Kính gửi Diễn Đàn Luật;, tôi muốn được giải đáp một câu hỏi như sau: Hiện tại chỗ nhà em có cơ cấu dồn điền đổi thửa đất canh tác và chuyển đổi cơ cấu cây trồng a. Em nhờ luật sư tư vấn xem là khi chính quyền xã và thôn muốn dồn điền đổi thửa có cần văn bản và nghị quyết của chính phủ và công khai cho nhân dân xem song rồi thực hiện không ạ.

Và khi họp thôn thì nhân dân có hỏi chủ trương nào nghị quyết nào đề ra dồn điền đổi thửa thì được trưởng thôn trả lời là làm theo chỉ đạo của xã . Và đây là quy hoạch của tỉnh, đất ở chỗ em được chia làm 3 loại đất

-1 chuyển đổi sang đất trồng cây

– 2 đất trồng lúa

– 3 đất chuyên lúa . Nhà em đã trồng cây ăn quả lâu năm . Trong khi thực hiện trồng cây thì không gặp chút khó khăn gì. Nhưng khi nhà em trồng cây song được 1 thời gian ngắn thì nhận được biên bản xử phạt của UBND xã về việc tự chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ạ, việc này UBND xã làm đúng hay sai. Và em có làm được đơn khiếu nại về việc UBND xã làm ngơ cho những trường hợp vật đất lấn chiếm xây dựng trái phép trước kia không ạ .

Em xin chân thành cảm ơn luật sư!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật đất đai  của Nptlawyer.com ;

>> Luật sư tư vấn luật đất đai trực tuyến, gọi:  

 

 

 

Trả lời:

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Nptlawyer.com ;. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau

1. Cơ sở pháp luật:

– Luật đất đai năm 2013

– Nghị định 102/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

– Nghị định 43/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai

– Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa

2. Nội dung tư vấn:

Theo  Điều 78 Nghị định 43/2014/NĐ-CP

"Trình tự, thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện “dồn điền đổi thửa”

1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã lập phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp chung cho toàn xã, phường, thị trấn (bao gồm cả tiến độ thời gian thực hiện chuyển đổi) và gửi phương án đến Phòng Tài nguyên và Môi trường.

3. Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra phương án trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cho các hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi ruộng đất theo phương án được duyệt.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thực hiện việc đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính.

5. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nộp hồ sơ cấp đổi Giấy chứng nhận.

6. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:

a) Kiểm tra hồ sơ, xác nhận nội dung thay đổi vào đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận;

b) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất;

c) Lập hoặc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; tổ chức trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất tại xã, phường, thị trấn nơi có đất.

Trường hợp người sử dụng đất đang thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện trao Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 5 Điều 76 của Nghị định này.

Căn cứ vào quy định trên, việc dồn điền đổi thửa sẽ do sự thỏa thuận giữa các hộ gia đình với nhau. Cơ quan nhà nước tại địa phương không có nghĩa vụ và thẩm quyền thu hồi lại toàn bộ phần diện tích đất ruộng sau đó đem chia lại để thực hiện việc dồn điền đổi thửa mà chỉ có nhiệm vụ lập phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp cho toàn địa phương.

Thứ hai, về việc UBND xã lập biên bản xử phạt gia đình bạn do tự chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây đúng hay sai ?

Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa tại Điều 4 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa:

1. Điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản:

a) Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại: Không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa;

b) Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã (sau đây gọi là kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa);

2. Người sử dụng đất đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét sự phù hợp với các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này khi tiếp nhận bản đăng ký và thống kê theo dõi việc sử dụng đất trồng lúa.

3. Đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng các quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này vẫn được thống kê là đất trồng lúa, trừ diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi hoàn toàn sang trồng cây hàng năm hoặc nuôi trồng thủy sản.

Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa tại Điều 6 về trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa:

1. Sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

2. Sử dụng có hiệu quả, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

4. Người sử dụng đất trồng lúa thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa:

a) Phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định này;

Dựa vào các căn cứ trên, gia đình bạn được phép chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây hàng năm nhưng khi chuyển không được làm thay đổi hiện trạng đất tức là không được thay đổi mặt bằng trồng lúa, thoái hóa đất trồng lúa. Ngoài ra, khi thay đổi cơ cấu cây nông nghiệp trên đất trồng lúa, gia đình bạn cần phải xin phép của UBND cấp xã về việc thay đổi này, nếu gia đình bạn vi phạm thì Chủ tịch UBND xã  có quyền xử phạt gia đình bạn theo quy định tại  điều 31 của Nghị định 102/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

"Điều 31. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; buộc làm thủ tục đính chính Giấy chứng nhận bị sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung; buộc hủy bỏ giấy tờ giả liên quan đến việc sử dụng đất; buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền do vi phạm.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; buộc làm thủ tục đính chính Giấy chứng nhận bị sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung; buộc hủy bỏ giấy tờ giả liên quan đến việc sử dụng đất; buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền do vi phạm"

Thứ ba, gia đình bạn có quyền đơn khiếu nại về việc UBND xã làm ngơ cho những trường hợp vật đất lấn chiếm xây dựng trái phép hay không ?

Gia đình bạn có quyền làm đơn khiếu nại thì đây là quyền của gia đình bạn khi sử dụng đất theo khoản 7 Điều 166 Luật đất đai năm 2013

"Điều 166. Quyền chung của người sử dụng đất

1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.

3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.

4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.

5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.

6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:  hoặc gửi qua email: npttrinhlaw@gmail.com  để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Nptlawyer.com ;.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT ĐẤT ĐAI.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *