Mẹ em sống chung với một người đàn ông không có đăng ký kết hôn và không có con cái chung từ lúc em 12 tuổi đến nay (giờ em đã 25 tuổi). Hiện tại mẹ em có tài sản là một căn nhà do mẹ đứng tên. Cho em hỏi nếu mẹ em làm di chúc để lại cho em ngôi nhà này thì sau này lỡ mẹ em mất thì tài sản có thuộc về em 100% không hay phải chia cho người đàn ông đó. Em có nghiên cứu luật hôn nhân thực tế chưa đăng ký kết hôn nhưng sống chung với nhau nhiều năm dài được hàng xóm chứng nhận thì có được công nhận là vợ chồng hợp pháp, có đúng không? (Ông bà ngoại em đều đã mất và em cũng không có chị em ruột). Em mong nhận sự tư vấn của luật sư. Em xin cảm ơn.

NPTLAWYER tư vấn cho bạn:

Đối với việc xác nhận tình trạng hôn nhân trong trường hợp nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn được quy định tại khoản 2 Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:

2. Đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng. Thẩm quyền, thủ tục đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật Hộ tịch.

Đồng thời, khoản 1 Điều 131 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định như sau:

1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết.

Như vậy, nếu nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì sẽ áp dụng quy định pháp luật hôn nhân và gia đình tại thời điểm đó để giải quyết. Do đó, sẽ áp dụng quy định tại Nghị quyết số 35/2000/QH10 về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình để giải quyết:

Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

Như vậy, đối với những trường hợp nam nữ chung sống với nhau trước ngày 03/01/1987, hiện họ chưa đăng ký kết hôn thì vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng (hôn nhân thực tế).

Đồng thời, theo hướng dẫn tại điểm c mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 thì:

Được coi là nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;

– Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;

– Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;

–  Họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

Do vậy, nếu nam, nữ thực sự chung sống với nhau trước thời điểm 03/01/1987, đủ điều kiện kết hôn theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và thuộc một trong 04 trường hợp nêu trên thì được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Trong trường hợp của em, như em chia sẻ mẹ em và người đàn ông sống chung với nhau khi em 12 tuổi (giờ em đã 25 tuổi), có nghĩa rằng thời gian hai người sống chung như vợ chồng là khoảng năm 2007 và hai người không đăng ký kết hôn. Trường hợp này của mẹ em không thỏa mãn các điều kiện về hôn nhân thực tế nêu trên nên mẹ em và người đàn ông này sẽ không được công nhận là vợ, chồng. Chính vì không phải là vợ, chồng hợp pháp nên tài sản có được trong quá trình hai người chung sống (nếu có) sẽ không được phân chia hay thừa kế như áp dụng đối với vợ, chồng.

Đối với vấn đề thừa kế, hiện tại mẹ em đã không còn bố, mẹ và chỉ có mình em là con đẻ. Do vậy, nếu mẹ em mất không để lại di chúc thì em là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015) sẽ được hưởng toàn bộ di sản của mẹ để lại sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ tài sản của mẹ em, với điều kiện em không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản.

Tuy nhiên, nếu mẹ em mất nhưng để lại di chúc hợp pháp có nội dung để lại một phần hoặc toàn bộ di sản cho người đàn ông đó thì người đó vẫn được hưởng di sản mà mẹ em để lại. Sở dĩ vậy vì nguyên tắc chung của di chúc là thể hiện ý nguyện để lại tài sản của người mất cho người khác (Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015).

Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Điều 624. Di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Điều 626. Quyền của người lập di chúc

Người lập di chúc có quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

NPTLAWYER hy vọng tư vấn trên hữu ích cho bạn.

Trân trọng!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn nêu trên chỉ nhằm mục đích tham khảo. Tùy từng thời điểm có sự thay đổi về chính sách pháp luật mà nội dung tư vấn có thể được điều chỉnh. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc góp ý xin vui lòng liên hệ về email: npttrinhlaw@gmail.com.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *