDĐ nói riêng; phê phán quan niệm phong kiến lạc hậu và lên án mọi sự kỳ thị, phân biệt đối xử giữa nam và nữ. Trên cơ sở đó, xây dựng quan niệm đúng đắn về sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận các quyền của người sử dụng đất.

Thứ hai, góp phần đề cao sự bình đẳng nam, nữ trong xã hội Việt Nam nói chung và trong việc tiếp cận sử dụng đất đai nói riêng. Hơn nữa, hoạt động này còn tạo ra sự đồng thuận xã hội trong việc bảo vệ quyền của phụ nữ đối với tài sản là nhà, đất. Ở khía cạnh khác, phụ nữ là lực lượng lao động chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp. Khi họ được bình đẳng với nam giới về quyền và nghĩa vụ trong sử dụng đất đai sẽ tạo ra động lực tích cực giúp phụ nữ hăng say sản xuất góp phần đáng kể vào quá trình đẩy nhanh tỷ lệ giảm đói, nghèo ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Luật sư tư vấn luật Đất đai trực tuyến qua điện thoại gọi số:  –

Thứ ba, thông qua hoạt động truyền thông giúp phụ nữ nâng cao nhận thức về quyền bình đẳng nam, nữ trong sử dụng đất đai và khi nhận thức được nâng cao, chị em sẽ tìm ra các biện pháp để tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đối với nam giới, hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác cấp đổi GCN sẽ giúp họ có nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Trên cơ sở đó, nam giới sẽ có những hành động thiết thực góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong sử dụng đất đai.

Thứ tư, hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác cấp đổi GCN sẽ tạo ra hiệu quả xã hội vô cùng to lớn góp phần thay đổi tư tưởng phong kiến lạc hậu “trọng nam, khinh nữ” tồn tại hàng trăm năm nay ở khu vực nông thôn. Quyền bình đẳng giới trong sử dụng đất đai được nâng cao và được tôn trọng sẽ góp phần đẩy lùi từng bước nạn bạo hành, ngược đãi, phân biệt đối xử đối với phụ nữ; các mâu thuẫn, xung đột trong gia đình được giải quyết ổn thỏa trên cơ sở có sự bàn bạc nhất trí, đồng thuận của hai vợ chồng. Gia đình là tế bào của xã hội. Khi các mối quan hệ trong gia đình được củng cố, duy trì trong sự tôn trọng, yêu thương, chia sẻ, bình đẳng giữa các thành viên sẽ tạo nền móng rất vững chắc để duy trì sự ổn định xã hội.

Thứ năm, hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác cấp đổi GCN là một hoạt động có ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn. Bởi lẽ, cấp đổi GCN là một vấn đề rất nhạy cảm; nó đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của mọi thành viên trong xã hội. Vì vậy, hoạt động này thu hút sự quan tâm của mọi người dân. Hơn nữa, với tư cách là các tổ chức quần chúng thành lập trên cơ sở tự nguyện, thượng tôn pháp luật và bảo vệ quyền lợi của hội viên; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không thể đứng ngoài hoạt động này. Hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác cấp đổi GCN đã thu hút sự tham gia tích cực và tạo điều kiện phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên về quyền bình đẳng nam, nữ trong cấp đổi GCN.

Với ý nghĩa xã hội, kinh tế to lớn, hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác cấp đổi GCN đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự tổ chức triển khai thực hiện của chính quyền các cấp góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh” do Đảng ta đề ra.

Thứ sáu, hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác cấp đổi GCN là nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng về quyền bình đẳng nam, nữ trong xã hội nói chung và quyền bình đẳng nam, nữ trong sử dụng đất đai nói riêng. Nó cũng là hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Luật đất đai năm 2003 cho nhân dân. Nhận thức và thực hiện tốt việc cấp đổi GCN chính là việc góp phần đưa các nội dung của Luật đất đai năm 2003 nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng trong việc tạo lập cơ sở pháp lý bảo vệ quyền về tài sản của công dân.

2. Kinh nghiệm tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác cấp đổi GCN

Từ việc nghiên cứu thực tiễn hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác cấp đổi GCN, có thể rút ra một số kinh nghiệm bổ ích sau đây:

Thứ nhất, muốn thay đổi quan niệm phong kiến lạc hậu về sự bất bình đẳng nam, nữ trong sử dụng đất đai trong việc cấp GCNQSDĐ chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng, chúng ta cần chỉ ra những hạn chế và hậu quả tiêu cực của quan niệm này đối với đời sống xã hội. Hoạt động tuyên truyền phải làm cho người dân hiểu và nhận thức được tại sao lại phải thực hiện việc cấp đổi GCN. Để làm được việc này, cán bộ tuyên truyền cần tập trung truyền thông cho người dân nhận thức rõ những hậu quả pháp lý tiêu cực, những rủi ro cho một bên vợ hoặc chồng không được đứng tên trong GCNQSDĐ như: họ có thể bị tước mất quyền sử dụng đất; gặp khó khăn trong việc thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn phát triển sản xuất; họ sẽ bị rơi vào tình trạng bất bình đẳng so với bên vợ hoặc chồng có tên trong GCNQSDĐ trong việc định đoạt, để thừa kế tài sản nhà, đất; GCNQSDĐ cấp cho hộ gia đình chỉ ghi tên chủ hộ không thực sự tạo điều kiện cho những thành viên khác trong gia đình thực hiện các quyền do pháp luật quy định và tạo ra sự phân biệt đối với phụ nữ hoặc người chồng không có tên trong GCNQSDĐ. Vai trò của người không có tên trong GCNQSDĐ thường bị xem nhẹ hơn.

Thứ hai, để tạo sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện cấp đổi GCN, hoạt động tuyên truyền cần hướng vào việc phân tích những ích lợi của việc phụ nữ và nam giới cùng đứng tên trong GCNQSDĐ. Theo đó, việc cấp đổi GCN ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo đảm quyền cho cả người vợ và người chồng cùng được hưởng quyền và lợi ích ngang nhau trong việc sử dụng diện tích đất chung (cùng được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất được giao; cùng được hưởng quyền lợi khi Nhà nước bồi thường trong trường hợp bị thu hồi đất…). Việc cấp đổi GCN ghi tên vợ và chồng sẽ bảo đảm cho họ cùng có quyền quyết định ngang nhau khi thực hiện các giao dịch dân sự về quyền sử dụng đất. Hơn nữa, nó bảo đảm cho quyền lợi của mỗi bên (đặc biệt đối với phụ nữ) đối với diện tích đất chung khi vợ, chồng ly hôn hoặc để thừa kế quyền sử dụng đất. Đây sẽ là cơ sở pháp lý ràng buộc trách nhiệm ngang nhau giữa vợ và chồng trong việc thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, để nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN và thu hút sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân, cán bộ tuyên truyền cần sự dụng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, bao gồm: 1) Mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý nhà nước về đất đai các cấp từ tỉnh, huyện, xã; các lớp bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền cho Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng bản, ấp; người đứng đầu các đoàn thể quần chúng ở cơ sở. 2) Tiến hành các đợt tuyên truyền lưu động, các buổi tuyên truyền mẫu về chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN ở cơ sở. 3) Thực hiện tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN thông qua việc biên soạn tờ rơi, tài liệu, sách cẩm nang, băng, đĩa phản ánh thực tế kết quả thực hiện thí điểm việc cấp đổi GCN ở các địa phương cũng như kinh nghiệm tổ chức thực hiện. 4) Thực hiện tuyên truyền thông qua đội ngũ tuyên truyền viên ở xã, thôn, ấp, bản, đội ngũ các nhà sư, các cha đạo, già làng, trưởng bản, trưởng họ… (các đối tượng này được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật về cấp đổi GCN và kỹ năng tuyên truyền). 5) Xây dựng kế hoạch, nội dung, cung cấp băng đĩa, tài liệu, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ về tuyên truyền cho đội ngũ tuyên truyền viên để họ thực hiện việc tuyên truyền thông qua hệ thống đài phát thanh, đài truyền hình địa phương. Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền về chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN còn được thực hiện thông qua việc lồng ghép các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, các buổi họp thôn, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, các buổi họp của các đoàn thể quần chúng ở cơ sở.

Thực tế cho thấy, muốn người dân tin tưởng và làm theo thì hoạt động tuyên truyền phải dựa trên những ví dụ, kết quả thực tế sinh động. Đồng bào phải được “mắt thấy, tai nghe” mới thực sự bị thuyết phục. Vì vậy, thông qua hệ thống băng đĩa, cán bộ tuyên truyền cần chuyển tải những kết quả, những kinh nghiệm thực tế của một số địa phương đã thực hiện việc cấp đổi GCN cũng như ý kiến, đánh giá, nhận xét của cán bộ trung ương, tỉnh, huyện, xã, thôn và người dân về ích lợi của việc cấp đổi GCN.

Thứ tư, hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN không thể thực hiện được nếu thiếu sự phối hợp chặt chẽ, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Bộ Tài nguyên và môi trường, sự phối kết hợp triển khai của các Sở Tài nguyên và môi trường, các Phòng Tài nguyên và môi trường ở các địa phương vì đây là các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai trực tiếp tổ chức chỉ đạo, triển khai việc đưa quy định về cấp đổi GCN đi vào cuộc sống.

Thứ năm, hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN không thể thực hiện được nếu thiếu sự chỉ đạo của các cấp Uỷ đảng, sự lãnh đạo của các cấp chính quyền và sự tham gia, phối kết hợp chặt chẽ của các đoàn thể quần chúng trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã. Suy cho cùng, tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN là việc tuyên truyền một chủ trương, chính sách mang ý nghĩa chính trị, xã hội, kinh tế to lớn của Đảng và Nhà nước.

Thứ sáu, hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN chỉ là một nội dung nằm trong tổng thể các nội dung mang tính pháp lý, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ về cấp đổi GCN. Nó hỗ trợ cho việc triển khai các hoạt động mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ về cấp đổi GCN. Vì vậy, việc triển khai hoạt động tuyên truyền phải gắn kết, tích hợp với các hoạt động mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ về cấp đổi GCN. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền.

3. Những thuận lợi và khó khăn trong triển khai hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN

3.1. Những thuận lợi

Thứ nhất, việc cấp đổi GCN nhằm thực hiện quy định tại Điều 48, Luật đất đai năm 2003. Chính vì vậy, hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN cũng là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về Luật đất đai năm 2003 nên nó nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương.

Thứ hai, nhận thức được lợi ích to lớn, thiết thực của việc cấp đổi GCN mang lại cho công tác quản lý nhà nước về đất đai nên hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN được ngành tài nguyên và môi trường nhanh chóng triển khai thực hiện.

Thứ ba, việc cấp đổi GCN là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực thi quyền bình đẳng nam, nữ trong sử dụng đất đai; góp phần tích cực vào công cuộc “xóa đói, giảm nghèo” và phát triển bền vững. Do đó, việc làm này nhận được sự quan tâm, giúp đỡ có hiệu quả của các cấp Uỷ đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của các đoàn thể quần chúng ở các địa phương. Điều này góp phần vào sự thành công của hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN.

Thứ tư, việc cấp đổi GCN mang lại những ích lợi về nhiều mặt cho người dân (đặc biệt là người phụ nữ). Việc triển khai thực hiện hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN đã nhận được sự ủng hộ, sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo quần chúng nhân dân. Đây là một trong những nhân tố góp phần đem lại sự thành công của hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN.

3.2. Những khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản được đề cập trên đây, hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN gặp không ít những khó khăn, trở ngại, cụ thể là:

Thứ nhất, nhận thức về bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân. Ở nước ta, do sự phát triển kinh tế, xã hội và trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, miền nên tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn tồn tại trong một số bộ phân dân cư (đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa). Tại những nơi này, người phụ nữ có địa vị thấp kém hơn nam giới. Khi chết, cha mẹ không để lại tài sản nhà, đất thừa kế cho con gái; phụ nữ khi đi lấy chồng không được gia đình nhà chồng chia đất; người đàn ông đứng tên chủ sở hữu mọi tài sản trong gia đình… Với tư tưởng cam chịu, an phận; tâm lý tự ti và tập quán lạc hậu “thuyền theo lái, gái theo chồng” nên người phụ nữ không dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình đối với tài sản nhà, đất. Đối với những nơi này, việc triển khai hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN vấp phải sự không đồng thuận do nhận thức lạc hậu của một số người dân mà quyền lợi của họ bị ảnh hưởng. Thậm chí, nhận thức bất bình đẳng về giới còn tồn tại trong suy nghĩ của một bộ phận cán bộ ở cơ sở. Điều tương tự xảy ra đối với một số cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số- nơi mà ở đó còn tồn tại chế độ mẫu hệ: người phụ nữ là người chủ trong gia đình. Thực tế cho thấy nhận thức sai lệch về bình đẳng giới là một trở ngại lớn đối với hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN.

Thứ hai, sự hạn chế về nguồn kinh phí thực hiện hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN. Do nguồn kinh phí ngân sách sử dụng cho hoạt động này còn hạn chế nên phạm vi và đối tượng của hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN chỉ giới hạn ở một số xã, huyện nhất định cũng như chỉ có một số lượng nhất định đối tượng người dân và cán bộ được tuyên truyền về chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN.

Thứ ba, muốn thay đổi quan niệm lạc hậu về sự bất bình đẳng nam nữ trong sử dụng đất đai thì hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN phải tiến hành thường xuyên, liên tục và kiên trì trong một thời gian dài. Song, do khó khăn về kinh phí nên hoạt động này chưa tiến hành thường xuyên, liên tục. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng của hoạt động tuyên truyền.

Thứ tư, kết quả của hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN có tính trìu tượng, khó nhìn thấy không giống như kết quả cụ thể của các hoạt động khác. Hơn nữa, đây là hoạt động hỗ trợ cho các hoạt động kỹ thuật, nghiệp vụ cấp đổi GCN song lại phải được thực hiện trước tiên. Chính vì vậy, hoạt động tuyên truyền gặp một số khó khăn nếu không gắn kết với việc triển khai các nội dung khác của Dự án. Người dân còn hoài nghi, băn khoăn về hiệu quả của công tác tuyên truyền hoặc chưa hăng hái tham gia vào các hoạt động tuyên truyền do chưa nhìn thấy ngay lợi ích của hoạt động này mang lại…

Thứ năm, do sự phát triển không đồng đều về trình độ nhận thức của người dân cũng như đội ngũ cán bộ, về điều kiện phát triển kinh tế – xã hội giữa các địa phương thực hiện hoạt động tuyên truyền nên hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN cũng gặp một số khó khăn như: năng lực, trình độ và kỹ năng tuyên truyền của đội ngũ tuyên truyền viên còn hạn chế hoặc thiếu kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền…

Thứ sáu, hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN được triển khai thực hiện trong bối cảnh bên cạnh việc tuyên truyền, đội ngũ tuyên truyền viên ở các địa phương còn phải đảm nhiệm nhiều công việc khác nên thời gian dành cho hoạt động này bị phân tán. Hiệu quả của hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN chưa đạt như mong muốn.

4. Một số kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN

Để nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN góp phần nhanh chóng đưa quy định tại Khoản 3, Điều 48, Luật đất đai năm 2003 đi vào cuộc sống, chúng tôi kiến nghị một số nội dung cụ thể sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN cho người dân và đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Công tác này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và tập trung truyền thông để người dân hiểu và tạo ra sự đồng thuận của đông đảo nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện. Hoạt động tuyên truyền cần tập trung nhấn mạnh các nội dung cụ thể sau: đây là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đem lại nhiều ích lợi về kinh tế, xã hội cho người dân; cấp đổi GCN ghi tên một người sang GCN ghi tên vợ và tên chồng nhằm thực hiện Khoản 3, Điều 48, Luật đất đai năm 2003; cấp đổi GCN ghi tên một người sang GCN ghi tên vợ và tên chồng nhằm thực hiện quyền bình đẳng nam, nữ được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992.

Thứ hai, Bộ Tài nguyên và môi trường cần tìm kiếm thêm các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, từ sự tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để mở rộng phạm vi triển khai hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN trong cả nước.

Thứ ba, hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN cần tiến hành trong mối quan hệ kết nối, tích hợp với các hoạt động mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ về cấp đổi GCN để vừa hỗ trợ lẫn nhau vừa nâng cao hiệu quả công tác truyền thông.

Thứ tư, ngành tài nguyên và môi trường cần tìm kiếm nguồn kinh phí để tiếp tục chỉnh sửa, nâng cao chất lượng các tài liệu tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi GCN và xuất bản, phát hành rộng rãi các tài liệu này trong phạm vi cả nước.

Chú thích:

(1) Năm 2004, Bộ Tài nguyên và môi trường đã thực hiện thí điểm dự án “thay đổi/cấp mới GCNQSDĐ có tên cả vợ và chồng”. Mục tiêu của dự án là: thông qua chiến dịch truyền thông nhằm tăng cường nhận thức của nhân dân địa phương về bình đẳng giới trong việc quản lý và sử dụng đất; thay đổi/cấp mới GCNQSDĐ có tên cả vợ và chồng tại 20 xã thuộc 20 tỉnh trong cả nước, xem tại: http://www.ubphunu-ncfaw.gov.vn/index.asp?lang=V&func=newsdt&catid=151&newsid=1025&MN=65.

TS. NGUYỄN QUANG TUYẾN – Đại học Luật Hà Nội

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————

THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:

1. Tư vấn tách thửa đất đai;

2. Tư vấn pháp luật đất đai ;

3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất ;

4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai ;

5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ;

6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *