Cuối năm 1973, bà H. ký giấy bán một căn nhà tại huyện Hóc Môn (nay thuộc quận 12, TP.HCM) cho cha của bà N. Trong giấy, các bên thỏa thuận giá bán căn nhà là 80 ngàn đồng. Về tiền đất thì mỗi năm cha của bà N. phải trả cho chủ đất 500 đồng. Sau khi cha mẹ qua đời, bà N. tiếp tục sử dụng nhà, đất.

Gần 35 năm ở ổn định trên đất, giờ bị đơn bị cấp sơ thẩm buộc trả hơn 700 triệu đồng tiền đất cho nguyên đơn.

Lúc đòi hoa lợi…

Bán nhà được hơn 20 năm, bà H. tranh chấp với bà N. về hoa lợi trên đất. Theo Luật Đất đai năm 1993 (có hiệu lực vào thời điểm giải quyết tranh chấp), loại việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND. Thế nhưng vào năm 1996, UBND huyện Hóc Môn lại ban hành quyết định giải quyết tranh chấp theo hướng công nhận hiện trạng sử dụng đất cho bên mua nhà.

Sau khi quận 12 được thành lập, chị ruột của bà H. lại nộp đơn yêu cầu UBND quận 12 giải quyết tranh chấp đòi bồi hoàn hoa lợi trên đất. Lại lần nữa, UBND quận 12 làm sai thẩm quyền giải quyết khi ban hành quyết định bác đơn của chị bà H. vào năm 2002. Chị bà H. đã khởi kiện UBND quận 12 ra tòa.

Tháng 9-2004, TAND quận 12 mở phiên xử sơ thẩm vụ án hành chính và bác đơn khởi kiện của chị bà H. Đến phiên xử phúc thẩm hồi tháng 3-2005, TAND TP.HCM tuyên hủy quyết định giải quyết tranh chấp của UBND quận 12. Cấp phúc thẩm khẳng định tranh chấp đòi hoa lợi trên đất là loại việc dân sự nên UBND các cấp không được thụ lý, giải quyết.

 

Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số:  –

… Lúc đòi đất

Chị bà H. quay về TAND quận 12 để nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự đòi hủy hợp đồng mua bán nhà. Tháng 3-2006, TAND quận 12 xử sơ thẩm vụ án và công nhận phần nền nhà đã thuộc quyền sử dụng của bên mua. Theo cấp sơ thẩm, tại thời điểm các bên giao dịch thì đất cho thuê do nhà nước quản lý nên không có chuyện bồi hoàn. Gia đình bà N. đã mua nhà và ở trên đất từ năm 1973, có kê khai đăng ký nhà đất, đóng thuế đầy đủ.

Phúc thẩm vụ án hồi tháng 5-2006, TAND TP.HCM đã tuyên hủy án sơ thẩm. Cấp phúc thẩm xác định căn nhà là tài sản chung của hai chị em bà H. Anh rể bà H. có góp tiền xây dựng căn nhà. Khi ông mất thì phát sinh thừa kế. Do chồng bà H. – người đứng tên bán nhà chung với vợ – đã chết nên cũng phát sinh thừa kế. Cấp sơ thẩm đã có thiếu sót khi không đưa các đồng thừa kế của hai người chồng vào tham gia tố tụng.

Hồ sơ vụ án được chuyển về TAND quận 12 xét xử lại. Sau đó, do xác định có đương sự thường trú ở nước ngoài nên TAND quận 12 chuyển hồ sơ vụ án lên TAND TP.HCM.

Có đòi được không?

Tháng 7-2009, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lại vụ án và cho rằng việc đòi đất của nguyên đơn là có cơ sở. Bởi lẽ căn nhà thuộc sở hữu chung của hai chị em. Bà H. tự ý định đoạt mà chưa có sự đồng ý của chị ruột là không đúng. Trong tờ bán đất, các bên thể hiện ý chí chỉ mua bán nhà, còn tiền đất thì bên mua phải trả cho chủ đất 500 đồng mỗi năm. Như vậy, tại thời điểm mua bán và cả về sau, đất nền nhà vẫn thuộc quyền sử dụng của chị em bà H.

Định giá phần đất khoảng 45 m2, hội đồng xét xử tuyên buộc bà N. thanh toán cho nguyên đơn hơn 700 triệu đồng. Phản đối nhận định này, bà N. cho rằng vào thời điểm năm 1973, số tiền 80 ngàn đồng là rất cao. Giá đó phải bao gồm cả nhà và đất.

Cùng hoàn cảnh tương tự bà N. còn có bốn hộ khác. Các hộ này cũng được bà H. ký giấy bán nhà vào các năm 1960, 1975, 1976 và đều giao kết tiền đất trả hằng năm. Giờ họ phải đi hầu tòa do chị ruột của bà H. phát sinh tranh chấp. Gia đình bà N. cho biết họ đang hy vọng vào một kết quả ngược lại tại phiên xử phúc thẩm. Vì lẽ mới đây, một trong bốn hộ bị chị ruột bà H. khởi kiện với nội dung tranh chấp giống trường hợp của bà N. đã thắng kiện tại phiên xử sơ thẩm.

Cách xử lý có khác nhau qua từng thời kỳ

Trước đây, theo Quyết định 111-CP ngày 14-4-1977 của Hội đồng Chính phủ (về việc ban hành chính sách quản lý và cải tạo XHCN đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị của các tỉnh phía Nam), nhà nước trực tiếp quản lý toàn bộ đất cho thuê, không phân biệt diện tích nhiều hay ít và nói chung không bồi hoàn, trừ trường hợp đặc biệt. Điều này đồng nghĩa với việc chủ đất không được quyền đòi lại đất cho thuê dưới bất kỳ hình thức nào. Nay theo Nghị định 181 ngày 29-10-2004 của Chính phủ, hộ gia đình, cá nhân có quyền đòi lại đất ở đã cho thuê (mà nay trên đất đó còn nhà ở hoặc không còn nhà ở) khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định; có văn bản thỏa thuận về việc thuê đất.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM – HOÀNG LAM

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

 —————————————————————–

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *