Xin chào luật sư, Tôi có việc gấp cần nhờ sự giúp đỡ của luật sư. tôi xin được nêu tóm tắt sự việc như sau: Tôi có người em trai đã kết hôn và có một đứa con chung năm nay tròn 8 tuổi. Em tôi bị bệnh tâm thần thể không liệt định, vợ bỏ đi làm ăn xa gần 3 năm không liên lạc, không thực hiên nghĩa vụ chăm sóc chồng.

Cháu trai tôi hiện nay đang ở với bà ngoại. Hiện nay, vợ của em trai tôi không chịu về nhà và có nói ly hôn cô ấy cũng sẽ không ly hôn, về nhà cô ấy cũng sẽ không về. Tôi muốn hỏi luật sư một số trường hợp sau:

1. Trong trường hợp này em trai tôi có được quyền ly hôn hay không? Thủ tục theo luật định sẽ được giải quyết như thế nào? Tôi có thể đại diện làm toàn bộ thủ tục ly hôn hay không?

2. Chúng tôi muốn giành quyền nuôi con của em trai tôi để giúp em trai tôi ổn định tâm lý, tốt hơn trong cuộc sống có được không? Nếu được chúng tôi cần phải làm những thủ tục gì thưa luật sư?. Mong nhận được lời giải đáp sớm từ luật sư. Chúng tôi nghe tin vào ngày 15/2/2016 cô ta sẽ đi vào miền nam liệu gia đình chúng tôi có thể làm được gì trong trường hợp này. Cô ấy có phải thực hiện nghĩa vụ với e trai tôi hay không nếu vợ chông đã ly hôn?

Tôi xin cảm ơn !

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình của Nptlawyer.com ;.

>> Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình trực tuyến gọi:

Trả lời:

 

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Nptlawyer.com ;. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Căn cứ pháp lý

Luật hôn nhân và gia đình 2014 

Bộ luật tố tụng dân sự 2004 

Bộ luật dân sự 2005 

Nội dung tư vấn

1. Theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về ly hôn theo yêu cầu một bên như sau:

"1. Khi vợ hoặc chồng yêu  cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hônnếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ củavợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2 Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3.  Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia."

Vợ của em trai bạn đã bỏ đi 3 năm và không liên lạc gì thì Tòa án có thể tuyên bố mất tích nếu gia đình bạn đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm theo như khoản 1 Điều 76 Bô luật dân sự 2005: " Khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn hai năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng."

Như vậy, nếu vợ của em bạn được Tòa án tuyên bố mất tích thì em trai bạn có quyền đơn phương chấm dứt hôn nhân theo khoản 2 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình.

Thủ tục đơn phương ly hôn ( ly hôn theo yêu cầu một bên) như sau:

– Chuẩn bị hồ sơ, hồ sơ bao gồm: đơn xin ly hôn; Bản sao giấy khai sinh của con; Bản sao giấy CMND, sổ hộ khẩu của hai vợ chồng; Bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; các giấy tờ chứng minh về tài sản.

– Về thẩm quyền giải quyết của Tòa:

+ Trong trường hợp này không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự 2004. Theo đó, nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết. Tại điểm a khoản 1 Điều 33 BLTTDS 2004 quy định về thẩm quyền xét xử về hôn nhân ( không có yếu tố nước ngoài) thuộc TAND cấp huyện, cho nên trường hợp này nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ của em trai bạn cư trú.

+ Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 58, điểm a, khoản 1 Điều 59 BLTTDS, Nguyên đơn có nghĩa vụ “cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Do đó nguyên đơn cần cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh về nơi cư trú cuối cùng của vợ/chồng cho tòa án nơi anh nộp đơn.

+ Khi nhận và thụ lý đơn yêu cầu ly hôn của nguyên đơn, theo quy định tại Điều 146 BLTTDS, tòa án có nghĩa vụ “cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho đương sự”. Trong trường hợp này, tòa án sẽ thực hiện thủ tục niêm yết công khai để triệu tập bị đơn theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 154 BLTTDS.

Bạn có thể làm đại diện để hoàn thành thủ tục ly hộn căn cứ theo khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014: " Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắcbệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ đượchành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ."

2. Khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc nuôi dưỡng con sau khi ly hôn như sau: " Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con."

Con chung của hai người đã tròn 8 tuổi, cho nên trước khi thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con thì cần phải xem xét nguyện vọng của cháu bé. Nếu cháu bé đồng ý về ở với bố thì để giành quyền nuôi con, gia đình bên người bố phải cung cấp đầy đủ thông tin chứng minh về đảm bảo cuộc sống đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần đối với cháu bé. Trường hợp của em trai bạn, Tòa án sẽ căn cứ cụ thể tình hình thực tế của cả hai để đưa ra kết luận cuối cùng nhăm đảm bảo cuộc sống ổn định nhất cho cháu bé.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật về, luật thuế và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:  hoặc gửi qua email: npttrinhlaw@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Nptlawyer.com ;.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *