Kính chào luật sư! Hiện tại tôi có 1 vấn đề liên quan đến đất đai rất mong nhận được sự tư vấn của luật sư. Cuối năm 2014, gia đình anh B mua đất và xây nhà tại lô đất bên cạnh nhà tôi, nhưng do chủ đất không cắt đường đi nên anh Bình đã đặt vấn đề để xin được đi chung đường với gia đình tôi. Vì tình cảm hàng xóm láng giềng nên gia đình tôi đã đồng ý cho sử dụng chung lối đi với giá trị tiền mặt là 30 triệu đồng.

Anh B đồng ý và xây nhà đã xong khoảng gần 1 tháng nhưng không hề nói chuyện lại với gia đình tôi, ngược lại lại có thái độ hách dịch nói là đường này là đường của xã hội và "tôi thích đi thì đi". Thực chất con đường này là do gia đình tôi mở ra và có trong sổ đỏ thuộc quyền sử dụng của gia đình. Sau đó anh ta có sang nói chuyện lại và đưa cho gia đình tôi 10 triệu đồng nhưng gia đình tôi không nhận. Anh ta cậy thế có người nhà làm công an tỉnh nên đã gọi công an Thành phố về giải quyết. Gia đình tôi đã rất tình cảm, ban đầu đã cho gia đình anh ta đi nhưng do thái độ của anh ta nên bây giờ gia đình tôi quyết định không cho đi chung đường nữa. Nhưng anh ta vẫn gọi công an, địa chính đến để mọi chuyện càng phức tạp hơn. Trường hợp này mong được sự tư vấn thêm của văn phòng luật sư để tôi nắm bắt thêm về luật đất đai và hướng dẫn cách giải quyết sự việc trên. Mong được trả lời trong thời gian sớm nhất. Xin chân thành cảm ơn luật sư!

Người gửi: L.S

Câu trả lời được biên tập từ chuyên mục Tư vấn pháp luật đất đai của Nptlawyer.com ;,

Gọi Luật sư tư vấn trực tiếp về pháp luật đất đai: .

Trả lời:

 

Cảm ơn bạn đã tin tưởng Nptlawyer.com ;, về thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp và tư vấn như sau:

Cơ sở pháp lý:

Bộ luật dân sự 2005. 

Luật đất đai 2013. 

Nội dung tư vấn:

Về việc mở lối đi cho nhà liền kề, Luật đất đai 2013 có quy định:

"Điều 171. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề

1. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề.

2. Việc xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 95 của Luật này."

Bên cạnh đó, Bộ luật dân sự 2005 có quy định rõ hơn như sau:

"Điều 275. Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề  

1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù."

Theo đó, nếu nhà anh B không có lối đi thì anh B có quyền yêu cầu các hộ có đất liền kề dành ra cho mình một lối đi và có thỏa thuận đền bù hợp lý. Việc anh B lựa chọn muốn nhà nào nhượng lại phần đất để làm lối đi cho mình, diện tích đất là bao nhiêu và đền bù như thế nào, hoàn toàn phụ thuộc vào sự thảo thuận giữa các bên có liên quan.

Trong trường hợp hộ của bạn là hộ duy nhất có thể mở lối đi cho anh B thì bạn bắt buộc phải thực hiện, mức đền bù do hai bên tự thỏa thuận. Nếu cùng có nhiều hộ liền kề có khả năng mở lối đi thì sẽ ưu tiên lấy lối đi của hộ nào thuận tiện cho việc đi lại nhất, mà ít gây thiệt hại cũng như ảnh hưởng xấu nhất cho bên nhường đất lối đi nhất. Do đó, khi nhà của bạn đã có sẵn lối đi phù hợp với yêu cầu của anh B thì gia đình bạn nên cho anh B quyền dùng chung lối đi đó, và hai bên cần thỏa thuận hợp lý để có mức đền bù thỏa đáng, tránh gây những tranh chấp không đáng có.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật đất đai.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *