Tôi và vợ tôi ly hôn được gần 1 năm, vợ tôi nuôi hai đứa con, đứa 3,5 tuổi và đứa 5 tuổi. Trước khi ly hôn thì vợ tôi làm kế toán ở TP. HCM, nhưng sau khi ly hôn thì về sống ở quê và không có việc làm. Kể từ ngày ly hôn, mặc dù bản án của Tòa cho phép tôi thăm con nhưng vợ cũ của tôi không cho tôi gặp gỡ các cháu. Cho tôi hỏi bây giờ với tình hình công việc của vợ cũ tôi như vậy thì tôi có thể dành quyền nuôi con hay không? Tôi xin cảm ơn.
NPTLAWYER tư vấn cho bạn:
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định như sau:
Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình. 2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn 1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. 2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây: a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. 3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên. 4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự. 5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con: a) Người thân thích; b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; d) Hội liên hiệp phụ nữ. |
Như vậy, việc vợ cũ của bạn ngăn cản bạn không cho gặp con là trái quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình và Bản án đã ban hành. Việc cản trở này của vợ anh có thể bị xử phạt hành chính từ 100.000 VND đến 300.000 VND. (Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Đồng thời, pháp luật quy định nếu người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người thân thích hoặc các cơ quan quản lý nhà nước về gia đình/trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ sẽ có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
Trong trường hợp của bạn, nếu bạn có căn cứ, chứng minh được rằng vợ bạn không có đủ điều kiện để chăm sóc, giáo dục các con thì bạn có quyền làm đơn khởi kiện để yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
Bạn có thể chứng minh các vấn đề sau để Tòa án xem xét trao quyền nuôi con cho bạn:
+ Thu nhập của bạn phải đảm bảo quyền nuôi con hơn vợ cũ của bạn.
+ Bạn có công việc ổn định hơn, tốt hơn vợ bạn.
+ Bạn có nhà ở ổn định đảm bảo về việc ăn ở, đi học của con.
+ Bạn có môi trường tốt để các con được học tập, vui chơi … tốt hơn so với môi trường của vợ cũ.
=> Chứng minh bạn có điều kiện vật chất dành cho con tốt hơn là vợ cũ => Từ đó dành lợi thế nuôi con.
+ Chứng minh từ trước đến bây giờ bạn không có hành vi bạo lực gia đình, đạo đức tốt.
+ Chứng minh được bạn luôn thương yêu, dành tình cảm cho con, dành mọi thứ tốt nhất cho con.
+ Chứng minh có đủ thời gian dành cho con, thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, cho con vui chơi giải trí, học tập hơn là vợ cũ của bạn.
=> Chứng minh tình cảm yêu thương của bạn dành con cái và bạn sẵn sàng dành thời gian để chăm sóc và giáo dục các con.
+ Chứng minh vợ cũ không có nghề nghiệp ổn định như hiện tại. => Để chứng minh việc vợ cũ của bạn không có đủ điều kiện vật chất để nuôi con.
Ngoài ra, bạn có thể cung cấp thêm nhiều chứng cứ khác để chứng minh lợi thế của mình.
Nếu có đủ chứng cứ để chứng minh các vấn đề nêu trên thì bạn có thể yêu cầu thay đổi người nuôi con. Bạn có thể nộp hồ sơ khởi kiện về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con tại TAND quận/huyện nơi vợ bạn đang cư trú.
Hồ sơ khởi kiện đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm:
- Đơn khởi kiện;
- Bản án lý hôn;
- Sổ hộ khẩu, CMND (bản sao chứng thực);
- Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực);
- Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là có căn cứ và hợp pháp.
Như vậy, muốn dành quyền nuôi còn thì bạn cần phải chứng minh vợ cũ của bạn không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc con cái và chứng minh bạn là người có thể nuôi con tốt hơn vợ bạn.
NPTLAWYER hy vọng tư vấn trên hữu ích cho bạn.
Trân trọng!
*Lưu ý: Nội dung tư vấn nêu trên chỉ nhằm mục đích tham khảo. Tùy từng thời điểm có sự thay đổi về chính sách pháp luật mà nội dung tư vấn có thể được điều chỉnh. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc góp ý xin vui lòng liên hệ về email: npttrinhlaw@gmail.com.