Nông trường 352, nay là Công ty cà phê 15 (Cty 15) đã qua 20 năm giải thể, trả lại đất cho chính quyền địa phương, chuyển qua địa bàn khác và UBND huyện đã cấp sổ đỏ cho dân từ năm 1993. Thế nhưng, kỳ lạ là nay công ty này đột nhiên quay về "chốn cũ" đòi trả lại đất cho họ! Việc làm bất bình thường này không chỉ gây bức xúc cho các hộ dân liên quan mà còn gây nên làn sóng bất bình tại địa phương. Thực hư vụ việc ra sao? Từ việc giải thể, trả đất

Trên khu đất diện tích khoảng hơn 12 ha mượn của địa phương, tọa lạc tại xã Pơng Đrang nay là xã Ea Đê, thị trấn Buôn Hồ, huyện Krông Buk, từ năm 1987- 1989, Nông trường (NT) 352 tiến hành trồng cà phê. Do luôn đối mặt với muôn khó khăn như không quản lý được vườn thửa; đất ở vị trí cao không đủ nước tưới; cây cà phê phát triển xấu, sản lượng thấp, thua lỗ nặng nên năm 1991, NT 352 giải thể, bán thanh lý vườn cà phê, thu hồi vốn, trả đất lại cho UBND huyện Krông Buk, trong đó có 06 ha cà phê NT 352 đã bán đứt, thu tiền ngay của một số hộ dân, giá bình quân 5 triệu/ha. Đây là những thửa gần nguồn nước tưới, cây cà phê phát triển tốt. Diện tích cà phê còn lại cũng đã lên phương án bán cho huyện với giá 21.300.000 đồng nhưng huyện từ chối mua. Sau đó, ông Trần Hữu Thung đứng ra làm đơn xin hợp đồng với NT 352 viết: "Sau khi hết thời gian hợp đồng nghĩa là đơn vị thu hết vốn đầu tư tôi tiếp tục được sử dụng số diện tích tài sản nói trong hợp đồng tôi chỉ phải nộp thuế nông nghiệp…", và đã được Ban giám đốc NT 352 đồng ý, cho làm hợp đồng chấp nhận giao 5,67ha. Tiếp đó, ông Thung sang lại cho 04 hộ dân nghèo là Trần Kim Toàn, Lưu Quang Toản, Nguyễn Khắc Thắng, Nguyễn Văn Ánh diện tích đất cà phê này để trồng chăm sóc, trồng mới hầu như 100% và trả bằng sản phẩm trong vòng 08 năm từ năm 1991. Sau khi NT 352 sang đất cho các hộ và trả đất, căn cứ vào đề nghị của UBND xã và bản đồ quy hoạch sử dụng đất dân cư, năm 1993 UBND huyện Krông Buk đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các hộ dân nói trên. Việc làm đó hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 

 

Đến việc đâm đơn đòi đất!

Sự việc đến đó tưởng không còn gì để nói. Nhưng vừa qua Cty 15 lại đâm đơn đòi lại đất!. UBND huyện Krông Buk đã có văn bản yêu cầu Cty 15 cung cấp toàn bộ hồ sơ cấp đất của các cấp có thẩm quyền cho đơn vị và các hồ sơ bán thanh lý vườn cà phê. Nhưng Cty này không có mà liên tục kiện cáo, phát văn bản yêu cầu xã, huyện thu hồi "sổ đỏ" đã cấp cho dân!.

Qua các tài liệu chứng cứ thu thập được cho thấy: Năm 1991 ông Thung là người trực tiếp đứng ra giúp NT 352 thu hồi vốn và đến thời điểm năm 1998, các hộ này đã trả cho NT 352 tổng số tiền là 66.600.000 đồng, thay vì phải trả 21.300.000 đồng. Chênh lệch con số này cho thấy 04 hộ dân nghèo đã phải trải qua phương thức mua bán trả chậm với lãi suất cao. Căn cứ vào Tờ trình 01/TT ngày 20.4.1991 : "Về việc giải thể Khu vực Đoàn bộ cũ 352 trả đất cho huyện và nhượng bán vườn cây – tài sản thu hồi vốn" của NT 352 kèm theo "Bảng báo cáo giá nhượng bán" thì đến thời điểm từ năm 1998, NT 352 đã thu hồi vốn vượt qua con số dự toán hàng chục triệu đồng và không còn liên quan gì với vườn cây cà phê, nên việc các hộ dân vào năm 1993 được UBND huyện Krông Buk cấp GCNQSDĐ là điều dễ hiểu. Diện tích đất này đã được ông Thung nhượng lại năm 1991, 04 hộ đã thanh toán đủ tiền. Căn cứ vào Luật Đất đai 2003, Nghị định 181/2004/NĐCP ngày 29.10.2004 của Chính phủ thì các thửa đất trên do 4 hộ Toàn, Toản, Thắng, Ánh canh tác liên tục, sử dụng ổn định trước năm 1993, không có tranh chấp và được cấp GCNQSDĐ trước ngày 15.10.1993 là người đang sử dụng đất đúng pháp luật. Hơn nữa, vào thời điểm UBND huyện làm thủ tục cấp GCNQSDĐ không hề có bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào khiếu nại.

Đứng trước thực trạng bị kiện cáo trớ trêu đó, 4 hộ dân nói trên đã khởi kiện Cty 15 ra TAND huyện Krông Buk. Ngày 2.12.2008 TAND huyện đã thụ lý và ngày 8.1.2009 toà này ra Quyết định (QĐ) số 253 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Yêu cầu các cơ quan, tổ chức giữ nguyên hiện trường quyền sử dụng đất rẫy cà phê đang tranh chấp với Cty 15 thuộc các thửa đất của 4 hộ Nguyễn Văn Ánh, Lưu Quang Toản, Nguyễn Khắc Thắng, Lê Kim Toàn đã được UBND huyện Krông Buk cấp GCNQSDĐ. Thế nhưng, không hiểu sao đùng một cái ngày 29.3.2009 (tức 3 tháng sau đó) Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Buk lại ký QĐ số 968 thu hồi, huỷ bỏ giá trị pháp lý GCNQSDĐ của 4 hộ nói trên!?

Qua sự việc trên, nhiều luật gia, luật sư cho rằng, việc Cty 15 kiện người dân đòi lại đất là trái pháp luật. Bởi lẽ, Cty 15 chưa hề được cơ quan có thẩm quyền giao đất, trước đó NT 352 mượn đất và đã trả lại cho huyện, và chính quyền địa phương đã cấp GCNQSDĐ lâu dài cho dân từ tháng 10.1993 là đúng với Luật Đất đai lúc bấy giờ. Ngoài ra, cùng một vụ tranh chấp QSDĐ, nhưng trong lúc TAND huyện Krông Buk đang thụ lý và đã ra QĐ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giữ nguyên hiện trường theo luật định, thì sau đó UBND huyện lại tham gia giải quyết và ra QĐ thu hồi GCNQSDĐ của 4 hộ là không đúng với quy định của pháp luật. Vụ việc nói trên sẽ được giải quyết ra sao?

SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT – PHÚC ÂN – PHẠM HOÀNG

Trích dẫn từ: http://doisongphapluat.com.vn/

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

——————————————————-

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *