Thưa luật sư, Em tên N.T.D.T, quê ở sóc trăng. em có những thắc mắc cần được tư vấn .trước khi em kết hôn với chồng em là người Việt Nam,thì em có con với người nước ngoài .anh ấy sống ở Úc. Hiện tại đã 5 năm anh ấy không chu cấp tiền bạc vật chất cho con em. Nhưng bây giờ anh ấy muốn em giao lại đứa bé cho anh ấy chăm sóc.

Luật sư cho em hỏi em có được đòi hỏi từ anh người Úc, những trợ cấp cho con em không ? Hiện tại em đang nuôi dưỡng bé, nếu em muốn yêu cầu anh ấy cho bé được quyền trợ cấp và được nhập tịch thành người Úc được không thưa luật sự. Nếu muốn được những quyền lợi như em suy nghĩ thì những gì em cần phải làm để được quyền lợi cho con em ?

Kính mong luật sư cho em được câu trả lời sớm nhất.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật hôn nhân  của Nptlawyer.com ;.

>> Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình, gọi:

 

Trả lời:

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Nptlawyer.com ;. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 của Quốc hội

Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH năm 2014 hợp nhất Luật quốc tịch Việt Nam do Văn phòng Quốc hội ban  hành

2. Luật sư tư vấn:

Về nghĩa vụ cấp dưỡng:

Tại Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con."

Như vậy, mặc dù không đăng ký kết hôn nhưng cha đứa bé vẫn phải cấp dưỡng cho con theo quy định của pháp luật.

Khoản 1 Điều 107 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định:

"Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác."

Khoản 3 Điều 102 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định:

"Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật này:

a) Cha, mẹ, con, người giám hộ;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ."

Dựa theo quy định trên thì giữa cha và mẹ của trẻ có thể thỏa thuận mức cấp dưỡng cho con, phương thức cấp dưỡng như thế nào. Nếu không thể thỏa thuận có thể yêu cầu Tòa án buộc người không thực hiện nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Như vậy, dù giữa bố mẹ có quan hệ hôn nhân hay không, nhưng giữa cha, mẹ, con thì quyền và nghĩa vụ không thay đổi và bố/mẹ phải cấp dưỡng cho con để đảm bảo cuộc sống cho con khi con không còn sống chung với mình nữa.

Bạn có thể nộp đơn yêu cầu tòa án xác định cha cho con. Nếu tòa án xác định anh người Úc đó là cha của đứa trẻ, bạn có quyền yêu cầu người đó thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Về việc nhập quốc tịch con thành người Úc:

Theo điều 16 Luật quốc tịch quy định:

"Điều 16. Quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam

1. Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

2. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam."

Theo đó, con của bạn sẽ được mang quốc tịch Việt Nam khi sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai. Vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con cha mẹ thỏa thuận bằng văn bản về quốc tịch của con thì con bạn có thể mang quốc tịch Úc. 

Nếu bạn đã làm giấy khai sinh cho con rồi và con bạn có quốc tịch Việt Nam thì việc con bạn có được nhập quốc tịnh Úc theo huyết thống hay không là theo quy định của pháp luật Úc.

Đạo Luật Quốc tịch Úc Năm 2007 không có giới hạn về độ tuổi và thời điểm đăng ký quốc tịch Úc theo huyết thống. Người xin đăng ký quốc tịch Úc theo huyết thống chỉ cần hội đủ những điều kiện sau đây:

  • Có ít nhất một (1) người cha hoặc mẹ là công dân Úc ngay tại thời điểm người đó được sinh ra; và

  • Là người có hạnh kiểm tốt, nếu từ 18 tuổi trở lên.

Đương đơn đồng thời cũng phải đáp ứng đươc yêu cầu sau: Nếu bản thân người cha hoặc mẹ của đương đơn đã từng nhập tịch Úc theo huyết thống, thì người cha hoặc mẹ đó phải có tổng thời gian sống hợp pháp tại Úc là hai (2) năm trong bất kỳ thời điểm nào trước khi đương đơn nộp hồ sơ đăng ký.

Những người được sinh ở ngoài nước Úc trước ngày 26 tháng 01 năm 1949 có cha hoặc mẹ được trở thành công dân Úc vào ngày 26 tháng 01 năm 1949 đều có thể đăng ký quốc tịch Úc theo huyết thống. Trong trường hợp này, họ chỉ cần đáp ứng điều kiện duy nhất là phải có hạnh kiểm tốt.

Tham khảo bài viết liên quan:

Chọn quốc tịch cho con khi cha mẹ có quốc tịch khác nhau

Bố mẹ không cùng quốc tịch con sinh ra theo quốc tịch ai ?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: hoặc gửi qua email: npttrinhlaw@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Nptlawyer.com ;.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Luật sư Tư vấn Pháp luật dân sự.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *