Cấp sơ thẩm phân định thắng thua dựa vào biên bản hòa giải chỉ có mỗi ý kiến của người chồng. Năm 1991, sau khi mua của bà N. bốn công đất tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, bà H. đã được UBND huyện Nhà Bè cấp “giấy đỏ”. Trên “giấy đỏ”, bà H. đứng tên đại diện cho cả hộ. Hơn chục năm sau, bà N. đã kiện bà H. ra tòa để đòi lại một phần đất đã bán.

Thua kiện vì lời khai của chồng

Bà N. bảo mình chỉ bán bốn công đất nhỏ, diện tích 2.500 m2. Phía bà H. lại bảo mình đã mua bốn công đất lớn, gần 4.000 m2. Do “giấy đỏ” hộ bà H. được cấp ghi diện tích gần 4.000 m2 nên bà N. từng yêu cầu bên mua điều chỉnh lại “giấy đỏ” nhưng chưa ngã ngũ. Ý muốn của bà N. là bên mua phải hoàn trả gần 1.500 m2 đất thừa.

Năm 2005, chồng bà H. từng hai lần ra UBND xã Phước Lộc để tham gia hòa giải tranh chấp và đều phát biểu theo hướng bất lợi cho vợ mình! Lần đầu, ông khẳng định mình chỉ mua bốn công đất nhỏ nên đồng ý trả lại toàn bộ phần đất thừa. Lần thứ hai, ông vẫn bảo mình chỉ mua bốn công đất nhỏ nhưng không chịu hoàn hết phần đất thừa mà đòi hưởng một nửa trong số đó.

Đầu năm 2007, do hòa giải không thành nên bà N. đã đứng đơn kiện bà H. ra tòa để đòi lại đất thừa. Tháng 8-2008, TAND huyện Nhà Bè mở phiên xử sơ thẩm tranh chấp trên. Tại tòa, vợ chồng bà H. khai phần đất mình mua là bốn công lớn. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm căn cứ vào hai biên bản hòa giải lập năm 2005 tại UBND xã Phước Lộc để phân xử tranh chấp và hẳn nhiên là phía bà H. bị thua kiện.

Gia đình bà H. kháng cáo với lý do không có đất thừa để trả cho bà N. Lại nữa, “giấy đỏ” cấp năm 2001 đã ghi rõ toàn bộ diện tích đất trên là của gia đình bà.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

 

Biên bản hòa giải có hợp lệ?

Cả hai lần hòa giải tại UBND xã Phước Lộc chỉ có chồng bà H. tham gia. Hai biên bản của xã không hề nêu rõ lý do bà H. vắng mặt tại phiên hòa giải, cũng không nói rõ bà H. có ủy quyền cho chồng thay mặt mình tham gia hòa giải hay không.

Theo luật sư Nguyễn Đình Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), nếu bà H. không ủy quyền cho chồng được thay mặt mình tham gia hòa giải thì biên bản hòa giải không có giá trị. Bởi lẽ “giấy đỏ” được cấp cho hộ gia đình nên chồng bà H. chỉ có thể một mình tham gia hòa giải khi có văn bản ủy quyền của vợ và của các thành viên khác trong gia đình.

Theo luật sư Hùng, tòa án cần xem xét lại tính hợp lệ của biên bản hòa giải này. Trường hợp bà H. chưa ủy quyền cho chồng thì việc đại diện tham gia hòa giải của chồng bà H. là sai. Ý kiến của người chồng lúc này không phải là ý kiến của người đại diện chính thức của hộ gia đình. Do vậy, tòa án không thể dựa vào hai biên bản này để giải quyết tranh chấp. Khi đó, tranh chấp phải được trả về để xã hòa giải lại.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM  THỤY CHÂU

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/

(Nptlawyer.com LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————–

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *