Mua bán hợp pháp, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… nhưng vẫn bị TAND Hai Bà Trưng tước quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất vì cho rằng “không chứng minh được nguồn gốc số tiền mua nhà”, trong khi đó người được công nhận chỉ là người được ủy quyền thanh toán tiền mua nhà đất. Tòa án đã “phớt lờ” nhiều chứng cứ được đưa ra…?

Công nhận quyền sở hữu cho người được ủy quyền

Theo đơn gửi ĐS &PL, vợ chồng bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ và ông Trần Thiện Cường cho biết: ngôi nhà và quyền sử dụng đất tại số 100 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do vợ chồng bà mua của gia đình bà Đào Thị Duyệt. Hợp đồng mua bán được lập ngày 24.4.1995 tại Phòng công chứng nhà nước số 1 Hà Nội. Sau khi mua nhà và quyền sử dụng đất, vợ chồng bà đã cho ông Nguyễn Văn Điền, Giám đốc Công ty TNHH Long Sơn mượn sử dụng.

Năm 2001, vợ chồng bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ đã được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 185, 1m2 và quyền sở hữu nhà tại số 100 Đại Cồ Việt. Năm 2006, do có nhu cầu sử dụng nhà nên vợ chồng bà Mỹ Lệ đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Điền trả lại nhà. Tuy nhiên, ông Điền không trả nhà mà cho rằng, căn nhà và đất này là của ông vì chính ông mới là người trả tiền mua nhà. Trong đơn phản tố đối với yêu cầu khởi kiện của vợ chồng bà Mỹ Lệ, ông Điền khẳng định, ngôi nhà này ông Điền mới là chủ thực sự, vợ chồng bà Mỹ Lệ chỉ là người được ông Điền nhờ đứng tên. ông Điền viện dẫn một số “nhân chứng, vật chứng” là người môi giới mua bán đất, biên lai trả tiền…

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ cũng đưa ra các bằng chứng chứng minh quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, đó là: Hợp đồng mua bán nhà lập tại phòng công chứng. Bên cạnh đó, vợ chồng bà Mỹ Lệ còn có các giấy tờ liên quan khác thể hiện việc quản lý, sử dụng và làm nghĩa vụ của chủ sử dụng đất từ năm 1995, như tờ khai hợp thức nhà đất; đăng ký quyền sử dụng đất và văn bản xác nhận việc sử dụng đất không có tranh chấp của các chủ sử dụng liền kề. Đặc biệt, việc mua bán căn nhà này đã bắt đầu từ năm 1993. Chính ông Cường, chồng bà Lệ đã ký hợp đồng dịch vụ với Công ty kinh doanh và xây dựng nhà để công ty này đứng ra lo thủ tục mua bán. Trong suốt quá trình giao dịch, chỉ có một nội dung liên quan đến ông Điền. Đó là việc ông Cường viết giấy ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Điền đứng ra thanh toán.

Trong quá trình xác minh, TAND quận Hai Bà Trưng cũng đã thẩm tra các tài liệu, chứng cứ, xác định việc mua bán giữa vợ chồng bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ với bà Đào Thị Duyệt là hợp pháp. Song, TAND quận Hai Bà Trưng cho rằng, vợ chồng bà Mỹ Lệ không chứng minh được nguồn tiền mua nhà đất. Người đứng ra trả tiền mua nhà đất là ông Nguyễn Văn Điền. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Điền mới thực sự là chủ của tài sản này. Tòa cho rằng, vợ chồng bà Lệ chỉ “đứng tên” thay ông Nguyễn Văn Điền.

.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  

Một bản án thiếu thuyết phục

Có thể nói quyết định của TAND quận Hai Bà Trưng là thiếu thuyết phục, không dựa trên việc xét một cách toàn diện các chứng cứ vì hiện không có một tài liệu, chứng cứ nào cho thấy có việc “nhờ đứng tên” như ông Điền khai. Đây chỉ là lời khai đơn phương của đương sự. Thế nhưng, TAND quận Hai Bà Trưng lại cho rằng việc “nhờ đứng tên” đó là có thật.

Bên cạnh đó, TAND quận Hai Bà Trưng cho rằng, trong quá trình mua bán, ông Nguyễn Văn Điền là người ký hợp đồng dịch vụ môi giới mua bán nhà với ông Lê Văn Hợp. Từ đó, Tòa phán quyết, ông Điền mới là chủ nhà thực sự chứ không phải là vợ chồng bà Mỹ Lệ, những người đang sở hữu nhà và sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, về chứng cứ này, TAND quận Hai Bà Trưng đã “hiểu không hết ý” của ông Lê Văn Hợp. Trong văn bản lập ngày 18.3.2008, gửi TAND quận Hai Bà Trưng, ông Lê Văn Hợp khẳng định: theo đề nghị của ông Điền, công ty của ông Hợp đã ký hợp đồng dịch vụ môi giới mua nhà với ông Cường. Căn cứ vào ủy quyền của ông Cường cho ông Điền thanh toán tiền mua bán, ông Hợp đã nhận tiền từ ông Điền để thanh toán cho bên bán. Điều này là phù hợp với mong muốn của ông Cường và ông Điền.

Theo quy định của pháp luật, việc chứng minh quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất phải dựa vào các tài liệu, chứng cứ, như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán hoặc giao dịch dân sự khác về chuyển quyền sở hữu nhà, sử dụng đất… Không có quy định nào về việc, người được ủy quyền đứng ra thanh toán lại trở thành chủ sở hữu nhà. Việc tòa căn cứ vào nguồn các phiếu chi, giấy biên nhận tiền khi thanh toán để công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với ông Nguyễn Văn Điền là mang tính suy diễn chủ quan. Số tiền thanh toán khi mua nhà cũng đang là vấn đề tranh cãi. ông Điền cho rằng đó là tiền của cá nhân ông bỏ ra. Phía nguyên đơn, vợ chồng bà Lệ cho rằng, đó là lợi nhuận của công ty mà vợ chồng bà Mỹ Lệ và ông Điền đã cùng kinh doanh chung (?). Đến nay, số tiền mua nhà là tiền riêng của ông Điền hay lợi nhuận từ việc kinh doanh chung cũng không được Tòa làm rõ.

Bức xúc trước phán quyết của TAND quận Hai Bà Trưng, vợ chồng bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ đã làm đơn kháng cáo lên Tòa án cấp trên để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT  – MINH LÝ

Trích dẫn từ:http://doisongphapluat.com.vn/

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

 THAM KHẢO DỊCH VỤ PHÁP LÝ LIÊN QUAN:

1. Dịch vụ trước bạ sang tên nhà đất;

2. Tư vấn thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất;

3. Tư vấn thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất;

4. Dịch vụ tư vấn đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất;

5. Dịch vụ công chứng theo yêu cầu và tư vấn sang tên sổ đỏ;

6. Dịch vụ tư vấn đăng ký thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *