Thưa luật sư, Bố tôi là thương binh hạng ¾, sau khi đất nước giải phóng. Bố tôi đã được UBND cấp cho 1 miếng đất để sử dụng. Mảnh đất nhà tôi đã có tên trong bản đồ địa chính vào năm 1985.

    Vì toàn bộ khu vực nhà tôi và các hộ lân cận đều nằm liền kề sông nên các gia đình đều tự bồi thêm ra 1 phần đất phía sông để mở rộng diện tích đất sử dụng. vào năm 1991 ,Khi nhà tôi chưa kịp bồi thêm đất ra thì gia đình bên phía trái nhà tôi ngoài việc bồi thêm đất trong phạm vi lãnh thổ của mình thì đã vượt thêm khoảng 10m2 trong phần không gian lãnh thổ nhà tôi và quây lấn để sử dụng.

    Ngay sau đó, gia đình nhà tôi đã phản ánh lên chủ tịch UBND xã đương thời ( năm 1991) và đã có 1 biên bản giải quyết, trong đó đã nêu rõ mốc giới giữa 2 gia đình và yêu cầu gia đình bên cạnh phá bỏ phần đất quây lấn trái phép trong không gian lãnh thổ gia đình tôi . Trong biên bản này đã có đầy đủ chữ ký của chủ tịch UBND xã, Đại diện địa chính, công an khu vực… Tuy nhiên gia đình bên cạnh nhất quyết không ký vào biên bản và không chấp hành và phần đất quây lấn đó đến nay vẫn nguyên hiện trạng.

    Khi nhà nước có chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân, thì gia đình tôi đã nhiều lần làm đơn gửi đến chủ tịch UBND để yêu cầu được cấp, nhưng đều được trả lời là do đất đang tranh chấp nên không thể giải quyết.

    Mặc dù gia đình tôi đã chấp nhận không đòi lại phần đất quây lấn trái phép kia của gia đình bên cạnh nhưng vẫn không được giải quyết sổ đỏ. UBND xã lại đưa ra lý do là gia đình bên cạnh này không chịu ký giáp danh với gia đình tôi . Vì họ nói là UBND xã năm ( 1991) đã bán đất thiếu cho họ – UBND cũng không đưa ra được giấy tờ đã bán đất cho gia đình này với lý do bị thất lạc. Và hiện nay chỉ có gia đình bên cạnh này có cầm 1 tờ giấy mua bán đất với UBND

    Cho đến nay, các vị trí lãnh đạo của UBND đã được thay đổi qua rất nhiều người và họ cũng không giải quyết, bố của tôi cũng đã không đếm xuể đã viết bao nhiêu đơn yêu cầu được cấp giấy chứng nhận nhưng đều được nghe những câu trả lời như nhau.

    Gia đình tôi thuộc diện chính sách và được nhà nước cấp đất, đồng thời gia đình tôi đã sử dụng đúng trên phần lãnh thổ được cấp. Gia đình bên cạnh đã mua đất và đến ở sau gia đình nhà tôi 3-4 năm. Vậy mà nay lại lý do không ký giáp danh cho gia đình tôi vì lý do UBND xã đương thời ( khoảng năm 1985) đã bán đất thiếu cho họ và  UBND xã hiện tại không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì lý do đang tranh chấp và chưa xác định mô mốc???

    Tôi thiết nghĩ, việc mua bán đất đai thiếu hay không giữa nhà này và UBND thì không thuộc trách nhiệm gia đình tôi, và tôi cũng chưa thấy gia đình bên cạnh này có 1 đơn khiếu kiện nào với UBND xã về việc bán thiếu đất này. Mô mốc giữa hai gia đình cũng đã được các cấp lãnh đạo ( năm 1991) đã nêu rõ trong biên bản làm việc khi nhận được khiếu nại về việc quây lấn trái phép của nhà bên cạnh ( bản gốc biên bản gia đình tôi vẫn đang giữ). Vậy mà UBND xã đương thời lại khăng khăng là do đất đang tranh chấp và không xác định mô mốc nên không giải quyết sổ đỏ. Vậy có đúng hay không?

    Gia đình tôi đã tiếp tục nhiều lần gửi đơn yêu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến UBND cấp huyện và sở tài nguyên môi trường của Huyện nhưng vẫn nhận được câu trả lời như nhau và giới thiệu gia đình tôi vào tòa án Nhân dân huyện để giải quyết.

    Ở đây tôi xin nhờ các luật sư tư vấn giùm gia đình tôi, UBND cấp huyện giới thiệu gia đình tôi nộp đơn vào Tòa án là đúng hay không? trong khi gia đình tôi đã xác định chấp nhận không lấy lại phần đất bị quây lấn và yêu cầu được cấp giấy chứng nhận đất trong phần đất còn lại mà nhà tôi đang sử dụng nhưng cũng không được UBND cấp xã, cấp huyện và sở tài nguyen môi trường chấp nhận. Vậy ra tòa phải kiện ai? Hay gia đình tôi phải nộp đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng nào nữa để được giải quyết

Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư

Người gửi: Dinh Thi Kim Oanh

Tư vấn pháp luật đất đai gọi:

Trả lời.

Theo như chị trình bày thì công ty xin tư vấn cho chị một số nội dung như sau:

thứ nhất,  Theo Luật đất đai 2003, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 52, cụ thể là:

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.

3. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều này được uỷ quyền cho cơ quan quản lý đất đai cùng cấp.

Chính phủ quy định điều kiện được ủy quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo quy định trên và như chị trình bày thì UBND cấp xã không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSD đất, nhưng UBND cấp xã có trách nhiệm xác định diện tích đất đó có tranh chấp hay không và xác định mô mốc của thửa đất. Theo quy định của luật đất đai thì để được cấp giấy chứng nhận QSD đất thì cần phải có xác nhận ranh giới của các hộ liền kề, phải có chữ kí của các hộ liền kề. Như vậy UBND xã sẽ có trách nhiệm xác định đất đó có tranh chấp hay không và cấp giấy xác nhận về vấn đề này, xác định ranh giới của các hộ liền kề còn Không có quyền cấp giấy chứng nhận QSD đất.

Trong trường hợp của chị, gia đình có thể thỏa thuận với hộ bên cạnh chấp nhận không đòi lại phần đất quây lấn trái phép kia của gia đình đó và yêu cầu gia đình đó xác nhận ranh giới diện tích đất của hai gia đình và kí xác nhận sau đó đem ra UBND xã chứng thực khi đó gia đình chị có quyền yêu cầu UBND cấp huyện giải quyết việc cấp sổ đỏ và nếu UBND cấp huyện không giả quyết thì có thể tiến hành khiếu nại hành vi hành chính do không giải quyết cấp GCNQSD đất tới chủ tịch UBND cấp huyện.

Thứ hai, việc UBND xã tư vấn kiện ra tòa án là không hợp lí do hiện nay gia đình chị chưa có GCNQSD đất, và phần đất mà gia đình chị bị gia đình bên cạnh lấn để sử dụng thì không có căn cứ để xác định đó là diện tích đất thuộc gia đình của chị nên việc kiện ra tòa yêu cầu tòa giải quyết về tranh chấp QSD đất sẽ bị tòa án từ chối và trả lại đơn. Đồng thời khi thực hiện khởi kiện tại tòa thì gây ảnh hưởng tới quan hệ của hai gia đình, khó khăn trong việc kí xác nhận ranh giới của các hộ liền kề.

Còn việc gia đình chị có phải nộp đơn khiếu nại đến cơ quan nào để giải quyết thì hiện nay chưa có một quyết định, hành vi hành chính nào xâm phạm đến trực tiếp quyền và lợi ích của gia đình chị cho nên chị không thể khiếu nại đến cơ quan nào được. Nhưng gia đình chị có thể làm đơn yêu cầu UBND xã xác định ranh giới của thửa đất, và thỏa thuận với hộ bên cạnh về xác nhận ranh giới diện tích đất của hai gia đình( nếu gia đình đó đồng ý), khi đó nếu UBND xã không tiến hành xác định ranh giới của các hộ liền kề với diện tích đất của gia đình chị thì chị có quyền khiếu nại đến chủ tịch UBND xã về vấn đề này.

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT – Nptlawyer.com ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *