Có tòa cho rằng ba bà đều là vợ, tòa thì bảo chỉ có hai bà… Bà E. sống chung với ông C. từ năm 1979 và có với nhau bốn người con nhưng không được pháp luật công nhận là vợ chồng…

Hơn năm năm trước, sau khi ông C. mất, gia đình ông đã vướng vào một vụ kiện đòi chia di sản của ông để lại. Sự việc càng phức tạp hơn bởi khoảng năm 1950 và 1960, ông C. sống như vợ chồng với hai phụ nữ khác…

Cả ba đều là vợ

Tháng 5-2005, TAND huyện Củ Chi (TP.HCM) xử sơ thẩm, dù không nhận định gì đến vai trò của ba bà vợ ông C. nhưng đã công nhận các con chung. Về việc chia thừa kế, tòa nhận định tài sản đòi chia là mảnh đất không phải của ông C. nên không thể chia cho các thừa kế.

TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm vì cho rằng tòa cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng, không triệu tập đủ người liên quan.

Tháng 12-2007, TAND huyện Củ Chi xét xử sơ thẩm lại vụ án và lần này xác định ông C. có ba bà vợ. Hai bà ông sống từ những năm 1950 và 1960; bà còn lại là bà E., ông sống từ năm 1979 cho đến khi mất. Đồng thời, tòa chấp nhận chia cho các đồng thừa kế phần di sản ông C. để lại.

Tháng 3-2008, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án cũng đã xác định ông C. có ba bà vợ như trên nhưng lập luận tại sao ba bà là vợ của ông C. thì tòa không đề cập tới. Cạnh đó, tòa cũng nhận định phần chia thừa kế tòa cấp sơ thẩm đã xử đúng…

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

 

Chỉ còn lại hai bà

Sau án phúc thẩm, tháng 5-2009, viện trưởng VKSND Tối cao quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Kháng nghị cho rằng nếu có việc ông C. chung sống với bà thứ hai từ năm 1960 thì cũng không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Bà E. sống với ông C. từ năm 1979 nên cũng không được công nhận là vợ chồng… Riêng bà còn lại, ông C. sống từ năm 1950 thì phải được coi là vợ ông C.

Tháng 7-2009, TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM, giao cho tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại. Quyết định cho rằng theo Nghị quyết số 02 ngày 19-10-1990 của TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp lệnh thừa kế thì hai bà sống với ông C. từ những năm 1950, 1960 nêu trên mới là vợ chính thức của ông C. Mặc dù bà E. sống chung với ông C. từ năm 1979 và có với nhau bốn người con nhưng không được pháp luật công nhận là vợ chồng vì sống chung sau khi có Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959.

 

Tháng 3-2010, TAND huyện Củ Chi xét xử sơ thẩm lần ba đã nhận định như quyết định giám đốc thẩm. Theo đó, ông C. chỉ có hai bà vợ nêu trên, còn bà E. dù sống với ông C. từ năm 1979 (sau khi có Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959) nên không được công nhận là vợ chồng.

Bà E. tiếp tục kháng cáo nhưng vừa qua, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm nhận định như bản án sơ thẩm và tuyên y án…

Bà E. cũng là vợ ông C.?

Theo TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM,Nghị quyết 35 (ngày 9-6-2000) về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình và Thông tư liên tịch số 01 của TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp (ngày 3-1-2001) hướng dẫn nghị quyết nói trên quy định: Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3-1-1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Theo đó, nam và nữ được coi là chung sống với nhau như vợ chồng nếu như họ có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp: việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình… "Tôi cho rằng bà E. và ông C. có đủ các yếu tố quy định này. Tòa án phải công nhận bà E. là vợ ông C. và theo đó, bà cũng là một trong những đồng thừa kế…" – TS Nguyễn Văn Tiến nói.

Công nhận hai bà trước là vợ: Phải có chứng cứ!

Theo Nghị quyết số 02 ngày 19-10-1990 của TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thừa kế năm 1990), trong trường hợp một người có nhiều vợ (trước ngày 13-1-1960, ngày công bố Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 đối với miền Bắc; trước ngày 25-3-1977, ngày công bố danh mục văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước đối với miền Nam và đối với cán bộ, bộ đội có vợ ở miền Nam sau khi tập kết ra bắc lấy thêm vợ mà việc kết hôn sau không bị hủy bỏ bằng bản án có hiệu lực pháp luật), thì tất cả các người vợ đều là người thừa kế hàng thứ nhất của người chồng và ngược lại, người chồng là người thừa kế hàng thứ nhất của tất cả các người vợ.

Nếu có chứng cứ (bằng văn bản) hoặc sự làm chứng khách quan của những người xung quanh về việc họ chung sống như vợ chồng thì có thể công nhận là vợ chồng. Tuy nhiên, để được công nhận là vợ chồng thì tòa cần phải chú trọng vào chứng cứ (bằng văn bản), hộ khẩu, khai sinh, các loại giấy tờ khác.

Ngược lại, nếu không chứng minh được thì sẽ không được coi là vợ chồng. Khi đó, bà E. mới thực sự là vợ vì đủ các điều kiện được quy định tại Nghị quyết 35 ngày 9-6-2000 về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình và Thông tư liên tịch số 01 của TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp ngày 3-1-2001 hướng dẫn nghị quyết nói trên.

Trường hợp này, theo tôi, các cấp tòa sơ, phúc thẩm chưa đưa ra được chứng cứ và sự làm chứng khách quan mà đã công nhận hai bà trước là vợ là chưa thỏa đáng. Cụ thể: Người con gái được cho là con chung giữa ông C. và bà thứ hai lại khác họ với ông C. Ngoài ra, chính quyền địa phương nơi bà thứ nhất và bà thứ hai đều xác nhận trong sổ bộ gốc cho thấy hai bà này không hề có liên quan đến ông C…

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Đã đủ chứng cứ rồi, không cần chứng minh nữa!

Do hoàn cảnh lịch sử của nước ta, những người chung sống như vợ chồng với nhau từ trước ngày miền Nam giải phóng đều được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp, đều được hưởng thừa kế di sản của nhau. Trong tinh thần đó, Nghị quyết số 02 ngày 19-10-1990 của TAND Tối cao đã hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 như sau: Trong trường hợp một người có nhiều vợ (trước ngày 25-3-1977 đối với miền Nam) thì tất cả các người vợ đều là người thừa kế hàng thứ nhất của người chồng.

Dĩ nhiên về nguyên tắc, khi đương sự nêu yêu cầu trước tòa cũng như khi tòa quyết định việc gì đều phải có chứng cứ. Qua vụ án này, việc công nhận hai bà vợ trước là vợ, cũng như không công nhận bà E. là vợ, theo tôi, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã có đủ chứng cứ thuyết phục. Thực vậy, qua hồ sơ cho thấy tại biên bản lấy lời khai của bà E. và các con của bà E. tại tòa ngày 22-8-2005, họ đã xác nhận ông C. có tất cả ba vợ và sáu người con; theo đó gồm có cả hai vợ trước 1975 và hai người con của hai vợ đó. Trong đó có người con gái chung của ông C. và bà vợ thứ hai, dù người con đó mang họ mẹ, khác họ ông C. Cũng cần để ý là theo pháp luật trước năm 1975, vợ chồng không có đăng ký hôn thú hợp pháp, con đẻ ra phải theo họ mẹ, không được lấy họ cha. Vả lại, trong hồ sơ vụ án, nhiều nhân chứng đã xác nhận sự kiện này (như lời khai của em ông C. và các nhân chứng khác đã được lấy lời khai thành bút lục).

Vào thời điểm năm 1979, ông C. chung sống như vợ chồng với bà E., đó là quan hệ không hợp pháp, không được pháp luật công nhận là vợ chồng vì lúc đó ông C. đang có vợ, hai người không đủ điều kiện kết hôn với nhau (theo Điều 10, Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình và Nghị quyết số 35 ngày 9-6-2000).

Theo tố tụng dân sự, khi một bên đương sự thừa nhận những tình tiết, sự kiện do bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không cần phải chứng minh nữa. Cũng như lời khai của đương sự và lời khai của người làm chứng đều được coi là chứng cứ. Nguyên tắc này được các tòa án áp dụng thống nhất từ trước đến nay và pháp luật hiện hành cũng vậy (theo Điều 81, 82, 83 Bộ luật Tố tụng dân sự).

Luật sư-Tiến sĩ PHAN ĐĂNG THANH

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM – TIẾN HIỂU

Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/

(Nptlawyer.com LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

————————————————-

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *