Thưa luật sư, xin luật sư tư vấn cho chúng tôi sự việc này: Tôi được cấp giấy quyền sử dụng đất (QSDĐ) tới nay là 19 năm. Tại thời điểm cấp phòng địa chính có nhận được đơn khiếu kiện tranh chấp thừa kế từ ông B, nhưng phòng địa chính đã xem xét và giải quyết đơn đồng thời có công văn hướng dẫn ông B gởi đơn đến toàn án nơi có thẩm quyền.

Nhưng từ ngày có công văn hướng dẫn cho đến 6 tháng 6 phòng địa chính vẫn không nhận được bất kì 1 quyết định gì của tòa án (quyết định là đất có tranh chấp) Cho nên phòng địa chính mới cấp QSDĐ cho tôi. Nay tòa án xử lại vụ án bảo rằng đất đang tranh chấp mà ủy ban cấp sổ là sai nên thu hồi sổ QSDĐ của tôi. Vậy cho tôi hỏi đất đang tranh chấp mà không thông qua tòa án giải quyết thì đất đó không có tranh chấp đúng không? (Đất có tranh chấp thì phải thông qua Tòa án giải quyết thì mới gọi là đất có tranh chấp) Nếu tôi xin kháng cáo thì thời gian xử là bao lâu? và tôi được kháng cáo bao nhiêu lần? Xin cám ơn luật sư!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật đất đai của Nptlawyer.com ;

Luật sư tư vấn pháp luật đất đai gọi

Trả lời:

 

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chuyên mục tư vấn của Nptlawyer.com ;. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Căn cứ pháp lý:

Luật đất đai năm 2013 

Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011  

Nội dung tư vấn:

1. Đất có tranh chấp hay không?

Theo quy định tại khoản 24 điều 3 Luật đất đai quy định như sau:

"Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai."

Theo quy định tại điều 203 Luật đất đai quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:

"1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành."

Từ các quy định trên có thể hiểu có thể hiểu "đất đang có tranh chấp" là loại đất mà giữa người sử dụng hợp pháp đất đó với cá nhân khác, với Nhà nước hoặc giữa những người sử dụng chung mảnh đất đó với nhau đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất, về tài sản gắn liền với đất, về ranh giới, về mục đích sử dụng đất hoặc về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất…"Đất đang có tranh chấp" cũng có thể hiểu là đất tranh chấp giữa hai cá nhân chưa xác định được ai là người sử dụng đất hợp pháp. Trong trường hợp này mảnh đất của bạn bị ông B nộp đơn khiếu kiện về quyền thừa kế nên là đất đang có tranh chấp. Vì đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên theo quy định tại khoản 1 điều 203 Luật đất đai 2013 thì tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

2. Nếu tôi xin kháng cáo thì thời gian xử là bao lâu? Và tôi được kháng cáo bao nhiêu lần?

Khi bạn không đồng ý với quyết định sơ thẩm, bản án của tòa án thì bạn có thể nộp đơn kháng cáo cho Tòa án, thời gian kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là mời lăm ngày.

Theo điều 243, 245 Bộ luật Tố tụng dân sự:

"Điều 243. Người có quyền kháng cáo

Đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện có quyền làm đơn kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm."

"Điều 245. Thời hạn kháng cáo

1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.

2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là bảy ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định."

3. Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì.

Theo điều 258 Bộ luật tố tụng dân sự:

"Điều 258. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm

1. Trong thời hạn hai tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, tuỳ từng trường hợp, Toà án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây:

a) Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;

b) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;

c) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá một tháng.

2. Trong thời hạn một tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà phúc thẩm; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.

3. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị."

Căn cứ quy định nêu trên thì tổng thời gian tối đa cho việc xét xử phúc thẩm kể từ ngày bạn nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án của Tòa án cấp phúc thẩm là 5 tháng.

– Về số lần kháng cáo: theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự thì đương sự có quyền kháng cáo quyết định, bản án sơ thẩm của tòa án theo thủ tục phúc thẩm 1 lần.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn đang quan tâm. Việc đưa ra ý kiến tư  vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do khách hàng  cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email:npttrinhlaw@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến . Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *