Xin chào công ty Nptlawyer.com ;! Tôi muốn luật sư tư vấn giúp trường hợp hôn nhân của tôi. Tôi kết hôn với Việt Kiều Úc cách đây gần 4 năm. Tôi đã có thường trú và có 2 con 4 tuổi và 3 tuổi.

Hiện tại cuộc sống hôn nhân của tôi không thể cứu vãn được nữa, chồng tôi hin tại đã bỏ mặc 3  mẹ con tôi, tôi không thể liên lạc được. Sống nơi đất khách quê người, tôi không biết nói tiếng anh. Bây giờ tôi không biết cách nào để giải quyết ly hôn. Rồi tôi có thể đưa 2 con về Vit Nam sinh sống.Tôi không muốn ở lại Úc nữa. Luật sư có thể tư vấn giúp trường hợp của tôi không?

Tôi xin cảm ổn luật sư rất nhiều!

Người gửi: P.H

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật hôn nhân và gia đình của Nptlawyer.com ;.

Luật sư tư vấn luật hôn nhân và gia đình gọi:

Trả lời:

Nptlawyer.com ; đã nhận được câu hỏi của bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Vấn đề của bạn chúng tôi giải đáp như sau:

 

Căn cứ pháp lý

Luật hôn nhân và gia đình 2014;

Bộ luật tố tụng dân sự 2004;

Nghị định 126/2014/NĐ – CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình

Nội dung

Theo quy định tại điều 127 của Luật hôn nhân gia đình 2014 về ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:

"Điều 127. Ly hôn có yếu tố nước ngoài

1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.

2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.

3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó".

Do chị không nêu rõ chị với chồng chị đăng ký kết hôn tại Việt Nam hay tại Úc, mặt khác, chị sẽ về Việt Nam, còn chồng chị vẫn định cư bên Úc,  do đó, theo chúng tôi chị nên nộp đơn xin ly hôn tại Úc sau đó về Việt Nam xin công nhận bản án này có hiệu lực và cho thi hành tại Việt Nam.

Hiện nay, hai vợ chồng chị đang sinh sống tại Úc mà chưa về Việt Nam, do vậy chị có thể làm đơn đơn phương ly hôn và gửi lên cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết đơn phương ly hôn cho chị và khi tiến hành yêu cầu đơn phương ly hôn tại Úc chị cần phải tìm hiểu các thủ tục của bên Úc, xem họ có những quy định về trình tự, thủ tục để giải quyết một vụ án ly hôn như thế nào. Chị có thể liên hệ với cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại Úc để được giúp đỡ.

 Khi chị yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tại Úc giải quyết theo pháp luật của Úc thì bản án này chỉ có hiệu lực pháp luật tại lãnh thổ nước Úc mà không có hiệu lực pháp luật tại Việt Nam. Vì Việt Nam và Úc chưa có hiệp định tương trợ tư pháp,  nếu như chị muốn bản án đó​ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam thì sẽ thực hiện thủ tục xin công nhận bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại điều 342 Bộ luật tố tụng dân sự 2004. 

Nếu như chị kết hôn tại Úc và chưa làm thủ tục công nhận kết hôn tại Việt Nam thì chị sẽ làm thủ tục công nhận kết hôn tại Việt Nam theo quy định tại điều 38 nghị định 126/2014/ NĐ -CP như sau:

Thủ tục công nhận việc kết hôn tại Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài tại Việt Nam

"Điều 38. Hồ sơ, trình tự, thủ tục ghi vào sổ việc kết hôn

1. Hồ sơ ghi vào sổ việc kết hôn được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ sau đây:

a) Tờ khai ghi vào sổ việc kết hôn theo mẫu quy định;

b) Bản sao giấy tờ chứng nhận việc kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

c) Bản sao một trong các giấy tờ để chứng minh về nhân thân, như Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế;

d) Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của người có yêu cầu.

Trong trường hợp công nhận việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài mà trước đó công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đã ly hôn với công dân Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp giấy xác nhận ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã được giải quyết ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Hồ sơ ghi vào sổ việc kết hôn phải do một trong hai bên kết hôn nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 37 của Nghị định này.

3. Thời hạn giải quyết việc ghi vào sổ việc kết hôn là 05 ngày làm việc kể từ ngày Sở Tư pháp hoặc Cơ quan đại diện nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí. Trong trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Trong trường hợp từ chối ghi vào sổ việc kết hôn thì Sở Tư pháp, Cơ quan đại diện trả lời bằng văn bản cho người có yêu cầu, trong đó nêu rõ lý do.

4. Sau khi ghi vào sổ việc kết hôn, Giám đốc Sở Tư pháp, người đứng đầu Cơ quan đại diện ký và cấp cho người yêu cầu giấy xác nhận ghi vào sổ việc hộ tịch đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo mẫu quy định".

Còn nếu như chị đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì chị không cần làm thủ tục công nhận kết hôn tại Việt Nam nữa.

Sau khi đã hoàn tất thủ tục ghi vào sổ kết hôn công nhận tại Việt Nam chị có thể gửi đơn xin công nhận quyết định, bản án của Tòa án nước ngoài về việc đã ly hôn và cho thi hành bản án đấy tại Việt Nam theo quy định tại điều 344 Bộ luật tố tụng dân sự.

"Điều 344. Quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài

1. Người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn yêu cầu Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài, nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm gửi đơn yêu cầu.

2. Đương sự, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn yêu cầu Toà án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam".

Khi chị làm đơn yêu cầu  công nhận bản án của Tòa án nước ngoài có hiệu lực và cho thi hành tại Việt Nan thì chị sẽ gửi đơn lên Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi mà chị sẽ đăng ký thường trú khi chị về nước, Tòa án sẽ mở phiên Tòa xem xét là công nhận hay không công nhận bản án đấy có hiệu lực và cho thi hành tại Việt Nam.

Hồ sơ gồm:

– Đơn yêu cầu công nhận: Đơn phải đảm bảo các nội dung quy định tại Điều 350, khoản 1 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

– Bản sao hợp pháp bản án, quyết định của Toà án nước ngoài;

– Văn bản xác nhận bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật, chưa hết thời hiệu thi hành và cần được thi hành tại Việt Nam trừ trường hợp trong bản án, quyết định đó đã thể hiện rõ những điểm này;

– Văn bản xác nhận việc đã gửi cho người phải thi hành bản sao bản án, quyết định đó. Trường hợp người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó vắng mặt tại phiên tòa của Toà án nước ngoài thì phải có văn bản xác nhận người đó đã được triệu tập hợp lệ;

Đơn và các giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *