Xin chào Nptlawyer.com ;, em nhờ luật sư tư vấn dùm em: Bạn em là người Canada, có quốc tịch Canada có thể mua đất, nhà chung với người Việt Nam không? Và có được đứng tên chung với người Việt Nam không?

Em là người Việt Nam nhưng không sống ở Việt Nam thường xuyên, không có hộ khẩu gia đình và không có hộ khẩu riêng. Trước ngày 20/)7/2013 em đã mua 1 mảnh đất ở Việt Nam nhưng chị gái của em đã đứng tên trên mảnh đất đó. Hiện tại, giờ em về có thể chuyển lại tên em đứng tên trên mảnh đất đó được không?
Mong luật sư giải đáp giúp em.

Xin cảm ơn.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục hỏi đáp pháp luật  của Nptlawyer.com ;

Luật sư tư vấn luật đất đai trực tuyến  gọi :  

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho Nptlawyer.com ;. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin hỗ trợ trả lời như sau:

Cơ sở pháp lý:

-Luật đất đai năm 2013 

-Luật nhà ở năm 2014 

Nội dung tư vấn:

– Thứ nhất, về việc mua chung đất:

Theo điều 5 Luật đất đai 2013:

Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:
1. Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);

2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);

3. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;

4. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;

5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;

6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.”

Như vậy theo quy định trên thì bạn của bạn mang quốc tịch canada là người nước ngoài nên không nằm trong danh sách được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đương nhiên là bạn của bạn cũng sẽ không được đứng tên chung quyền sử dụng đất với người Việt Nam.

– Thứ hai, về việc mua chung nhà.

Căn cứ vào điểm c khoản điều 159 và điểm b khoản 2 điều 159 và khoản 3 điều 160 luật nhà ở:

+Điểm c khoản 1 điều 159 và điểm b khoản 2 điều 159 luật nhà ở:

1. Đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:

b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

+Khoản 3 Điều 160 luật nhà ở Điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

3. Đối với cá nhân nước ngoài quy định tại điểm c khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Như vậy, cá nhân người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở thương mại tại Việt Nam ( trường hợp này là nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ), và muốn được sở hữu nhà ở  tại Việt Nam thì bạn của bạn (người mang quốc tịch canada) cần phải có một số điều kiện như:  được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì cá nhân người nước ngoài được nhận quyền sử dụng nhà ở thương mại tại Việt Nam và pháp luật Việt Nam không cấm người nước ngoài sở hữu chung nhà ở thương mại với người Việt Nam nên bạn của bạn có thể mua chung nhà ở thương mại với người Việt Nam.

-Thứ ba, về việc chuyển lại tên bạn trên mảnh đất mà chị gái bạn đang đứng tên.

Theo điểm b, đ, g khoản 1 Điều 169 Luật nhà ở, trường hợp người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau:
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở; 
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất.

Theo quy định trên thì trường hợp của bạn được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, còn việc nhận quyền sử dụng đất chỉ được thông qua hình thức mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất. Nghĩa là bạn chỉ được đứng tên mảnh đất khi mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở trên mảnh đất đó, đồng nghĩa với việc trên mảnh đất mà chị gái bạn đang đứng tên phải có nhà ở. Còn nếu trên mảnh đất này mà không có nhà ở thì bạn không được nhận quyền sử dụng đất.

Trên đây là thư tư vấn của chúng tôi. 

Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email npttrinhlaw@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: .

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT ĐẤT ĐAI. 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *