Xin luật sư tư vấn giúp tôi: Tôi và chồng tôi chung sống với nhau, không đăng kí kết hôn , có một con chung (trai) sinh năm 2005. Cháu được đặt tên là Tr. S, giấy khai sinh do tôi làm tại UBND, không có tên cha. Sau khi sinh con, do chồng tôi yêu cầu nên tôi giao con cho chồng nuôi dưỡng. Trước khi đi Thụy Sỹ,chồng tôi giao con cho cha mẹ anh là ông bà L – P nuôi dưỡng.

Do hoàn cảnh, tôi lên sài Gòn làm ăn, thỉnh thoảng vẫn về thăm con. Khi điều kiện kinh tế đã khá ổn định , tôi yêu cầu ông bà L – P giao cháu cho tôi  nuôi dưỡng nhưng họ không đồng. Qua tìm hiểu, tôi biết ông bà đã làm Giấy khai sinh cho cháu có cả tên cha (chồng tôi) và tên mẹ (tôi), cũng đặt tên là Tr.S. Vậy tôi xin hỏi tôi có được giành quyền nuôi con không ? Tôi cảm ơn các luật sư.

Người gửi: D.C

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình của Nptlawyer.com ;.

Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình gọi: 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thắc mắc về cho chúng tôi, với vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

1. Cơ sở pháp lý

Luật hôn nhân và gia đình 2014 

2. Nội dung tư vấn

Việc giải quyết vấn đề nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn được đã được quy định tại Điều 14 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 như sau: "Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 của Luật này."

Điều 15 quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:

"Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con."

Theo quy định của Luật HN và GĐ 2014 về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con thì Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Như vậy, mặc dù bạn và chồng bạn không đăng ký kết hôn nhưng quyền và nghĩa vụ đối với con chung không có khác biệt với các trường hợp có đăng ký kết hôn. Do đó, bạn có thế yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:

"1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ."

 Theo đó, quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn đối với con trên 36 tháng tuổi sẽ do hai bên cha mẹ thỏa thuận, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của hai bên sao cho hợp tình, hợp lý và bảo vệ được quyền và lợi ích cho đứa trẻ. Tuy nhiên, nếu bạn và chồng bạn không thể thỏa thuận được ai sẽ là người nuôi đứa trẻ, có tranh chấp về quyền nuôi con thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết. Nếu đừa ra Tóa án giải quyết bạn cần chứng minh được khả năng của mình về việc có thể nuôi dưỡng và chăm sóc con về các vấn đề điều kiện về vật chất  như sức khỏe, điều kiện kinh tế, việc làm, chỗ ở, thu nhập, tài sản,sinh hoạt và các yếu tố về tinh thần như thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, điều kiện cho con vui chơi giải trí,….hơn hẳn so với "chồng" bạn để có thể chắc chắn giành được quyền nuôi con về phía bạn. Ngoài ra, theo như thông tin bạn cung cấp thì hiện chồng bạn đang ở nước ngoài nên chồng bạn không thể trực tiếp chông nom, chăm sóc, giáo dục con và tính đến thời điểm này con bạn đã trên 7 tuổi, thì tòa án sẽ xem xét ý kiến của đứa con muốn sống với cha hay với mẹ. Vì vậy ý kiến của đứa trẻ sẽ là một căn cứ quan trọng để phân xử quyền nuôi con, đây cũng là những điều kiện có lợi cho bạn. Tòa án sẽ dựa vào các điều kiện về vật chất và các yếu tố tinh tốt nhất cũng như ý kiến của con bạn để quyết định ai có quyền nuôi con.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 81, Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, nếu như bạn có được quyền nuôi con thì bạn có quyền yêu cầu chồng bạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn, hy vọng có thể giúp bạn giải đáp được những thắc mắc của mình. Bạn cũng có thể tham khảo thêm cơ sở pháp lý mà chúng tôi đã cung cấp để có thể hiểu thêm về vấn đề của mình. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác bạn có thể trực tiếp đến văn phòng của công ty chúng tôi ở địa chỉ: Phòng 802, Tòa nhà VNT, số 19, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Tp. Hà Nội. Hoặc bạn có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email npttrinhlaw@gmail.com hoặc gọi điện để được tư vấn qua tổng đài .

Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật Hôn nhân và Gia đình

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *